Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 6 tháng 5 năm 2001
Chúa Nhật 4 Phục Sinh năm C

Ðọc Tin Mừng Ga 10,27-30

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Một hôm có người bố đến dự cuộc hội thảo dành riêng cho các bậc làm cha và các giáo viên tại một trường trung học ở thành phố Chicago của Hoa Kỳ. Khi nói chuyện với một giáo viên từng dạy con trai ông, người bố bỗng rưng rưng hai hàng lệ. Sau khi lấy lại bình tĩnh, ông ngỏ lời xin lỗi và nói: "Con trai tôi hiện không còn chung sống với tôi nữa, nhưng tôi vẫn yêu quí nó và muốn biết nó hiện học hành ra sao."

Tại sao bị vợ con bỏ.

 Ông bố cắt nghĩa lý do tại sao vợ ông và bốn đứa con đã lìa bỏ ông. Ông là một nhà thầu lo việc xây dựng. Có thời gian ông bận rộn làm việc tới 16 tiếng đồng hồ một ngày. Trong hoàn cảnh đó ông ít khi có giờ gặp gỡ vợ con. Và ông buồn bã nói tiếp:

"Tôi rất ao ước sắm sửa cho vợ con mọi thứ mà tôi từng mơ ước trao tặng cho họ. Nhưng vì mải mê công việc làm ăn, tôi không quan tâm tới điều mà các con tôi lấy làm cần thiết hơn cả: đó là chúng cần một người cha thường xuyên gần gũi để yêu thương và nâng đỡ chúng."

Người bố trong câu chuyện nói trên đã rưng rưng hai hàng lệ vì chính ông nêu vấn đề đụng chạm tới bề sâu nơi con người ông. Tình yêu đã là động lực khiến ông chọn kết hôn với một người bạn gái. Hai người đã chung sống đời vợ chồng và đã sinh được bốn người con. Nhưng chỉ vì mải mê công việc làm ăn nên ông đã không dành đủ phần quan tâm cần thiết cho vợ con. Kết quả là vợ ông và bốn đứa con đã lìa bỏ ông. Họ không còn ở trong tầm tay ông nữa. Ông đau khổ trước sự mất mát quá lớn. Bởi lẽ những con người ruột thịt của ông mà nay không còn thuộc về ông nữa.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng đề cập tới vấn đề nơi bề sâu của con người Ðức Giêsu. Người không những cho biết những ai thuộc về Người mà còn cho biết chính Người thuộc về ai?

Khởi sự tác giả Gioan đặt ta vào bối cảnh lễ Cung Hiến Ðền Thờ của người Do Thái, trong đó Ðức Giêsu cho thấy chính Người là Vị Cứu Tinh Mêsia (Ga 10, 22-31) và là Con Thiên Chúa (cc. 32-39).

Lễ cung hiến Ðền Thờ là dịp để người Do Thái mừng chiến thắng vẻ vang do anh em dòng họ Macabê mang lại. Ðó là cuộc chiến thắng để rửa nhục cho Israel. Suốt ba năm (167-164 trước CN) quân Syria đã xâm chiếm lãnh thổ dân Thiên Chúa. Họ đã làm cho Ðền Thờ ra ô uế bằng cách dựng tượng thần Ba-an ngay trên bàn thờ nơi dân Israel thường dâng của lễ toàn thiêu cho Giavê Thiên Chúa (1Mcb 1, 54; 2Mcb 6, 1-7). Ðầy lòng căm phẫn, tướng Giuđa Macabê đã nổi dậy đánh đuổi quân Syria và thiết lập một bàn thờ mới. Bàn thờ này cùng với Ðền Thờ đã được tái cung hiến (1Mcb 4, 41-61) với lễ kỷ niệm được cử hành mỗi năm.

Hiến dâng bản thân làm bàn thờ

 Ðiều mà tác giả Gioan ám chỉ là: chính Ðức Giêsu hiến dâng bản thân Người làm bàn thờ. Ðiều đó Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rất rõ khi nói: Bàn thờ là nơi mà Giáo Hội được quy tụ lại; đó chính là "biểu tượng về Ðức Kitô hiện diện giữa cuộc tập họp của những ai tin theo Người: Ðức Kitô vừa là lễ vật hy sinh được dâng để ta được giao hoà, đồng thời Người còn là của ăn từ trời cao tự hiến để nuôi ta." (số 1383).

Riêng đoạn Tin Mừng Ga 10, 22-29 cho thấy tột đỉnh của những cuộc tranh cãi giữa Ðức Giêsu và người Do Thái. Ðây là cuộc tranh cãi chót khiến giới hữu trách Do Thái quyết tâm bắt Ðức Giêsu. Màn Tin Mừng này chia làm hai; ở giữa là biến cố người Do Thái toan tính ném đá Ðức Giêsu.

C. 22 đặt ta vào bối cảnh của lễ Cung Hiến Ðền Thờ vào trung tuần tháng 12, kéo dài 8 ngày.

C. 23 định vị cuộc tranh luận gay cấn diễn ra nơi hàng hiên hình thang khổng lồ bao quanh Ðền Thờ Giêrusalem. Hàng hiên này ở phía thung lũng Khê-ron quen gọi là hàng hiên Salomon, có lẽ vì cổ kính nhất nên được kể như do chính vua Salomon xây dựng.

C. 24 nối lại việc Ðức Giêsu đã từng khẳng định rằng Người là Ðức Kitô và là Con Người. Những người như chị phụ nữ người Samari (Ga 4, 25-26) hay như anh mù từ thuở mới sinh (Ga 9, 36-37), đều là những cá nhân sẵn sàng đón nhận Ðức Giêsu là vị Thiên Sai. Còn ở đây, ngược lại, Ðức Giêsu bị bao vây và bị thách đố do những con người đến với ý đồ để bắt bớ Người mà thôi.

C. 25 Ðức Giêsu vạch cho người Do Thái thấy nguồn gốc của mọi sự là CHA. Do đó Người đòi hỏi ai nấy phải bày tỏ một niềm tin tuyệt đối bằng cách thuộc về Người để có thể qui về Cha là nguồn gốc của họ.

C. 26 Khi Ðức Giêsu của sách Tin Mừng Gioan nói với người Do Thái rằng "các ông không tin tôi vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi," Người ám chỉ về một cộng đoàn hết sức cụ thể, đó là cộng đoàn Kitô hữu dưới sự chăm sóc của Gioan. Cộng đoàn ấy gắn bó mật thiết với Ðức Giêsu và được tách biệt khỏi những người không thuộc về Ðức Giêsu. Cộng đoàn ấy biết mình sống dưới sự che chở của Ðức Giêsu và của CHA Người, cho nên mọi người trong cộng đoàn đều được an tâm vững dạ.

Thuộc về ai

 CC. 27-28 đối chiếu cách ăn ở trung tín của các chiên dưới sự lãnh đạo của Ðức Giêsu Mục Tử, ngược hẳn lại với thái độ cứng tin của người Do Thái. Ở đây Ðức Giêsu nhắc lại "tính cách thuộc về" của các chiên đối với Người: chúng nghe tiếng Người (Ga 10, 3-16); chính Người biết rõ các chiên của Người (cc. 3, 14); chúng theo Người (cc. 10,4) và Người ban cho chúng sự sống đời đời (10, 9-10).

CC. 29-30 cho thấy các chiên được an toàn dưới sự chăm sóc của Ðức Giêsu là vị mục tử nhân hậu như Người đã thưa với Cha "Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất" (Ga 17, 12). Cha là Ðấng đã ban chúng cho Người. Vì Người và Chúa Cha là một nên không ai cướp được chúng khỏi Người, bởi lẽ Chúa Cha thì lớn hơn tất cả, nên không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.

C. 31-39 cho thấy giữa bối cảnh thù địch của người Do Thái, Ðức Giêsu vẫn tiếp tục tự mạc khải và tự hiến mình cho họ và cho mọi người:

- Chính Chúa Cha thánh hiến Người và sai Người đến thế gian (c.36). Thân Thể Ðức Kitô phục sinh chính là nơi Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình cho loài người (Ga 1, 14). Ðó là nơi loài người có thể thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và trong Sự Thật (Ga 4,23-24). Cho nên Ðức Kitô mới thực sự là Ðền Thờ được cung hiến cho Thiên Chúa một cách hoàn hảo và trọn vẹn.

- Ðức Kitô đòi mọi người tin vào các việc Người làm (c.38). Các việc ấy bao gồm toàn bộ công trình cứu độ do Người thực hiện: Người đến là để mạc khải cho nhân loại biết Chúa Cha; nơi Người chính Chúa Cha cũng tự mạc khải (c. 38).

Tất cả được nên một

 Vậy bài Tin Mừng hôm nay tuy chỉ là một đoạn văn ngắn nhưng đã là một bước chuẩn bị cho lời cầu xin nơi bữa Tiệc Ly, khi Ðức Giêsu thưa với Chúa Cha: "Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật họ cũng được thánh hiến" (Ga 17, 19). Và trong bữa Tiệc Ly ấy, Ðức Giêsu còn cho biết Người không chỉ cầu xin cho Mười Hai tông đồ mà thôi "nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như, lạy CHA, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta." (c. 20-21).

Trở lại với người bố rưng rưng hai hàng lệ trong câu chuyện nói trên. Người bố ấy đau khổ vì vợ ông và bốn con ông là những người ruột thịt của ông mà nay không còn thuộc về ông nữa! Bài Tin Mừng hôm nay cũng nói tới mối tương quan thâm sâu là mối tương quan khiến cho người này cảm thấy mình thuộc về người kia, nhưng với Ðức Giêsu mối tương quan ấy có cơ sở thực là vững vàng:

- Trong Cựu Ước, ngôn sứ Êdêkien đã từng mô tả Giavê Thiên Chúa là vị Mục Tử lý tưởng: "Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta? Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ bồi dưỡng; con nào mập béo, con nào khỏe mạnh, Ta sẽ canh chừng." (Ed 34, 15-16). Trong Tin Mừng của Gioan, chính Ðức Giêsu tự mô tả mình là vị Mục Tử lý tưởng đó với điều đặc sắc là: Người biết các chiên của Người để chăm sóc và yêu thương chúng vì chúng thuộc về Người; chính Người ban cho chiên của Người sự sống đời đời (c. 28). Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.

Mối tương quan giữa Ðức Kitô và các chiên của Người thực sự vững vàng đến nỗi Người khẳng định rằng "không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi" (c. 28). Lý do "vì Tôi và Chúa Cha là một" (c. 30) mà Chúa Cha "lớn hơn tất cả" thì còn có ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha đâu!

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn nghĩ điều gì có thể thực sự an ủi người bố đau khổ trong câu chuyện nói trên: có phải việc ông được biết con ông học hành ra sao nơi học đường? Hay việc ông được chung sống trở lại với vợ con ông? Hay bạn cảm thấy chưa được cung cấp đủ tin tức về người bố đau khổ nói trên? Nhưng dựa theo bài Tin Mừng hôm nay, bạn có thể nói gì với người bố đó nếu bạn được yêu cầu và nếu bạn biết rõ người đó có chung một đức tin Kitô giáo với bạn?

2. Bạn nghĩ gì về câu nói của Chúa Giêsu áp dụng với trường hợp bạn khi Người nói "Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời"? (cc.27-28) Ðiều gì bạn thấy là tâm đắc nhất trong câu nói đó của Chúa Giêsu?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page