Ngày
1 tháng 7 năm 2001
Chúa
Nhật 13 Thường Niên Năm C
Ðọc Tin Mừng Lc 9,51-62
(51)
Khi đã tới ngày Ðức Giêsu được rước lên trời, Người
nhất quyết đi lên Giêrusalem. (52) Người sai mấy sứ giả đi
trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để
chuẩn bị cho Người đến. (53) Nhưng dân làng không đón tiếp
Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. (54) Thấy thế,
hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng:
"Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời
xuống thiêu huỷ chúng nó không?" (55) Nhưng Ðức Giêsu
quay lại quở mắng các ông. (58) Rồi Thầy trò đi sang làng
khác.
(57)
Thầy trò còn đang đi trên đường, thì có kẻ thưa Người
rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo".
(58) Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ,
nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu".
(59)
Ðức Giêsu nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi
!" Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn
cất cha tôi trước đã". (60) Ðức Giêsu bảo: "Cứ
để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan
báo Triều Ðại Thiên Chúa".
(61) Một người khác nữa lại nói: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã". (62) Ðức Giêsu bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa".
Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
THIÊN
CHÚA NÓI TIẾNG NÀO ?
Ngày
xưa có một chú bé sinh ra ở Trung Ðông lấy tên là A-Minh-Uyển
(Emmanuel). Chú là một cậu
bé sắc sảo luôn nêu những câu hỏi khiến mọi người phải
suy nghĩ để trả lời. Hôm
nọ, cậu hỏi thầy giáo: "Thưa Thầy, Thiên Chúa nói bằng
thứ tiếng nào vậy Thầy?" Thầy
giáo suy nghĩ một hồi lâu rồi cũng phải thú thực rằng Thầy
không được biết. Kế đến
cậu hỏi những bậc lão thành trong làng nhưng họ cũng đều
chịu thua. Cậu càng tò mò
và thắc mắc thêm. Cậu đi
khắp xứ để hỏi xem có ai biết được Thiên Chúa nói bằng
thứ tiếng nào không? Mọi
người đều lắc đầu với hai chữ "không biết".
Dẫu
vậy, cậu Uyển vẫn thâm tín có người biết điều ấy.
Vì thế cậu đã lên đường đến với những quốc gia
và cả những địa lục khác nữa, luôn với câu hỏi trên
môi là: "Thiên Chúa nói với chúng ta bằng ngôn ngữ nào?"
Ngôn
ngữ Tình Yêu là chính Người Con Một (Ga 3,16)
Xảy
ra một đêm nọ, cậu Uyển bị kiệt sức vì cuốc bộ quá nhiều.
Cậu đứng trước một thôn làng gọi là Bêlem nên dừng
lại để tìm nơi ngả lưng. Không
may cho cậu vì đêm ấy tại Bêlem các quán trọ đều chật ních
những người. Cậu bó buộc
phải tìm chỗ tạm trú nơi một cái hang dưới sườn núi.
Nhưng lạ lùng cậu nhìn vào hang thì thấy đã có một đôi
vợ chồng với một hài nhi đến tạm trú trước cậu!
Bà mẹ trẻ đã vui vẻ đón tiếp cậu một cách niềm nở.
Ðiều lạ lùng hơn nữa là người mẹ này không những
biết tên cậu đích danh mà còn biết cả mục đích của cuộc
hành trình cậu đang theo đuổi! Bà
nói: "Cậu Uyển, cậu vào đây nhập bọn với gia đình của
cậu; đây cũng là gia đình dành cho mọi người!
Hãy kể như cậu đã đạt tới đích sau một cuộc hành
trình dài. Cậu bôn ba khắp
thế giới là để hỏi xem Thiên Chúa nói thứ tiếng nào phải
không? Thì đây, hãy nhận
ra thứ ngôn ngữ mà Thiên Chúa dùng.
Ðó chính là ngôn ngữ của tình yêu:
Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người"
(Ga 3,16).
Trái
tim cậu Uyển trào dâng niềm xúc động.
Cậu vội vàng phục lạy trước hài nhi với hai hàng lệ
tuôn trào. Giờ đây cậu
nhận được câu trả lời một cách hết sức sống động:
Thiên Chúa thực sự nói bằng ngôn ngữ của tình yêu
để ở đâu và vào thời đại nào loài người cũng có
thể hiểu được.
Cậu
Uyển còn ở lại hang Bêlem thêm vài ngày để giúp đỡ
Maria và thánh Giuse, nhất là để chiêm ngưỡng hài nhi Giêsu
mới sinh ra là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa!
Cậu được đánh động rất nhiều khi nghĩ tới chính bản
thân cậu cũng có thể tham gia việc loan báo Tin Mừng cho mọi
người bằng chính ngôn ngữ của tình yêu là ngôn ngữ mà
Thiên Chúa đã dùng.
Câu
chuyện vừa kể giống như một ngụ ngôn giúp ta hiểu bài Tin
Mừng hôm nay. Vấn đề
được đặt ra không chỉ là biết Thiên Chúa dùng ngôn ngữ
nào để nói với loài người.
Gay cấn hơn chính là làm thế nào để loài người
được hoán cải hầu dùng ngôn ngữ Thiên Chúa đã dùng
trong tương quan với Thiên Chúa cũng như với nhau.
Do đó việc huấn luyện các môn đệ là điều thiết yếu.
Ta thấy bài Tin Mừng hôm nay minh họa điều đó một cách
rất rõ nét.
Trước
hết nên nhận định rằng từ môn đệ được sử dụng họa
hiếm trong Cựu Ước (Is 8,16; 50,4; 54,13).
Những người tháp tùng ngôn sứ Êlia, Êlisêô hoặc
Giêrêmia, được gọi là những tôi tá (mechârét) thay vì
là những môn để (tamid) trong tiếng Hipri.
Trong
Tân Ước từ "môn đệ" (mathétès trong Hy Lạp) chỉ
xuất hiện trong các sách Tin Mừng và sách Công Vụ Tông Ðồ.
Ở đây từ này không bao giờ chỉ về người học trò
đến chỉ để lãnh nhận kiến thức nhưng đến để sống gắn
bó với một bản vị. Bài
Tin Mừng hôm nay cho thấy phẩm chất của sự gắn bó mà
Ðức Giêsu chờ đợi nơi người môn đệ của Người.
Trong
Do Thái Giáo người ta chọn đến học với những bậc thầy
gọi là rap-bi vì sự uyên bác của những vị này, bởi lẽ
người ta muốn trở nên những bậc thầy nổi nang như họ.
Riêng với Ðức Giêsu, chính Người gọi để những người
đáp lại trở nên môn đệ của Người (Mc 1,17v.v).
Họ cần phải sống gắn bó với bản vị Ðức Giêsu (Ga
6,60-71) hầu trở nên những chứng nhân của Người với cái
giá họ phải trả là phải liều mất mạng sống mình vì Người
(Lc 14,26).
Ðiều
kiện ngôn ngữ Tình Yêu là Thập giá trên vai (Lc 14,27)
Môn
đệ của Chúa Giêsu là người để Chúa lãnh đạo mình trên
đường lên Giêrusalem. Giêrusalem
chính là nơi Chúa chịu khổ hình thập giá và chịu chết, qua đó
Chúa trở nên Môsê mới trong cuộc lãnh đạo dân mới của
Thiên Chúa tiến vào Ðất Hứa.
Giêrusalem cũng là trung tâm của lễ Hiện Xuống làm phát
sinh ra Giáo Hội của Chúa Kitô. Luca
cho thấy dung mạo của Chúa Giêsu tỏ ra gân guốc một cách
quyết liệt trước cái chết đang chờ đợi Người tại Giêrusalem
(c.5). Chính trên đường lên
Giêrusalem, Chúa Giêsu nói với đám đông về điều kiện trở
nên môn đệ của Người là: "Ai không vác thập giá mình
mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ của tôi." (Lc
14,27).
Ðiều
mà các môn đệ Chúa Giêsu trước tiên phải học cùng Thầy
mình là có lòng hiền hậu và khiêm nhường (Mt 11,29).
Ðó là điều tiên quyết về Thầy Giêsu mà các môn đệ
phải làm chứng. Hai môn đệ
Giacôbê và Gioan bị Thầy Giêsu quở mắng (c.35) chính vì hai ông
đã hành xử theo gương ngôn sứ Êlia (2V 1,10-12) thay vì theo gương
Thầy Giêsu. Thầy từ khước
việc khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy những người
Samari không đón tiếp Thầy. Chính
Thầy sống mối phúc hiền lành (Mt 5,4) để có thể dạy người
ta đạt tới hạnh phúc.
Phải
loại bỏ mọi ảo tưởng về mình khi bước theo Thầy Giêsu.
Ai đó đoán chắc với Thầy rằng "Thầy đi đâu tôi
cũng xin đi theo" (c.57). Nhưng
Thầy Giêsu cho người ấy biết về hoàn cảnh thực tế Thầy
đang sống trong cuộc hành trình. Thầy
bỏ lại đàng sau tất cả những gì con người bình thường có
thể hưởng, như mái ấm gia đình, nhà cửa và những tiện
nghi khác. Chim trời còn có
tổ. Con chồn còn có hang.
Riêng Con Người là Thầy Giêsu, chẳng có gì để nương
tựa cả. Vậy người môn
đệ của Thầy cần phải xét xem mình có bước theo một bậc
Thầy siêu thoát như vậy hay mình đang đeo đuổi điều gì khác
không phải là Thầy Giêsu chăng.
Người
thứ hai được chính Thầy Giêsu mời gọi bước theo Thầy
(c.59) nhưng người ấy nêu điều kiện là phải chờ một thời
gian để chôn táng người bố trước đã.
Lời khuyên của Thầy Giêsu là "Cứ để kẻ chết
chôn kẻ chết" (c.60). Thầy
có ý dạy rằng những ai không đáp lại lời mời của Tin Mừng
thì kể như họ là những con người chết về phần thiêng liêng;
họ có dư thời giờ lo chôn cất những người quá cố.
Người
thứ ba giống như người thứ nhất ở sự sẵn sàng trở nên
môn đệ của Thầy Giêsu nhưng lại giống như người thứ hai
ở chỗ người ấy nêu thêm điều kiện cho sự sẵn sàng
ở trên. Và điều kiện đó
gợi lại việc ngôn sứ Êlia kêu gọi Êlisêô bước theo mình.
Ông này đang lo cày 12 cặp bò thì ngôn sứ Êlia đến
ném áo choàng trên ông như dấu chỉ của lời mời gọi bước
theo mình. Êlisêô chỉ xin
về nhà hôn từ biệt bố mẹ trước khi lên đường.
Ngôn sứ Êlia đồng ý ngược lại với thái độ dứt
khoát mà Thầy Giêsu đòi hỏi nơi kẻ muốn theo mình.
Tra tay cầm cày cho Nước Thiên Chúa có nghĩa là phải
hy sinh: việc đó không cho phép đương sự buông theo bất cứ
sự chia trí nào. Bước
theo Chúa Giêsu có nghĩa là nhiệt thành, lao tác cho Nước của
Thiên Chúa; việc ấy có vị thế ưu tiên vượt trên mọi tình
cảm bình thường của gia đình.
Nói
tóm lại, ngôn ngữ của tình yêu của Thầy Giêsu là thứ
ngôn ngữ mãnh liệt đòi người môn đệ phải quả cảm và
dứt khoát để có thể hy sinh mạng sống mình vì người mình
yêu (Ga 15,13).
Một số câu hỏi gợi ý
1.
Chính với đám đông, Chúa Giêsu đã nói "Ai không
vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ
của tôi." (Lc 14,27). Bạn
nghĩ đám đông đó có bao gồm bạn là Kitô hữu chăng?
Vậy bạn hiểu vác thập giá mình mà theo Chúa điều đó
bao gồm những gì? Ðiều đó
có bao gồm sức khỏe, yếu đau và những hoàn cảnh riêng của
bạn chăng?
2. Hai môn đệ Giacôbê và Gioan khi muốn khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy người Samari, các ông lỗi giới răn nào trong đạo? Lẽ ra các ông phải thực thi mối phúc nào để nên giống Thầy Giêsu?