Khi ấy Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.
Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó.
Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thày bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến."
Bấy giờ ông Phêrô hỏi: "Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người." Chúa đáp: "Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thày bảo thật anh em, ông ta sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng "chủ ta còn lâu mới về" và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa. Chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.
Ðầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn."
Các môn đệ phải trở nên như quản gia
Một bà cụ tuổi trên 80 nằm liệt giường, chỉ còn một tay cử động được. Cậu sinh viên Hùng thuộc nhóm sinh viên đến thăm trại T.B, dừng lại hỏi han bệnh nhân liệt giường. Người sinh viên một cách tự nhiên nói tới hai chữ khổ đau khiến bà cụ khóc nức nở. Hình như khách đến thăm đã vô tình đụng tới một vết thương sâu kín trong lòng bệnh nhân, cậu sinh viên kể lại:
"Sau một hồi thổn thức, cụ nắm chặt đôi bàn tay tôi và kể về hoàn cảnh của mình. Cụ có chồng mà coi như không có. Ông đã bỏ cụ và ba người con. Rồi ba người con cũng mất đi, để lại một mình cụ với cuộc đời vất vả ngược xuôi. Về già, cụ được đưa vào trại này. Bệnh tật lần lượt giảm thiểu khả năng cử động. Cụ ăn cũng phải nằm và chỉ còn một bàn tay cử động được để đưa đồ ăn lên miệng. Mọi sinh hoạt khác cụ đều nhờ vào sự giúp đỡ của những người mà từ nơi họ cụ phải hấng lấy biết bao cử chỉ khó chịu, hằn học và xúc phạm. Cụ cảm thấy sự sống mà cụ đang sống là điều thừa thãi, bị khinh rẻ và chẳng mang lại lợi ích cho ai. Cụ lại thổn thức khóc, đưa bàn tay còn lại che khuôn mặt nhăn nheo vì tuổi tác và chịu khổ đau quá nhiều. Cụ nói rằng cụ là người đau khổ nhất và tủi nhất."
Cậu sinh viên ngồi nghe mà lòng tan nát. Cậu thầm nguyện xin Chúa Giêsu giúp cậu bày tỏ được điều mà mỗi sáng cậu hằng nguyện xin là trải rộng được tình thương của Chúa đến với những người cậu gặp gỡ. Người sinh viên ấy kể tiếp:
"Giờ đây, trước một con người trong hoàn cảnh thật đau lòng, tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu. Sau thời gian ngồi nghe cụ trong thinh lặng, tôi hỏi cụ quí danh là gì. Cụ nói tên cụ là Hạ nhưng tôi nghe không được rõ vì giọng cụ khó nghe nên tôi nghe trại ra là Hà. Sau nhiều lần cố gắng chỉnh lại cụ mới phát âm được tên cụ là Hạ. Lúc ấy cụ lại thổn thức khóc ròng và nói: "cậu thấy đó, đến tên mình mà tôi còn không nói lên được". Cụ muốn chứng minh cụ là người thật sự đau khổ nhất đời.
Khi biết cụ là một Phật tử và có thời gian đã làm công quả trong chùa, tôi gợi lại niềm tin sẵn có của cụ nơi Ðức Phật và Quan Âm Bồ Tát. Ðó là những vị đã từng hy sinh, từng bỏ địa vị giàu sang mở ra đường cứu nhân độ thế, giúp con người thoát khỏi bệ khổ. Tôi gợi ý để cụ nhận ra lòng từ bi của các vị ấy đối với hoàn cảnh riêng của cụ với những lời chúc lành các vị dành cho cụ.
Người quản gia trung tín cấp phát thóc gạo đúng giờ
Phản ứng của cụ về những điều tôi vừa chia sẻ vẫn là: "Tôi khổ lắm cậu ơi! Sao khổ quá vậy. Trời ơi!" Tôi liền hướng về Ðức Giêsu là Ðấng đã chịu bao khổ đau và đã chịu chết để loài người được hạnh phúc thật. Nhưng liệu cụ có hiểu được chăng nếu tôi nói về Ðức Giêsu Ðấng hoàn toàn xa lạ với tín ngưỡng của cụ? Khi ấy tôi cảm thấy một sức mạnh thúc đẩy tôi cứ nói. Vậy tôi phải bắt đầu từ đâu? Dĩ nhiên từ Bể Khổ là hoàn cảnh của cụ. Thế là tôi nói với cụ về một người đau khổ hơn cụ gấp bội. Cụ ngạc nhiên vì không tin rằng trên đời này còn có người đau khổ hơn mình nên cụ hỏi tôi ai vậy? Thế là tôi được dịp nói về Ðức Giêsu. Tôi nói về ông Giêsu là Con của Thượng Ðế, con của Ông Trời. Khi thấy loài người quá đau khổ vì bệnh tật, vì tuổi già, vì bị hất hủi, bị đối xử bất công, bị coi khinh..., trong đó có cụ và tôi, nên vì yêu thương, ông đã xuống trần gian làm người, cùng sống kiếp người để chia sẻ cuộc sống lầm than mà con người phải gánh chịu. Ông dạy dỗ, chúc lành và đem đến cho con người niềm an ủi ngay qua hoàn cảnh nghèo khó, đói khát, bệnh tật, chịu đối xử bất công. Là con Thượng Ðế nên ông hứa ban sự sống và hạnh phúc dành cho những ai tin vào Thượng Ðế. Ngay ở đời này họ đã có sức mạnh vượt trên những hoàn cảnh khổ đau, phương chi ở kiếp sau hạnh phúc đó sẽ tràn đầy nơi Thượng Ðế là CHA.
Nhưng ông Giêsu ấy đã bị học trò của mình phản bội, bán cho những kẻ vì ghen ghét mà tìm cách giết ông; số học trò còn lại bỏ rơi ông; thậm chí có kẻ công khai chối bỏ ông. Thế là ông đã bị bắt, bị đánh đập cách tàn ác, bị lăng nhục, nhạo cười, bị nhổ nước miếng vào mặt... Cuối cùng ông bị người ta đem đi đóng đinh trên hai đẵn cây gắn lại với nhau như hình chữ thập. Ông bị treo trên đó trần truồng thật là nhục nhã, thân mình đầy những vết bầm khó mà nhận ra đó là ông Giêsu làng Nadarét. Ông đã chết để cho loài người được sống nhờ tình thương và sự hy sinh lớn lao ông mang lại cho mỗi một người. Trên cây thập tự, ông tắt thở sau khi xin Thượng Ðế tha cho những người đã giết ông khi nói: "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm." Cậu Hùng còn nói tiếp:
"Thế rồi tôi nói cụ còn có thể làm nhiều điều hữu ích cho người khác được hạnh phúc. Nhiều người coi bộ sung sướng bên ngoài mà bên trong bất hạnh. Chắc gì họ sẽ được hạnh phúc đời sau nhất là nếu họ chỉ biết sống ích kỷ bất kể tới những khổ đau chính họ gây nên cho người khác. Riêng cụ và tôi mà biết nhìn gương ông Giêsu để biết yêu thương và tha thứ giữa cảnh khổ đau, thì có thể cầu nguyện cho họ được ơn sám hối và được hạnh phúc đời sau. Ðó là hạnh phúc mà ông Giêsu đã hứa ban cho tất cả những ai tin vào ông như chính bà cụ ngay bây giờ có thể đặt hết niềm tin vào ông để được hạnh phúc bất diệt."
Thái độ bà cụ đã phần nào thay đổi khi nói: "Bắt chước ông Giêsu khó quá, chắc tôi bắt chước không nổi. Nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức thôi."
Vậy cậu sinh viên Hùng nhỏ nhẹ nói thêm: "Ông Giêsu đã bị bao khổ đau vùi dập và đã bị giết chết mà ổng còn tha thứ cho những người hành hạ ông. Bà cháu mình thôi thì cũng bắt chước ông tha thứ cho những ai nói xúc phạm, coi khinh hoặc la mắng để rồi mình được sung sướng hạnh phúc kiếp sau cụ nhé." Bà cụ được vơi hẳn nỗi buồn phiền nên đã quả quyết nói: "Thôi bây giờ ai muốn nói gì thì nói, tôi không để ý gì nữa."
Khi cậu sinh viên từ biệt, cụ còn hứa sẽ cầu nguyện cho cậu và nhắc cậu nhớ tới thăm cụ.
Vị lãnh đạo tối cao thúc dục mọi Kitô hữu góp phần mở mang Nước Chúa
Bài Tin Mừng hôm nay soi sáng hoàn cảnh riêng của bà cụ trong câu chuyện vừa kể. Tác giả Luca ở chương 12 đặt ta trong bối cảnh Ðức Giêsu nói với các môn đệ về Nước Thiên Chúa tuy cũng có đám đông hàng vạn người chen lấn nhau để được gần gũi Ðức Giêsu. Cho nên lời Người giảng dạy các môn đệ bị cách quãng do sự can thiệp của những người khác nữa trong đám dân chúng.
Các môn đệ được Ðức Giêsu khuyến cáo hãy nói công khai sứ điệp được giao và đừng sợ (12,1-12). Ðiều chắc phải an ủi bà cụ nhiều khi bà cụ nhận ra mình có giá trị trước mặt Thượng Ðế (c.7). Ðó mới là điều quan trọng. Tất cả những gì khác đều qua đi.
Bài Tin Mừng hôm nay khởi sự với một lời hết sức thân thương: "Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha của anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em (c.32). Ở đây Thượng Ðế được Ðức Giêsu giới thiệu là CHA. Ðức Giêsu là Con Thượng Ðế, được phái tới như mục tử tốt lành đi tìm từng con chiên lạc mà vác lên vai đưa về... để có một đoàn và một mục tử (Ga 10,16).
Nhiệm vụ quan trọng Ðức Giêsu giao cho các môn đệ là phải trở nên như người quản gia trung tín và khôn ngoan để làm gì? Ðể cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc (c.42). Nhiệm vụ ấy Ðức Giêsu giao cho Phêrô và các tông đồ nhưng người vẫn là Vị Lãnh Ðạo tối cao thúc dục mọi Kitô hữu góp phần mở mang Nước Chúa nhất là giữa những người nghèo như bà cụ trong câu chuyện kể trên.
1. Bạn cảm nghiệm gì về những đau khổ tủi nhục và tuyệt vọng của bà cụ Hạ? Chính bạn sẽ nói gì để an ủi bà?
2. Bà cụ được những ơn gì Chúa ban qua sinh viên Hùng là những ơn mà chính bạn lấy làm quan trọng?