Cầu nguyện
Hôm ấy Ô-da-man bước vào một nhà thờ cổ ở thủ đô Paris để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn. Ðứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện nơi hàng ghế đầu. Ðến gần, Ô-da-man mới nhận ra đó chính là nhà bác học Ampe (André Marie Ampère 1775-1836). Chàng sinh viên không ngừng theo dõi cử chỉ cầu nguyện của vị giáo sư vật lý và hoá học nói trên. Khi ông đứng dậy ra về, chàng liền bước tới phòng làm việc của ông.
Thấy chàng thanh niên đứng trước cửa phòng dáng vẻ rụt rè, giáo sư Ampe liền cất tiếng hỏi:
- Này, người bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?
Chàng thanh niên nhỏ nhẹ trả lời:
- Thưa giáo sư, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm. Xin giáo sư cho phép con được hỏi một chút về vấn đề đức tin mà thôi.
Giáo sư Ampe khiêm tốn đáp lại:
- Ðức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp ích cho anh về điều gì, tôi sẽ lấy làm hân hạnh.
- Thưa giáo sư, người ta có thể vừa là nhà bác học vĩ đại vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường được chăng?
Giáo sư Ampe ngỡ ngàng trước câu hỏi vừa nêu. Với cặp môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời:
Chúng ta chỉ vĩ đại khi cầu nguyện
- Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi!
Câu trả lời vừa nêu của giáo sư Ampe gợi lại câu nói thời danh của nhà toán học kiêm triết gia Pascal (Blaise Pascal 1623-1662), khi ông nói: "Con người vĩ đại khi quì cầu nguyện." Thực ra, câu nói đó chỉ có ý nghĩa nhờ ánh sáng đức tin do chính Chúa Giêsu chiếu dãi khi Người trả lời một loạt những câu hỏi do các môn đệ nêu nơi bữa Tiệc Ly.
Khi ấy Giuđa đã bước ra khỏi phòng tiệc và "trời đã tối" (Ga 13, 30). Ðó là lúc Ðức Giêsu ngỏ lời với những môn đệ mà Người yêu quí cách riêng. Một số các ông là Phêrô, Tôma, Philiphê và Giuđa không phải là Giuđa Ít-ca-ri-ốt, lần lượt nêu câu hỏi giúp ta hiểu được phần nào ý nghĩa của hai chữ đức tin.
a) Phần dẫn nhập (13, 31-35) cho thấy sự ra đi của Giuđa khai mào cho một loạt những biến cố trực tiếp dẫn đến biến cố cuộc khổ nạn của Ðức Giêsu. Ðức Giêsu sẽ được tôn vinh có nghĩa là chính Thiên Chúa được tôn vinh, bởi lẽ tình yêu vô hạn của Thiên Chúa sẽ được biểu lộ nơi Ðức Giêsu. Người để lại cho các môn đệ điều răn mới: Ðó là họ phải yêu thương nhau (c.34). Ðiều mới mẻ nơi giới răn này là tình yêu của chính Ðức Giêsu dành cho các môn đệ; tình yêu ấy là khuôn vàng thước ngọc cho tình yêu của các môn đệ đối với nhau. Ðó chính là dấu chỉ không thể thiếu nơi người môn đệ của Ðức Giêsu.
b) Phêrô (13, 36-14,4) khiến cho câu chuyện tại bữa tiệc ly được rõ nét về đích nhắm với câu hỏi là "Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?" (13, 36). Tuy Phêrô có chối Thầy nhưng rồi ông sẽ được nối kết với Thầy khi ông chết (c.36).
Các môn đệ không khỏi xao xuyến (14, 1.27). Ðức Giêsu nhấn mạnh về niềm tin các ông cần có. Người cho các ông biết Người đi là để dọn chỗ cho các ông và Người sẽ trở lại đưa các ông đi với Người (c.3).
c) Câu trả lời của Ðức Giêsu khiến ông Toma nói tiếp: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường." (14, 5-7). Và Ðức Giêsu cho Tôma cũng như các môn đệ hiểu rằng niềm hy vọng của người Kitô không phải là một phương pháp, một thủ tục, nhưng là một bản vị. Chính Ðức Giêsu là "Ðường, Sự Thật và là Sự Sống" (c.6). Chính ngang qua Ðức Giêsu và ở nơi Ðức Giêsu mà các Kitô hữu đến được với Cha, biết được Cha và nhìn thấy Cha.
Ðược mãn nguyện
d) Philiphê (14,8-21) như muốn tóm gọn toàn bộ ơn mạc khải lại nơi Chúa Cha: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện" (c.8). Và chúng ta như nghe thấy tiếng thở dài của Thầy Giêsu khi Ngài nói: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philiphê, anh chưa thấy Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha" (c.9).
Ðức Giêsu tiếp tục vạch cho các môn đệ thấy mối dây kết hiệp Người lại với Chúa Cha một cách trọn vẹn: cả trong lời nói lẫn việc làm (cc.10-11). Rồi Người chú ý tới chính các môn đệ: Họ cũng sẽ làm được những công việc Ðức Giêsu đã làm, bởi lẽ Người sẽ đáp lời họ xin để Thiên Chúa được biểu lộ nơi Con. Tình yêu mà Người dành cho các môn đệ sẽ được biểu lộ qua việc Ðấng Bảo Trợ khác là Thần Khí của sự thật, Ðấng ấy sẽ ở lại với các môn đệ mãi mãi (c.16). Theo ý nghĩa ấy, Ðức Giêsu sẽ không để các môn đệ mồ côi vì Người sẽ trở lại với họ (c.18).
Ðộc giả có thể bị choáng váng: Tại sao Ðức Giêsu nói về việc Người đi để chuẩn bị nơi ở cho các môn đệ (14,3) và Người sẽ trở lại để đem họ đi với Người, thế rồi Người lại nói nơi ở ấy được định vị ngay nơi các môn đệ! (cc.20-21). Một cách nào đó, việc Ðức Giêsu trở lại liên quan tới việc Ðấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Linh được phái đến hoạt động thay Ðức Giêsu với tư cách vừa là Ðấng Bào Chữa, vừa là Ðấng Mạc Khải (Ðức Giêsu cũng được gọi là Ðấng Bảo Trợ trong 1Ga 2,1).
Ðức Giêsu ra đi nhưng Người sẽ trở lại qua Ðấng Bảo Trợ được phái đến. Việc đó cắt nghĩa điều mà Ðức Giêsu nói là "Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống" (c.19). Cũng như các môn đệ được thấy Thầy Giêsu tận mắt tại bữa tiệc ly, họ cũng sẽ được biết việc Người kết hiệp với Cha. Việc kết hiệp ấy chính họ được tham dự. Họ mà biết yêu theo giới răn mới thì sẽ được cả Cha và Con yêu thương. Con sẽ tự mạc khải cho họ ngang qua Ðấng Bảo Trợ (c.21). Tất cả điều họ hy vọng cho tương lai sẽ sớm được thực hiện ngay nơi trần thế này tuy còn trong niềm tin mà họ đặt nơi Thiên Chúa.
e) Vì ở trên Ðức Giêsu có nói "chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy" (c.19), cho nên ông Giuđa không phải là Giuđa Ít-ca-ri-ốt, nêu câu hỏi "Tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con mà không tỏ mình ra cho thế gian?" (c.22). Ðức Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi vừa nêu mà chỉ nhấn mạnh điều Người đã công bố: Tức là Người và Cha sẽ đến cư ngụ nơi những ai yêu mến và giữ lời Người (cc. 23-24). Ðó chính là việc Ðức Giêsu trở lại trực tiếp liên quan tới Ðấng Bảo Trợ mà Cha sẽ phái tới để dạy dỗ và nhắc nhở các môn đệ. Các môn đệ được vững tin vì có Thần Khí của Ðức Giêsu ở với họ để nhắc nhở và cắt nghĩa cho họ hiểu những lời Ðức Giêsu đã nói và lẽ khôn ngoan Người muốn truyền đạt.
Ðức Giêsu từ biệt các môn đệ bằng cách chúc họ được bình an theo phong tục người Trung Ðông. Nhưng Người cho họ biết ơn bình an mà Người ban cho họ, thế gian không thể nào cho họ được (c.27) vì ơn đó bao gồm mọi của cải thiêng liêng thuộc về ơn cứu độ.
Mọi sự được thành tựu
Ðức Giêsu cho biết Chúa Cha cao trọng hơn Người (c.28) bởi lẽ chính từ Chúa Cha nên mới có mọi sự. Chính Chúa Cha đã khiến cho mọi sự thành tựu. Cả việc Ðức Giêsu được phái đến cũng như việc Người trở về trong vinh quang của Cha, tất cả đều được thể hiện theo ý muốn của Chúa Cha. Chính theo ý nghĩa ấy Ðức Giêsu đã khẳng định rằng: "Chúa Cha cao trọng hơn Thầy" (c.28).
Ðấng cao trọng như vậy mà lại chiếu cố đến ở với các môn đệ. Thử hỏi còn có điều gì vĩ đại hơn thế?
2. Bạn hiểu thế nào về ý nghĩa của câu nói do nhà bác học Ampe là: "Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi."
3. Theo bạn, hai chữ
"Ðức Tin" có ý nghĩa gì?