Tình yêu là đề tài muôn thuở. Nhất là vào thời bây giờ, tình yêu là một mặt hàng đắt khách. Tình yêu xuất hiện ở sách vở, báo chí, phim ảnh, và mọi ngành nghệ thuật. Những bản tình ca, những tạp chí chuyên đề về tình yêu, vẫn thu hút mọi người. Có vẻ như tình yêu hiện diện ở khắp nơi và chi phối đời sống nhân loại. Thế nhưng sự thật lại khác hẳn. Thế giới chúng ta đang sống lại là một thế giới bị xâu xé bởi hận thù, người ta tưởng khi cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ kết thúc, thế giới sẽ được sống trong hoà bình. Nhưng từ đó đến nay, thế giới vẫn không ngừng sôi sục vì chiến tranh và xung đột. Xung đột giữa các quốc gia vốn là anh em với nhau, xung đột giữa các bộ tộc trong cùng một đất nước, xung đột giữa các tín đồ của những tôn giáo khác nhau. Người ta giết nhau không nương tay, không chút nhân hậu. Thế giới bị đe dọa bởi chính con người. Cơ quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã chọn năm 1995 là năm cổ võ lòng khoan dung, bởi lẽ chỉ có lòng khoan dung mới cứu được thế giới khỏi thảm hoạ diệt vong bởi chính sự cứng cỏi của nó.
Gần đây, Ðức Thánh Cha thường nói đến một "nền văn minh tình thương". Con người chỉ được coi là văn minh khi nó bước ra khỏi sự man rợ của thú tính, khi nó biết sống yêu thương và nhìn nhận người khác cũng như mình, bất chấp những khác biệt về chủng tộc, màu da, tôn giáo, quan điểm chính trị hay xã hội? Xây dựng một nền văn minh dựa trên tình thương, đó là bổn phận cấp bách của người Kitô hữu hôm nay.
Một điều răn mới
Hai câu cuối của bài Tin Mừng trên đây là lời Ðức Giêsu nhắn nhủ các môn đệ yêu dấu. Ðó cũng là lời Ngài nói với mọi Kitô hữu hôm nay. "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy thương yêu nhau". Ðiều răn "cũ" nằm ở trong sách Lêvi 19, 18: "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình". Ðức Giêsu đã từng giải thích lại ý niệm về "người thân cận". Người thân cận không phải chỉ là đồng bào ruột thịt, mà là bất cứ ai mang tư cách là người. Khi tôi giúp đỡ ai, tôi làm cho người đó trở thành "người thân cận" của tôi (Lc 10, 29.36). Ðiều răn cũ này vẫn là điều răn quan trọng bậc nhất; người Kitô hữu vẫn phải giữ khi sống với tha nhân (Rm 13, 8; Cl 3,14).
Ở đây Ðức Giêsu đưa ra một điều răn "mới", xét về nhiều phương diện. Trước hết, điều răn này có một phạm vi nhỏ hơn. Ðức Giêsu mời gọi các môn đệ yêu thương nhau. Ðó là tình yêu thương giữa những người Kitô hữu, những người đồng đạo. Ðức Giêsu không phủ nhận điều răn phải yêu thương mọi người (agapê), nhưng ở đây Ngài nói đến một điều răn mới, đó là tình huynh đệ giữa những kẻ có cùng niềm tin vào Ngài (philadelphia).
Kế đến, điều răn này có tính đòi hỏi hơn, vì dựa trên một tiêu chuẩn cao hơn. Kitô hữu phải yêu mọi người như chính mình, nhưng họ phải yêu thương các Kitô hữu khác như Ðức Giêsu đã yêu thương họ, nghĩa là hiến mình phục vụ cho đến chết.
Cuối cùng, điều răn này được coi là mới vì nó gắn liền với Giao Ước Mới, Giao Ước đã được thiết lập trong máu Ðức Giêsu (Lc 22, 20; 1C 11, 25). Ðây không phải là điều răn được khắc trên bia đá (Xh 24, 12), nhưng là điều răn được ghi tạc vào tâm hồn các Kitô hữu do tác động của Thánh Thần (x. Gr 31, 31-34; Ed 36, 25-28).
Thánh Giêrônimô có kể lại một chuyện về thánh Gioan tông đồ. Lúc vị tông đồ đã về già, ngài vẫn không ngừng nhắc nhở các Kitô hữu trong cộng đoàn là hãy yêu thương nhau. Người ta phát chán vì thấy ngài cứ nói mãi điều ấy, nên mới hỏi ngài lý do. Ngài trả lời: "Bởi vì đó là điều răn của Chúa. Chỉ cần giữ điều răn này là đủ."
Ðức Giêsu đã coi tình yêu thương giữa các Kitô hữu là một dấu chỉ để mọi người nhận ra họ là môn đệ đích thực của Ngài. Nói cách khác, có thể định nghĩa môn đệ là những người biết yêu thương nhau. Yêu thương nhau vốn là nét đặc trưng của các tín hữu buổi đầu. Sách Công Vụ cho thấy "mọi người tín hữu đều coi mọi sự như của chung" (2, 44), họ "đồng tâm nhất trí chuyên cần lui tới Ðền Thờ, bẻ bánh ở nhà, cùng nhau chia sẻ của nuôi thân." (2, 46). Tình yêu thương giữa các Kitô hữu đã khiến dân ngoại phải thốt lên: "Xem kìa, họ yêu thương nhau biết chừng nào, họ dám sẵn sàng chết cho nhau!" Những Kitô hữu đầu tiên ở Việt Nam cũng đã được gọi là những người theo "đạo yêu thương", không có tình yêu thương, chẳng ai nhận ra chúng ta là môn đệ Ðức Giêsu, Ðấng đã yêu thương và yêu thương đến cùng.
Bản chất của người môn đệ là yêu thương. Nhưng trong thực tế các Kitô hữu ngày nay vẫn chưa sống trọn vẹn điều răn mới này. Có biết bao tranh chấp, đã và đang xảy ra trên thế giới, giữa những anh chị em Kitô hữu. Gần đây, ở Phi Châu (Rwanda), hai bộ tộc Hutu và Tutsi đã tàn sát lẫn nhau không thương tiếc. Mà cả hai phần lớn đều là những người công giáo, vốn là anh em với nhau. Phải chăng dấu ấn Kitô hữu chưa thực sự thấm nhuần vào đời sống chúng ta, đưa chúng ta vượt lên trên những bất đồng và dị biệt về nhiều mặt.
"Anh chị em hãy yêu thương nhau". Chúa Giêsu phục sinh vẫn muốn nhắc lại mãi điều răn này cho từng Kitô hữu. Tình yêu không chỉ vắng bóng trên thế giới, mà đôi khi còn vắng bóng cả nơi các tập thể Kitô hữu. Gia đình, giáo xứ, dòng tu, các hội đoàn, các hội thánh Kitô giáo trên khắp thế giới, được mời gọi yêu thương như lời chứng cho nhân loại hôm nay về Chúa Giêsu. Giữa một thế giới bị phân hoá và đỗ vỡ, tình yêu nơi những Kitô hữu cho thấy sức mạnh hiệp nhất của Chúa Phục Sinh. Yêu thương chính là làm việc tông đồ truyền giáo rồi vậy.
Những khuôn mặt của tình yêu
Khi nhìn ngắm Ðức Giêsu, chúng ta thấy một số nét nổi bật nơi cách bày tỏ tình yêu của Ngài. Chúng ta ao ước mình có thể yêu NHƯ Ðức Giêsu, chẳng những đối với anh chị em đồng đạo, mà cả đối với mọi người.
Một tình yêu đi bước trước. Ðức Giêsu không chờ người khác đến với mình. Chính Ngài mời gọi ông Lêvi làm môn đệ, xin đến ở trọ nhà ông Dakêu làm nghề thu thuế; chính Ngài đã trở nên bạn đồng hành của hai môn đệ chán nản trở về Emmau; đã hiện ra để thỏa mãn những đòi hỏi của ông Tôma cứng lòng. Chẳng ai bắt Ngài làm thế. Chỉ tình yêu mới cho Ngài sự bạo dạn để đến với con người, đặc biệt những người tội lỗi. Ngài cũng mời chúng ta để lễ vật lại mà đi làm hoà với người gây chuyện xích mích với ta (Mt 5, 23-25).
Một tình yêu khiêm tốn. Cần nhìn ngắm Con Thiên Chúa mới sinh ở Bêlem để hiểu thế nào là khiêm tốn. Ðức Giêsu sống khiêm tốn suốt một đời. Ngài không làm ai bị choáng ngợp bởi quyền uy hay sự thánh thiện. Phụ nữ, trẻ em, người bị xã hội ruồng bỏ, ai cũng có thể đến với Ngài. Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng (Mt 11, 29). Tình yêu khiêm tốn là tình yêu cúi xuống. Tình yêu này khiến ta ngửa tay xin ngay cả một người nghèo khó nhất.
Một tình yêu phục vụ. Ðức Giêsu ý thức về sứ mạng phục vụ của mình. Con Người đến là để phục vụ và hiến mạng cho muôn người (Mc 10, 45). Ngài đã rao giảng Tin Mừng xoa dịu vết thương của người đau khổ. Ngài mời chúng ta rửa chân cho nhau, nghĩa là phục vụ trong khiêm hạ (Ga 13, 13). Chính Ngài cũng tự nhận mình chỉ là người hầu bàn cho các khách dự tiệc (Lc 22, 27). Thập giá là đỉnh cao của tình yêu phục vụ. Tình yêu có thể bị khước từ, lăng nhục, nhưng cuối cùng tình yêu sẽ thắng. Thập giá là nơi Ðức Giêsu được tôn vinh và là nơi tình yêu của Chúa Cha được bày tỏ trọn vẹn cho nhân loại.
2. Bạn nghĩ gì về
bầu khí yêu thương nơi các
tập thể bạn đang sống? Bạn có
thể làm gì để mọi người
trong gia đình, trong nhóm, trong xứ
đạo, thông cảm và đón
nhận nhau hơn?