Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 20 tháng 9 năm 1998
Chúa Nhật 25 Quanh Năm

Ðọc Tin Mừng Lc 16,1-13

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Tiên vàn lo tìm Nước Thiên Chúa

Tiền của là vấn đề quan trọng đối với người đời nên không thể là điều xa lạ với người môn đệ Ðức Giêsu. Trong Tin Mừng Luca chương 12 (c.13-34) lời dậy của Ðức Giêsu là trước tiên phải lo tìm Nước Thiên Chúa, của cải là thứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho (xem c.31). Vậy đừng để tiền của chiếm cõi lòng ta vì "Kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em cũng ở đó" (c.34).

Riêng trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu bàn về việc sử dụng tiền của đúng cách. Dụ ngôn người quản gia bất lương từng gây nên tranh luận. Có thật tính gian lận của người quản gia được Ðức Giêsu đề cao? Nhưng nên đọc kỹ câu 8 để thấy tài khéo léo của người quản gia này được đối chiếu với tình trạng thờ ơ của người mà Ðức Giêsu gọi là con cái của ánh sáng. Ðức Giêsu muốn các môn đệ Người phải xử sự cách khéo léo nhằm mục đích đời mình. Người không muốn họ thiếu sáng kiến trong việc sử dụng tiền của.

Với dự án kinh tế chung hiệp

Hãy lấy một ví dụ điển hình trong bối cảnh Á Châu. Noel Castro là một người trẻ năng nổ về kinh doanh. Còn là sinh viên, Noel Castro đã tạo nên mẫu áo chữ T bán cho các tổ chức ở trường anh học, là Ðại Học Ateneo của Dòng Tên ở Manila. Cũng ở đó, anh thấy nhiều sinh viên đến trường sớm chưa kịp ăn sáng, anh liền cung cấp Taho (Ðậu Hủ ngon miệng của Phi Luật Tân) để họ ăn cho đỡ đói trước khi vào lớp.

Nhưng Noel Castro không kém năng nổ về đạo đức. Trong một cuộc bầu cử về Hội Ðồng Thành Phố ở Phi Luật Tân, người anh ruột của Noel Castro bị ám sát ngay trước mặt người thân. Bố mẹ Noel Castro liền cấp tốc gửi Noel Castro đi học ở nước ngoài để có sự an toàn về tính mạng. Noel Castro nhân cơ hội đã dự một khóa đào tạo người cho Phong Trào Hiệp Nhất thế giới tại Loppiano miền Bắc Italia. Chính từ Italia anh trở về Phi Luật Tân không những với bánh phồng da kiểu Italia (người Ý gọi là Pizza) mà kinh tế chung hiệp là thứ kinh tế nhằm xây dựng nền văn minh tình yêu thay vì nền văn minh thương mại.

Năm 1991, bà Chiara Lubich đi thăm Braxin nơi phong trào Tổ Ấm của bà có tới 200,000 thành viên, kể cả chính thức lẫn cảm tình viên, mà phần đông sống trong cảnh nghèo. Chính nhằm lý tưởng "lá lành đùm lá rách", bà đã đề xuất điều mà ngày nay được gọi là nền kinh tế chung hiệp. Kinh tế phải nhắm lợi tức nhưng lợi tức để làm gì? Có ba mục tiêu phải nhắm xét theo lợi tức của nền kinh tế chung hiệp (the economy of communion) đó là: một phần ba lợi tức để giúp người nghèo, một phần ba lợi tức để lo đào tạo người thế hệ mới cho phong trào hiệp nhất thế giới. Còn lại một phần ba lợi tức dành cho việc phát triển công ty là xuất xứ của lợi tức đó.

Noel Castro khởi sự bán bánh phồng da (pizza của Italia) cách đây bảy năm. Khi ấy anh chỉ có hai người giúp việc. Nay công việc làm ăn của anh thịnh đạt tới mức số nhân viên của anh lên tới 180 người. Công ty Giacomino's đúng là một tiệm của Giacôbê, nay trở nên thời danh ở Phi Luật Tân, đến nỗi người ta phải trả tới 500,000 pêsô để được treo nhãn hiệu đó trước cửa tiệm. Hiện có trên 50 cửa tiệm ở Phi Luật Tân mang nhãn hiệu Giacomino.

Noel Castro đã không thành công tức khắc. Ban đầu anh bán đồ ăn cầm tay nhưng không cạnh tranh được với công ty quốc tế McDonald's và Jollibee. Nhưng khi anh bán bánh phồng da (pizza) kiểu Ý này thì bánh đó liền chạy như tôm tươi, không những tại thành phố Manila nhưng cả ở nơi khác nữa như ở Davao, Cebu và Baguio của Phi Luật Tân. Then chốt của thành công của anh là biết chọn địa điểm thương mại, chọn đúng giá để cạnh tranh, đúng đường lối quảng cáo để ăn khách, tuy nhiên cách quảng cáo tốt nhất vẫn là bánh phồng da (pizza) Italia ngon miệng, người ăn đứng lên vẫn còn thấy thòm thèm!

Công ty Giacomino không những lo sản xuất bánh phồng da (pizza) kiểu Ý mà còn lo phân phối sản phẩm và điều khiển một loạt những tiệm ăn Trung Hoa và Phi Luật Tân.

Phóng viên Carlo Maria Gentile của báo Thành Phố Mới trong số tháng 6/1997 có nêu một số câu hỏi và được anh Noel Castro trả lời như sau:

Phóng viên: Ðộng cơ nào thúc đẩy bạn chia sẻ lợi tức công ty Giacomino cho người nghèo.

Noel Castro: Bản thân tôi lớn lên ở khu xóm đầy người nghèo. Tôi thường tự hỏi tại sao lại có những cách khác biệt như vậy trong xã hội. Gia đình tôi có tiền mua đồ và chúng tôi là con cái được đi học, còn những nhà nghèo bên cạnh lại không được như vậy.

Cho nên tôi dấn thân vào kinh doanh mục đích giúp đỡ người nghèo. Tôi nghĩ điều ước ao đó tôi nhận được nơi gương sáng của mẹ tôi, vì tôi thường thấy mẹ tôi luôn tìm mọi cách để giúp đỡ người nghèo. Thế rồi với phong trào Tổ Ấm mà tôi tham gia, tôi được biết dự án "Một Nền Kinh Tế Chung Hiệp" như con đường ơn gọi để tôi cống hiến tài năng và cả cuộc sống tôi cho thế giới được hiệp nhất.

Phóng viên: Theo tôi biết, nền kinh tế Chung Hiệp chủ trương phát triển tài năng tự nhiên cả nơi doanh nhân lẫn các nhân viên khác của công ty. Ðiều vừa nói được áp dụng như thế với công ty của bạn?

Bí quyết thành công

Noel Castro: Trưóc hết xét theo thực tiễn, rất cần phát triển người của công ty, tức cho họ cơ hội để triển nở không những về kỹ thuật nhưng cả về con người của họ. Tôi kể đó là việc đầu tư rất tốt, bỡi lẽ người công nhân càng nhận được nhiều, họ càng đóng góp nhiều. Cho nên xét ngay về kinh doanh đã thấy có lời.

Ðiều vừa nói đã từng là bí quyết của thành công đối với nhiều công ty, bí quyết ở việc đảm bảo để các nhân viên có cơ hội triển nở về các tài năng tự nhiên. Ðó là nhu cầu đối với mọi người, từ nhân viên quản trị tới người lo việc lau chùi và phục vụ.

Quả thật, một công ty thành công không những về quản trị nhưng cả về cơ hội phục vụ nhân viên của mình.

Phóng viên: Bạn có nghĩ rằng dự án Kinh Tế Chung Hiệp ngày nào đó sẽ có chỗ đứng trong thế giới kinh doanh chăng?

Noel Castro: Nói đến Kinh Tế Chung Hiệp là đã nói tới một điều trái ngược. Bởi lẽ hai chữ kinh tế chỉ về việc quản trị của cải nhằm lợi tức; ngược lại, hai chữ chung hiệp lại chỉ về việc chia sẻ của cải mình có cho người khác đang thiếu. Dự án Kinh Tế Chung Hiệp mới được thực hiện có 6 năm nhưng đã đạt được những thành quả cụ thể đáng kể. Bản thân tôi thâm tín rằng dự án nầy sẽ mang lại một cuộc cách mạng đối với thế giới nhằm xây dựng nền văn minh tình thương, là điều mà ai từ thâm sâu cũng ao ước thiết lập cho gia đình nhân loại.

Lời phát biểu và việc làm của Noel Castro phần nào giúp hiểu ý của Ðức Giêsu muốn "con cái của sự sáng" phải biết mạnh dạn góp phần chuẩn bị cho Nước Vĩnh Cữu, đừng thua kém viên quản lý trong bài Tin Mừng về những sáng kiến táo bạo được sử dụng nhằm gây uy tín cho mình giữa các con nợ của chủ.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn tâm đắc gì về lời phát biểu của Noel Castro: "Tôi chịu ảnh hưởng do gương sáng của mẹ tôi... luôn tìm mọi cách để giúp đỡ người nghèo"? "Tôi được biết dự án "Nền Kinh Tế Chung Hiệp" như con đường của ơn gọi để tôi cống hiến tài năng của cả cuộc sống tôi cho thế giới được hiệp nhất"? "Một công ty thành công không những về quản trị nhưng cả về cơ hội phục vụ nhân viên của mình"?

2. Bạn hiểu gì về lời Chúa Giêsu dậy trong bài Tin Mừng hôm nay là: "Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được? (c.13).


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page