Cuốn sách khá sinh động về tình yêu dành cho người trẻ với nhan đề ÐI TÌM ANH EM do tác giả Ðỗ Minh Trí, SJ. có ghi lại câu chuyện do một người trẻ tên là Mỹ Châu kể lại như sau: "Hoàng Liên là một thiếu phụ trẻ, có hai con. Cô ta gặp nhiều khó khăn về tài chánh. Tôi quen Liên cách đây vài năm, và kể từ lúc đó, tôi vẫn tìm đủ cách để giúp đỡ cô.
Một hôm kia, tôi cùng đi với Liên đến Toà Thị Sảnh để giúp lo một số giấy tờ. Sau đó chúng tôi ghé một cửa tiệm lớn để Liên tìm mua một đôi giầy. Trong khi Liên lo chọn giầy tôi có việc phải rời cửa tiệm vài phút; khi trở lại, Liên cho tôi biết đã không tìm được đôi giầy mà cô thích và muốn rủ tôi sang một tiệm khác.
Khi chúng tôi đang đứng trên cầu thang cuốn thì đột nhiên chuông báo động reo vang. Xuống đến tầng trệt, hai cô bán hàng tiến đến đòi khám ví của tôi vì theo họ chính tôi đã làm chuông báo động kêu. Sau khi không thấy gì trong ví của tôi, họ bỏ sang khám ví của Liên. Trong khi mở ví, Liên nói thầm vào tai tôi: "Em lỡ ăn cắp một chiếc áo!" Trong một thoáng chốc, tôi như bị xúc phạm: Tôi không bao giờ nghĩ rằng bạn mình có thể làm chuyện đó. Chuông báo động làm náo động cả cửa tiệm. Mọi người chung quanh đều tò mò lại bên chúng tôi. Chưa bao giờ tôi thấy xấu hổ như vậy, chỉ muốn đào đất chui xuống cho rồi! Hai nhân viên của cửa tiệm đến, chỉ cho thấy chiếc áo tìm được và mời chúng tôi đi theo họ.
Ta đang gặp khốn khó mà con lại từ chối giúp đỡ
Lúc đó thoáng qua trong đầu tôi cái ý nghĩ rằng có lẽ đây là lúc thuận tiện để rút lui: tôi đâu có dính líu gì đến cái hoàn cảnh bi đát này, tôi đâu có tạo ra nó. Nhưng rồi Lời Chúa đã mang tôi trở lại trong chương trình yêu thương của Người. Người nói trong lòng tôi: "Ta đang gặp khốn khó mà con lại từ chối giúp đỡ" (x. Mt 25,35-36). Liên đang cần đến sự hiện diện, sự nâng đỡ của tôi nên tôi không thể bỏ rơi cô ta trong lúc này được. Chính Chúa Giêsu ở trong Liên đang cần đến tôi! Tôi nhìn Liên, thấy mặt cô ta tái xanh, run lên vì sợ. Nhìn Liên, ý định của Thiên Chúa càng rõ ràng hơn cho tôi: tôi phải ở lại với cô ta. Tôi liền quyết định nên một với Liên và chia sẻ với cô ta sự lo lắng cũng như nỗi xấu hổ. Nắm chặt tay Liên, tôi cùng đi với cô theo hai người nhân viên kia.
Họ dẫn chúng tôi đến một văn phòng, lấy tất cả những chi tiết cần thiết, rồi làm một bản cáo trạng về tội ăn cắp và báo cho cảnh sát. Một lúc sau, hai người cảnh sát đến nơi với lệnh mang chúng tôi về bót. Chúng tôi bị hộ tống qua hai tầng lầu của cửa tiệm. Ði đến đâu, mọi người quay lại nhìn chúng tôi tới đó. Tôi cảm thấy xấu hổ kinh khủng, nhưng đồng thời cũng nghiệm thấy trong mình một sức mạnh chắc chắn đến từ Thiên Chúa.
Trong suốt cuộc thẩm vấn, Liên như kẻ mất hồn. Vì vậy tôi phải làm việc nhiều với cảnh sát, và cũng nhờ vậy mà có thể giúp cho tình hình khả quan hơn. Như lời yêu cầu, cảnh sát đã chấp thuận cho lá thư báo được giữ lại thay vì gởi đến địa chỉ của Liên, bởi vì Liên không muốn cho gia đình Liên hay chuyện vừa xảy ra. Cuối cuộc thẩm vấn, tôi nhận ra một chút cảm tình đã nảy nở giữa tôi và các cảnh sát viên, và họ đã đối xử rất dễ thương với chúng tôi.
Ðối với Liên, tai nạn này thật có ích. Cô ta thật sự hối hận về những gì đã làm. Trên đường về nhà, cô ta thú nhận với tôi rằng không có tôi, chắc chắn cô ta tự tử vì không đủ sức chịu đựng nỗi xấu hổ như vậy.
Câu chuyện vừa kể thoạt nghe xem ra chỉ là một chuyện ăn cắp vặt, chẳng liên quan gì đến bài Tin Mừng hôm nay. Quả thật, nếu chỉ vì túng quẫn, một thiếu phụ trong cảnh tay xách nách mang với hai con dại, mà phải đi ăn cắp một chiếc áo nơi một cửa tiệm, thì vấn đề được đặt ra liên quan tới luân lý chứ đâu phải Chúa Thánh Thần là đề tài của bài Tin Mừng hôm nay. Ở đây tác giả Gioan đang đặt ta vào bữa tiệc ly để ta lắng nghe Thầy Giêsu nói với các môn đệ về việc Thầy ra đi, kế đến về việc Ðấng Bảo Trợ sẽ được phái đến để an ủi các môn đệ (Ga 16,4b-15).
Việc Thầy ra đi sẽ để lại nơi lòng các đồ đệ một chỗ trống. Các ông sẽ buồn phiền (Ga 16,6). Nhưng điều an ủi là chính khi Thầy ra đi, Thầy sẽ phái Ðấng Bảo Trợ đến với các ông (c.7). Ðấng ấy sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm (c.8). Nhưng với các môn đệ, Ðấng ấy chính là vị hướng dẫn các ông trong những điều thuộc về Thầy Giêsu (cc.12-15).
c. 12: là câu dẫn nhập vào đề tài liên quan tới vai trò của Chúa Thánh Thần, là hướng dẫn viên. Nhưng hiểu thế nào về lời khẳng định của câu này là "Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi."
c. 13: cho thấy sức ấy sẽ được Chúa Thánh Thần là Thần Khí sự thật mang lại, để giúp các môn đệ thấu hiểu sự thật, được bày tỏ đầy đủ nơi Ngôi Lời Nhập Thể.
c. 14: nói tới việc Chúa Thánh Thần tôn vinh Thầy Giêsu. Chính Ðức Giêsu đã tôn vinh CHA (Ga 17,4) bằng cách mạc khải CHA cho nhân loại.
Tôn vinh Ðức Giêsu bằng cách mạc khải Người cho loài người.
Bây giờ Ðấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần, tôn vinh Ðức Giêsu cũng bằng con đường ấy là mạc khải Ðức Giêsu cho con cái loài người. Nơi Gioan việc mạc khải này được thể hiện: qua các dấu lạ (Ga 2,11; 11,40; 17,4), qua việc khơi dậy những chứng nhân (15,26-27), việc làm phát sinh ra con cái của Thiên Chúa (17,22).
c. 15: cho thấy mối tương quan mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính khi Ðấng Bảo Trợ cắt nghĩa những điều thuộc về Ðức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, Ðấng ấy cũng phải giải nghỉa cho loài người được biết CHA, bởi lẽ CHA và Ðức Giêsu là Con, đều sỡ hữu mọi sự như của chung.
Tất cả những điều Ðức Giêsu vừa nói, Người nói trong bối cảnh của bữa Tiệc Ly. Ðó là bối cảnh nơi các môn đệ của Người chưa nhận được Thần Khí vì Người chưa được tôn vinh (Ga 7,39), nghĩa là Người chưa chịu chết và trở về cùng CHA để sai Thần Khí Người xuống trên những kẻ tin vào Người.
Ngày nay 20 thế kỷ sau biến cố tử hình của Ðức Giêsu trên đỉnh Can-vê, mọi sự đã khác. Toàn bộ bài Tin Mừng hôm nay chất chứa một sự thật không thể nào cưỡng lại được. Khi Ðức Giêsu khẳng định "Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy" (15), mọi sự ấy, không loại trừ bất cứ một ai và bất cứ điều gì của tạo thành. Kể cả tội lỗi cũng không bị loại bỏ vì Ðức Giêsu đã tự nguyện gánh lấy tội trần gian. Chính Người đã từng nói rõ với những người Pharisêu rằng "trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn." (Lc 15,7).
Chúa Giêsu tự thông ban và đã đi vào nội tâm mỗi người
Khi còn sống ở trần gian, Ðức Giêsu hiệu hữu như một hạt thóc đơn độc. Người vẫn đứng ở bên ngoài mỗi một người. Người sống như ta, trong một xác thịt khép kín. Bây giờ thì khác hẳn. Người đã chết cho xác thịt với các giới hạn của nó. Người đang sống trong Thánh Thần là sức mạnh của Thiên Chúa tràn lan không biên giới. Người tự thông ban và đi vào tận nội tâm của mỗi một người, lôi kéo từng người đến với sự sống tràn lan nơi Người. Chính Người trả lời những người Hy Lạp muốn đến gặp Người rằng "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12, 24). Quả thật, 20 thế kỷ sau khi Ðức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá để cứu chuộc trần gian, Ðức Giêsu không còn xa lạ với bất cứ ai trong bất cứ hoàn cảnh nào mà người đó gặp phải. Kể cả hoàn cảnh túng quẫn của người thiếu phụ trong câu chuyện nói trên, chỉ muốn tự tử vì quá xấu hổ, Chúa Giêsu cũng không bỏ qua. Chính Người đã phái Thánh Thần của Người tới. Và Thánh Thần quả đã làm sống động lời Tin Mừng theo thánh Matthêu (25,35-36). Chúa Thánh Thần đã áp dụng lời đó với bản thân người bạn của người thiếu phụ để bạn ấy không bỏ rơi người thiếu phụ trong cơn hoạn nạn "Ta đang gặp cơn khốn khó mà con lại nỡ từ chối giúp đỡ". Hơn nữa, Thánh Thần còn thúc giục bạn ấy phải yêu tới mức nên một với người mình yêu đến nỗi chia sẻ cả sự lo lắng cũng như nỗi xấu hổ mà người đó đang chịu.
Chúa Thánh Thần đang dẫn đưa các tín hữu hướng tới chân trời rạng ngời
Yêu thương như người bạn của thiếu phụ trong câu chuyện nói trên hẳn nhiên chưa phải là sự thật toàn vẹn như Ðức Giêsu đã sống và dạy người ta sống (c.13). Nhưng Chúa Thánh Thần quả thật đang dẫn đưa người môn đệ của Chúa Giêsu hướng tới chân trời rạng ngời đó.
2. Trong thực tế Chúa
Giêsu đã bị người ta đánh
đập, tát vả, nhạo cười
và lột trần, khiến Người
mất hết danh dự trước mặt
mọi người. So sánh nỗi xấu
hổ Chúa Giêsu phải chịu và
nỗi xấu hổ người bạn của
thiếu phụ trong câu chuyện phải chịu,
bạn thấy có những điểm
nào giống và điểm nào khác
nhau? Ðiều gì nổi bật nhất nơi
Chúa Giêsu?