Khi trời đã sáng, Ðức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Ðức Giêsu. Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?" Các ông trả lời: "Thưa không". Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, anh em sẽ bắt được cá". Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến nói với Phêrô: "Chúa đó!" Vừa nghe nói "Chúa đó!", ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Ðức Giêsu bảo các ông: "Ðem ít cá mới bắt được tới đây!" Ông Simon Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Ðức Giêsu nói: "Anh em đến mà ăn!" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "ông là ai?", vì các ông biết rằng đó là Chúa. Ðức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Ðó là lần thứ ba Ðức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi chỗi dậy từ cõi chết.
Khi các môn đệ ăn xong, Ðức Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Ðức Giêsu nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy". Người lại hỏi: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy". Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?" Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy". Ðức Giêsu bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn".
Người nói
vậy, có ý ám chỉ ông sẽ
phải chết cách nào để tôn
vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người
bảo ông: "Hãy theo Thầy".
Chương đầu sách Tin Mừng của Gioan cho thấy nhân vật chính là Ðức Giêsu được vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước giới thiệu (Ga 1,35). Kết quả là hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả liền đi theo Ðức Giêsu (c.37). Hai ông này chỉ là những môn đệ đầu tiên. Tiếp theo còn có một loạt những môn đệ khác, trong số đó có ông Simon, con ông Gioan, được Ðức Giêsu gọi bằng một tên đặc biệt là Kêpha (c. 42) nghĩa là "Ðá!". Danh xưng này gợi ý độc giả nhớ lại lời Ðức Giêsu trịnh trọng tuyên bố về vai trò Người trao phó cho khi nói: "Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực của tử thần sẽ không thắng nổi." (Mt 16,18).
Hai mươi chương sách Tin Mừng của Gioan đã cho thấy nhân vật chính là Ðức Giêsu đã sống, đã hành động và đã chết, nhưng qua sự chết mà Người tự nguyện lãnh lấy, Người đã bày tỏ vinh quang của Người bằng việc Người phục sinh. Sách Tin Mừng quả thật đã kết thúc ở chương 20. Chương 21 được thêm vào để cho thấy Ðức Giêsu Phục Sinh còn ở lại với các môn đệ như thế nào, đặc biệt với ông Simon, con ông Gioan, mà Người gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá Tảng. Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy thế nào là Hội Thánh được Ðức Giêsu thiết lập trên ông Simon Phêrô.
Hình ảnh sống động nhất về Hội Thánh như sách Tin Mừng của Gioan mô tả là: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho? Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được." (Ga 15,1-5).
Quả thật phần đầu của bài Tin Mừng hôm nay trình bày một số những yếu tố đã thấy trong trình thuật về mẻ cá lạ lùng mà sách Tin Mừng của Luca kể ở chương 5. Trong chương này Luca đặt ta trong bối cảnh đời sống làm ăn của dân chài hồ Galilê với một số người đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Chính lúc ấy, Ðức Giêsu xuất hiện với đám đông dân chúng chen lấn nhau. Người phải xuống một chiếc thuyền để ngồi trên đó mà giảng cho dân chúng. Luca xác định rõ đó là thuyền của ông Simon (Lc 5,3).
Phêrô Hoàn Toàn Bị Khuynh Ðảo Trước Mẻ Cá Lạ Lùng
Giảng xong, Ðức Giêsu bảo ông Simon chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá. Ông liền thưa: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy tôi sẽ thả lưới." (c.5). Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Cá được chất lên hai chiếc thuyền đầy đến nỗi gần chìm (c.7). Ðó là lúc Phêrô hoàn toàn bị khuynh đảo. Ông sấp mình dưới chân Thầy Giêsu mà thưa: "Lạy Chúa xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi." (c.8).
Câu chuyện mẻ cá lạ lùng nói trên hầu như được lặp lại trong bài Tin Mừng hôm nay tuy với bối cảnh khác hẳn: Ở đây Ðức Giêsu sau khi đã tự nguyện lãnh lấy cái chết, Người đã sống lại. Riêng ông Simon Phêrô tuy đã chối Thầy nhưng Thầy đã không bỏ ông. Nhờ cái nhìn dịu hiền và tha thứ của Thầy nên ông đã ra ngoài, khóc lóc thảm thiết (Lc 22,62). Do đó ông vẫn còn là điểm qui tụ của các môn đệ của Ðức Giêsu Phục Sinh. Do đó ông vẫn còn là điểm qui tụ của các môn đệ của Ðức Giêsu Phục Sinh. Ông lên tiếng kêu gọi thì mọi người đều đáp ứng để đi đánh cá với ông (Ga 21,3). Nhưng đêm ấy Phêrô và các bạn không bắt được con cá nào (c.3). Lý do được hiểu ngầm là vì thiếu vắng Ðức Giêsu trong đêm tối.
Màn Tin Mừng này bỗng trở nên khác hẳn khi trời đã sáng, với Ðức Giêsu đứng trên bãi biển, cho dầu các môn đệ chưa nhận ra đó chính là Ðức Giêsu (c.4). Ðức Giêsu đã đi bước trước khi hỏi các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?" Tiếp theo câu trả lời "Thưa không" của các ông, Ðức Giêsu liền bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, anh em sẽ bắt được cá." (c.6). Quả thật, các ông vừa làm theo lời Ðức Giêsu dạy, lưới các ông liền đầy cá đến nỗi các ông không sao kéo lên nổi. Người môn đệ Ðức Giêsu thương mến liền nói với ông Phêrô: "Chúa đó!" và Phêrô vội khoác áo vào vì ông đang ở trần, để đến với Ðức Giêsu.
Ðiều Ðược Tái Xác Nhận Trước Than Hồng Cùng Với Bánh và Cá Nướng
Thế là chính Ðức Giêsu Phục Sinh tái xác nhận Người sẽ can thiệp để làm cho nên trọn điều Người đã nói với ông Phêrô sau mẻ cá lạ lùng trong trình thuật của Luca là "Ðứng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá." (Lc5,10; xem Cv 2,41-47). Người còn cung cấp than hồng cùng với bánh và cá nướng, làm cho các môn đệ được ấm no sau một đêm làm việc vất vả (c.13). Ở đây tiệc Thánh Thể được ám chỉ cho thấy chính Ðức Giêsu, đã trở nên của ăn của uống bảo đảm cho sự sống đời đời cho các môn đệ.
Tột đỉnh của bài Tin Mừng hôm nay là việc Ðức Giêsu Phục Sinh phục hồi lại tư cách môn đệ của Phêrô với ba câu hỏi đầy kịch tính. Kế đến là việc Chúa giao phó cho Phêrô nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên của Chúa (cc.15-17).
Ba Lần Bị Chất Vấn Về Tình Yêu
Ba lần Ðấng Phục Sinh lên tiếng hỏi Phêrô "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?" Ba lần Phêrô đều trả lời "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Hầu hết các nhà bình giải Kinh Thánh đều đọc thấy ở đây việc Ðấng Phục Sinh giải toả tội chối Thầy ba lần của Phêrô. Phêrô được phục hồi lại tư cách môn đệ chính ông đã đánh mất khi chối Thầy. Phải là môn đệ trung thành của Chúa để làm người tông đồ cho Chúa. Phêrô không dám tự hào rằng mình yêu Thầy hơn ai. Nhờ ơn hối cải Chúa ban, ông cậy dựa vào hiểu biết của Chúa mà thôi (c.17)
Ba lần được hỏi và thưa về tình yêu của Phêrô đối với Thầy Giêsu cũng là ba lần Phêrô được giao phó việc nuôi dưỡng hoặc chăm sóc đoàn chiên của Thầy. Tại sao phải lặp đi lặp lại ba lần như vậy? Lý do vì ở Trung Ðông xưa cũng như nay, người ta có thói quen nói đi nói lại ba lần trước các chứng nhân điều gì đó cần được nói lên một cách long trọng. Ở đây điều được nhấn mạnh là vai trò của Phêrô là mục tử. Vai trò ấy phải thấm nhuần tinh thần là: "Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèm, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Ðừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế khi Vị Mục Tử Tối Cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát." (1Phêrô 5,2-4).
Ðiều rất đáng
chú ý là bài Tin Mừng hôm
nay được viết và được
đọc nơi Giáo Hội sơ khai sau khi
ông Phêrô đã qua đời
tới hai mươi hoặc ba mươi năm.
Ðiều đó cho thấy vai trò
mục tử của Phêrô vẫn còn
giữ nguyên tầm quan trọng dọc theo
lịch sử.
2. Bạn nghĩ điều gì được tái xác nhận trước bối cảnh than hồng cùng với bánh và cá nướng trong bài Tin Mừng hôm nay?
3. Bạn hiểu và
cảm nghiệm được gì qua ba lần
Phêrô bị chất vấn về tình
yêu của ông đối với Thầy
Giêsu? Bạn nghĩ tinh thần của đoạn
thư 1Phêrô 5,2-4 có thể được
áp dụng với những người
làm cha làm mẹ đối với
con cái trong gia đình chăng?