Ngày
21 tháng 10 năm 2001
Chúa
Nhật 29 Thường Niên Năm C
Ðọc Tin Mừng Lc. 18, 1-8
(1) Ðức Giêsu kể
cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu
nguyện luôn, không được nản chí. (2) Người nói: "Trong
thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên
Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. (3) Trong thành đó, cũng có
một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông:
"Xin ngài bênh vực tôi chống lại kẻ kiện tôi". (4)
Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng ông
ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà
cũng chẳng coi ai ra gì, (5) nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì
ta bênh vực mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta
nhức đầu nhức óc."
(6) Rồi Chúa nói: "Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó ! (7) Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn? (8) Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?
Gợi
ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Bài Tin Mừng Chúa
Nhật hôm nay rút ra từ đoạn Tin Mừng của thánh Luca
(17,20-18,1-8) cho thấy đề tài Nước Thiên Chúa mà Ðức Giêsu
rao giảng gây phản ứng khá sôi nổi nơi thính giả.
Người Pharisêu thì hỏi: Chừng
nào Nước đó đến? (Lc 17,20). Các
môn đệ cũng muốn biết: Nước ấy như Ðức Giêsu mô tả
ở đâu vậy? (Lc 17,37). Rõ ràng có sự nôn nóng về phía thính giả.
Dân Do Thái từng bị đặt dưới ách
đô hộ của đế quốc Rôma nên muốn có thay đổi về
chính trị. Cho nên khi Ðức
Giêsu nói tới Nước Thiên Chúa, người ta tự nhiên nghĩ tới
một quốc gia được cai trị bởi những người do chính Thiên
Chúa chỉ định như vua Ðavít xưa trong thời vang son của lịch sử
Do Thái. Nhưng làm thế nào
loại bỏ được chính quyền Rôma để thiết lập một quốc gia
loại đó? Có người chủ
trương dùng bạo lực để lật đổ chính quyền.
Tông đồ Simon chẳng hạn, từng là người thuộc phe Nhiệt
thành có chủ trương cực đoan đó.
Nhưng cực đoan hơn là thái độ của những người quan
niệm Nước Thiên Chúa theo những tác phẩm của nền văn chương
khải huyền. Họ tin rằng Nước
Thiên Chúa chỉ xuất hiện khi thế giới hiện có này qua đi.
Mọi sự sẽ đổ vỡ tan tành.
Riêng Nước Thiên Chúa sẽ được thiết lập trên đống
tro tàn của thế giới cũ (Ðn 4,31-32).
Với Ðức Giêsu,
quả thật, "thế giới này sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói
sẽ không qua đi." Chính
nhờ Ðức Giêsu mà con người được sống vĩnh viễn vì
"Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ
nhờ tôi mà được sống như vậy" (Ga 6,57).
Ngay cả trước khi Ðức Giêsu được cưu mang thiên sứ
đã loan báo cho mẹ Ngài biết con bà sẽ là Con Ðấng Tối Cao;
người con ấy sẽ lên ngôi trị vì ngai báu Tổ phụ Ðavít và
vương quyền của người con ấy sẽ vô cùng vô tận (Lc 1,32).
Nhưng làm thế nào
giải thể được chính quyền hiện tại để thiết lập vương
quyền vô cùng vô tận đó? Ðức
Giêsu cho thấy Nước Thiên Chúa là vương quyền siêu việt
trên mọi biến cố chính trị. Ngài
nói Nước Thiên Chúa "đang ở giữa các ông rồi" (Lc
17,22). Ngay việc Ngài tuyên
bố chính Ngài là Con Người đã hàm ý rằng Nước Thiên
Chúa mà Ngài thiết lập chính là vương quốc đã được tiên
báo trong sách ngôn sứ Ðanien 7,13-14.
Nếu Ðức Giêsu thực sự là Con Ðấng Tối Cao, Ngài
không thể mâu thuẫn với chính Thiên Chúa, Ðấng sáng tạo
nên mọi sự, sau đó đã nhìn nhận mọi sự ấy đều tốt lành
(St 2,31). Sự dữ xảy ra chỉ
vì loài người đã phạm tội và mất nghĩa cùng Chúa nhưng
Thiên Chúa vẫn một lòng từ ái:
Ngài đã sai Con mình đến để dùng chính tự do mà loại
bỏ sự dữ ra khỏi lòng người.
Quả thật, Con Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu mãnh liệt
của chính Thiên Chúa khi lãnh lấy mọi hậu quả của tội trên
thân xác và trong tâm hồn mình, để bất cứ ai nhìn thấy Con
Thiên Chúa chết treo trên thập tự đều không thể dửng dưng
được. Nhân loại sẽ buộc
phải chọn giữa Nước của Thiên Chúa hoặc nước của tăm
tối. Vậy điều kiện để Nước
Thiên Chúa được thiết lập là "Con Thiên Chúa phải chịu
đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ" (Lc 17,25).
Cả người Do Thái
lẫn người Hy Lạp đều không sẵn sàng chấp nhận con đường
cứu nhân độ thế kiểu đó. Các
môn đệ của Ðức Giêsu cũng không hơn gì.
Phêrô là trưởng Nhóm Mười Hai đã dám can ngăn Thầy
mình đừng nên bước vào con đường hy sinh chịu khổ và chịu
chết, nên đã bị Ðức Giêsu quở trách nặng nề (x.Mt 16,23).
Thực ra việc huấn
luyện các môn đệ để họ chấp nhận đường thập giá của
thày lẫn trò (Lc 9,22;
9,43-45; 18,31-34 và Lc 14,25-27) cứ còn phải kéo dài như một
cuộc thường huấn, kể cả sau Chúa Nhật Phục Sinh.
Ðấng Phục Sinh nói với hai môn đệ đi Emmau "Nào
Ðức Kitô chẳng phải chịu đau khổ rồi mới được vinh quang
ư?" (Lc 24,26).
Việc thường huấn
nói đây chủ yếu được thể hiện qua cầu nguyện luôn, không
được nản chí (Lc 18,1-8). Chính
nhờ cầu nguyện trong đời thường, người môn đệ mới có
sức gắn bó với Thầy mình vác thập giá, đồng thời biết
chịu khó vác cây thập giá Chúa dành cho mình vác (Lc
14,25-27).
Nhưng cả việc gắn
bó với Thầy vác thập giá cũng như việc vác thập giá mình
mà theo Thầy, cả hai việc đều trở thành vô nghĩa nếu không
nhận ra Thầy chính là Con Người xuất hiện trong vinh quang đang
chờ đợi mình ở cuối cuộc đời.
Thực ra, Ngài đang chờ đợi cả thế giới vào ngày
tận thế. Nhưng việc nhận
ra ấy lại thuộc niềm tin vượt quá khả năng của loài người.
Do đó, Ðức Giêsu mới nêu câu hỏi: "Khi Con Người
ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa
chăng?" (Lc 18,8). Dụ ngôn
"Quan toà bất chính và bà goá quấy rầy" nhằm trả lời
chính câu hỏi đó.
Câu trả lời
được hiểu ngầm trong bài dụ ngôn là:
-
Thiên Chúa sẽ tức khắc đáp ứng lời cầu của con người
và ban ơn cứu độ (Lc 18,8) vì Ngài không thể thua kém quan toà
bất công trong dụ ngôn.
-
Thiên Chúa không áp đặt ơn cứu độ trên con người
vì Ngài trọng tự do chính Ngài ban cho họ.
Nhưng Thiên Chúa không ngừng ban cho họ Người Con chí ái
của Ngài trên thập tự để nhìn lên Người Con ấy, loài người
không bao giờ phải thất vọng. Họ phải luôn cầu nguyện là phải có tâm trạng
đón nhận Người Con Chí Ái của Thiên Chúa là nguồn tình yêu
mà Thiên Chúa dành cho mình.
Một
số câu hỏi gợi ý
1.
Bạn nghĩ quan toà trong dụ ngôn (Lc 18,1-8) từ chối, không
đáp ứng lời yêu cầu của bà goá chỉ vì:
ông ta biếng nhác? Ông
ta sợ kẻ đối phương của bà goá?
Ông thiếu sự tôn trọng đối với kẻ goá bụa?
2.
Bạn nghĩ trong xã hội ta đang sống, thành phần nào dễ bị
coi thường và bị đối xử bất công giống như nhân vật bà
goá trong dụ ngôn? Lý do của
việc đối xử bất công như vậy có phải là do những con người
không kính sợ Thiên Chúa và cũng chẳng coi ai ra gì?
Bạn nghĩ đối thoại và cộng tác nhằm phát triển con người
toàn diện có thể giảm thiểu được tình trạng bất công như
vừa nói chăng?
3.
Nhưng những người như nhân vật quan toà trong dụ ngôn
(Lc 18,8) có thuộc về Nước Thiên Chúa chăng?
(xem GLGHCG số 543-546)
Ðức Giêsu loan
báo Nước Thiên Chúa
Mọi người đều
được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa.
Vương triều của Ðấng Mêsia (vị cứu tinh) trước tiên
được loan báo cho con cái Ítraen, nhưng cũng để tiếp nhận mọi
dân tộc. Ðể được vào
Nước Thiên Chúa con người phải đón nhận Lời Ðức Giêsu:
LỜI CHÚA VÍ NHƯ HẠT
GIỐNG GIEO TRONG RUỘNG: ai tin
nghe Lời Chúa và gia nhập đàn chiên nhỏ của Ðức Kitô thì
đã đón nhận chính Nước Người; rồi tự sức mình, hạt
giống nảy mầm và lớn lên cho tới mùa gặt. (x. Ánh Sáng
Muôn Dân số 5)
Nước Thiên Chúa thuộc về những người nghèo hèn, nghĩa là những người đón nhận với lòng khiêm hạ. Ðức Kitô được cử đến để "Loan báo Tin Mừng cho người nghèo" (Lc 4,18). Người tuyên bố rằng họ có phúc, bởi vì "Nước Trời là của họ" (Mt 5,3). Chúa Cha đã thương mạc khải cho những kẻ bé mọn điều Người giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết. Ðức Giêsu đã chia sẻ kiếp sống của những người nghèo hèn, từ máng cỏ cho tới thập giá. (GLGHCG 543-544).