Ngày
11 tháng 11 năm 2001
Chúa
Nhật 32 Thường Niên Năm C
Ðọc Tin Mừng Lc. 20, 27-38
(27)
Khi ấy có mấy người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Ðức Giêsu.
Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. (28) Mấy người
ấy hỏi Ðức Giêsu: "Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho
chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết
đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải cưới
lấy nàng, để gầy dựng một dòng giống cho anh hay em mình.
(29) Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng
chưa có con thì đã chết. (30) Người thứ hai, (31) rồi người
thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em
đều chết đi mà không để lại đứa con nào. (32) Cuối cùng,
người đàn bà ấy cũng chết. (33) Vậy trong ngày sống lại,
người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy
nàng làm vợ?"
(34) Ðức Giêsu đáp: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, (35) chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. (36) Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. (37) Còn về vấn để kẻ chết sống lại, thì chính ông Môsê cũng đã cho thầy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Ðức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Ápraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. (38) Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống".
Gợi
ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Ðiều gì đã xảy
ra dưới hầm đạn?
Cuốn tiểu thuyết
nhan đề Mặt Trận Phía Tây Hoàn Toàn Yên Tĩnh (All Quiet on the
Western Front) mô tả một cảnh rất cảm động.
Khi ấy chiến cuộc bùng nổ dữ dội giữa quân Pháp và
Ðức. Một chú lính Ðức
trẻ măng nằm dưới một hầm đạn để tránh đạn pháo của
địch. Bất ngờ một người
lính Pháp lạc bước cũng nhảy xuống cùng một hầm.
Trước khi người lính Pháp nhận ra kẻ địch dưới hầm,
anh đã bị chú lính Ðức đâm cho mấy nhát khiến anh ngã qụy.
Anh nằm thoi thóp chưa chết ngay.
Chú lính Ðức chăm chú nhìn cặp mắt hãi hùng của người
lính Pháp, chú thấy miệng người này há hốc ra, đôi môi
khô và nứt nẻ. Chú ta
liền động lòng thương nên rút chai nước của mình ra cho người
lính thù địch ấy uống. Khi
người ấy qua đời, chú lính trẻ người Ðức cảm thấy ân
hận thấm thía. Ðây là người
đầu tiên bị chú giết chết trong đời quân ngũ.
Chú thắc mắc không rõ tên người này là gì.
Trông thấy chiếc ví trong túi người chết, chú liền kính
cẩn rút ra xem. Chiếc ví
đựng vài tấm ảnh gia đình, một tấm có hình một người đàn
bà và một bé gái.
Chú lính Ðức vô
cùng cảm động. Bỗng dưng
chú nhận thấy người lính đã chết kia không còn phải là
kẻ thù nữa, nhưng là một người cha, người chồng - tức
là một người biết yêu y hệt như chú vậy.
Ðộng lòng thương, chú liền lấy một miếng giấy và ghi
vào đó địa chỉ của người đã chết.
Chú tính sẽ viết một lá thư cho vợ người quá cố.
Thử hỏi điều gì
đã xảy ra dưới hầm đạn nơi chú lính Ðức đối diện với
người mà chú mới giết chết?
Phải chăng chú lính Ðức bất ngờ nhận ra bổn phận
phải yêu thương đồng loại nên chú tự bắt mình phải yêu
thương người lính mới tắt thở?
Không phải như vậy
đâu! Sự việc xảy ra là:
chú lính Ðức chợt nhìn thấy người từng bị xem là
kẻ thù của chú bằng một ánh sáng hoàn toàn mới.
Chính nhờ đó thái độ của chú đã thay đổi đối với
con người ấy.
Ðức Giêsu có
mang lại ánh sáng?
Bài Tin Mừng hôm
nay cũng đặt chúng ta trước một số phận chết chóc của con
người. Xem ra không gì có
thể thay đổi số phận đó. Cả
mối tương quan thâm sâu của họ với những người thân yêu
nhất xem ra cũng bị cái chết chôn vùi một cách không cưỡng
lại được. Giữa cái ảnh
hưởng bi thảm của nghĩa địa ấy thử hỏi lời can thiệp của
Ðức Giêsu có mang lại ánh sáng thay đổi được tình hình
chăng?
Vấn đề chết chóc
ở đây được nêu lên do một số người thuộc phe Xa-đốc.
Họ đặt vấn đề này với Ðức Giêsu như một phần của
những cuộc tấn công nhằm làm giảm uy tín đang lên của Người.
Sau cuộc hành trình dài lên Giêrusalem (Lc 9,51-19,27), Ðức
Giêsu tiến vào thành với
tư cách là vị cứu tinh Mê-xi-a được dân chúng hoan hô nhiệt
liệt (Lc 19,28-40). Người bước
vào Ðền Thờ và đụng độ với uy quyền của giới lãnh đạo
ở đây khiến họ đòi Người phải chứng minh: "Ông lấy
quyền nào mà làm các điều ấy?" (Lc 20,2).
Họ bực bội vì Ðức Giêsu đã cả dám đuổi những
người đang buôn bán trong Ðền Thờ và dám cho rằng bọn này
đang biến nhà cầu nguyện thành sào huyệt của bọn cướp (Lc
19,46). Chỉ vì sợ dân, nên
các kinh sư và thượng tế không dám tra tay bắt Ðức Giêsu
mà thôi (Lc 20,19). Vậy họ
định sẽ gài bẫy Người. Nhóm
kinh sư và thượng tế sai người giả bộ ngay lành đến hỏi
Ðức Giêsu: "Thưa Thầy, chúng tôi có được phép nộp
thuế cho vua Xê-da không?" Mưu
mô này thất bại vì Ðức Giêsu đã khôn ngoan trả lời
"Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên
Chúa" (Lc20,25). Ðó là
lúc một số người thuộc nhóm Xa-đốc đến thử chất vấn
Người về tín ngưỡng, tức về sự sống lại như ta đọc
trong bài Tin Mừng hôm nay.
Ðức Giêsu trước
chuyện vô luân
Nhóm Xa-đốc này
không tin có sự sống lại (Lc 20,27).
Họ trích sách Ðệ Nhị Luật 25,5-6, để đưa ra một trường
hợp buộc Ðức Giêsu phải nói bản thân Người có tin vào
sự sống lại hay không. Nếu
Người không tin có sự sống lại, nhóm Xađốc sẽ được lời
vì có thêm người về phe với họ.
Ngược lại, nếu Ðức Giêsu tin có sự sống lại, Người
sẽ phải đối phó với điều khó khăn là giải quyết vụ hôn
nhân cho người vợ goá mà sách ÐNL nói trên đề cập.
Theo họ, nếu sống lại, người vợ goá ấy sẽ phải nhận
bảy người anh em ruột làm chồng mình!
Ðó là chuyện vô luân đối với người Do Thái.
Nguyên văn sách ÐNL
mà nhóm Xađốc trích dẫn đọc như sau: "Khi anh em ở chung
cùng nhau và một người của chúng chết đi mà không con, vợ
của người chết sẽ không được thuộc về chồng khác ngoài
nhà. Một anh em của chồng
sẽ nhập phòng với nó và lấy nó làm vợ và giữ nghĩa
anh em chồng với nó. Và
con trai đầu lòng sinh ra sẽ lưu danh người anh em đã chết. Và như vậy tên nó sẽ không bị xoá khỏi Ít-ra-en"
(Ðnl 25,5-6). Khi trích dẫn,
nhóm Xađốc đã nhân số anh em ruột buộc phải lần lượt lấy
người vợ goá đó, lên tới bảy người!
Như vậy họ có ý bó buộc Ðức Giêsu phải từ chối
tin vào sự sống lại để tránh tình trạng vô luân một vợ
bảy chồng!
Ðụng tới chính
mục đích của hành trình
Dĩ nhiên nhóm Xađốc
đã vô tình đụng tới chính mục đích của hành trình lên
Giêrusalem của Ðức Giêsu. Người
lên Giêrusalem không phải chỉ để chết nhưng để được
"rước lên trời" (Lc 9,51).
Trong ba lần loan báo về cuộc thương khó, hai lần Ðức
Giêsu nói rất rõ Người sẽ bị giết nhưng ngày thứ ba Người
sẽ chỗi dậy (Lc 9,22) và Người sẽ sống lại (Lc 18,33).
Luca cũng cho thấy đối
diện với sự chết và sự sống lại được loan báo, các
môn đệ không những không hiểu mà còn sợ không dám hỏi
về lời đó (Lc 9,45) mặc dầu trong số môn đệ, ba ông đã
được thấy Ðức Giêsu hiển dung và nghe thấy tiếng Thiên
Chúa nói từ đám mây rằng: "Ðây là Con Ta, Người
được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người" (Lc 9,35).
Cả trường hợp sau khi chết ba ngày và Ðức Giêsu đã
hiện ra với các phụ nữ nhưng các môn đệ vẫn không tin.
Một số môn đệ còn thất vọng bỏ Giêrusalem về quê (Lc
24,13-32). Chính Ðức Giêsu
phục sinh đã phải thân hành hiện đến ban cho các ông ơn để
nhận biết Người đã phục sinh (Lc 24,31-32,34,36-43,44-49).
Thực ra phải chờ
tới ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Ðức Giêsu Phục
Sinh mới thực sự hoàn thành cuộc vượt qua của Người như
xưa giao ước Xi-nai đã hoàn tất cuộc vượt qua của dân Ít-ra-en
và làm cho dân ấy trở nên dân riêng của Thiên Chúa.
Người hoàn thành cuộc Vượt Qua ấy nhờ Chúa Thánh
Thần là Ðấng quy tụ dân mới của Thiên Chúa và ban cho họ
những đặc sủng để làm chứng cho Ðức Giêsu phục sinh là
Ðấng Cứu Ðộ mọi người.
Bật lên vài tia
sáng khi chờ đợi
Quả thật nhóm Xađốc
vô tình đã nêu vấn đề hết sức quan trọng đối với
Ðức Giêsu, đó là sự sống lại.
Vấn đề ấy sẽ được Người trả lời đầy đủ bằng
chính sự chết và sự sống lại của Người trong quyền năng
của Chúa Thánh Thần. Trong
khi chờ đợi, Ðức Giêsu chỉ bật lên vài tia sáng giúp ta
khỏi lạc đường mà thôi.
+ Một là lập trường
của phe Xa-đốc đối với sự sống lại dựa trên cơ sở sai
lầm. Họ cần loại bò ý
nghĩ về sự sống lại như việc phục hồi điều kiện thể lý
của người quá cố. Ðúng
hơn, họ phải quan niệm tình trạng của người được Chúa cho
sống lại sẽ giống như các thiên thần (c.36) nên không còn cưới
vợ lấy chồng nữa (c.35).
+ Hai là phải cẩn
thận đọc lại Kinh Thánh. Ðức
Giêsu trích dẫn sách Xuất Hành 3,6 để nói rằng "Thiên
Chúa của Tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của Tổ phụ I-xa-ác,
Thiên Chúa của Tổ phụ Gia-cóp…" có nghĩa là Thiên Chúa
của kẻ sống (c.38). Người
Do Thái vẫn tin rằng thân xác cần cho sự sống và hạnh phúc
của con người. Vậy nói tới sự sống mà các Tổ phụ Do Thái
sở hữu sau khi các vị ấy qua đời và trước khi các vị ấy
sống lại, thì hiểu rằng sự sống ấy là do sự kết hợp mật
thiết của các vị ấy với Thiên Chúa toàn năng.
Cho nên đối với Thiên Chúa, các vị ấy "đều đang
sống" hay các vị ấy đều "sống nhờ Thiên Chúa"
(c.38): Cả hai cách dịch đều
quy về sự toàn năng của Thiên Chúa là cơ sở của sự sống
của những người đã chết.
+ Cũng sự toàn năng
đó của Thiên Chúa sẽ làm cho Ðức Giêsu sống lại thì cũng
sẽ làm cho những ai được Thần Khí của Ðức Giêsu cư ngụ
sống lại với Người (Rm 8,11; 1Co 6,14; 2Co 4,14).
Quả thật, còn phải
chờ cho cuộc hành trình lên Giêrusalem của Ðức Giêsu đạt
tới đích là "Người được rước lên trời" (Lc
9,51), toàn bộ mạc khải về sự sống lại của loài người mới
được sáng tỏ nơi Ðức Giêsu.
Khi ấy tông đồ Phaolô mới có thể khẳng định như trên.
Trong khi chờ đợi,
vấn đề kẻ chết sống lại do nhóm Xa-đốc nêu lên chưa
được nêu đúng lúc. Ta hãy còn như ở dưới hầm nơi chú lính
Ðức mới giết người lính Pháp rồi chợt nhìn thấy người
ấy dưới ánh sáng mới trong cuốn tiểu thuyết Mặt Trận Phía
Tây Hoàn Toàn Yên Tĩnh. Chính
Ðức Giêsu phục sinh bước ra khỏi mồ chôn Người, mới cho
ta thấy trọn vẹn sự thật về loài người được cứu.
Một
số câu hỏi gợi ý
1.
Bạn nghĩ gì về cách nhóm Xa-đốc nêu vấn đề về sự
sống lại như bài Tin Mừng hôm nay cho biết:
Cách ấy xem ra khó hiểu? Xem
ra lỗi thời? Vẫn có thể
gợi ý để bạn suy nghĩ về chính bản thân bạn sau khi chết?
Bạn có ý kiến khác?
2.
Bạn nghĩ gì về cách Ðức Giêsu trả lời nhóm Xa-đốc
liên quan tới sự sống lại:
+ "Con
cái đời này cưới vợ lấy chồng chứ những ai được xét
là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết,
thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.
Vì được ngang hàng với các thiên thần" (cc.34-35)?
+ "Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống" (c.38)?