Khi Ðức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Ðông đến Giêrusalem, và hỏi: "Ðức Vua dân Dothái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Ðông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Ðấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: "Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng:
Phần ngươi, hỡi
Bê-lem, miền đất Giu-đa,
ngươi đâu phải là thành
nhỏ nhất của Giu-đa,
vì ngươi là nơi
vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en
dân Ta
sẽ ra đời".
Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người." Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Ðông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
Ai đã la gào đêm nay? Ðó là mẹ tôi.
Cha Ðỗ Văn (Duval) có một bài hát rất cảm động về mầu nhiệm của Giáo Hội với nhan đề "Ai đã la gào đêm nay?"
Ai đã la gào đêm nay? Ðó là mẹ tôi.
Ai đã la gào đêm
nay? Ðó là mẹ tôi,
Ðó là mẹ tôi, nay hãy nghe
đây,
Trong cơn chuyển dạ, mẹ tôi.
Ðừng thiếp ngủ, ô hay
Ai đã la gào đêm nay?
Ðó là mẹ tôi, này hãy
nghe đây.
Khi trên đôi má gầy
Mẹ tôi, Ðức Giêsu Kitô
Ðã đặt chiếc hôn này."
Giáo Hội được mô tả như người mẹ mang nặng đẻ đau khiến đàn con không bao giờ quên được tình mẹ như biển cả dạt dào. Nhưng đàng sau tình mẹ là Chúa: chính Ðức Kitô yêu thương Giáo Hội và hiến mình vì Giáo Hội. (Eph5,25).
Sinh nhật chính là cuộc họp mừng lớn để đón nhận tình yêu Thiên Chúa tự hiến cho loài người. Ðêm sinh nhật ta mừng Chúa Giêsu tỏ mình ra trước tiên với những mục đồng Do Thái tại hang Bêlem. Còn Chúa Nhật Hiển Linh hôm nay ta mừng Chúa tỏ mình ra cho các đạo sĩ từ phương Ðông tìm đến thờ lạy Chúa Hài Nhi Giêsu.
Ðêm sinh nhật ta được nhắc nhở về cảnh Ðức Mẹ và thánh Giuse gõ cửa các quán trọ tại Bêlem mà không tìm được nơi tạm trú. Các vị đó đã phải trú chân ở một hang đá dưới núi. Ðó là nơi Chúa Giêsu đã cất tiếng chào đời.
Tới Chúa Nhật Hiển Linh, cam go thử thách mà Ðức Giêsu sớm gặp phải đến từ giới lãnh đạo Do Thái giáo và những người quyền thế tại Giêrusalem. Ðề tài quen thuộc của sách Tin Mừng Matthêu là: Thiên Chúa là Ðấng thành tín, Người thực hiện điều Người phán qua lời ngôn sứ xưa (Mt 1,22; 2,5.15.17.23…); bi kịch xảy ra là dân riêng của Chúa từ khước và tẩy chay Ðức Giêsu, còn dân ngoại, ngược lại đã vui mừng đón tiếp Ðấng nhân danh Thiên Chúa mà đến.
Ðức Giêsu là ai?
Nhưng theo Matthêu Ðức Giêsu là ai? Người hoàn thành Lời Thiên Chúa như thế nào?
Ðiều trước tiên Matthêu giới thiệu Ðức Giêsu với ta là cho ta biết qua gia phả (1,1-17) Người là con cháu Ðavít, con cháu tổ phụ Ap-ra-ham.
Ðiều chẳng bình thường chút nào là Ðức Giêsu được cưu mang trong dạ mẹ Maria, do quyền năng Chúa Thánh Thần (Mt 1,18) mà thôi, không do bất cứ nam nhân nào trong gia phả hay ngoài gia phả nói trên.
Nhưng Matthêu lần lượt nêu bốn địa danh nơi diễn ra những biến cố đáng kể của lịch sử cứu độ mà Ðức Giêsu là tâm điểm, đó là: Bêlem, Ai Cập, Rama và Nadarét. Tuy xuất thân từ dòng dõi vua Ðavít và từ Bêlem (Ga7,43), dân chúng vẫn kể Người là người Galilê, làng Nadarét. Vậy Mathêu cắt nghĩa cho thấy Ðức Giêsu mặc dầu là con cháu vua Ðavít nhưng đã sớm phải chạy tỵ nạn sang Ai Cập để tránh bị sát hại. Sau đó, khi hồi hương, Người được đưa về ở Nadarét thay vì ở Bêlem cũng để tránh người kế vị vua Hêrôđê là Ác-khê-lao (1,22).
Vậy trước tiên điều gì xảy ra tại Bêlem khiến Ðức Giêsu phải đi lánh nạn? Ta có đầu mối của tấn bi kịch nhưng đồng thời đó cũng là bước khai mở của ơn cứu độ dành cho muôn dân.
Bề ngoài xem ra chỉ là cuộc tranh chấp giữa hai ông vua. Ðức Giêsu, vua dân Do Thái được nhiều người ngoại đạo nhận biết và tôn kính, trong khi chính vua Hêrôđê lại tìm cách hãm hại và thanh toán Người. Cả thành Giêrusalem sôi động về biến cố Giêsu. Nhưng trong thực tế, các thượng tế và các kinh sư mặc dầu biết Bêlem là nơi sinh của vua mới chào đời, các ông không hề nhúc nhích đi tìm kiếm. Chỉ có vua Hêrôđê là quan tâm theo dõi cuộc hành trình của các đạo sĩ, nhưng rốt cuộc lại là người phản ứng một cách tàn bạo nhất khi bị các đạo sĩ bỏ rơi. Vua đã sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống (Mt 2,16).
Tại sao Matthêu nhắc tới Rama (2,18)? Rama là phần đất của chi tộc Ben-gia-min (Gs18,25) ở phía Bắc Gibêa và Giêrusalem. Gần Rama có mộ của bà Ra-khen (Tl 4,5), Ngôn sứ Giêrêmia (31,15) từng gợi lên hình ảnh bà, tượng trưng cho mẹ một dân tộc khóc thương đoàn con bị quân Babylon xâm lăng tàn sát cách thê thảm khi thủ đô Giêrusalem thất thủ năm 587 trước công nguyên.
Ðối với Matthêu, điều quan trọng hơn là sự kiện Ðức Giêsu như Môsê mới vừa chào đời đã là nạn nhân của một bạo chúa. Như Môsê, Ðức Giêsu cũng phải chạy tị nạn bên Ai Cập. Rồi điều quan trọng là Matthêu áp dụng lời ngôn sứ Hôsê "Ta đã gọi con ta ra khỏi Ai Cập" (11,1) với Ðức Giêsu. Ðức Giêsu chính là Dân mới của Thiên Chúa lên đường trong một cuộc xuất hành mới theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Người sẽ hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa trong mọi thử thách (Mt 4,1-11). Như Môsê mới, Ðức Giêsu sẽ lên núi nhận lấy các giới răn mới là các mối phúc để công bố cho dân Chúa (Mt 5,1-7.29)
Vừa mới chào đời, Ðức Giêsu đã bị dân It-ra-en từ khước; ngược lại, người được dân ngoại nhìn nhận là vua (Mt 2,2). Rồi đây Người sẽ vạch cho người Do Thái biết chính Người là "Tảng đá thợ xây loại bỏ lại trở nên tảng đá góc tường. Ðó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trưóc mắt chúng ta. Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi" (Mt 22,42-43).
Dân mới ấy của Nước Thiên Chúa như vậy sẽ phát sinh từ phần còn lại của It-ra-en là chính Ðức Giêsu. Theo Tin Mừng của Gioan: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời." (Ga3,16)
Còn hơn Môsê nữa.
Vậy Ðức Giêsu còn hơn Môsê nữa vì Người là Con Một của Thiên Chúa. Toàn bộ Tin Mừng của Matthêu đều đưa đến lời tổng kết là "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em."
Nhưng Ðức Giêsu không chỉ dùng quyền năng của Người để dạy người ta thực hiện một số việc như điều kiện để được cứu. Người dùng tình yêu để "hiến mình vì Hội Thánh; như vậy Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và bằng lời hằng sống để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền." (Ep5,25-27)
Sách Tin Mừng nào cũng nói tới việc hiến mình của Ðức Giêsu dành cho các môn đệ. Họ là khởi đầu của Hội Thánh chính Người đứng ra thiết lập (Mt 16,18-19). Riêng Tin Mừng của Thánh Matthêu nhấn mạnh khía cạnh "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta" là khía cạnh được nêu ngay ở chương đầu (1,23). Khía cạnh ấy còn được nêu như điều tổng kết lại tất cả sự nghiệp cứu thế của Ðức Giêsu khi Người đoan chắc với các môn đệ rằng: "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (28,20).
Ðức Giêsu là Con Một Thiên Chúa xuống thế làm người là để "cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." (1,21). Người xuống thế làm người hoàn toàn thuộc về một dân tộc. Ðó là dân Do Thái đã được Thiên Chúa tuyển chọn để trở nên một dân, nhờ dân này muôn dân sẽ được chúc phúc (St 22,18). Tiếc thay dân tuyển chọn ấy đã từ khước Ðức Giêsu khiến Người trở nên phần còn lại duy nhất nhờ Người mà muôn dân được hưởng phúc lành Thiên Chúa hứa ban. Trọn chương trình cứu nhân độ thế của Người là hiến mình vì Hội Thánh để Hội Thánh được thanh tẩy bằng nước và bằng lời hằng sống để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy.
Vậy lễ Chúa Hiển Linh không chỉ là việc họp mừng kỷ niệm biến cố các đạo sĩ tìm đến Bêlem để thờ lạy Chúa Giêsu Hài Nhi, nhưng là cuộc họp mừng Chúa Giêsu tỏ mình ra: Người đúng là dân mới của Thiên Chúa; nhờ Người mọi dân trên thế giới đều được chúc phúc khi biết đón nhận Người như Ðấng Thiên-Chúa-ở-cùng chúng-ta.
1. So sánh Thánh Lễ Ðêm Sinh Nhật và Thánh Lễ Chúa Nhật Hiển Linh, bạn tâm đắc được điều gì mà bạn kể là quan trọng?
2. Bạn nghĩ Matthêu có ý nói gì đáng kể ở chương 2 khi nêu 4 địa danh là Bêlem, Ai Cập, Rama và Nadarét?
3. Bạn quan niệm như thế nào về Hội Thánh qua việc Chúa Giêsu hiến mình vì Hội Thánh?… (Ep 5,25-27)