Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ngày 4 tháng 11 năm 2001

Chúa Nhật 31 Thường Niên Năm C

 

Ðọc Tin Mừng Lc. 19, 1-10

(1) Sau khi vào Giêrikhô, Ðức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. (2) Và kìa, có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. (3) Ông ta tìm cách để xem cho biết Ðức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. (4) Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Ðức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. (5) Khi Ðức Giêsu tới chỗi ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !" (6) Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. (7) Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !" (8) Còn ông Dakêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn". (9) Ðức Giêsu nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham.  (10) Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất".

 

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Chúa Giêsu đến để cứu

Các bài đọc Chúa Nhật hôm nay nhấn mạnh về ơn cứu độ do Chúa Giêsu mang lại.  Ðó là đề tài mà Luca ưa thích.  Luca thường nhắc đi nhắc lại việc Ðức Giêsu đến là để cứu vớt loài người: "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn" (Lc 5,32).  Ðức Giêsu chính là Ðấng Cứu Ðộ (Lc 2,11).

Nhưng ơn cứu độ hệ tại ở điều gì?  Thiết tưởng cần phải cắt nghĩa điều này dựa vào trình thuật ông Da-kêu, bởi lẽ nhiều Kitô hữu quan niệm ơn cứu độ một cách không chính xác.  Họ kể ơn đó như là việc cứu lấy linh hồn mình bằng mọi giá, kể cả thực hiện điều đó vào phút chót.  Hãy coi ai đó suốt đời sống xa cách Chúa trong tình trạng tội lỗi và ích kỷ, nhưng vào phút chót, người đó xưng tội.  Vậy người đó được cứu!  Quan niệm như vậy về ơn cứu độ quả là sơ sài.  Chúa Giêsu đã không quan niệm như vậy như ta thấy trong trình thuật ông Da-kêu.

Cứu độ là hiệu quả của tình yêu

1.  Trước hết phải nói rằng ơn cứu độ là hiệu quả của tình yêu Thiên Chúa.  Ta hiện hữu vì Thiên Chúa yêu thương ta:  Chúa yêu thương mọi tạo vật và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì thì Người đâu có tác tạo nó.  Tình yêu Thiên Chúa mãnh liệt hơn tội lỗi loài người vì Chúa "nhắm mắt làm ngơ" trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối.  Chính vì Người yêu ta nên Người muốn ta tồn tại mãi mãi.  Ðó chính là ơn cứu độ!  "Nếu Chúa không ưng, thì làm sao một vật có thể tồn tại được."  Thật là tuyệt đẹp trang sách Khôn Ngoan ta nghe trong bài đọc 1 Chúa Nhật hôm nay.

Ðược cứu là được hoàn toàn triển nở

2.  Ơn cứu độ gồm một phương diện bản vị mà thánh I-rê-nê diễn tả bằng một câu nói súc tích rất đẹp là "Vinh danh Thiên Chúa chính là con người đang sống" tức là được hoàn toàn là mình, được hoàn toàn triển nở.  Khi sinh ta ra, Thiên Chúa Cha đã nhìn ngắm Con chí ái của Người là Ðức Giêsu và Người đã tạo thành ta theo hình ảnh của Người Con chí ái đó: "Vì … Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người" (Rm 8,29).  Người giao cho ta nhiệm vụ suốt đời phải thể hiện hình ảnh Ðức Giêsu, mỗi người theo mức độ Chúa Cha đã ấn định.  Hình ảnh đó của Ðức Giêsu mà mỗi người phải thể hiện chính là nhân cách riêng của từng người, là cái tôi đích thực của mỗi người.  Ta có thể dùng hình ảnh mà tông đồ Phaolô đã dùng (1Co 3,10-15) là mỗi người chúng ta phải xây dựng bản thân bằng cách sử dụng cũng những vật liệu từng hình thành nên Ðức Giêsu.  Không ai có thể vào thiên đàng ở với Thiên Chúa nếu không thể hiện hình ảnh Con của Người: thiếu hình ảnh đó ta sẽ không được cứu và còn phải ở luyện tội.  Thiên đàng gồm đầy những người thành công, không ai thất bại cả!  Ta thấy điều đó nơi ông Da-kêu:  ông từng là người tội lỗi vì nhắm tiền của như mục đích đời mình, ông từng sống ích kỷ.  Như vậy là ông đã từng đặt mình ra ngoài kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho ông.  Kế hoạch ấy hệ ở việc tăng cường về khả năng tự hiến cho Thiên Chúa và cho đồng loại theo gương Ðức Giêsu.  Vì thế ôn đã "hư mất".  Ðức Giêsu mang lại cho ông ơn cứu độ vì Người thúc đẩy ông mở rộng sự sống của ông ra cả hai phía trên và dưới:  cần phải ra khỏi ích kỷ để bước vào tình yêu, bước ra khỏi đời sống tập trung vào mình để tiến tới một đời sống tập trung vào người khác: tức là sống theo gương mẫu của Con Thiên Chúa là Ðấng đến "không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10,45)  Tiếp theo cuộc viếng thăm của Ðức Giêsu, ông Da-kêu đã trở nên một con người mới "con người sống động": vì ông đã bắt đầu trở nên một con người qui về Thiên Chúa và tha nhân, như Ðức Giêsu.  Ông bắt đầu xây dựng lại cái tôi của ông từng bị méo mó do tính ích kỷ.

"Tôi là một cô gái 21 tuổi, đang học đại học, yêu đời, thích sống tự do và độc lập.  Tôi đã được cơ may sinh ra trong một gia đình đạo đức; nhờ đức tin và sự hướng dẫn của cha mẹ, tình yêu Thiên Chúa và tha nhân đã đâm rễ rất sâu trong tâm hồn tôi và giúp tôi có một cuộc sống tương đối trưởng thành.  Bằng việc khắc chế tình dục, mặc dầu có rất nhiều người theo đuổi tôi, tôi đã có được cuộc sống trong sạch cho đến nay.

"Cách đây 3 tháng, tôi đã bắt đầu yêu một người đàn ông 40 tuổi, có vợ và 2 con.  Tại sao tôi lại sa ngã như thế?  Vì trong người đàn ông này, tôi đã khám phá ra và tìm thấy sự chân thành mà những bạn đồng lứa với tôi không hề có.  Ông nói với tôi ngay từ ban đầu rằng ông thích tôi và mong muốn có tôi, nhưng không bao giờ ông sẽ bỏ vợ con ông.  Ông muốn tôi phải lựa chọn chơi với ông hoặc thôi.

"Tôi đã chấp nhận chơi với ông ta.  Tôi ý thức rằng tôi đang sai lầm và phá vỡ tương lai của tôi; nhưng tôi không thể xa lìa ông ấy, vì tôi quá thích ông."

Cô gái vừa mới chia sẻ những điều vừa nói đã đặt mình ra ngoài con đường cứu độ, bởi lẽ cô ta đã bước ra khỏi con đường của yêu thương, của tự hiến, để sa vào con đường tìm kiếm mình, chính là con đường ích kỷ.  Như vậy là cô ta không còn xây dựng bản thân để nên giống Ðức Giêsu nữa.  Cô ta cần được Ðức Giêsu đến viếng thăm cõi lòng mình.

Ðiều gì xảy ra khi Da-kêu được cứu

3.  Ông Da-kêu đã tiếp đón Ðức Giêsu đến cứu ông, tức là ông đã đặt mình trở lại trên con đường của yêu thương là chấp nhận Ðức Giêsu như mẫu mực đời mình.  Ðó là phương diện bản vị của ơn cứu độ, là phương diện liên quan tới mối tương quan thiết thân của mỗi người với Thiên Chúa.  Nhưng ông Da-kêu còn đi xa hơn khi nói: "Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn."  Ông ta đổi mới tận căn các mối tương quan ông có với đồng loại.  Ông bắt đầu thể hiện đức ái (= ông bố thí nửa gia tài của ông cho người nghèo)  và thực thi công bằng bằng cách đền bù lại những thiệt hại ông đã gây nên cho người khác.

Ðó là phương diện cộng  đoàn của ơn cứu độ, là phục hồi lại tình huynh đệ giữa con người với nhau.  Ông Da-kêu nhìn nhận ông đã đối xử với người lân cận như kẻ thù địch thay vì như người anh em: ông đã bóc lột họ.  Ðó chính là điều đã đưa ông bước ra ngoài con đường cứu độ và khiến ông phải "hư mất".  Phúc thay cho ông, vì nay Ðức Giêsu đến cứu ông bằng cách đặt ông trở về con đường của tình huynh đệ.  Ơn cứu độ đòi ta không những phải lo cho mối tương quan bản thân ta với Thiên Chúa  mà còn phải lo cho mối tương quan của ta với anh em đồng loại.  Tình yêu và công bằng đối với anh chị em đồng loại là hai phần thiết yếu của ơn cứu độ.  Ðiều đó Luca nói rất rõ trong trình thuật Da-kêu.

Không cần phải đi đâu xa để gặp gỡ "tha nhân" là người mà bạn có lẽ "đã không thấy": đó là "người duy nhất" được Thiên Chúa  sai đến với bạn vào thời điểm đích xác này: "Sáng hôm đó khi ra khỏi nhà tôi gặp một người trẻ tới xin bố thí.  Tôi để ý nhìn thấy đó là một cậu con trai tuổi chừng 20, rất dơ, như mới vượt ngục và đang bị lùng bắt.  Cặp mắt đẹp đẽ của chàng như van xin : "Tôi đói!"  Tôi dẫn chàng tới tiệm bánh mì vì chàng chỉ xin tôi bánh mì mà thôi.  Thấy chàng thực sự đói, tôi đã cho thêm ít kẹo xô-cô-la.  Nhưng bước ra khỏi tiệm, chàng vẫn còn tiếp tục theo tôi, miệng nhai ổ bánh mì.   Chàng cho tôi biết chàng từ tỉnh Lille tới.  Tôi gợi ý để chàng nghĩ tới mẹ chàng với những âu lo vì chàng.  Tôi nói như người mẹ trong gia đình trách móc người con đi hoang.  Tôi đã hoàn toàn thu hút sự chú ý của chàng.  Chàng nhìn tôi với bộ mặt sửng sốt đầy thắc mắc.  Tôi được biết chàng từng ngủ nơi đầu đường xó chợ.  Tôi cho chàng địa chỉ ở thành phố Nice nơi chàng có thể xin vé ăn tiệm do một xứ đạo cung cấp.  Chàng ngồi ghi địa chỉ và chuyển sang một câu chuyện nghiêm chỉnh.  Tôi năn nỉ yêu cầu chàng hãy trở về ngay thành phố Lille để mẹ chàng an tâm.  Chàng có vẻ cảm động trước những lý lẽ tôi nêu.  Tôi hỏi cho biết tên riêng của chàng và được biết nó trùng hợp với tên riêng của đứa con trai út của tôi là Phát (Patrice).  Từ lúc đó tôi gọi chàng bằng tên Phát.  Tôi thấy chàng cảm động và suy nghĩ đăm chiêu.  Lập tức chàng quyết định lên đường trở về thành phố Lille nhờ còn giữ vé xe trở về.  Khi hướng tới nhà ga, chàng xin phép để ôm hôn tôi mà nói: "Em sẽ không bao giờ quên được chị…"  Khi cất bước, tôi quay đầu lại để nhìn theo chàng.  Tôi thấy chàng chạy lại phía tôi, tay cầm một chiếc móc chìa khóa bằng bạc rất đẹp.  Thoạt tiên tôi không muốn nhận kỷ vật thiết thân đẹp như vậy, sợ chàng phải mất mát vì tôi.  Nhưng chàng mạnh mẽ năn nỉ tôi khi nói: "Ðó là đồ vật quí báu duy nhất em hiện sở hữu.  Em từng gắn bó với nó nhưng chị có quyền trên nó: chị đã cứu em, chị có biết không?"  Tôi hiểu rằng tôi sẽ xúc phạm tới chàng nếu tôi từ chối không nhận lấy cái móc chìa khóa chàng đặt trong lòng bàn tay tôi.  Một lần nữa chàng ôm hôn tôi, cho tôi thấy rõ dấu chỉ của niềm vui, và chàng đi đến nhà ga với bước đi vững vàng và khẳng khái."

 

Một số câu hỏi gợi ý

1.  Bạn có ý thức rằng Thiên Chúa sẽ không mấy hài lòng khi phải ban cho bạn ơn cứu độ vào giờ chót?  Ngài muốn bạn là một con người sống động, một nhân cách ngày một thêm phong phú, bởi lẽ Ngài muốn nhận ra nơi bạn hình ảnh của Người Con chí ái của Ngài.

2.  Làm thế nào để trở nên sống động?  Hãy chăm lo mối tương quan giữa bạn và Thiên Chúa.  Hãy ra sức tăng trưởng trong tình yêu, trong thái độ chấp nhận và tôn trọng tha nhân.

3.  Thái độ của bạn hiện như thế nào đối với những người nghiện ngập ma tuý, trẻ bụi đời, những cô gái điếm:  Bạn thường tránh né họ, khinh rẻ họ hay, ngược lại, bạn biết tiêu hao thời giờ để lắng nghe họ, noi gương người phụ nữ chia sẻ kinh nghiệm nói trên?

 


Back to Home Page