Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 16 tháng 8 năm 1998
Chúa Nhật 20 Quanh Năm

Ðọc Tin Mừng Lc 12,49-53

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Máu của các vị Tử Ðạo

Một bé gái tiến vào dinh quan, bị lính ngăn chặn lại. Nhưng cô bé ấy cứ xông tới. Người ta không thể nào hiểu được ý định của cô bé mới 13 tuổi mà đã muốn chịu chết vì đạo Ðức Chúa Trời! Quan ra lệnh cho lính gác đuổi "conbé ấy" ra ngoài. Nhưng cô bé tên Lựu (tên rửa tội là Luxia) không chút sợ sệt cưỡng lại lệnh quan. Cô bé Lựu dám nói lớn tiếng cho mọi người biết rằng mình tôn thờ Ðấng tạo thành trời đất cùng muôn loài muôn vật. Thế là ông quan ghét đạo không chịu nổi, liền ra lệnh cho "con bé ấy" chung số phận với những người theo đạo mà không chịu quá khóa. Bình thường việc thi hành án tử hình thời ấy ở Ðàng Trong phải được Chúa Nguyễn châu phê từng trường hợp. Riêng với cô ương ngạnh "cuồng tín" này, quan Trấn Thủ Quảng Nam Dinh đã có cách hành quyết trước, tường trình sau.

Hạt giống phát sinh ra các Kitô hữu

Tác giả cuốn Sống Trong Xã Hội Con Rồng Cháu Tiên 1615-1773 cho ta biết cô bé Lựu này con ông Phêrô Kỳ từng làm quan ở Quảng Ngãi. Ông chịu phép rửa khoảng năm 1660 và tỏ ra rất có lòng thương người nghèo, đến nỗi chính ông đứng ra nuôi một số người bệnh tật nghèo khó ở kinh đô Huế, dầu họ có đạo hay không. Ông được cha Phạm Sinh Tứ (Fuciti) Dòng Tên đặt làm đầu giáo đoàn Huế và được phúc chịu chết vì đạo ngày 27 tháng 1 năm 1665.

Nay đến con ông lãnh phúc đó hoàn toàn tự nguyện. Cô đi từ kinh đô Huế vào Quảng Nam để xin chịu chết vì đạo. Khi xưng tội với cha Phạm Sinh Tứ, cô đã thú thật với cha về ý định nộp mình cho Trấn Thủ Quảng Nam Dinh. Cô ước ao lãnh phúc tử đạo đền bù cho nhiều người chỉ vì sợ chết nên đã chối Chúa. Cha Phạm Sinh Tứ khuyên cô không nên liều lĩnh như vậy, vì chỉ khi nào bị bắt, cô mới phải công khai xưng đức tin. Nhưng cô Lựu cứ nằng nặc đòi cha phải đồng ý với cô và cuối cùng cô đã thắng. Cô xin để lại cho cha Phạm Sinh Tứ chút quà kỷ niệm chính là chiếc áo lụa tốt người ta may cho các vị tử đạo mặc trên đường từ nhà tù tới nơi hành quyết.

Vậy là cô bé dũng cảm thuộc giáo đoàn Huế được toại nguyện. Người ta giong cô ra pháp trường ngoại ô thành Chiêm, thủ phủ Quảng Nam Dinh, để cho voi dày thân xác cô Lựu, theo tập tục tử hình đối với nữ giới. Thật lạ lùng, cô bước đi hiên ngang vui vẻ như đi lễ hội. Khi đối diện với con voi to lớn, cô bé Lựu vẫn bình tĩnh, cởi áo dài, gửi lại cha Phạm Sinh Tứ làm kỷ niệm. Cô vừa vỗ tay reo mừng, vừa tiến lại gần con thú dữ thay vì chờ nó tiến lại cô. Thế là con voi dùng vòi xốc cô bé tung lên cao rồi lại đưa vòi đỡ lấy cô bé. Chỉ ba lần tung lên, rớt xuống như thế, với thân xác tan nát, cô Lựu đã hoàn toàn trở nên người chứng cho đức tin ở tuổi 13. Tác giả Ðỗ Quang Chính trong cuốn sách nói trên, ghi rõ tên bà Phanxica Danh Mụ Nhoe (có lẽ là Dinh Mỹ Nhuệ) đã chứng kiến cái chết tử đạo anh dũng của cô Lựu vào khoảng 10g-12g trưa ngày 6 tháng 2 năm 1667.

Cuộc tử đạo anh dũng của người tín hữu trẻ ở tuổi 13 được kể ở đây để giúp hiểu bài Tin Mừng hôm nay nhất là với lời Ðức Giêsu tuyên bố "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất" (cc.49-50).

Nào Ðức Kitô chẳng phải chịu đau khổ

Hình ảnh lửa mà Ðức Giêsu đến ném trên mặt đất, không dễ cắt nghĩa. Nói chung trong Kinh Thánh hình ảnh ấy thường chỉ về cuộc phán xét hoặc cuộc thanh lọc. Nhưng ở đây hình ảnh lửa cũng gợi ý về ngọn lửa Chúa Thánh Thần mang lại cho cộng đoàn các tín hữu.

Chính Ðức Giêsu có sứ mạng làm phép rửa cho người ta trong Thánh Thần và lửa (Lc 3,16). Trong thực tế các Tông Ðồ đã chịu phép rửa trong Thánh Thần (CV 1,2,4;2,3-4). Riêng Ðức Giêsu sẽ trầm mình trong cuộc thương khó (Ga 7,39; Cv 2,23-24), trước khi lãnh nhận và ban Thánh Thần cách chan chứa (Cv 2,33).

Câu nói Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao đến khi việc này hoàn tất gợi nhớ tới sự kiện vâng phục của Ðức Giêsu nhiều lần được nhắc nhở (Lc 2,49;13,33). Tức là trong kế hoạch của Thiên Chúa, Ðức Giêsu còn cần được trầm mình trong dòng khổ đau (Tv 124,4-5) ví được như phép rửa của cuộc Thương Khó (Mc 10,38-39; Lc 22,42 nơi nói đến chén khổ đau). Ðức Giêsu sẽ vâng phục kế hoạch đó của Chúa Cha (Ph 2,8), Người còn thao thức sao cho cuộc Thương Khó sớm hoàn thành.

Nói tóm lại, cộng đoàn Kitô hữu phát sinh do ơn Chúa Thánh Thần. Ơn đó chỉ được ban khi Ðức Kitô được tôn vinh nhờ Người đã trải qua cuộc thương khó và nỗi chết: nào Ðức Giêsu chẳng phải chịu đau khổ rồi mới được vinh quang ư? (x. Lc 24,26). Cho nên người thao thức cho cuộc thương khó và nỗi chết ấy được hoàn thành để Hội Thánh xuất hiện như thành tựu của công trình Người đến thực hiện.

Nói theo vị Giáo Phụ Tertullianus (c. 115-222) máu của các vị Tử Ðạo là hạt giống làm phát sinh ra các Kitô hữu (sanguis martyrum, Semen Christianorum). Tức là các Kitô hữu, tham gia cuộc thương khó và nỗi chết của Ðức Kitô nên mới có lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống tràn lan mang lại dân số Kitô hữu đông đảo.

Hãy coi tình trạng Ðức Kitô chịu thương khó tại miền nam nước Việt dưới quyền Chúa Nguyễn vào cuối năm 1664. Khi ấy đạo Kitô được kể là Ðạo Hoa Lang, là "đạo pháp" của vua Bồ Ðào Nha, và là tà giáo. Tác giả cuốn Sống Trong Xã Hội Con Rồng Cháu Tiên nêu những lý do như tam giáo bị mất tín đồ, nhiều người giàu sang không lấy được các cô gái theo Ðạo Hoa Lang làm thiếp...

Tại Hội An, Thanh Chiêm, người ta đặt tượng Chịu Nạn nơi các ngã ba, ngã tư, cứ khoảng 10 giờ sáng khi có hiệu lệnh, mọi người phải quá khóa: Ðàn ông phải giày đạp, bước qua tượng; đàn bà phải ngồi lên tượng. Như thế mới chứng tỏ là bỏ Ðạo Hoa Lang. Thời ấy nhiều người lương, đặc biệt là chính quyền, hiểu lầm Chúa Giêsu chịu đóng đinh chính là hình tượng vua Bồ Ðào Nha.

Cuộc Thương Khó trở nên bi thảm nhất là với số người bỏ đạo hàng loạt. Theo linh mục Chế Vinh Lan (Louis Chevreuil, M.E.P.) có mặt tại Hội An, Thanh Chiêm, thì riêng Quảng Ngãi (là một thủ phủ thuộc Quảng Nam) có tới 4,000 bổn đạo, nhưng hầu hết chối đạo.

Rồi mới được vinh quang ư?

Chính từ bối cảnh Thương Khó ấy Chúa Thánh Linh đã khơi dậy những Kitô hữu dũng cảm được liệt kê trong cuốn Sống trong Xã Hội Con Rồng Cháu Tiên:

- Một bà mới 25 tuổi (không biết tên) rẽ qua đám đông, dõng dạc nói lớn tiếng trước mặt quan, mình là người theo đạo Ðức Chúa Trời. Quan liền ra lệnh cho lính đóng gông bà, rồi cho voi giày.

- Bà Anna đã 50 tuổi, một người nhiệt tình dạy giáo lý cho nữ giới, cũng bắt chước bà trên đây bị lên án voi giày: Người ta nung sắt đỏ, áp lên các phần thân thể của bà như mặt, dái tai, ngực, hai bên hông; hơ lửa lên mắt, dí lửa vào hai lỗ tai, lỗ mũi.

- Ba thiếu nữ: Inê 13 tuổi, Fé (Tin) 16 tuổi, Anna 20 tuổi, cũng tự xưng đức tin tại Thanh Chiêm; nhưng các quan chỉ truyền đánh đòn, rồi đuổi về.

Riêng cô bé Lựu (Luxia) ước ao để đền bù tội chối đạo của nhiều người nên cô đã được ban phúc tử đạo như nói trên.

"Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,24). Lời đó trước tiên áp dụng bản thân Ðức Giêsu. Các Kitô hữu là người bước theo Người sẽ không có con đường khác tuy mỗi người mỗi khác theo ơn Chúa Thánh Linh thúc đẩy. Với cô Lựu ơn Chúa được ban là phúc tử đạo vì lòng yêu mến Chúa thiết tha và yêu mến đồng loại bị cám dỗ bỏ đạo. Với mọi Kitô hữu, thực ra, ơn gọi được ban là phải dành lại tự do để bước theo Chúa Giêsu ngay trong cuộc sống mình đang sống. "Chỉ có Thần Khí mới ban sự sống" (Ga 6,63). Chính Thánh Thần can thiệp vào nỗ lực cá nhân, khơi dậy và sinh động hóa nỗ lực ấy, làm cho ta có thể hoạt động như những chi thể Chúa Kitô, như con cái Chúa Cha, để xây dựng Nước Thiên Chúa.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn tâm đắc gì về cô bé Lựu, 13 tuổi, nguyện chịu chết vì đạo: cô đi bộ suốt từ Huế đến Quảng Nam để xin chịu chết vì Chúa? Cô chịu chết để đền bù lại tội những tín hữu chối đạo? Cô ra pháp trường vui vẻ như đi lễ hội?

2. Bạn hiểu thế nào về câu nói "Máu của các vị tử đạo là hạt giống làm phát sinh ra các Kitô hữu"?

3. Bạn ưa thích câu nào trong bài Tin Mừng hôm nay?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page