Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ngày 9 tháng 9 năm 2001

Chúa Nhật 23 Thường Niên Năm C

 

Ðọc Tin Mừng Lc. 14, 25-33

(25) Có rất đông người cùng đi đường với Ðức Giêsu. Người quay lại bảo họ: (26) "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. (27) Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được".

(28) Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? (29) Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: (30) "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc". (31) Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? (32) Nếu không đử sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. (33) Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được".

 

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Bài Tin Mừng hôm nay ngỏ lời với mọi người muốn làm môn đệ Ðức Giêsu.  Chính với đám đông đang đi theo Người lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đã nêu những điều kiện họ phải có để bước theo Người.  Nhưng tại sao với đám đông mà Người cũng nêu vấn đề dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống nữa (c.26)?  Về cuối bài Tin Mừng, Người còn đòi hỏi người ta phải từ bỏ hết những gì mình có để theo Người (c.33).  Như vậy phải hiểu bài Tin Mừng hôm nay như thế nào để có thể đưa ra thực hành?

Tại sao phải dứt bỏ mọi sự?

Quả thật bài Tin Mừng hôm nay gợi ý để ta đặt mình trước vấn đề sự thiện và sự ác như Kinh Thánh dạy ta, nhờ đó mới hiểu được tại sao Ðức Giêsu yêu cầu kẻ theo Người phải dứt bỏ mọi sự.

Kinh Thánh cho thấy từ nguyên khởi Thiên Chúa đã dựng nên mọi sự đều rất tốt (St 1,31), cho nên không có vấn đề phải loại bỏ điều gì cả.  Nhưng khi Ðức Giêsu đến dạy ta phải cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ (Lc 22,46) và để được cứu thoát khỏi sự dữ (Mt 6,13), thì rõ ràng là sự dữ đã xuất hiện và nó không xa lạ với con người đến nỗi lòng con người có thể bị lôi kéo bởi nó!  Ta gọi đó là cơn cám dỗ.

I. - SỰ THIỆN và SỰ ÁC NƠI THẾ GIỚI

Ai cũng nghiệm thấy ngay nơi lòng mình cái gọi là thiện hảo hoặc xấu hay dữ.  Kinh Thánh gọi điều thiện hảo là tôb (mà Hy ngữ dịch là KalosAgathos, tức là đẹp và tốt) để chỉ về người hay vật khơi dậy nơi người cảm nhận những cảm giác dễ chịu hoặc sảng khoái.  Kinh Thánh nói tới một bữa ăn ngon (1V 21,7; Rt 3,7), một thiếu nữ đẹp (Est 1,11), những con người từ thiện (St 40,14).  Nói tóm lại tôb chỉ về tất cả những điều mang lại hạnh phúc hoặc khiến cho cuộc sống được dễ dàng xét theo trật tự vật lý hoặc tâm lý.  Ngược lại, tất cả những điều đưa người ta tới bệnh tật, đau khổ dưới mọi hình thức, nhất là đưa tới sự chết, đều được gọi là xấu (ra trong Hip-ri mà Hy ngữ dịch là poncos hoặc kakos).

Khi Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa thấy điều Người dựng nên là điều tốt (St 1,4) Kinh Thánh không có ý nói rằng phẩm chất thiện hảo là do điều thiện hảo khách quan nào đó mà không phải là chính Thiên Chúa.  Chỉ có Thiên Chúa tạo dựng mới thông ban cho thọ tạo phần thiện hảo do chính ưu phẩm thiện hảo của Người.

Cuộc thử thách về tự do

Nhưng nơi con người mà nói tới phẩm chất thiện hảo thì đó là một trường hợp đặc thù.  Phẩm chất ấy là một phần lệ thuộc vào con người.  Ngay từ khi tạo dựng, Thiên Chúa đã đặt con người trước "cây biết lành biết dữ" bằng cách cung cấp cho con người khả năng vâng phục hầu hưởng dùng hoa trái của cây sự sống; ngược lại con người cũng có khả năng bất tuân để bị lôi kéo vào sự chết (St 2,9.17):  Ðó là cuộc thử thách về tự do vẫn còn được lặp lại nơi mỗi một con người.  Nếu con người từ khước sự dữ và thực thi điều lành (Is 7,15; Am 5,14) bằng cách giữ luật Thiên Chúa và đặt mình đồng hình đồng dạng với ý muốn của Thiên Chúa, đó là con người thiện hảo đẹp lòng Thiên Chúa (St 6,8).  Nếu người đó làm điều ngược lại tất sẽ nên xấu và làm phật lòng Thiên Chúa (St 38,7).  Bởi lẽ, con người là thọ tạo được Thiên Chúa ban cho có tự do, nên có trách nhiệm.  Chính nơi lương tâm, con người hình thành nên chọn lựa mình muốn; đó chính là điều ấn định cho phẩm chất luân lý và định mạng đời mình.

Satan lừa đảo

Bị Satan lừa đảo, ngay từ ban đầu, con người đã chọn lựa sự dữ.  Con người đã tự tìm kiếm những điều thiện hảo cho mình ở giữa những thọ tạo quanh mình.  Sách Sáng Thế mô tả con người khi thấy thọ tạo "ngon để ăn thì chúng gây nên mê hoặc để nhìn xem" (St 3,6).  Và con người đã làm những điều ấy ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa, đó là điều thiết yếu sinh ra tội.  Hậu quả mà con người nhận được là những hoa quả chua chát do đau khổ và sự chết (St 3,16-19).  Tiếp theo là sự dữ được đưa vào thế giới trong đó nó được nảy nở.  Con cái loài người trở nên xấu đến nỗi thánh vịnh gia phải than: "Chúng đã ra hư đốn, làm những điều ghê tởm, chẳng có một ai làm điều thiện" (Tv 14,1).  Tông đồ Phaolô cũng khẳng định rằng "mọi người trên thế gian đều đắc tội trước tòa Thiên Chúa" (Rm 3,19).

Sự dữ phát sinh do lòng con người

Chính kinh nghiệm của con người cho thấy nỗi thất vọng trước những điều ước ao của chính mình mà mình không tài nào thỏa mãn (Gv 5,9).  Con người không thể nào tận hưởng được những của cải của trái đất (Gv 5,14; 11,2-6), lại cũng không có khả năng "làm điều thiện mà không phạm tội" (Gv 7,20) vì sự dữ phát sinh do chính lòng con người (St 6,5; Tv 28,3; Gr 7,24).  Ðiều đó do chính Chúa Giêsu vạch cho ta thấy rõ.  Người nói "Vì tự lòng con người phát sinh những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống.  Ðó là những cái làm cho con người ra ô uế." (Mt 15,19-20).

II. - DUY MỘT MÌNH "ÐỨC GIÊSU KITÔ CHÚA CHÚNG TA" (Rm 7,25)

có thể hạ được sự dữ từ tận gốc bằng cách toàn thắng nó ngay nơi lòng con người.

Ban tặng một quả tim mới

Cựu Ước đã tiên báo khi nói Thiên Chúa sẽ ban tặng cho loài người "một quả tim mới, sẽ đặt Thần Khí vào lòng các ngươi.  Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.  Chính Thần Trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, phán quyết và mệnh lệnh Ta sẽ truyền cho các ngươi." (Ed 36,26-27).

Tân Ước cho biết cũng như vì một duy nhất là Adam đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân; "thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính… vì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta." (Rm 5,19-21).

Chúa lãnh đạo mọi người trong cuộc chiến thắng sự dữ

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Ðức Giêsu lãnh đạo mọi người trong cuộc toàn thắng sự dữ như thế nào.  Mọi người cần phải từ bỏ hết những gì mình có để trở nên môn đệ của Ðức Giêsu (c.33) là phải đặt tất cả những gì mình sở hữu trong việc sử dụng chúng theo giới răn tình yêu của Ðức Giêsu.

Gia đình đặt mình để Chúa lãnh đạo

Hãy coi một gia đình Kitô hữu ngồi tính toán xem mình có thể thực thi tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay như thế nào: "Chúng tôi được thu hút bởi chủ thuyết "chia sẻ của cải" bằng cách chỉ giữ lại cho mình những gì cần thiết để sống, phần còn lại đem chia hết cho người túng thiếu.  Tuy vậy, khi tính toán lại, chúng tôi buồn phiền nhận ra là mình chẳng có đủ để mà cho.  Mặt khác, chúng tôi không cảm thấy bình tâm cho lắm khi không cho đi được.  Guồng máy xã hội có công bằng lắm không?  Có lẽ chúng ta phải bắt đầu đảo ngược lại những giá trị đã được đặt ra, thí dụ như dành ra một số tiền trước để chia sẻ cho anh em và sau đó mới dùng tiền còn lại để trang trải chi tiêu trong nhà.  Chúng tôi đã "nghiên cứu" kỹ số lương của chồng tôi, nguồn lợi tức duy nhất của gia đình và sau đó chúng tôi có sáng kiến là mỗi tháng sẽ hy sinh một cái gì đó để dành tiền cho mục "thực thi tình liên đới."

Các con tôi thấy vậy cũng ước ao được tham gia.  Chúng tôi ngồi quây quần lại với nhau và đã nói cho nhau nghe từng nhu cầu của nhau.  Con trai lớn của chúng tôi, vốn là đứa thích chưng diện theo thời trang nhất, đã sẵn sàng cắt bớt việc ăn mặc của cháu lại.  Hai đứa sau tình nguyện giới hạn vào việc tiêu tiền lúc cần thiết mà thôi, và đứa út thì tình nguyện giảm bớt tiền túi.

Qua cách giải quyết này, chúng tôi cảm thấy thật bình an, hiệp nhất với nhau.  Và chúng tôi cam kết sẽ làm bài tập này thường xuyên hơn nữa, để đừng bao giờ rơi vào cạm bẫy của một đời sống trưởng giả, vô tình trước nhu cầu của tha nhân." (Ðỗ Minh Trí, SJ., Ði Tìm Anh Em, Montréal 1993, trang 260-261).

 

Một số câu hỏi gợi ý

1.  Bạn nghĩ gia đình mà ngồi bàn bạc với nhau để xem ai nấy có thể đóng góp được bao nhiêu cho mục "thực thi tình liên đới" với những người thiếu thốn như nói trên, có thể mang lại lợi ích như: a) làm cho ai nấy bớt tính ích kỷ?  b) làm cho ai nấy trong gia đình quan tâm tới những người thiếu thốn trong xã hội?  c) làm cho ai nấy được tự do hơn để theo gương Chúa Giêsu?  d)  Bạn có ý kiến khác?

2.  Tại sao với đám đông mà Chúa Giêsu cũng nêu vấn đề phải dứt bỏ cha mẹ, vợ con, v.v… và hết những gì mình có (cc.26 và 33):  a) Chúa muốn người ta theo Chúa tận đáy lòng?  b) Chúa muốn giải thoát con người khỏi mọi ham muốn?   c) Chúa muốn người ta sống sự thật là phải hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa là nguồn gốc và cùng đích?  d) Bạn có ý kiến khác?

 


Back to Home Page