Ngày
29 tháng 7 năm 2001
Chúa
Nhật 17 Thường Niên Năm C
Ðọc Tin Mừng Lc. 11, 1-13
(1) Có một lần Ðức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông gioan đã dạy môn đệ của ông". (2) Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
"Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Ðại Cha mau đến, (3) Xin Cha cho chúng con ngày nào có lượng thực ngày ấy; (4) Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ".
(5) Người còn nói với các ông: "Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, (6) vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả"; (7) mà người kia từ trong nhà lại đáp: "Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được". (8) Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh cần, vì thể diện.
(9) "Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. (10) Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. (11) Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? (12) Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? (13) Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người ?".
Gợi
ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Abba, Lạy Cha!
Tin Mừng theo thánh
Luca trình bày Ðức Giêsu như một con người cầu nguyện.
Ngài thường gặp gỡ Cha ở nơi vắng vẻ, kín đáo. Trong giờ phút đó, Ðức Giêsu thực sự ngây
ngất trong niềm hiệp thông với Cha, Ðấng sai Ngài.
Cũng có lần một môn đệ thấy Ngài cầu nguyện và ao
ước được cầu nguyện như Ngài.
Anh xin Ngài dạy anh cầu nguyện, và Ngài đã dạy kinh Lạy
Cha, kinh này vẫn là kinh quan trọng nhất, vì là kinh chính Chúa
dạy chúng ta. Kinh Lạy Cha
trong Luca ngắn hơn trong Matthêu (Mt 6,9-13), nghĩa là ngắn hơn kinh
Lạy Cha chúng ta quen đọc và cũng có một số khác biệt về
từ ngữ.
Abba !
Ðây có thể là tiếng trẻ thơ gọi Cha trong tình yêu thương
quí mến, tương tự như tiếng gọi "Ba ơi !".
Người Do Thái khi cầu nguyện chẳng ai dám gọi Thiên Chúa
cao cả bằng lối gọi quá đỗi thân mật như thế. Nếu chúng ta "dám" gọi Thiên Chúa là
Abba, thì lý do là vì chính Ðức Giêsu đã dạy và vì Thần
Khí của Ðức Giêsu ở trong lòng chúng ta vẫn kêu lên
"Abba" (Gl 4,6). Ðược
gọi Thiên Chúa bằng tiếng gọi bập bẹ của trẻ thơ, điều
đó là một hồng ân. Từ "Abba" vẫn luôn ở trên môi Ðức
Giêsu trong từng lời kinh nguyện.
Chúng ta được chia sẻ với Ðức Giêsu cùng một tương
quan với Cha, khi ta gọi tên Cha trong lúc cầu nguyện.
Vấn đề là sống tình con thảo, là thực sự để Cha là
Cha của mình, và tin cậy vào tình thương của Ngài.
Hai lời xin đầu tiên
cũng là những lời ca ngợi Thiên Chúa.
Chỉ Thiên Chúa mới làm cho Danh Ngài được mọi người
nhận biết và ngợi khen. Chỉ
Thiên Chúa mới khiến cho triều đại Ngài được thể hiện
trọn vẹn trên cuộc đời mọi người và từng người.
Chúng ta phải xin mãi những điều này cho đến ngày tận
thế.
Phần sau của kinh Lạy
Cha theo Luca gồm ba lời xin cho cộng đoàn tín hữu, những từ
"chúng con" được nhắc lại nhiều lần.
Chúng ta xin cho mình lương thực hằng ngày.
Lương thực ở đây trước hết phải hiểu là cơm bánh
vật chất, những gì cần cho sự sống của thân xác.
Kế đó, ta cũng có thể hiểu đây là Bí Tích Thánh Thể,
cho chúng ta thứ lương thực thiêng liêng.
Thật sự đời sống của chúng ta cần được Cha trên
trời nuôi dưỡng liên tục. Chúng
ta cần cơm bánh nuôi thân xác, nhưng cũng cần thức ăn nuôi
đời sống tinh thần. Kế đó
là lời xin Cha tha thứ tội lỗi.
Như thế đời sống của con cái Cha vẫn còn dín bén đến
tội. Tôi phạm tội và cũng
có người lỗi phạm đến tôi. Tôi biết rằng mình chẳng mong gì được Thiên
Chúa tha thứ nếu mình không tha thứ cho anh em.
Bởi thế nhìn nhận Thiên Chúa là Cha hàm chứa việc nhìn
nhận người khác là anh em. Cuối
cùng là lời xin khỏi sa chước cám dỗ (Lc 22,40-46). Cám dỗ trong đời sống hàng ngày là điều
không sao tránh khỏi. Những
cám dỗ từ ngoài vào và những nghiêng chiều từ bên trong.
Chúng ta không xin cho mình khỏi bị cám dỗ hay thử thách,
chỉ xin được vượt qua chước cám dỗ mà vẫn giữ vẹn lòng
tín trung.
Người bạn lúc
nửa đêm
Sau kinh Lạy Cha là
một dụ ngôn (c.5-8). Ðể
hiểu đúng dụ ngôn này, chúng ta cần biết chút ít về tập
tục hiếu khách của người vùng Trung Ðông.
Khi một người khách đến thăm một gia đình trong làng,
thì tiếp khách là bổn phận của cả làng, chứ không riêng
gì của gia đình đó. Chính vì thế khi một người chạy đến nhà người
bạn để xin vay bánh, vì có khách đột xuất tới nhà lúc nửa
đêm, thì chắc chắn người bạn kia phải đáp ứng nhu cầu,
dù anh ta đã ngủ và cửa đã đóng.
Ðức Giêsu nói dụ
ngôn này để cho thấy rằng: nếu người láng giềng sẵn sàng
đáp lại lời yêu cầu, sẵn sàng cho người bạn vay bánh để
anh ta giữ được thể diện với khách, thì Thiên Chúa còn
sẵn sàng hơn biết chừng nào trước những lời nài xin của
chúng ta. Chúng ta có thể
tin cậy vào Ngài, chẳng những Ngài ban cho ta "ba cái bánh",
mà còn ban "tất cả những gì ta cần".
Dụ ngôn này giúp
chúng ta tin tưởng nài xin và tin chắc mình sẽ được nhận lời.
Trong kinh Lạy Cha, Ðức Giêsu dạy chúng ta xin Cha nhiều điều,
những điều liên hệ đến vinh quang của Cha trên trần thế này,
và những điều liên hệ đến cá nhân chúng ta. Nước Cha vẫn là nỗi khắc khoải của chúng ta.
Làm sao "triều đại Cha mau đến" khi con người hôm
nay cảm thấy mình sống yên ổn bên những tiện nghi vật chất,
chẳng có gì phải chờ đợi và cũng chẳng cần gì đến Thiên
Chúa.
Mỗi ngày người
Kitô hữu đều phải cảm thấy mình đói, và cần đến tấm
bánh của Thiên Chúa. Bất chấp tôi no đủ đến đâu, cơn đói vẫn
tồn tại nơi tôi. Cơn đói
làm cho tôi không tự mãn và ngừng lại, nhưng cứ vươn tới
Thiên Chúa mãi, vì rốt cuộc chỉ có Ngài mới làm dịu
được cơn đói sâu thẳm, chỉ có Ngài mới cho tôi mỗi ngày
thứ bánh mới thơm ngon.
Cuộc đời chúng ta
được đan bằng tội, bằng những cơn cám dỗ khiến ta sa ngã,
nhưng cũng được đan bằng những lần Ngài tha thứ và đỡ
nâng. Xin tha thứ khi lầm lỗi,
xin trợ giúp khi bị cám dỗ nặng nề:
mỗi ngày chúng ta có biết bao lần cần nài xin Chúa ban
những ơn đó, và chúng ta tin chắc Ngài sẽ không ngoảnh mặt
làm ngơ.
Vững tin vào lòng
nhân hậu Chúa
Trong phần cuối của
bài Tin Mừng, chúng ta lại được nghe những khẳng định mạnh
mẽ của Ðức Giêsu về việc Cha trên trời chắc chắn sẽ nhận
lời ta nài xin. "Xin thì
sẽ được, tìm thì sẽ thấy, gõ cửa thì sẽ mở cho."
Những lời này được nhắc lại hai lần ở đây
(c.9-10). Nhiều lần khác
Ðức Giêsu cũng đã đưa ra những khẳng định tương tự (Ga
16,23; Mt 18,19). Khởi đi từ
hình ảnh của người cha trần thế, Ngài cho ta thấy hình ảnh
Cha trên trời. Người Cha
trần thế, tuy bất toàn, nhưng vẫn cho con mình "những điều
tốt lành" như cá và trứng, và không cho con mình những
gì nguy hiểm như rắn hay bọ cạp.
Cha trên trời còn nhân hậu hơn vạn bội.
Ngài chỉ ban cho chúng ta những điều tốt lành (Mt 7,11).
Ðiều tốt hơn cả là Thánh Thần.
Ai xin Thánh Thần, Ngài sẽ ban cho.
Nhiều Kitô hữu phải
chịu những thử thách quá lớn, những đau khổ dồn dập khiến
cho họ không còn có thể tin rằng Thiên Chúa là Cha nhân hậu.
Họ đã kêu gào lên Chúa và chỉ thấy Chúa thinh lặng.
Họ đã xin những điều bình thường, những điều hợp
lý và tốt lành, thế nhưng chỉ thấy những tai họa bi đát.
"Lạy Chúa tôi, tại sao Chúa bỏ tôi?"
Ðó là tiếng kêu của Ðức Giêsu trên thập giá.
Tiếng kêu ấy vẫn vang vọng cho đến ngày tận thế.
Thiên Chúa ở đâu? Ngài
có nghe tôi nài xin không? Ngài
có thấy nỗi khổ của tôi không?
Tin rằng Chúa yêu
tôi: điều đó nhiều khi chẳng dễ dàng chút nào.
Ðau khổ làm chúng ta muốn nổi loạn, chống lại Thiên
Chúa. Cần nhìn ngắm Ðức
Giêsu trên thập giá để lấy lại niềm tin, để hiểu được
phần nào mầu nhiệm đau khổ. Cha
thương Con, nhưng Cha vẫn thinh lặng, vẫn không cứu Con khỏi chết.
Cha muốn Con đi ngang qua con đường mà bao người đã đi
và sẽ đi, con đường tối tăm của niềm tin.
Tình yêu của Cha chỉ bừng sáng khi Cha cho Con phục sinh.
Cuối đường hầm là ánh sáng.
Phải đi hết đường hầm mới thấy ánh sáng.
Tin rằng Chúa chỉ ban cho tôi điều tốt lành: điều đó cũng chẳng dễ dàng gì. Nhiều khi chúng ta có cảm tưởng Chúa ban cho ta bọ cạp, trong khi có thể chính chúng ta xin bọ cạp mà không hay. Con cá Chúa trao, ta lại tưởng là rắn. Chỉ có Chúa mới biết điều gì là tốt thật và tốt nhất cho ta, bây giờ và ở đây. Hãy phó thác cho Ngài, dù bạn không hiểu hết, vì Ngài khôn ngoan hơn bạn, và Ngài yêu bạn. Cần nhiều thời gian cầu nguyện, bạn mới biết được đâu là điều tốt mà bạn phải xin. Phải đợi đến lúc nào đó, bạn mới thấy tất cả biến cố đều là quà tặng yêu thương. Lạy Cha, tạ ơn Cha vì những gì Cha đã cương quyết không ban cho con.
Một
số câu hỏi gợi ý
1.
Bạn có kinh nghiệm cầu xin mà Chúa không nhận lời?
Bạn đã sống kinh nghiệm ấy như thế nào?
2. Sau nhiều lần chịu đau khổ và thử thách, cuối cùng bạn có thấy Chúa là Ðấng yêu bạn không?