Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ngày 15 tháng 7 năm 2001

Chúa Nhật 15 Thường Niên Năm C

 

Ðọc Tin Mừng Lc. 10, 25-37

(25) Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" (26) Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" (27) Ông ấy thưa: "Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình". (28) Ðức Giêsu bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống".

(29) Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Ðức Giêsu rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi?" (30) Ðức Giêsu đáp: "Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. (31) Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. (32) Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. (33) Nhưng một người Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. (34) Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. (35) Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiều, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác". (36) Vậïy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?" (37) Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Ðức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy".

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Một câu chuyện có thật đã xảy ra tại Thụy Sĩ như sau:

Tại một tiệm ăn bình dân, sau khi đã mua thức ăn, một người đàn bà nọ bưng khay của mình đến một dãy bàn trống.  Nhưng vừa ngồi xuống bàn ăn, người đàn bà mới chợt nhận ra rằng mình chưa có muỗng nĩa.  Bà liền để chiếc khay xuống bàn và đứng lên đi tìm muỗng nĩa.  Nhưng khi trở lại bàn ăn, bà ngạc nhiên vô cùng vì một người da đen đang ngồi ngay trước mâm của bà và đang ăn chính thức ăn mà bà đã mua.

Người đàn bà nghĩ bụng đây hẳn là một tên du thủ du thực, mặt dày mặt dạn.  Nhưng nhìn kỹ, người đàn bà nhận thấy kẻ đối diện với mình không hẳn là một kẻ bất lương, trái lại còn có vẻ đàng hoàng và trí thức là khác.

Bà ta ngồi xuống bàn xin phép người đàn ông da đen và chung phần ăn còn lại trong mâm.  Người đối diện với bà không lên tiếng, nhưng lại nở một nụ cười rất thân thiện.  Ông giúp người đàn bà lấy thức ăn bằng một cử chỉ nhẹ nhàng, tử tế và đầy tình thân thiện.  Thỉnh thoảng ông nhìn người đàn bà rồi mỉm cười.  Cứ thế trong thinh lặng bà dùng hết phần ăn trong khay.

Sau đó, người đàn ông da đen đứng lên ra hiệu cho người đàn bà ngồi yên tại chỗ.  Một lúc sau ông trở lại với một gói khoai tây chiên và đặt trước mặt người đàn bà.  Lần này hai người cùng lặng lẽ chia nhau ăn hết gói khoai tây.  Sau đó, người đàn ông đứng lên mỉm cười, ngã đầu chào người đàn bà rồi đi luôn.

Lân cận chưa phải là thân cận

Như bừng tỉnh sau một cơn mê, người đàn bà đứng dậy tìm mãi mà không thấy cái xách tay của bà đâu.  "Thì ra cái tên da đen này đã đánh cắp cái xách tay của mình.  Bà định hô lên cho người ta chạy đến và chặn bắt kẻ gian.  Nhưng quay lại dãy bàn ăn nơi bà vừa đứng dậy, người đàn bà nhận ra một mâm thức ăn còn nguyên vẹn nhưng không có muỗng nĩa và bên cạnh đó có cả túi xách tay của bà nữa.

Người đàn bà bỗng nhận ra bà đã phạm một lầm lẫn lớn.  Ðó là không phải người đàn ông da đen đã ăn phần ăn của bà và đã đánh cắp xách tay của bà mà chính bà đã lầm bàn ăn và đã ăn phần ăn của ông ta.

Câu chuyện vừa kể có vẻ như chuyện tiếu lâm mà thôi chẳng ăn nhằm gì với bài Tin Mừng hôm nay.  Nhưng nghĩ cho kỹ sẽ thấy nó giúp ta hiểu thêm vấn đề "ai là người thân cận của tôi." (c.29), chính là vấn đề mà bài dụ ngôn người Samari tốt lành có ý trả lời.

Vấn đề này được nêu lên với Thầy Giêsu khi Thầy nhất quyết lên Giêrusalem bởi vì sắp tới ngày Thầy được rước về trời (Lc 9,51).  Thầy không lên Giêrusalem một mình.  Có rất đông người cùng đi đường với Thầy.  Thầy quay lại bảo họ: "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.  Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được." (Lc 14,25-27).

Ngay ở bước đầu của cuộc hành trình lên Giêrusalem, Thầy đã đòi hỏi các môn đệ phải từ bỏ mọi sự như điều kiện để theo Thầy (Lc 9,57-62).  Riêng với bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay, đó là lúc Thầy Giêsu hết lòng ngợi khen "Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những kẻ bé mọn" (Lc 10, 21).  Chính đó là lúc một nhà thông thái về Luật đạo đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?"  Nhưng Ðức Giêsu trả lời bằng một câu hỏi là: "Trong luật đã viết gì?  Ông đọc thế nào?"  Nhà thông luật buộc phải trích sách ÐNL 6,5 và Lv 19,18 dạy rằng: Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình."  Khi Ðức Giêsu bình phẩm và nói rằng "Ông trả lời đúng lắm.  Cứ làm như vậy là sẽ được sống", nhà thông luật nêu thêm thắc mắc để chứng tỏ câu hỏi ông nêu với Thầy Giêsu là đáng kể.  Thắc mắc đó là: "Ai là người thân cận của tôi?"  Dụ ngôn người Samari tốt lành mà Thầy Giêsu kể chính là để giải đáp thắc mắc đó.

Vấn đề thiết yếu là lòng th ương xót

Dụ ngôn này đặt người nghe trước cảnh một người bị cướp bóc lột và đánh nhừ tử rồi để nửa sống nửa chết trên đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô.  Ðó là một người hoàn toàn vô danh mà người kể không hề cho biết chi tiết nào khác.  Một người trong tình trạng đó chẳng thể hứa hẹn gì cho người tới giúp mình ngoài sự phiền hà.  Vậy thì ai là người chấp nhận bị phiền hà và chấp nhận vì lý do nào?

Dụ ngôn cho thấy xuất hiện trước hết là một thầy tư tế.  Vừa trông thấy nạn nhân, ông liền tránh qua một bên mà đi.  Kế đến là một Thầy Lêvi.  Ông cũng vậy.  Vừa thấy nạn nhân, ông liền bước qua bên kia đường mà đi.  Ta không được cho biết lý do tại sao hai người vừa nói lại hành xử giống nhau như vậy đối với nạn nhân đang cần họ giúp đỡ.  Có vẻ như hai người ấy có chuyện gì gấp phải lo nên buộc phải sang bên kia đường để đi tiếp cho được việc.  Cũng có thể cả hai đều lo việc tế tự nên buộc phải tránh tình trạng nhơ nhớp do tiếp xúc với người ngoại đạo, nhất là với người chết.  Dù sao dụ ngôn cho thấy con người được tự do hơn cả để đáp lại tiếng gọi của tình thương, không phải là người có địa vị xã hội như thầy tư tế hoặc thầy Lêvi, nhưng là một người "giáo gian" Samari!  Người Do Thái không những tránh giao thiệp với người Samari mà còn khinh dễ họ vì họ vừa lai chủng tộc vừa "lai tôn giáo" theo nghĩa niềm tin của họ có nhiều dị biệt khác hẳn với Do Thái Giáo.  Thế mà con người "bé mọn Samari" này lại có khả năng tỏ ra cho nhà thông luật biết thế nào là trở nên thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp (c.36).  Dù sao Thầy Giêsu đã có thể nói với nhà thông luật rằng "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy" (c.37) tức là làm như người Samari đã làm!

Biểu lộ con người bên trong

Trở lại với câu chuyện có thật đã xảy ra bên Thụy Sĩ.  Ðiều nổi bật trong câu chuyện là sự tình cờ.  Chính qua sự tình cờ mà hai nhân vật biểu lộ con người bên trong của mình và cho thấy ai là người thân cận với mình.

Là người ai cũng có thể lầm lẫn.  Ðiều quan trọng là khi xảy ra lầm lẫn, đương sự hành xử thế nào, cách hành xử ấy có thể cho thấy tính chất tốt lành của đương sự chăng hay nó cho thấy điều ngược lại.  Rất tiếc rằng người đàn bà trong suốt câu chuyện đã hành xử thuần tuý theo quyền sở hữu của mình.  Bà đã bỏ tiền ra mua một bữa ăn và giữ toàn quyền trên phần ăn đó.  Ai mà vi phạm quyền đó của bà, người ấy sẽ lãnh đủ.  Trong chốc lát bà đã nghĩ xấu về người đàn ông da đen, cho đó là tên du thủ du thực, mặt dầy mặt dạn.  Thiếu chút nữa là bà đã hô to để chặn bắt ông ta vì nghĩ ông ta đã đánh cắp cái xách tay của bà, lý do cũng vì quyền sở hữu.

Coi trọng con người hơn quyền sở hữu

Ngược lại, người đàn ông da đen trong câu chuyện đã coi trọng bản vị người đàn bà lầm lẫn hơn phần ăn của ông.  Ông đã giúp người đàn bà lấy thức ăn nơi phần ăn của ông bằng một cử chỉ tử tế đầy tình thân thiện.  Về cuối câu chuyện, ông còn đứng lên mua thêm một gói khoai tây chiên để hai người cùng ăn.  Khi từ biệt ông không quên mỉm cười và ngả đầu chào người đàn bà cách lịch sự.

Một cách nào đó, người da đen trong câu chuyện là hình ảnh nho nhỏ về người Samari tốt lành hiện đại.  Ông không vội nghĩ xấu về người khác, ngược lại còn tỏ ra tử tế và thân thiện với người lầm lẫn, bỡi lẽ ông coi trọng con người hơn tất cả những điều mình sở hữu.

Một số câu hỏi gợi ý

1.  So sánh người Samari trong bài Tin Mừng và người da đen trong câu chuyện xảy ra ở Thụy Sĩ, bạn thấy có những điều gì giống nhau và những điều gì khác nhau?  Riêng phần bạn, bạn thấy dễ dàng hay khó khăn trong việc áp dụng Tin Mừng hôm nay trong xã hội bạn đang sống?

2.  Riêng về nhân vật tư tế và thầy Lêvi trong bài Tin Mừng cũng như người  đàn bà lầm lẫn trong câu chuyện xảy ra ở Thụy Sĩ, bạn có ý kiến gì liên quan tới giới răn yêu thương?  Bạn có thể cắt nghĩa về những nhân vật đó như thế nào  cho con em muốn hiểu bài Tin Mừng hôm nay?

 


Back to Home Page