Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 27 tháng 12 năm 1998
Chúa Nhật Kính Thánh Gia Thất Năm A

Ðọc Tin Mừng Mt 2,13-15

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Bức tranh ảm đạm về gia đình

Vào năm 1990 cậu bé siêu sao màn ảnh Mạc Âu Lai (Macaulay Culkin) nổi bật với bộ phim "Ở Nhà Một Mình" (Home Alone). Bộ phim này với doanh thu hơn 500 triệu đôla đã mang về cho gia đình ngôi sao điện ảnh mới toả sáng này 5 triệu đôla. Bố mẹ cậu Mạc Âu Lai (Macaulay Culkin) từng đi làm kiếm sống. Ông Kính (Culkin) là ông Từ tại một nhà thờ ở Nữu Ước; bà Phan (Patrica Bentrup) là một nhân viên trực điện thoại. Với số tiền lớn do cậu con mang về, hai ông bà liền bỏ việc, ở nhà làm chủ những món tiền mà tài năng của cậu nhỏ còn hứa hẹn nhiều.

Nhưng kể từ khi hai ông bà ở nhà, mái ấm gia đình trở thành bất ổn. Bố mẹ Mạc Âu Lai (Macaulay Culkin) thường xuyên gây gỗ với nhau tới mức bà Phan (Patrica Bentrup) tố cáo chồng "rượu chè be bét, xúc phạm tình dục quá đáng và bội tín."

Bắt đầu đóng phim từ tuổi lên tám với bộ phim Rocket Gibralter, đến 1995 Mạc Âu Lai (Macaulay Culkin) đã 15 tuổi. Buồn nản và cô độc trong gia đình, cậu thường tìm giải khuây trong những bữa tiệc vô độ và ở những hộp đêm. Hậu quả là sự nghiệp của ngôi sao đang lên này đã khựng lại. Ba bộ phim gần đây do cậu thủ vai chính hoàn toàn không đạt được thành công như những bộ phim ban đầu. Vào đầu năm, khi thất bại trong bộ phim Mr. And Mrs. Seventh Grade, Mạc Âu Lai (Macaulay Culkin) đã được các hãng phim cho nghỉ xả hơi một thời gian để lấy lại phong độ.

Thực ra, không ít lời cảnh cáo đã được nêu về sự suy sụp các giá trị gia đình. Ở Mỹ hiện con số những đứa con sinh ngoài cương giới hôn nhân lên tới 30%. Ở Anh, một cuộc nghiên cứu mới nhất cũng cho biết 30% trẻ con sinh ra ngoài kỷ cương gia đình; hơn nữa, 20% trẻ em chỉ sống với cha hoặc mẹ và 40% cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị. Bức tranh ảm đạm ấy hiện đang lởn vởn đe dọa phần còn lại của thế giới đang phát triển.

Thử hỏi trước bối cảnh không mấy tốt đẹp của gia đình ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay, lễ kính Thánh Gia nói gì với các thành viên của gia đình về những giá trị mà Tin Mừng hằng đề cao?

Gieo gió gặt bão

Trước hết hãy khởi đi từ những giá trị tự nhiên mà ai cũng có thể nghiệm thấy. "Một thời gian dài, người Phương Tây đã lãng quên những giá trị gia đình. Người ta nói nhiều đến tự do cá nhân, đề cao việc nhập thế và giải phóng con người. Quả thật, còn gì hấp dẫn hơn cái viễn tượng được vui thú mà không chịu trách nhiệm, được tận hưởng các mối quan hệ mà không bị vướng vào một ràng buộc nào? Nhưng rồi cũng đến lúc người ta phải nghĩ lại. Hãy coi sự thịnh vượng của các quốc gia do tác giả Adam Smith (1723-1790) mô tả với "bàn tay vô hình" đã chuyển những quyền lợi kinh tế cá nhân thành tài sản tập thể. Nhưng ẩn dụ của ông cũng có giới hạn của nó: tăng trưởng kinh tế không phải là vô hạn, nó không vận hành trong một hệ thống tự tiết chế, và các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng nhanh chóng cạn kiệt. Kết quả là mất thăng bằng sinh thái, lạm phát, suy thoái và thất nghiệp.

Ðiều diễn ra trong kinh tế cũng có thể diễn ra trong quan hệ. Sau một thế hệ thấm nhuần đạo lý mới về tự do không giới hạn, người ta đang phải gặt hái những bất hạnh như: đau tim, suy nhược, nghiện rượu, nghiện thuốc lá v.v. Nhưng có lẽ nạn nhân chịu thiệt thòi nhất vẫn là trẻ em. Một cuộc nghiên cứu của giáo sư A.H. Halsey về tình trạng trẻ em trong các gia đình đổ vỡ, cho thấy các em này có xu hướng chán đời, dễ bệnh hoạn, học kém hơn, dễ bị thất nghiệp hơn, dễ bị lôi cuốn vào tội ác hơn, rồi cuối cùng chính chúng sẽ lập lại chu trình của gia đình đổ vỡ mà chúng từng là nạn nhân.

Giá trị của gia đình luôn ở thế có thể được phục hồi

Dựa vào những luật lệ và quy định tự do của mình, Phương Tây đang tách ly tình dục khỏi tình yêu, tình yêu khỏi hôn nhân, hôn nhân khỏi việc sinh con, và việc sinh con khỏi trách nhiệm đối với chúng. Thật không một xã hội nào có thể tồn tại nếu nó dành cho trẻ em quá ít sự bình an, sự chăm chút và tình yêu…

Nhưng điều lạc quan là các giá trị cơ bản của gia đình luôn ở cái thế có thể phục hồi. Một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy, gia đình có một nền tảng rất vững bất chấp những toan tính thoát ly nơi mỗi một con người. Cái mà Phương Tây đã từng quay lưng lại vẫn chính là cái mà họ vẫn mong muốn từ thâm sâu. Hơn nữa, quan hệ ổn định và bền lâu vẫn là điều được trân trọng. Ða số các gia đình một vợ (hoặc một chồng) đều không chọn cho mình hoàn cảnh đó, và nhiều cặp ly hôn đã bắt đầu tìm lại với nhau. Giá trị gia đình có thể được phục hồi trước hết vì nó là nền tảng của đạo đức theo đó gia đình được xây dựng trên hôn nhân, trên sự chung thuỷ và sự kiềm chế. Chính qua tình yêu gia đình đem lại sự hồi sinh cho thế giới. Ðó là nơi mỗi người phát triển ngôn ngữ, khả năng và các mối quan hệ. Ðó là nơi chúng ta học để thích ứng với các xung đột trong xã hội. Ðó là nơi chúng ta hình thành đạo lý và khám phá bản thân. Ðó cũng là nơi chúng ta đầu tiên gởi gắm và đón nhận tình yêu. Ảnh hưởng của gia đình sẽ đi theo chúng ta suốt cuộc đời. Chính nơi gia đình một thế hệ sẽ chuyển giao các giá trị cho thế hệ đi sau, và qua đó, đảm bảo sự tiếp nối của nền văn minh." Ðiều vừa trích dẫn được đăng tải ở một tờ báo Tuổi Trẻ, tiếng nói của Ðoàn Thanh Niên thành phố Saigon!

Chúa Giêsu cứu ta như thế nào?

Toàn bộ những điều vừa trình bày về gia đình, kể cả những bức tranh ảm đạm nhất như của gia đình siêu sao màn ảnh Mạc Âu Lai (Macaulay Culkin) cũng như tình trạng gieo gió gặt bão đáng sợ nhất do nền đạo đức xuống dốc nơi nhiều gia đình, cũng đều phải nhận được phần khởi sắc nhờ Thánh Lễ Kính Thánh Gia Thất hôm nay. Bài đọc 1 nêu cao lòng hiếu thảo đối với mẹ cha lá giá trị không ai nghi ngờ, như không phải ai cũng tin rằng mình đã đạt được mức hoàn thiện. Bài đọc 2 đặt cơ sở cho mối tương quan giữa vợ với chồng, giữa con cái với cha mẹ; cơ sở đó là mọi người đều thuộc về Chúa và phải làm đẹp lòng Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn cả là bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Ðức Giêsu mới chào đời đã là nạn nhân của một bạo chúa bất kể tới cương thường đạo lý ngay tại thành thánh Giêrusalem. Thử hỏi từ hoàn cảnh xem ra chẳng an toàn riêng của Người, Ðức Giêsu có ý định như thế nào để cứu ta trong hoàn cảnh hiện có của ta?

"Thuở xưa Thiên Chúa đã dùng các ngôn sứ mà nói với cha ông chúng ta nhiều lần nhiều cách. Nhưng bây giờ, trong thời buổi cuối cùng này, Ngài đã dùng chính Con của Ngài mà nói với chúng ta" (Dth 1,1-2). Xưa kia việc con của A-khát sinh ra đã được coi như một dấu hiệu về sự có mặt của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài (Is7,14). Ngày nay, việc Ðức Giêsu sinh ra là dấu hiệu mới mẻ, có tính quyết định vĩnh viễn về việc Thiên Chúa ở giữa dân Ngài. Ðức Giêsu thật là Ðấng Em-ma-nu-en nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (MT1,23).

Ðược cưu mang do quyền năng Chúa Thánh Thần, Ðức Giêsu đúng là nhân vật xuất hiện để "cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ" (Mt1,21). Ngài thi hành sứ mạng mình dưới sự thúc đẩy của Chuá Thánh Linh (3,16;4,1); các môn đồ của Ngài cũng vậy (3,11;10,20). Tóm lại sáng kiến về công trình cứu nhân độ thế phát xuất từ Thần Linh Thiên Chúa, tức là từ chính Thiên Chúa. Công trình đó như vậy đã được bảo đảm là sẽ thành công.

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối trình thuật các nhà chiêm tinh đến bái lạy Ðức Giêsu Hài Nhi (Mt 2,1-12). Tại Giêrusalem các thượng tế và kinh sư nắm chắc lời dạy của các ngôn sứ mà không nhìn nhận Vị Cứu Tinh Thiên Chúa sai đến, trong khi các nhà chiêm tinh là những người ngoại đạo lại nhìn nhận Người và tìm đến Bêlem để thờ lạy Người. Việc đó tóm tắt tấn bi kịch ở tâm điểm sách Tin Mừng Matthêu là: dân Do Thái khước từ, tẩy chay và tìm cách loại bỏ Ðức Giêsu. Họ không đón nhận Nước Thiên Chúa với nội dung như Ðức Giêsu công bố, vốn dành chỗ cho dân ngoại và cho tất cả mọi người không trừ một ai (Mt 8,10-12;24,14;28,19).

Nhưng tình yêu phổ quát của Thiên Chúa là tình yêu bất khuất không gì có thể ngăn cản được. Thiên Chúa đã quan phòng để Hài Nhi Giêsu thoát khỏi bàn tay khát máu của Hêrôđê (Mt 2,13) để lớn lên sẽ trở nên nhà lãnh đạo của dân mới của Thiên Chúa. Ðức Giêsu sẽ triển khai sống tất cả lịch sử dân Ít-ra-en. Tất cả kho tàng lịch sử Ít-ra-en sẽ được sống động nơi Người. Do đó Matthêu đã áp dụng lời ngôn sứ Hôsê là "Ta đã gọi Con Ta ra khỏi Ai cập." (c.15) để nói lên cuộc xuất hành mới do Ðức Giêsu lãnh đạo. Ðứng hàng đầu trong Dân mới của Thiên Chúa sẽ là Ðức Maria, mẹ Ðức Giêsu, và cha nuôi của Người là Thánh Giuse. Ðó là những con người được hạnh phúc đón nhận Nước Thiên Chúa vì tâm hồn không bị vướng mắc, vì lòng không rạo rực bon chen, vì đã sẵn sàng để Thiên Chúa an ủi thay vì để bất cứ điều gì khác gilày xéo tâm can. Ðó là những con người được thỏa lòng nhờ khao khát chính điều Thiên Chúa muốn. Ðó là những con người mà tâm hồn trong suốt như pha lê, nên hình ảnh của Thiên Chúa hiện lên rõ nét không chút vẩn đục. Ðó là những con người thiết tha với nền hoà bình thế giới nên góp phần tích cực xây dựng nó. Ðó là những con ngưỡi gắn bó với Ðức Giêsu đến nỗi đồng hoá với Người xuyên qua tất cả những điều Người đã trải qua tại Bêlem, nơi Ai Cập, tại Nadarét và cho tới đỉnh Núi Sọ (Mt 5,3-12).

Ðiều chắc chắn nhất để phục hồi những giá trị Tin Mừng của chế độ gia đình là mỗi người trong gia đình phải nhắm tới hạnh phúc đích thực và sống chan hoà niềm hạnh phúc đó nơi mái ấm gia đình giữa lòng xã hội hôm nay.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn nghĩ gì về cảnh gia đình siêu sao màn ảnh Mạc Âu Lai (Macaulay Culkin) bị suy sụp? Những con số về cảnh con cái sinh ra ngoài cương giới hôn nhân khá cao trong khi 40% cuộc hôn nhân ở Mỹ và Anh kết thúc bằng ly dị, điều đó có phải là mối đe dọa đối với xã hội ta đang sống chăng?

2. Bạn có những ý nghĩ nào muốn chia sẻ sau khi đọc 2 phần gợi ý "Gieo gió gặt bão" và "Giá trị của gia đình luôn ở thế có thể phục hồi"?

3. Bạn hiểu thế nào về cách Chúa Giêsu đến cứu ta trong hoàn cảnh hiện có của ta?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page