Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ngày 23 tháng 9 năm 2001

Chúa Nhật 25 Thường Niên Năm C

 

Ðọc Tin Mừng Lc 16,1-13

(1) Ðức Giêsu còn nói với các môn đệ rằng: "Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. (2) Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa !" (3) Người quản gia liền nghĩ bụng: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. (4) Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!"

(5) "Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?"  (6) Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ôliu". Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi". (7) Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?" Người ấy đáp: "Một ngàn thùng lúa". Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi".

(8) "Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

(9) "Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. (10) Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. (11) Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? (12) Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

(13) "Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được".

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Thánh Hồ Ðình Hy

Dưới thời vua Tự Ðức, một người Công Giáo được nhà vua trọng dụng đến nỗi cho lên chức Thái bộc, hàm tam phẩm, đặc trách ngành dệt tơ lụa vải vóc trong cả nước.  Ðó là quan Micae Hồ Ðình Hy sinh năm 1808 tại Nhu Lâm, tỉnh Thừa Thiên, vốn là con một gia đình quan chức.

Một con người lương tâm

Ðã một thời địa vị của quan Thái bộc họ Hồ vững vàng đến nỗi khi một số quan lại ghen tương xin truất chức ông, vua Tự Ðức liền trả lời: "Không thể truất nhiệm ông ta được, vì ông ta chu toàn trách nhiệm theo lương tâm.  Trước đây chưa ai giữ chức ấy được hai năm cả.  Cho đến nay, ta chưa có gì phải khiển trách ông ta.  Có lẽ ta sẽ tăng lương cho xứng với việc của ông ấy nữa là khác."

Không che dấu niềm tin

Mặc dầu làm quan dưới triều một ông vua bắt bớ đạo Công Giáo, ông Micae Hồ Ðình Hy không che dấu niềm tin Kitô giáo của mình.  Khách ra vào nhà ông đều biết có bàn thờ Chúa đặt ở nơi xứng đáng nhất, có thắp đèn chưng hoa mỗi ngày.  Niềm tin ấy được biểu lộ cả đối với lỗi lầm sa ngã trong đời sống riêng của ông.  Số là một thời ông có quan hệ ngoại hôn với một thiếu nữ trẻ và sinh được ba người con.  Ðể chuộc lại lỗi lầm, ông đã rửa tội và đưa chúng về nhà nuôi nấng như con chính thức của ông.  Có lần ông tâm sự với bạn bè rằng: "Tôi nghĩ dù lấy nước của các con sông trên địa cầu, cũng không thể rửa sạch tội của tôi được.  Có lẽ chỉ có thể rửa sạch chúng bằng chính máu của tôi."

Ông là người biết quan tâm tới ơn cứu độ của tha nhân.  Nơi địa phương ông ở có một người quá nghèo đến nỗi phải bán hai bé gái cho người ngoài đạo Công Giáo.  Ông Hồ Ðình Hy đã bỏ tiền ra chuộc lại hai cháu này và đem về nuôi.  Tới khi chúng trưởng thành, ông đã quảng đại để cho hai người con nuôi này được ra đi theo sở thích: một người xin đi tu và một người lập gia đình.

Ðức ái thực thi đến nơi đến chốn

Ông Micae Hy cũng là một giáo dân biết thực thi đức ái đến nơi đến chốn.  Số là có một người nghiện thuốc phiện mắc bệnh trầm trọng.  Người này được giới thiệu đến xin ông giúp đỡ.  Ông đón tiếp bệnh nhân này một cách rất thân tình đến nỗi cho ở một căn lều phía sau nhà.  Mỗi ngày trước khi đi làm cũng như khi ở sở về, ông đều ghé thăm và săn sóc người đó.  Khi có người trách, ông liền trả lời: "Phải làm nhiều việc thiện để đền bù tội lỗi chúng ta.  Mà đã làm thì đừng làm một cách máy móc qua lần, chiếu lệ, phải làm với thiện ý.  Có thế mới lập được nhiều công phúc."  Ông tiếp tục săn sóc bệnh nhân này suốt 15 ngày cho tới khi người đó qua đời và ông đã tổ chức một lễ an táng chu đáo cho người đó.

Ðức cha Phan Lê Ðình (Pellerin), Giám mục giáo phận Ðàng Trong yêu cầu ông hỗ trợ các thầy giảng thuộc tỉnh Thừa Thiên.  Sau này Ngài còn ủy thác cho ông việc coi sóc tài sản và cơ sở truyền giáo của giáo phận.  Ngoài việc quản trị khôn ngoan, ông còn đóng góp nhiều tiền của và công sức cho tài sản chung của giáo phận.  Lần kia khi thuyền của Ðức cha bị một chiếc thuyền ngược chiều tông vào.  Chủ thuyền lạ này đòi tiền bồi thường.  Ông Hy lanh trí khôn, liền cởi áo quí ông đang mặc, trao cho chủ thuyền đó, để bảo đảm an toàn cho vị giám mục đang ở trong thuyền.

Cuối năm 1856, quân Pháp bắn phá cảng Ðà Nẵng.  Quan Thái bộc Hồ Ðình Hy bị bắt về tội đã gởi con đi học với người ngoại quốc ở chủng viện Pi-năng, nghĩa là có giao thiệp với người nước ngoài.

Một lần chính vua Tự Ðức xét xử và khuyên ông nên nghĩ lại, ít nữa là giả bộ bước qua Thập Giá thì sẽ được tha.  Ông thưa với nhà vua: "Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước và là tôi trung.  Hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Ðức Kitô, đền bù tội lỗi và được chết thánh thiện."

Trở về ngục ông Micae Hy nói với các bạn rằng "Tôi thấy đời tôi sắp tận số rồi, chỉ mong sao giữ vững được đức tin đến giờ phút cuối đời."

Thanh liêm và tốt bụng

Sáng ngày 22 tháng 5, 1875, ông bị đưa ra pháp trường.  Dân chúng đi theo rất đông, lương hay giáo đều bùi ngùi thương tiếc một vị quan thanh liêm tốt bụng.  Khi qua cầu An Hoà, ông nói với lính rằng: "Ði xa làm chi, ở đây tôi có nhiều bạn hữu bà con."  Thế là thay vì đi đến cống Ðốc Sơ, ông được trảm quyết ngay tại đó.  Và vì ông là một quan nổi tiếng, lính dành cho ông một sự tự do hoàn toàn.  Ông thong thả rửa chân tay, rồi ngồi bằng trên chiếu, bình tĩnh hút hết một điếu thuốc.  Sau đó, đứng lên thật bình thản sửa soạn đầu tóc, y phục cho chỉnh tề, rồi sốt sắng quỳ xuống cầu nguyện.  Hai linh mục Việt Nam ẩn trong đám đông ra dấu tha tội cho ông.  Cuối cùng ông đưa đầu ra cho lính trảm quyết.  Ðúng là một cái chết thánh thiện mà ông đã ước ao trước vua Tự Ðức.

Ðời sống và cái chết của thánh tử đạo Micae Hồ Ðình Hy quả thật làm sáng tỏ điều gợi ý do câu kết của dụ ngôn về người quản gia bất lương là:  con cái của ánh sáng, tức người môn đệ Ðức Kitô, có bổn phận phải khôn khéo hơn con cái đời này (x. c.8).

Người quản gia bất lương được bài dụ ngôn đề cao như một điển hình tiên tiến đối với người môn đệ Ðức Kitô vì anh quản gia này đã khôn ngoan vận dụng khả năng anh hiện có để bảo đảm cho tương lai đời anh.  Anh được chủ cho biết là sẽ mất chức quản gia vì tội phung phí tài sản của chủ (c.1).  Tương lai anh hết sức mù mịt vì anh không có sức lao động chân tay.  Anh thấy mình chỉ còn có cách đi ăn xin!  Nhưng đó lại là việc quá xấu hổ đối với anh.  Vậy anh đã khôn khéo lợi dụng thời gian ngắn ngủi anh chưa mất chức quản gia, để gây ảnh hưởng đối với những con nợ của chủ.  Anh hy vọng họ sẽ đón tiếp anh khi anh mất chức.  Anh gây ảnh hưởng bằng cách giảm bớt nợ nần cho họ (cc.6-7).  Quản gia vùng Trung Ðông thời Ðức Giêsu thường được trả công bằng lợi tức do những món nợ loại đó.  Cho nên việc người quản gia sắp mất chức giảm bớt nợ nần cho các con nợ của chủ (cc.6-7) không phải là việc gian lận, vì anh chỉ giảm bớt điều lẽ ra thuộc về anh mà thôi.  Sách Xh 22,24, còn cấm chủ nợ không được bắt người nghèo trả lãi.  Cho nên người quản gia trong bài dụ ngôn càng tỏ ra khôn khéo trong việc giảm bớt nợ cho các con nợ để họ đón rước anh về nhà họ (c.4).

Ðược chính Chúa Kitô đón tiếp

Riêng người Kitô hữu là con cái của sự sáng (1Th 5,5; Eph 5,8) càng phải khôn khéo hơn biết bao để đảm bảo cho tương lai vĩnh cửu của đời mình.  Thánh Micae Hy quả thực đã tỏ ra hết sức khôn khéo nhằm mục đích đó.  Ông đã khôn ngoan thực thi đức ái đến nơi đến chốn cả trong thời gian ông còn là một viên quan có uy tín vững vàng trước nhà vua.  Về điều này Thánh Hy đã tỏ ra khôn ngoan hơn cả người quản gia trong bài dụ ngôn thuộc loại người "nước đến chân mới chạy"!  Aáy là chưa nói tới tài năng trổi vượt của Thánh Hy được chính Ðức cha Phan Lê Ðình (Pellerin) tín nhiệm.  Và cũng chưa nói đến tiền của khá nhiều mà Thánh Hy đã dành cho người nghèo và cho Giáo Hội để đền bù tội lỗi riêng hầu đảm bảo sự sống đời đời.  Vị thánh này đã hy sinh tất cả, kể cả 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, để qua cái chết tử đạo, ông được Ðức Kitô đón rước vào sự sống vĩnh cửu.  Thử hỏi còn có bước đường nào khôn ngoan hơn bước đường Thánh Hy đã đi?

Một số câu hỏi gợi ý

1.  Về thánh Hồ Ðình Hy, bạn thán phục điều gì hơn cả:  a) Ngài chu toàn trách nhiệm theo lương tâm đến nỗi vua Tự Ðức cũng phải thán phục?   b) Dầu làm quan lớn dưới triều một ông vua cấm đạo Công Giáo, ngài không che dấu niềm tin tôn giáo của mình?   c) Ngài biết thực thi đức ái đến nơi đến chốn?  d) Ngài hy sinh mạng sống để nên giống Ðức Kitô?  e) Bạn có ý kiến khác?

2.  So sánh với người quản gia bất lương trong bài Tin Mừng hôm nay, bạn nhận thấy thánh Hy khôn ngoan hơn người ấy về những phương diện nào và nhằm mục đích nào rõ ràng?

3.  Bạn hiểu thế nào để có thể đưa ra thực hành Lời Chúa dạy hôm nay là "Anh em không thể vừa làm  tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được" (c.13).


Back to Home Page