Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 6 tháng 12 năm 1998
Chúa Nhật 2 Mùa Vọng Năm A

Ðọc Tin Mừng Mt 24,37-44

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Khuôn mặt Gioan Tẩy Giả.

Ðể chuẩn bị cho dân Do thái đón nhận Ðấng Mêsia, Thiên Chúa đã sai nhiều ngôn sứ đi trước dọn đường. Gioan Tẩy Giả được hân hạnh là ngôn sứ cuối, ông chỉ cho mọi người thấy Ðấng Mêsia đang đến. Dân Do Thái vui mừng trước sự xuất hiện của Gioan, vì đã 400 năm qua, họ không được thấy bóng dáng một ngôn sứ nào trên đất nước họ.

Chúng ta cần nhìn ngắm khuôn mặt Gioan Tẩy Giả. Ông được sinh ra một cách lạ lùng lúc cha mẹ đã cao niên (Lc 1,7). Ngay khi còn trong lòng mẹ, ông đã được đầy Thánh Thần (Lc 1,15). Lần đầu tiên gặp Ðấng Mêsia, ông đã nhảy lên trong lòng mẹ vì hân hoan vui sướng (Lc 1,41.44). Ngày ông chào đời là một ngày khiến mọi người ngỡ ngàng, kinh sợ trước những điều lạ lùng. Họ tự hỏi: "Ðứa trẻ này rồi sẽ ra thế nào đây?" (Lc 1,66).

Bàn tay Chúa ở với Gioan suốt thời thơ ấu. Càng lúc Gioan càng ý thức mình là ngôn sứ dọn đường cho Ðấng Mêsia, một sứ mạng quá đỗi lớn lao. Ông đã âm thầm chuẩn bị cho sứ mạng đó bằng chính cuộc sống khác thường của mình. Ông sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en (Lc 1,80). Ông chọn lối sống độc thân như một lối sống thích hợp hơn để chu toàn trách vụ làm ngôn sứ. Ông cũng ăn mặc một cách khác thường: mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Rõ ràng ông đã chọn lối sống khổ hạnh: "rượu lạt, rượu nồng ông cũng đều không uống." (Lc 1,15). Gioan sống phù hợp với lời ông sắp giảng. Ông kêu mời mọi người hoán cải, sám hối và chính đời sống của ông cũng toát lên sự siêu thoát đối với của cải, tiện nghi, để hiến mình cho sứ mạng.

Rồi cũng đến ngày ông "ra mắt" dân Ít-ra-en. Ðiểm nổi bật nơi Gioan là sự khiêm nhượng. Khiêm nhường là đứng đúng chỗ của mình trong kế hoạch của Thiên Chúa. Gioan biết rõ chỗ đứng của mình. Ông biết mình chỉ là người giới thiệu Ðấng Mêsia. Tất cả đời ông chỉ là một tấm bảng mang mũi tên hướng thẳng về Ngài. Sự cao trọng của ông nằm ở chỗ ông đã là nhịp cầu để dân tộc của ông nhận ra Ðấng Mêsia. Ông không che khuất Ngài, không chiếm chỗ của Ngài. Chúng ta không nên quên rằng Gioan đã nổi tiếng trước Ðức Giêsu. Ông thu hút được bao đám đông đến với mình từ khắp nơi (Mt 3,5). Nhiều người đã nghĩ ông chính là Ðấng Mêsia (Lc 3,15), nhưng ông một mực từ chối. Ông tự định nghĩa mình trước tiên bằng lối phủ định: Tôi không phải là Ðấng Mêsia, cũng không phải là một Elia tái giáng hay một Ngôn Sứ phi thường (x. Ga 1,20-21). Cuối cùng ông chỉ dám nhận mình là "một tiếng hô", một lời mời gọi con người sửa đường cho Chúa đến (x.Ga 1,23). Ông biết rõ mình là người đến trước, nhưng Ðấng đến sau mới là người "quyền thế hơn", "trổi vượt hơn", vì Ngài là Ðấng có trước ông (x.Ga 1,30). Gioan đã diễn tả tính ưu việt của Ðấng Mêsia bằng lời tự thú: "Tôi không đáng cởi dép cho Người". Cởi dép là hành vi thấp hèn đến nỗi ông chủ chẳng dám bắt một người nô lệ Do Thái phải làm cho mình. Ở đây Gioan cho thấy mình không đáng làm cái cử chỉ phục vụ ấy cho Ðấng Mêsia. Ông làm phép rửa trong nước để người ta bày tỏ lòng sám hối, chuẩn bị đón Ðấng Mêsia. Nhưng Gioan biết phép rửa của ông sẽ bị vượt qua bởi phép Rửa trong Thánh Thần, phép Rửa do Ðấng Mêsia thực hiện sau này.

Gioan đã tự xoá mình trước Ðấng đến sau ông. Ông chẳng giữ lại điều gì cho mình, cả cái uy tín lẫy lừng trước đám đông ngưỡng mộ. Ông không ngần ngại giới thiệu Ðức Giêsu cho các môn đệ thân yêu nhất (Ga 1,35). Ông chấp nhận mất họ, vì cây cầu chỉ để dùng qua sông. Gioan xoá mình một cách đơn sơ, và hơn nữa, ông xoá mình trong niềm vui trào dâng. Các môn đệ của ông bực bội khi thấy dân chúng đổ xô đến với Ðức Giêsu (Ga 3,26), còn ông thì mang trong lòng niềm vui chất ngất, bởi lẽ ông đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ông tự ví mình như người bạn của chú rể, ông chẳng có quyền cưới cô dâu. Ông nói với các đồ đệ của mình: "Ðó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải lớn lên, còn thầy thì phải nhỏ lại." (Ga 3,29-30). Có ai nếm được niềm vui của người chẳng còn tìm mình như ông không?

Sám hối và hoán cải.

Cứ mỗi lần đến mùa Vọng, chúng ta lại gặp ông Gioan Tẩy Giả, một khuôn mặt khổ hạnh với những đòi hỏi quyết liệt. Thiên Chúa đã cần lời đáp của Ðức Maria để Con của Ngài có thể đi vào lòng thế giới. Thiên Chúa cũng cần Gioan Tẩy Giả để dọn đường, dọn lòng cho dân Ít-ra-en đón nhận Ðấng Mêsia. Gioan là nhịp cầu giữa Cựu Ứơc và Tân Ứơc. Ông thuộc về Cựu Ước (Lc 16,16), nhưng tay ông đã đụng đến Ðấng lập ra Tân Ứơc. Ông biết mình được sinh ra vào một thời điểm quan trọng trong lịch sử cứu độ, và được sinh ra cho một sứ mạng quan trọng. "Nước Trời đã gần": đó là tiếng hô của ông, làm rung chuyển cả vùng Giuđê và thành Giêrusalem (Mc 1,5). Nước Trời không phải là Nước sẽ được lập ở trên trời, nhưng là Nước Thiên Chúa sẽ được lập trên mặt đất. Nước ấy nay đã đến gần bên. Ðó là một tin vui, nhưng cũng là một đòi buộc kinh khủng. Ðể đón lấy Nước Trời, cần phải có thái độ sám hối và hoán cải tận căn. Ðối với Gioan, Ðấng Mêsia là vị thẩm phán đầy quyền uy và đáng sợ. Chính Ngài sẽ phân biệt người lành với kẻ dữ như người ta phân biệt thóc mẩy với thóc lép, "thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi" (Mt 3,12). "Nước Trời đã gần", "cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống" (Mt 3,7), "cái rìu đã đặt sát gốc cây" (Mt 3,10), "Ðấng đến sau tôi... sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa" (Mt 3,11), ngọn lửa của sự phán xét và tiêu diệt.

Nhưng Ðức Giêsu không phải là Ðấng Mêsia giống như lối nghĩ của Gioan. Ngài không đến như Thẩm Phán để tiêu diệt kẻ tội lỗi. Ngài đến như người tôi tớ hiền từ và khiêm hạ (Mt 18,18-21). Ngài không giáng xuống cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng lại cứu tội nhân khỏi cơn thịnh nộ ấy (1Tx 1,10). Không phải vì sợ hãi mà chúng ta phải hoán cải. Chính vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương mà chúng ta không còn muốn ở lại trong tội lỗi. Dù sao những lời Gioan mời gọi vẫn có giá trị đối với chúng ta hôm nay. Chúng ta cần hoán cải để đón Chúa đến: Chúa đến trong mùa Giáng Sinh, Chúa đến vào ngày tận thế, Chúa vẫn đến thăm ta mỗi ngày qua từng biến cố vui buồn của cuộc sống.

Ðối với Gioan, hoán cải là: dọn đường cho Chúa đến, sửa lối cho thẳng để Người đi" (Mt 3,3). Con đường dẫn vào tâm hồn ta thường cong queo và có nhiều cản trở. Chúng ta làm nhiều điều với một ý hướng thiếu trong sáng. Mỗi ngày chúng ta nói dối biết bao lần, dối mình và dối người. Bao lần chúng ta có thái độ quanh co, tránh né, thay vì nhìn thẳng vào vấn đề và nhận lấy phần trách nhiệm. Ðường sá tốt là điều kiện để phát triển kinh tế. Cũng vậy, khi những con đường dẫn vào lòng ta được khai thông và nới rộng, ơn Chúa mới có thể tràn ngập.

Hoán cải là đi thú tội và chịu phép rửa bày tỏ lòng sám hối. Nhiều người đã thú tội với Gioan (Mt 3,6). Do Thái Giáo cũng có nghi thức thú tội trong một số dịp (x.Lv 5,5-6; Nkm 9,2). Ðể thú tội cần có lòng khiêm tốn thẳm sâu, một ước muốn từ bỏ tội lỗi và quay về với Thiên Chúa. Mùa vọng là thời gian thích hợp để xưng thú tội lỗi, làm hoà với Thiên Chúa, với Hội Thánh và với tha nhân.

Hoán cải là sinh quả tốt (Mt 3,10). Hoán cải thật là hoán cải đưa đến chuyển biến trong toàn bộ cách sống. Nhiều khi chúng ta chỉ mới có "tâm tình" hoán cải thôi. Hoán cải thật sẽ đưa đến những hành động cụ thể, những cắt đứt đớn đau, những dấn thân đòi hy sinh từ bỏ. Hoán cải thật sẽ sinh quả tố trái ngọt cho đời. Augustine, Ignaxiô là những con người đã hoán cải và cho Hội Thánh nhiều trái ngọt.

Hoán cải là ra khỏi sự tự mãn, sự vững vàng của mình. "Ðừng tưởng mình có cha là Ap-ra-ham" (x.Mt 3,9). Ðừng tự hào vì mình đã được rửa tội, đã dự lễ mỗi ngày, đã tham gia vào các nhóm tông đồ... Sự tự hào có thể khiến ta mê ngủ trong sự vững vàng của mình và không chấp nhận hoán cải.

Hoán cải không phải là chuyện ta làm hai lần trong một năm, vào mùa Vọng và mùa Chay. Hoán cải là một nỗ lực thường xuyên để điều chỉnh lại hướng đi của mình, như người hoa tiêu luôn điều khiển con tàu đi đúng hướng. Hoán cải tự bản chất là một ơn của Chúa, một lời mời gọi liên tục của Ngài. Nếu chúng ta tự nguyện và can đảm mở ra để đón lấy ơn này, bất chấp những xáo trộn và đổ vỡ cần thiết, thì đời chúng ta sẽ được biến đổi một cách kỳ diệu không ngờ.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Trong đời bạn, bạn có kinh nghiệm nào về sự hoán cải chưa? Nếu có, xin chia sẻ. "Hoán cải là ơn Chúa ban và là sự đáp trả của con người.", bạn có thấy như vậy không?

2. Trong mùa vọng này, bạn sống tinh thần hoán cải như thế nào, để chuẩn bị đón Chúa?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page