Ngày
12 tháng 8 năm 2001
Chúa
Nhật 19 Thường Niên Năm C
Ðọc Tin Mừng Lc. 12, 32-48
(32) Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.
(33) "Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. (34) Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó.
(35) "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. (36) Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. (37) Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. (38) Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. (39) Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. (40) Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến".
(41) Bấy giờ ông Phêrô hỏi: "Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?" (42) Chúa đáp: "Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? (43) Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. (44) Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. (45) Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: "Chủ ta còn lâu mới về", và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, (46) chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.
(47) "Ðầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. (48) Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.
Gợi
ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Tin Mừng hôm nay
loan báo điều hết sức lớn lao, đó là: "Cha của anh em
đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em." (c.32).
Thiên Chúa mời gọi ta sống với Người, trở nên những
chi thể của gia đình Người. Thật
là điều hạnh phúc khiến cho mọi sự khác đều chẳng đáng
kể. Chỉ có một điều duy
nhất để làm: đó là yêu thương!
Yêu thương là con đường duy nhất đưa ta đến với Cha.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, yêu thương có hai dung mạo đó
là hiến dâng và tỉnh thức.
1. -"Hãy bán của
cải mình đi mà bố thí". -Nguồn
phú túc duy nhất là tình yêu và sự hiện diện của Thiên
Chúa Cha. Tất cả những điều
khác chỉ có ý nghĩa khi chúng là phương tiện để yêu thương.
Vậy ta sở hữu không phải để giữ lại nhưng là để
cho đi. Hãy nghe kinh nghiệm
sống do chị Liễu chia sẻ.
Quà Hài Nhi Giêsu
tặng
Ðó là ngày 20 tháng
12. Lời Chúa trong thánh lễ là "Anh em hãy cho,
thì sẽ được Thiên Chúa cho lại" (Lc 6,38).
Tôi đi dự lễ tại nhà thờ Chánh tòa. Ở cửa vào, một cô gái 13-14 tuổi xin của bố
thí. Tôi cho cô bé chút
tiền nhưng cô bé ấy nói: "Thưa Bà, Bà có thể kiếm cho
cháu một đôi giầy không, vì chân cháu lạnh cứng với đôi
giầy này?" Tôi hứa với
cô bé rằng tôi sẽ cố gắng theo khả năng để kiếm cho cô
một đôi giầy ngày 24 tháng 12, khi tôi đi dự lễ cùng giờ
và cùng nơi tôi gặp cô bé. Ðúng
hẹn, cô bé vừa thấy tôi liền hỏi: "Bà có nhớ kiếm
giầy cho cháu không?" "Chúa
ơi, tôi quên tiệt mất rồi! Xin
lỗi cháu." Tôi nói cho
xong chuyện rồi vào nhà thờ. Hãy
con chút thời giờ trước khi thánh lễ bắt đầu.
Tôi ngồi ở hàng ghế sát bàn thờ.
Nhưng tôi không được an lòng vì có tiếng nội tâm trách
móc tôi: "Ngươi đã quyết tâm yêu thương mọi người,
thế mà ngươi quên đi những cơ hội cụ thể để yêu thương."
Tôi không thể ngồi yên được vì tôi cảm được thế
nào là lạnh ở hai bàn chân. Tôi
liền bước ra khỏi nhà thờ để nói với cô bé: "Này
cháu, tôi có thể tặng cho cháu đôi giầy của tôi được
không?" Tôi thực sự
gắn bó với đôi giầy ống của tôi vì đó là đôi giầy ống
xinh xắn và ấm chân. Tôi
ưa đi đôi giầy này. Tôi
nói với cô bé: "Hãy
trao đổi để tôi cho cháu đôi giầy của tôi, và cháu sẽ
cho tôi đôi giầy của cháu."
Cô bé trố mắt nhìn tôi…
Cô ta lưỡng lự một hồi, trước khi chấp nhận điều
tôi đề nghị. Chúng tôi đã
trao đổi cho nhau đôi giầy mình đang đi.
Cô bé đi giầy số 37, còn tôi số 38.
Vậy nên đôi giầy tôi mới xỏ vào hơi cức khiến chân
tôi hơi đau. Tôi đã tham dự
thánh lễ và ra về với đôi
chân thật lạnh cứng. Khi
ra về, tôi nghĩ tôi phải mua một đôi giầy ấm áp hơn.
Ngày 25 tháng 12 tôi có hẹn phải vắng nhà nhiều ngày
nên sợ bị cóng chân. Nhưng
tôi không thể bỏ ra hơn 50 mỹ kim để mua giầy, thế mà đôi
giầy nào cũng đắt hơn số tiền đó.
Mãi tới trưa tôi mới mua được một đôi giầy khá
đẹp với giá 49 mỹ kim. Mua
xong, tôi vội chạy lại trả cô bé đôi giầy xem ra còn mới
nên có thể dùng vào mùa hè. Cô
bé vui vẻ nói với tôi: "Ðó chính là món quà đẹp nhất
mà Hài Nhi Giêsu tặng cho em!"
Hai chúng tôi chào biệt và tôi trở về nhà.
Về trước cửa nhà
tôi ở, tình cờ một người đàn ông tiến đến bắt tay tôi.
Ðó là người con của một bệnh nhân tôi từng săn sóc
nơi bệnh viện. Khi bắt tay mừng
Noen, ông ấy đặt nơi tay tôi tờ 50 mỹ kim và nói: "Ðây
là món quà tượng trưng để tỏ lòng biết ơn chị đã săn
sóc cho mẹ tôi!" Tôi mừng rỡ vì một lần nữa lại được
thấy Lời Chúa nói là lời chân thật: "Anh em hãy cho thì
sẽ được Thiên Chúa cho lại." (Lc 6,38).
Nền kinh tế của
Thiên Chúa
Bài Tin Mừng hôm
nay cho chúng ta thấy lý luận của Thiên Chúa ngược lại với
lý luận của loài người thường rất hay ích kỷ.
Nói chung, người ta có chiều hướng sở hữu càng thêm
nhiều càng tốt, cũng như có chiều hướng tích trữ và thâu
lượm báu vật. Cả trong
đời sống thiêng liêng, người ta cũng muốn được nên giầu
có thêm. Nhưng Chúa Giêsu
nói: "Hãy tặng người khác, hãy chia sẽ với anh em về
điều bạn có. Nền kinh tế
loài người được đặt cơ sở trên việc tích trữ: càng tích
trữ càng trở nên giàu. Nhưng
nền kinh tế của Thiên Chúa được đặt cơ sở trên nguyên
tắc khác hẳn: càng cho đi ta càng trở nên giàu có; càng
chia sẻ, ta càng có thêm; thực ra điều ta cho đi chính là cái
ta giữ lại được cho mình nơi Chúa.
Chia sẻ cái hiện
là của anh
Nói chung, người ta
có chiều hướng sống theo cá nhân, chỉ nghĩ đến mình trước
đã, chỉ lo đáp ứng những nhu cầu riêng về vật chất cũng
như tinh thần. Chẳng hạn, ta
có khuynh hướng chạy đến với Chúa vì cá nhân mình mà thôi.
Nhưng Thiên Chúa có cái nhìn khác hẳn, bởi lẽ Thiên
Chúa luôn sống sự sống liên vị giữa Ba Ngôi:
Mọi sự đều là của chung giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng: "Hãy chia sẻ tất cả
cái hiện là của anh cũng như tất cả những điều anh có." Hãy chia sẻ cả những của cải thiêng liêng
anh có, tức là những ơn mà Thiên Chúa ban cho anh.
Ngay việc trao đổi để biết nhau một cách thâm sâu, đó
là tạo nên sự hiệp nhất. Ðó
là cách sống thần linh, cách của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Tất cả những điều
vừa nói đòi ta phải có lòng yêu thương.
Cần phải tập luyện nghiêm chỉnh.
Nhưng đó là ơn gọi Kitô hữu chúng ta.
Ta được mời gọi để sống sự sống trên trời.
Và phải chuẩn bị cho sự sống đó.
2. -Hãy tỉnh thức:
"Hãy thắt lưng… thắp đèn cho sẵn sàng để khi chủ về
tới gõ cửa là mở ngay"
Cần mở cửa ngay
cho chủ khi ông về tới nhà, đó là điều quan trọng.
Chúa Giêsu nhắc nhở tới ba lần việc phải tỉnh thức. Lý do vì với Chúa Giêsu, tỉnh thức nói đây
có nghĩa là thể hiện mục đích cơ bản của đời ta.
Theo não trạng của người đời, ta sinh ra là để hưởng
lấy sự sống, để sống một đời đầy đủ tiện nghi, để
thành công trên đường đời, để trở nên giàu có và có
uy quyền trên người khác: nói
tóm lại, để sống qui về mình nhằm lợi ích cho mình.
Nếu người đầy tớ
nghĩ bụng "chủ ta còn lâu mới về và bắt đầu đánh đập
tớ trai tớ gái và chè chén say sưa" (c.45):
Chúa Giêsu không chấp nhận lối sống đó.
Với Chúa, sống như vậy là thất bại: "Ông chủ sẽ
loại hắn ra."(c.46). Với
Chúa Giêsu, mục đích đời người là gia nhập Nước Thiên
Chúa, để được đồng bàn cùng Thiên Chúa và được Thiên
Chúa phục vụ: "Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn
và đến bên từng người mà phục vụ" (c.37).
Ðó là hình ảnh Nước Thiên Chúa, tức là: được
ở bên Chúa, được ngồi ăn với Người.
Ðó là hạnh phúc và là mục đích của đời người.
Ðể đạt được hạnh phúc đó ta phải:
a) Cầu nguyện: "Hãy
tỉnh thức và cầu nguyện" (Lc 21,36).
b) Làm mọi việc theo ý Chúa: ý muốn của Thiên Chúa là ta phải yêu thương (x. Rm 13,8-10). Ai yêu thương, người đó tỉnh thức. Cách tốt nhất để tỉnh thức là biết yêu thương và cho đi. Con tim rạo rực yêu thương không thể ngủ được. "Tôi đang ngủ nhưng hồn sực tỉnh. Tôi nghe người yêu tôi khẽ gọi: mở cửa cho anh, em của anh" (Diệu ca 5,2).
Một
số câu hỏi gợi ý
1.
Bạn nghĩ gì về hành vi yêu thương của chị Liễu trong câu
chuyện nói trên? Hành vi ấy
là hành vi ngoại thường hay bình thường trong đời sống người
Kitô hữu? Nhưng làm sao có thể yêu thương như vậy
được trong đời sống thường ngày?
2. Bạn hiểu thế nào về việc tỉnh thức như Chúa dạy trong Lc 14,7-14, để được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại? Tỉnh thức kiểu đó có đi ngược lại với não trạng người đời chăng?