Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ngày 22 tháng 7 năm 2001

Chúa Nhật 16 Thường Niên Năm C

 

Ðọc Tin Mừng Lc. 10, 38-42

(38) Trong khi Thầy trò đi đường, Ðức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. (39) Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. (40) Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !" (41) Chúa đáp: "Mácta ! Mácta ơi ! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá ! (42) Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi".

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Khung cảnh

Ðoạn Tin Mừng này chỉ có trong Phúc Âm Luca.  Nó nằm trong một phần lớn hơn Lc 10,1-11,13.  Phần lớn hơn này ghi lại những lời giáo huấn của Chúa Giêsu đối với các môn đệ, Ngài dạy họ về những thái độ mà người môn đệ phải có:

* Lc 10,21-24:  hồng ân được làm môn đệ Ðức Giêsu.

* Lc 10,25-37: luật bác ái (dụ ngôn người Samari nhân hậu)

* Lc 10,38-42: truyện Martha và Maria

* Lc 11,1-13: thái độ cầu nguyện.

Truyện Martha và Maria nằm giữa những lời giáo huấn căn bản khác của Chúa Giêsu, điều đó khiến ta nghĩ rằng thánh Luca, khi viết truyện này, có ý trình bày một bài học nào đó của Chúa Giêsu, và đây hẳn là một bài học quan trọng đối với chúng ta hôm nay.

Khi đọc đoạn Tin Mừng trên, ta không thấy Luca nói rõ về thời gian và không gian xảy ra cuộc ghé thăm của Chúa Giêsu.  Nhưng Luca lại nói rõ tên của Martha và Maria:  điều này cho thấy Luca có để tâm đến họ (thiết tưởng nên biết rằng Luca là thánh sử để ý nhiều hơn cả đến vai trò của các phụ nữ trong đời sống tông đồ của Chúa Giêsu và trong Giáo Hội sơ khai).  Ðọc đoạn Tin Mừng trên, ta thấy 3 câu đầu nhằm mô tả cách thức hai chị em đón tiếp Chúa Giêsu, còn hai câu sau mới là điểm chủ yếu, là kết luận, là bài học mà thánh Luca muốn thông đạt cho chúng ta.

Khuôn mặt của Martha và Maria

Martha là chủ nhà, chính chị đã đón Chúa Giêsu vào nhà (c.38).  Người Do Thái rất hiếu khách.  Vì Martha muốn tiếp đãi Chúa Giêsu hết sức chu đáo (c.40), nên chị rất lo lắng bối rối trước bao nhiêu việc phải làm trước mắt (c.41).  Nỗi lo lắng của chị biểu hiện lòng KÍNH TRỌNG của chị đối với Chúa Giêsu.  Chị muốn phục vụ Chúa Giêsu cho xứng đáng với phẩm tước của Ngài.

Maria hẳn là cô em của Martha.  Cô này "ngồi dưới chân Chúa mà NGHE LỜI NGÀI" (c.39). Thái độ "ngồi dưới chân" là thái độ của người môn đệ trước Thầy mình (Cv 22,3; Lc 7,38; 8,41; 17,16; 8,35).  Chúng ta hãy ngắm nhìn tư thế của Maria, tư thế tiêu biểu của người môn đệ.  Môn đệ chính là người khiêm tốn đón nhận, lắng nghe lời dạy của Thầy Chí Thánh, và đón nhận với lòng kính cẩn, mến yêu.  Chúa Giêsu đã nói gì với cô Maria, chúng ta không biết.  Nhưng chắc chắn cô Maria đã bị Lời Chúa cuốn hút và làm say mê.  Cô đã được no thỏa bởi những Lời của Chúa và cô muốn kéo dài những giây phút sống bên Chúa.  Cô quên cả nghĩa vụ phải giúp chị lo bếp núc, dọn dẹp nhà cửa để đón tiếp Chúa.

Phản ứng của Martha

Ngay bây giờ chúng ta đã thấy có sự tương phản giữa hai khuôn mặt, hay đúng hơn có sự tương phản giữa hai cách tiếp đón Chúa Giêsu của hai chị em.  Cả hai đều kính trọng và yêu mến Chúa Giêsu, nhưng CÁCH thể hiện lòng kính yêu đó lại khác biệt tùy người.  Martha bận rộn, bối rối, lo lắng chuyện vật chất.  Còn Maria có vẻ bình thản, hạnh phúc, ngồi bên chân Chúa, nghe Chúa nói chuyện.  Chính từ sự khác biệt này mà Martha có phản ứng đối với cô em gái, và chị biểu lộ phản ứng này TRỰC TIẾP với Chúa Giêsu: "Thưa Ngài, em gái tôi để tôi phục vụ một mình mà Ngài không màng nghĩ tới sao?" (c.40).  Chị Martha rõ ràng không hiểu được thái độ của cô em: thái độ ngồi không, thái độ không chịu vén tay áo lên mà lau chùi, dọn dẹp, nấu nướng… như mình.  Chị không cảm được cái hạnh phúc mà cô em đang được hưởng.  Chị chỉ thấy "ngồi dưới chân Chúa mà nghe" là một việc không quan trọng chút nào, còn nhiều việc khác cấp bách hơn và quan trọng hơn.  Chính vì thế, chị muốn kéo cô em ra khỏi cái thái độ rảnh rỗi vô ích ấy để bắt tay vào làm việc.  Chị khôn khéo nhờ Chúa Giêsu nói với em mình một tiếng, và trong câu nói của chị, ta thấy có ngụ ý trách móc Chúa một cách nhẹ nhàng: "mà Thầy không quan tâm đến sao?".  Chị yêu cầu một cách cụ thể: "Vậy xin Ngài bảo nó đỡ đần tôi với".  Như thế, chị Martha đã không chấp nhận cách tiếp đón Chúa của Maria.  Ðối với chị, tiếp đón Chúa đòi hỏi phải làm, phải dọn dẹp, phải chu tất mọi sự cách hoàn hảo.  Chị không biết rằng ngồi nghe Chúa nói cũng là một cách tiếp đón Chúa có GIÁ TRỊ không kém.  Chị muốn em chị cũng phải tiếp đón Chúa theo cách của chị.

Lời giáo huấn của Chúa Giêsu

Nếu Martha cứ vui vẻ, bình an lo việc bếp núc, nhà cửa thì chắc Chúa Giêsu đã chẳng trách móc chị.  Nếu Martha không đòi Chúa Giêsu phải dạy bảo cô em của mình; nếu Martha biết quý trọng việc Maria ngồi dưới chân Chúa mà hầu chuyện Ngài, thì chắc ta không có đoạn Tin Mừng hôm nay.  Martha là một người tốt, có tấm lòng quảng đại với Chúa Giêsu, nhưng cái nhìn của Martha đã vướng phải những sai lầm.  Một người tốt vẫn có thể sai lầm.  Chúng ta ai cũng biết Giáo Hội trân trọng tình yêu của Martha đối với Chúa Giêsu:  Martha được Giáo Hội coi là một vị thánh.  Nhưng Chúa Giêsu vẫn thấy cần phải giúp Martha ra khỏi sai lầm của mình.  Ðó là nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc lắng nghe Lời Chúa.  Việc lắng nghe Lời Chúa là việc duy nhất, là việc TỐT HƠN những việc khác.  Maria đã làm việc này và Chúa Giêsu yêu mến việc nghe Lời Chúa của Maria.  Ðây không phải là một việc THỪA, hay VÔ ÍCH, nhưng là việc CẦN THIẾT, DUY NHẤT CẦN THIẾT.  Ðã hẳn Chúa Giêsu đón nhận sự tiếp đãi nồng hậu của Martha với lòng biết ơn, vì Ngài thấy tấm lòng của Martha ẩn dưới những hành động đó, nhưng Ngài muốn cho Martha thấy rằng: nghe Lời Chúa để rồi đem ra thực hành là dấu hiệu cao quý của lòng kính yêu, một dấu hiệu mà Chúa thích hơn những dấu hiệu khác.

Chúa Giêsu cũng có ý trách Martha về sự "lo lắng xôn xao về nhiều chuyện" của chị.  Ðành rằng sự lo lắng đó là vì yêu Chúa Giêsu thôi, nhưng có lẽ Chúa muốn chúng ta phục vụ Ngài trong bình an, thanh thản, vui tươi không ganh tị, so đo, không coi điều mình làm là có giá trị nhất, cũng không tìm cách tố giác người khác.  Có người hay lo lắng bối rối chỉ vì tính khí; có người lo lắng bối rối vì tình yêu của mình đối với Chúa Giêsu còn nhiều cặn bẩn của lòng yêu mình, chính cái hẹp hòi của mình làm cho mình mất bình an, thư thái.  Chúng ta không kết tội Martha, nhưng chúng ta hãy xem xét chúng ta ở trường hợp nào.  Chúng ta có phải là một người làm việc tông đồ một cách xôn xao ầm ĩ không?  Chúng ta có phục vụ Chúa một cách bối rối bất an không?  Chúng ta có bị loay hoay, bực bội vì "nhiều chuyện" không?  Coi chừng "nhiều chuyện" mà chúng ta đang theo đuổi vì yêu Chúa lại làm cho chúng ta quên đi một chuyện cần thiết hơn cả đó là an tĩnh lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày trong tư thế khiêm hạ của người môn đệ.

Chắc chắn, khi Chúa đến nhà, cần phải có một Martha lo bếp núc để thiết đãi Chúa, nhưng cũng cần một Maria ngồi hầu chuyện và nghe Ngài nói.  Ðiều quan trọng là Martha phải phục vụ trong bình an vui tươi, và Maria không chỉ ngồi lắng nghe suông nhưng sau đó còn biết đem ra thực hành.  Chính Martha, ngay trong công việc phục vụ của chị, chị cũng phải được Lời Chúa hướng dẫn và chi phối không kém gì Maria.

 

Một số câu hỏi gợi ý

1.  Có khi nào bạn thấy mình giống chị Martha không: tất bật, lo lắng, lăng xăng?  Làm sao tôi có thể phục vụ Chúa trong bình an và yêu thương, không so đo ganh tị?

2.  Maria hạnh phúc khi được lặng lẽ ngồi bên Chúa để nghe Lời Người.  Bạn có cảm thấy nhu cầu đó nơi tâm hồn bạn không, giữa những cơn lốc của cuộc sống bon chen?

3.  Bạn có tin rằng cầu nguyện và gặp gỡ Chúa sẽ giúp bạn thêm sức mạnh mà chu toàn mọi sự trong bình an, thanh thản không?

 


Back to Home Page