Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ngày 2 tháng 9 năm 2001

Chúa Nhật 22 Thường Niên Năm C

 

Ðọc Tin Mừng Lc. 14, 1.7-14

(1) Một ngày sabát kia, Ðức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.

(7) Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: (8) "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, (9) và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này". Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. (10) Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: "Xin mời ông bạn lên trên cho". Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn". (11) Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên".

(12) Rồi Ðức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. (13) Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. (14) Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại".

 

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Năm 1888 Ðức Lêô XIII phong thánh cho một vị thừa sai tại Châu Mỹ La Tinh và tôn vị ấy làm bổn mạng các hoạt động truyền giáo cho người da đen trên toàn thế giới.  Ðó là thánh Phêrô Claver (1580-1654).

Quì bên cạnh để rửa mặt rửa mình cho họ

Người ta có thể nghe chính vị thánh này mô tả về tình trạng của những người da đen mà ngài hiến thân phục vụ qua một đoạn trích của lá thư gửi các bạn của ngài như sau:  "… Hôm qua… Lễ Chúa Ba Ngôi, một số lớn dân da đen bị bắt dọc các bờ sông ở Phi Châu được đưa vào bờ bằng một chiếc tàu rất lớn.  Chúng tôi vội vã chạy ùa ra mang theo hai thúng đầy cam, chanh, bánh ngọt và đủ mọi thứ linh tinh.  Chúng tôi phải cố gắng dạt đám đông ra mới tới được với những người đau ốm.  Hàng đám họ đang nằm dài trên đất ẩm, đúng hơn là trên bùn, thân thể trần truồng không một mảnh vải che thân.  Chúng tôi cởi áo choàng ra, đi đến một nhà kho gần đó, kiếm đủ thứ gỗ còn xài được mang về và ghép chúng lại với nhau thành một cái bục, đoạn xông qua đám lính gác, và cuối cùng chúng tôi dàn xếp mang được tất cả những người ốm đau đến đó…  Phải chi các bạn có thể nhìn thấy lòng biết ơn biểu lộ trong ánh mắt họ!  Bằng cách này chúng tôi đã nói với họ không phải qua lời nói mà bằng hành động.  Bất cứ bằng hình thức ngỏ lời nào khác có lẽ cũng không phù hợp.  Ðoạn chúng tôi ngồi xuống hoặc quì bên cạnh họ và rửa mặt rửa mình cho họ."

Ðiều thánh Phêrô Claver vừa mô tả ăn khớp với lời khuyên của Ðức Giêsu ngỏ cùng vị thủ lãnh nhóm Pharisêu đã mời Người đến dự tiệc, rằng: "Khi ông đãi tiệc hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.  Họ không có gì đáp lễ và như thế, ông mới thật có phúc." (cc.13-14).  Hai thúng cam, chanh, bánh ngọt mà thánh nhân mang tới chỉ mới là đồ khai vị sơ khởi ban đầu.  Những cống hiến tiếp theo còn đáng kể hơn nhiều.  Những cống hiến ấy được tượng trưng bằng việc thánh nhân "ngồi xuống hoặc quì bên cạnh họ và rửa mặt rửa mình cho họ."  Tất cả những điều đó trở nên hạnh phúc lớn biết bao cho thánh Phêrô Claver khi thánh nhân hưởng được ngày các kẻ lành sống lại (c.14).

Thiết lập Nước Thiên Chúa nơi bản thân Ðức Giêsu

Quả thật, sứ mạng Ðức Giêsu đến để thể hiện là thiết lập Nước Thiên Chúa nơi bản thân Người.  Nước đó Người thường ví như một bữa ăn hoặc một bữa tiệc linh đình.

Người Do Thái cũng như người Hy Lạp thời Ðức Giêsu, thường ăn hai bữa, không kể bữa lót lòng ban sáng trước khi đi làm:  đó là bữa sáng hoặc về trưa và bữa chính ban chiều.  Khi ăn người Do Thái có thể ngồi hoặc ngả lưng trên cỏ (Mt 14,19) hay trên ghế dài có đệm mà không có tay vịn (Ga 13,23) với thân mình dựa trên khuỷu tay trái và thức ăn chủ yếu được kẹp trong bánh dễ cầm tay.  Thường người ta chỉ ăn bánh mì, uống nước lã và ăn trái cây, tuy ban chiều cũng thường có những món ăn nóng.  Thịt và rượu nho cũng như những thức ăn mỹ vị thường dành cho đại tiệc (Lc 15,22-32).

Trong Kinh Thánh, bữa ăn đã từng là cơ hội để phê chuẩn giao ước được ký kết (St 26,30; 31,46-54).  Bữa ăn luôn nói lên tình huynh đệ ngang qua hành vi duy trì sự sống.  Cộng đoàn dự tiệc luôn giả thiết tình mến khách về phía người mời khách đến ăn.  Ngược lại, khách dự tiệc cũng được giả thiết phải có một số những đức tính tương xứng.  Câu Thánh Vịnh 40,10 "Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con" như tiên báo cho thấy Giuđa sẽ trở nên kẻ phản bội Thầy mình như thế nào trong bữa tiệc ly (Lc 22,21).

Trong bài Tin Mừng hôm nay Ðức Giêsu lần lượt ngỏ lời cùng khách dự tiệc (cc.7-11) rồi cùng chủ nhà là người mời khách tới (cc.12-14):  Cả hai đều tìm thấy ý nghĩa đầy đủ của nó ở lời bình phẩm của một người đồng bàn lên tiếng nói với Thầy Giêsu rằng: "Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa." (c.15)

Người nhỏ nhất là kẻ lớn nhất

Khách dự tiệc được Ðức Giêsu khuyến cáo làm điều xem ra với lý do không được thanh cao lắm chăng?  Họ được đề nghị vào ngồi cỗ dưới không phải vì lý do tốt lành, mà chỉ để được chủ tiệc cất nhắc lên cỗ nhất: "Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn" (c.10).  Nhưng Luca cho ta biết điều vừa nêu là dưới hình thức một dụ ngôn (c.7) thường được hiểu là một câu chuyện buộc người nghe phải suy nghĩ để khám phá ra ý nghĩa tiềm ẩn của nó.  Ở đây ý nghĩa phải được tìm là ở câu 11 khi Ðức Giêsu nói "Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."  Tức là trong ngày phán xét Thiên Chúa sẽ đảo ngược lại thang giá trị bất công của thế gian.  "Người sẽ hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường" (Lc 1,52).  Do đó việc các môn đệ tôn mình lên đã từng bị Thầy Giêsu quở trách khi mà các ông chỉ mới "chợt suy nghĩ tự hỏi xem ai là người lớn nhất trong các ông".  Thầy Giêsu biết điều các ông đang suy nghĩ trong lòng, Người liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: "… Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là kẻ lớn nhất!" (Lc 9,46-48).

Ðừng mời người có thể đáp lễ

Theo cùng một văn mạch xem ra cũng dưới hình thức dụ ngôn như trên (c.7), Ðức Giêsu quay lại khuyến cáo chủ tiệc đừng nên mời bạn bè, anh em hay bà con là những người có thể đáp lễ (c.12) mà ngược lại, hãy mời những người đui mù, què quặt, v.v… là những người không có gì để đáp lễ.  "Như thế, ông mới thật có phúc" (c.14).  Nói cách khác, khi làm việc thiện cần phải tránh tinh thần vụ lợi; mọi phần thưởng chỉ được chờ đợi nơi Thiên Chúa khi Người cho kẻ lành sống lại.  Kiểu nói mạnh "Ðừng kêu bạn bè, anh em hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông" là để nói lên tinh thần hoàn toàn vô vị lợi đó.

Ðảo ngược thang giá trị

Quả thật tinh thần đảo ngược thang giá trị trần thế của Nước Thiên Chúa cũng như tinh thần hoàn toàn vô vị lợi nhằm phục vụ người nghèo chính là điều mà Chúa Giêsu muốn dạy ta trong bài Tin Mừng hôm nay.  Tinh thần ấy thánh Phêrô Claver đã bật sáng lên không chỉ bằng một cử chỉ ngôn sứ thoáng qua nhưng bằng cả một đời tận hiến cho người da đen suốt 40 năm!

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở miền Ðông Bắc nước Tây Ban Nha, cậu Phêrô Claver ngay từ nhỏ đã được hấp thụ một đức tin vững mạnh và được triển nở về lòng khiêm tốn sâu thẳm.  Thêm vào đó, vì là người con duy nhất trong gia đình, cậu được hưởng một tình thương âu yếm của mẹ cha.  Tất cả những nét ấy sẽ tiếp tục ghi khắc sâu đậm vào cuộc đời trên dưới 70 năm của Phêrô Claver.

Sau một thời gian học tại quê nhà, nhờ một ông chú cho tiền ăn học, Phẽrô Claver được gởi đi học xa gia đình và đã xin nhập Dòng Tên ngày 7.8.1602.  Sau hai năm ở tập viện và một thời gian học văn chương, ngày 11.11.1605, Phẽrô Claver đặt chân tới học viện Dòng Tên ở đảo Mallorca nơi một tu huynh gác cổng 33 năm nổi tiếng là người đạo đức và thánh thiện đến nỗi nhiều nhân vật đạo đời lui tới bàn việc thiêng liêng với thầy.  Chính thầy An Phong Rodriguez này đã khuyên bảo Phêrô Claver rằng "Nếu anh thật lòng yêu mến Chúa Kitô, anh hãy xin đi phục vụ bao anh em ở Nam Mỹ!"  Ðó chính là điều mà Phêrô Claver đã làm, là xin hiến thân phục vụ người da đen một cách hoàn toàn vô vị lợi.  Thánh nhân đã mang lại kết quả lớn lao cho họ.  Người ta ước lượng trong gần 40 năm, thánh Phêrô Claver đã ban bí tích rửa tội cho khoảng 300.000 người da đen.  Do đó mà năm 1888 Ðức Lêô XIII đã tôn thánh nhân làm bổn mạng các hoạt động truyền giáo cho người da đen.

 

Một số câu hỏi gợi ý

1.  Bạn nghĩ tại sao Chúa Giêsu lại nói "Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (c.11)?  Lời này của Chúa Giêsu có thể đem ra thực thi trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của người Kitô hữu chăng?  Bạn nghĩ tinh thần của Chúa Giêsu dành mối quan tâm ưu tiên cho những người nghèo, bị bỏ rơi hoặc bị đối xử bất công, tinh thần ấy có thể thay đổi xã hội bạn đang sống chăng?

2.  Riêng bạn có lẽ không có cơ hội hiến thân phục vụ người da đen ở Châu Mỹ La Tinh như thánh Phêrô Claver, nhưng tinh thần phục vụ vô vị lợi của ngài, thực ra là của chính bài Tin Mừng này, vẫn có thể được áp dụng bằng nhiều cách chăng?

 


Back to Home Page