Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 30 tháng 8 năm 1998
Chúa Nhật 22 Quanh Năm

Ðọc Tin Mừng Lc 14,1.7-14

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì có ân nghĩa gì đâu

Một phụ nữ có tuổi bước vào một tiệm ăn mà khách hàng tự phục vụ lấy đồ ăn cho mình. Bà bưng khay đồ ăn trong đó có bát cháo khai vị ngon miệng. Bà vừa ngồi xuống liền nhận ra mình đã ngớ ngẩn quên không mang theo dụng cụ là muỗng dĩa để ăn. Vậy bà đứng dậy đi lấy dụng cụ. Nhưng khi trở lại chỗ cũ, bà lấy làm lạ thấy một người gốc Phi Châu đang bình thản ngồi ăn đĩa xúp nóng kia của bà! Ban đầu bà không biết phải ứng xử ra sao, có nên tri hô và làm to chuyện hay chỉ nên nhẹ nhàng trách người đó? Nhưng đột xuất bà nghĩ ngay tới điều bất ngờ có thể xảy ra là đài truyền hình đang làm một cú ngoạn mục với máy thu hình tàng ẩn từ một xó xỉnh nào đó! Thế là bà đã bình thản ngồi ăn với với một nét mặt tươi cười cạnh người đàn ông gốc Phi Châu kia. Bà dở gói muỗng dĩa ra và cùng ngồi ăn đĩa xúp với người đó! Người đàn ông ấy nhìn bà cách thoáng qua, đoạn đẩy đĩa xúp vào giữa để hai người cùng ăn. Cả hai lặng lẽ ăn đĩa xúp đó. Bà vừa ăn vừa nghĩ bụng phen này linh hoạt viên của đài truyền hình sẽ xuất hiện để khen bà về cách hành xử bình thản của bà. Trong thực tế chẳng có màn sân khấu nào đã xảy ra. Bà nhìn người bên cạnh với một nụ cười và cũng được người bên cạnh đáp lễ cách xứng. Bà nghĩ ngay người lạ mặt này ngồi ăn bát xúp của bà chỉ vì anh ta không có tiền mua đồ ăn chăng!

Dù sao thì cuối cùng người lạ mặt ấy cũng đã tự động đứng lên chào bà cách thân thiện rồi đi khỏi. Ðến lượt bà, bà cũng bỏ đi với niềm thỏa mãn đã dành cho người lạ mặt chút cháo làm ấm cõi lòng. Nhưng chính khi đứng lên để đi khỏi, bà đã nhận ra ở bàn bên cạnh, bát súp ngon miệng kia đang nguội dần. Ðó lại là chính bát xúp của bà.

Câu chuyện vừa kể giúp làm sáng tỏ vấn đề giá trị tối hậu mà Ðức Giêsu muốn nêu qua bài Tin Mừng hôm nay là "Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (c.11) và "ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại" (c.14). So sánh với giá trị tối hậu loại đó, các giá trị khác như chẳng còn gì đáng kể, thậm chí, còn khiến ta phải nực cười!

Hãy coi người phụ nữ trong câu chuyện vừa kể. Giả như bà ta thực tình muốn chia sẻ đĩa cháo ngon miệng ấy với ông bạn Phi Châu có phải là tuyệt vời không! Ðàng này bà đã tỏ ra là một con người rất dễ lầm lẫn? Một con người háo danh vô thực. Ở điểm khởi xuất của câu chuyện bà đã muốn tri hô lên và làm to chuyện chỉ vì đĩa xúp xem ra bị người ta ăn tỉnh bơ! Sở dĩ bà bình tĩnh trở lại được cũng chỉ vì háo danh. Bà muốn xuất hiện trên màn ảnh truyền hình mà thôi, chứ đâu phải bà đã thực tình hy sinh để người lạ mặt ấy có chút cháo làm ấm cõi lòng!

Nói tòm lại, toàn bộ hành vi của bà đều thiếu thực tình. Ngược lại, tất cả những gì đáng ca ngợi trong câu chuyện đều qui về người lạ mặt. Người này không hở môi nói năng gì nhưng tất cả những gì người đó để lộ ra về mình, một cách khiêm tốn và đơn giản, đều nhằm để chia sẻ. Kể từ cái nhìn thoáng qua, cử chỉ đẩy đĩa xúp vào giữa để hai người cùng ăn, cử chỉ đáp lễ khi người phụ nữ ấy nở một nụ cười, cử chỉ tự động đứng lên chào bà cách thân thiện rồi đi khỏi. Tất cả đều có thực, phát xuất từ hữu thể của người đó. Ngay bây giờ ta thấy cái thực đó là đang phục, chưa nói gì tới viễn tượng về phúc lành đến tự Thiên Chúa là Ðấng sẽ cho người lành sống lại.

Thật ra, tất cả sức nặng của điều mà Ðức Giêsu muốn đề cao gắn liền với hữu thể và tính cách tồn tại của nó.

Vậy hãy đặt mình trong bối cảnh theo bài Tin Mừng hôm nay. Trước hết là bối cảnh của tiệc cưới. Ta có một số khách dự tiệc ham muốn dành cho mình chỗ nhất. Ðức Giêsu vạch cho thấy địa vị dành được cách đó chẳng có thực vì không gắn liền với hữu thể. Ðịa vị ấy đúng là bấp bênh. Chỉ lỡ ra có nhân vật nào quan trọng hơn xuất hiện là chủ nhà sẽ đến xin đương sự nhường cỗ nhất cho nhân vật đó. Và rồi kẻ chiếm cỗ nhất kia sẽ phải xấu hổ bỏ hàng nhất ngồi xuống hàng thứ. Ðương sự sẽ phải xấu hổ trước mặt mọi người vì mọi người sẽ thấy đương sự trống rỗng chẳng có giá trị nơi chính mình để được năn nỉ ở lại cỗ nhất! Còn ngược lại, ai khiêm tốn ngồi cỗ dưới mà được mời lên cỗ nhất thì chẳng phải đương sự chủ quan muốn "ăn trên ngồi trốc" nhưng vì chủ nhà và mọi người đều đồng tình nhìn nhận giá trị có thực nơi đương sự.

Vậy câu nói "Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai tự hạ mình xuống sẽ được tôn lên", câu nói ấy diễn tả việc đề cao giá trị đích thực có nơi những con người khiêm tốn.

Nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình thì còn gì ân với nghĩa

Trong thực tế, sẽ chẳng bao giờ có sự đồng hóa về giá trị đích thực giữa hai trật tự tự nhiên và siêu nhiên. Bởi lẽ cơ sở của trật tự siêu nhiên phải là kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, còn sơ sở của trật tự tự nhiên tự nó mau qua và thường đã bị sự ác đảo lộn ngược lại với tình thương của Thiên Chúa. Ðức Giêsu đến thiết lập Nước Thiên Chúa là nhằm hồi phục lại trật tự siêu nhiên giữa loài người. Cơ sở của trật tự ấy phải là tình thương của Thiên Chúa ưu ái dành cho người nghèo, người từng bị xã hội áp bức và bóc lột.

Ðức Giêsu đã lên tiếng nói rõ lòng ưu ái đó của Thiên Chúa trong bài giảng về các mối phúc thật ngược lại với các mối họa:

"Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười... Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giầu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế". (Lc 6,20-26).

Ðức Giêsu đến để thiết lập Nước Thiên Chúa

Vậy Nước Thiên Chúa như Ðức Giêsu phác họa trong bài giảng khai trương vừa trích chính là chân trời được nhắm tới trong phần hai của bài Tin Mừng hôm nay (cc.12-14). Ở phần một (cc.7-11). Ðức Giêsu gợi ý nhằm giúp những người dự tiệc tránh tình trạng hữu danh vô thực và tránh luôn sự xấu hổ có thể xảy ra cho họ trước mặt mọi người. Còn ở phần hai, Người ưu ái ngỏ lời cùng chủ nhà đã mời Người tới dự tiệc. Có thể xảy ra là vị thủ lãnh Pharisêu, kẻ đã mời Ðức Giêsu, biết rõ hoàn cảnh nghèo của Người như chính Người đã tuyên bố rằng: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." (Lc 5,7). Dù sao, Ðức Giêsu đã lợi dụng cơ hội được mời để nói về Nước của Thiên Chúa là Nước mà Người được phái đến để thiết lập. Nước đó chỉ được thành tựu nơi Thiên Chúa là Ðấng cho kẻ lành sống lại trong ngày sau hết (c.14). Ðức Giêsu mời gọi chủ nhà đạt tới phúc thật đó. Ðể được như vậy, cần phải hoán cải để trở nên con cái của Thiên Chúa như lời Ðức Giêsu dậy về các mối phúc thật.

"Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì có ân nghĩa gì đâu? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu thương kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Ðấng tối cao vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác" (Lc 6,32-35).

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn tâm đắc gì về câu chuyện gợi ý: Bạn nghĩ điều gì nực cười nơi nhân vật chính? Ðiều gì đáng thán phục nơi nhân vật gốc Phi Châu?

2. Trong bài Tin Mừng hôm nay, bạn nghĩ Ðức Giêsu muốn nói gì với những người dự tiệc? Ðồng thời Người muốn nói gì với chủ nhà đã mời Người?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page