Ngày
14 tháng 10 năm 2001
Chúa
Nhật 28 Thường Niên Năm C
Ðọc Tin Mừng Lc. 17, 11-19
(11) Trên đường lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samaria và Galilê. (12) Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa (13) và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi !" (14) Thấy vậy, Ðức Giêsu bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế". Ðang khi đi thì họ đã được sạch. (15) Một người trong bọn, thấy mặt được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. (16) Anh ta sấp mình dưới chân Ðức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari. (17) Ðức Giêsu mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? (18) Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" (19) Rồi Người nói với anh ta: "Ðứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh".
Gợi
ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Người Samari có
lòng biết ơn
Bài Tin Mừng hôm
nay nói về mười người bệnh phong được chữa lành tuy nhiên
đặc biệt chú ý tới một người trong nhóm, đó là người
Samari đã tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và với
Ðức Giêsu là người đã chữa anh khỏi bệnh.
Tình trạng đáng thương
của người mắc bệnh phong đã được Ðức Giêsu chiếu cố
chữa lành rất sớm trong đời công khai của Người (Lc
5,12-16). Chứng bệnh lây
truyền này từng bị coi như hình phạt điển hình nhất Thiên
Chúa gửi đến: "Ðức Chúa sẽ làm cho anh em bị ung nhọt
ác tính ở đầu gối và ở đùi, mà anh em không thể chữa
khỏi, từ bàn chân cho đến đỉnh đầu." (Ðnl 28,35).
Người mắc bệnh phong phải mặc áo rách, xoã tóc, che
râu ria, và kêu lên "Ô uế! Ô uế!"
Bao lâu còn mắc bệnh, người đó phải ở riêng ra một
nơi ngoài trại (Lv 13,45-46). Bất
kể tới hàng rào ngăn cách do luật cũ dựng lên, Ðức Giêsu
đã đụng tới thân mình người bệnh phong và cho anh ta lập tức
được khỏi (Lc 5,13).
Với cuộc chữa lành
nói trên, Ðức Giêsu không những tỏ ra là Ðấng quyền năng
đối với thứ bệnh thuộc loại ghê gớm nhất này mà còn
cho thấy chính Người đứng ra phá đổ hàng rào khiến cho con
người xa cách nhau.
Cuộc xuất hành mới
nhằm Trời cao
Riêng với bài Tin
Mừng hôm nay điều được nhấn mạnh là mối tương quan giữa
con người với Thiên Chúa. Ðiều
đó dễ hiểu vì Luca đặt cuộc chữa lành mười người bệnh
phong trong cuộc hành trình lên Giêrusalem của Ðức Giêsu.
Cuộc hành trình này được Luca quan niệm như cuộc xuất
hành mới với Ðức Giêsu đứng ra lãnh đạo dân mới của
Thiên Chúa đi về đất hứa là Trời cao (Lc 9,51).
Cả nhóm chứ không
phải chỉ một người bệnh phong, tụ tập lại để xin Ðức Giêsu
chữa lành. Nhóm gồm cả
người Do Thái lẫn người Samari.
Ngay từ đầu cuộc hành trình lên Giêrusalem của Ðức
Giêsu, kẻ chống đối đầu tiên đối với cuộc lên Giêrusalem
này chính là những người Samari. Khởi sự, Ðức Giêsu sai mấy sứ giả đi trước.
Những người này vào một làng người Samari để chuẩn
bị cho Người đến, nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì
Người đang đi về hướng Giêrusalem (Lc 9,52-53).
Khi hai môn đệ là Giacôbê và Gioan tức giận muốn khiến
lửa từ trời xuống thiêu hủy dân làng Samari là dân chống
đối cuộc lên Giêrusalem, hai ông liền bị Ðức Giêsu quở mắng
(Lc 9,55).
Vượt trên kỳ
thị chủng tộc
Kỳ thị chủng tộc
giữa người Do Thái và người Samari đã có từ xa xưa đặc
biệt từ sau cuộc lưu đầy vào năm 722 trước công nguyên.
Người Samari trở nên một dân pha trộn về chủng tộc.
Hố ngăn cách giữa hai dân tộc càng thêm sâu khi người
Samari từ cuộc lưu đày Babylon trở về muốn đoàn tụ với
người Giuđê mà bị vua Giôrôbaben và nhà lãnh tụ Nêhêmi
từ chối (Er 4,2-3). Người
Samari liền xây đền thờ riêng cho họ trên đỉnh Garadim.
Người có công xây cất chính là ông Manasê, con trai của
vị thượng tế Yoađa, đã bị ông Nêhêmi đuổi khỏi Giêrusalem
vì kết hôn với người con gái của một vị quan Ba Tư ngoại
đạo.
Vậy Ðức Giêsu không
chỉ tỏ ra là một con người bao dung.
Thái độ của Người đã dứt khoát muốn đi ngược lại
dòng lịch sử của hơn bảy thế kỷ kỳ thị chủng tộc, để đến
với người Samari.
Trong cuộc hành trình
lên Giêrusalem, Ðức Giêsu còn làm mọi người ngạc nhiên với
dụ ngôn người Samari nhân hậu.
Trong dụ ngôn này hai nhân vật tỏ ra thiếu tình người
chính là hai người có địa vị trong đạo Do Thái, gồm một thầy
tư tế và một thầy Lêvi. Hai vị này trên đường từ Giêrusalem xuống
Giêrikhô, gặp một người bị kẻ cướp bóc lột và đánh
nhừ tử rồi để nằm nửa sống nửa chết trên đường.
Cả hai lần lượt sang phía bên kia đường mà đi.
Chỉ có một người Samari nặc danh vừa thấy nạn nhân
liền động lòng thương. Người
này đã cúi mình xuống rửa và băng bó vết thương cho nạn
nhân. Kế đến ông còn vực người đó lên lưng lừa
để chở đến quán trọ. Người
Samari nhân hậu này không những trả tiền cho người chủ quán
trọ mà như còn trao cho chủ quán một ngân phiếu đã ký sẵn
để chủ quán tự do điền vào, khi nói: "Nhờ bác săn
sóc cho người này, có tốn kém bao nhiêu, thì khi trở về,
chính tôi sẽ hoàn lại bác." (Lc 10,35)
Bằng con đường
bác ái gương mẫu
Và ta biết dụ ngôn
được kết thúc với lời Ðức Giêsu khuyên nhà thông luật
Do Thái là "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy" (Lc
10,37) -tức là hãy noi gương người Samari để sống tình người;
như vậy mới mong có được sự sống đời đời làm gia
nghiệp.
Nhưng sự sống
đời đời chỉ đạt được khi người ta thể hiện cả hai vế
của giới răn yêu thương. Mến Chúa mà thôi thì chưa đủ, còn phải yêu
người nữa. Ngược lại,
yêu người mà thôi cũng chưa đủ, còn phải "yêu mến
Ðức Chúa Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết
sức lực, và hết trí khôn ngươi" (Lc 10,27).
Dụ ngôn người Samari nhân hậu chỉ mới nêu ví dụ điển
hình về yêu người. Về mến
Chúa, một người Samari nữa được Ðức Giêsu chỉ cho thấy
như một kiểu mẫu nổi bật. Ðó
là người Samari bệnh phong trong số mười người bệnh phong
được Ðức Giêsu chiếu cố chữa lành như ta thấy trong bài
Tin Mừng hôm nay.
Hết sức thuận lợi
với Nước Thiên Chúa
Bề ngoài xem ra những
người bệnh phong này đã bị Thiên Chúa chúc dữ nhưng trong
thực tế Chúa đã biến đổi hoàn cảnh bất lợi trở nên
hoàn cảnh hết sức thuận lợi cho Nước của Ngài.
+ Chính nhờ tách rời
khỏi cộng đoàn địa phương nơi họ từng sinh sống, họ
được tự do sống tình người như Thiên Chúa đã dựng nên
họ, không phân biệt là người Samari hay là người Do Thái.
+ Bị xã hội ruồng
bỏ, họ đã không trở nên mồi ngon cho thất vọng.
Chính họ cùng nhau làm nên một xã hội mười người
phong sống lây lất cạnh lối ra vào cổng thành.
Họ sống dựa vào của bố thí nhưng đồng thời cũng
luôn đòi người ta phải xét lại xem lối cư xử đối với
họ có thực sự công bằng lắm hay không.
+ Họ nghiệm được
phần nào về Nước Thiên Chúa đang đến với họ qua con người
đầy tình thương và quyền năng của Ðức Giêsu.
Có lẽ họ đã nghe biết rằng tất cả những ai có người
đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay lên từng bệnh nhân và chữa
họ. (Lc 4,40). Cho nên họ đón
gặp Người. Họ dừng lại
đằng xa và kêu lớn tiếng "Lạy Thầy Giêsu xin dủ lòng
thương xót chúng tôi" (Lc 17,13)
+ Thầy Giêsu nhẹ
nhàng đưa họ vào nhịp sống của Nước Thiên Chúa ngang qua một
lệnh truyền. Như xưa ngôn sứ
Êlisê truyền cho quan Na-a-man mắc bệnh phong, phải tắm bảy lần
trong sông Giođan để được lành (2V 5,10-12), nay Thầy Giêsu cũng
đòi mười người phong phải thực hiện một việc chứng tỏ
niềm tin và đức vâng phục của họ.
Họ phải đi trình diện với những vị tư tế có nhiệm
vụ xét xem họ có được khỏi để tái gia nhập cộng đoàn
Do Thái chưa.
+ Ðiều lạ lùng xảy
ra là khi họ vâng lời Thầy Giêsu để đi trình diện với các
vị tư tế nói trên, thì tự nhiên bệnh phong biến mất trên
người họ!
Vậy mười người
phong đã tiến xa và sâu trong Nước của Thiên Chúa nhờ ơn
tạo dựng vẫn duy trì họ trong hiện hữu và nhờ Chúa Thánh
Linh vẫn nói với họ qua tiếng nói của lương tâm.
Họ còn được Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa (Lc 1,35) chiếu
cố can thiệp dẫn đưa họ tới ơn cứu độ.
Như đoá hoa nở
rộ
Riêng nơi người bệnh
phong gốc Samari, sự can thiệp của Ðức Giêsu như đoá hoa nở
rộ:
+ Một mình người
Samari "thấy mình được khỏi liền quay trở lại" với
Ðức Giêsu. Anh có cái nhìn
chính xác về xuất xứ của đời sống mới nơi anh.
Tiên vàn phải trở lại với Thầy Giêsu là người đã
cho anh được khỏi. Ðấng
có khả năng chữa anh khỏi thứ bệnh ghê gớm này phải có
khả năng soi sáng nhiều cho đời anh.
+ Trước khi gặp lại
Thầy Giêsu, anh đã "lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa"
(c.15). Ðó là Ðấng Thiên
Chúa gắn liền với hiện hữu của anh.
Ðó là Ðấng mà Thầy Giêsu kêu là "Cha là Chúa
Tể trời đất… Ðấng đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan
thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những
người bé mọn" (Lc 10,21).
+ "Anh liền sấp
mình dưới chân Thầy Giêsu mà tạ ơn" (c.16).
Ðó là cử chỉ biểu lộ lòng tôn kính một vị vua; ở
đây lòng tôn kính hướng tới một vị mà anh nhìn nhận là
người mà Thiên Chúa đã sai đến cứu chữa anh.
+ "Chín người
kia đâu? Sao không thấy họ
trở lại tôn vinh Thiên Chúa?" (cc.17-18). Họ đã vâng lời người của Thiên Chúa và
đã được khỏi về thể lý. Thế
mà tâm hồn họ không được đánh động để tôn vinh Thiên
Chúa sao? Có sự tê liệt
nào đó về thiêng liêng trong mối tương quan của họ đối với
Thiên Chúa.
+ "Ðứng dậy đi!
Lòng tin của anh đã cứu anh" (c.19).
Niềm tin cứu độ nơi người Samari giả thiết sinh hoạt cứu
độ phát xuất từ nơi Thầy Giêsu.
Người Samari này đã được Thầy Giêsu dẫn vào nhịp
sống của đức tin. Nhịp sống ấy có thể đưa anh đi rất xa.
Một
số câu hỏi gợi ý
1.
Chúa Giêsu đã vượt lên trên truyền thống kỳ thị chủng
tộc nặng nề để đến với người Samari.
Riêng bạn có phải vượt thắng những khó khăn nào
không để có tương quan tốt với một số những người không
phải là người Công Giáo mà bạn biết.
Tương quan ấy nên nhắm mục đích nào theo gương Chúa Giêsu?
2. Hãy so sánh người bệnh phong Samari được Chúa Giêsu chữa lành (Lc 17,11-19) với nhân vật Samari nhân hậu trong dụ ngôn (Lc 10,29-37). Họ nói với chúng ta những gì về Nước của Thiên Chúa?