Ông Phêrô và
môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả
hai người cùng chạy. Nhưng môn
đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô
và đã tới mộ trước.
Ông cúi xuống và nhìn thấy
những băng vải còn ở đó,
nhưng không vào. Ông Simon Phêrô
theo sau cũng đến nơi. Ông vào
thẳng trong mộ, thấy những băng
vải để ở đó, và
khăn che đầu Ðức Giêsu.
Khăn này không để lẫn với
các băng vải, nhưng cuốn lại,
xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ
người môn đệ kia, kẻ đã
tới mộ trước, cũng đi
vào. Ông đã thấy và đã
tin. Thật vậy, trước đó hai
ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh,
Ðức Giêsu phải chổi dậy
từ cõi chết. Sao đó, các
môn đệ lại trở về nhà.
Một thanh niên Canada, 23 tuổi, thuật lại cuộc hành trình đưa anh từ khát vọng ma tuý đen tối đến tình yêu mang lại sự sống và ánh sáng cho anh như sau:
Ngay từ nhỏ, tôi đã mang một mặc cảm tự ti nặng nề. Tôi thường đóng kịch để được người chung quanh chú ý vỗ về, tuy nơi thâm tâm tôi vẫn thấy mình gian dối và trống rỗng. Tôi đã chạy đến với ma túy và nhạc kịch động để khỏa lấp nỗi trống vắng. Thế là tôi đã đánh mất tuổi trẻ tươi đẹp khiến cha mẹ tôi phải thất vọng.
Nhưng niềm tin Kitô giáo nơi cha mẹ tôi luôn sống động. Từ nhỏ các ngài đã dạy tôi tâm sự với Chúa Kitô. Các ngài vẫn tiếp tục cho tôi cơ hội để làm việc đó.
Một buổi tối, tôi đang lao mình vào nơi ăn chơi thường ngày, bỗng cha mẹ tôi đến, Cha tôi nói với tôi:
- Thường vào giờ này, bố mẹ đi dự buổi cầu nguyện chung. Nhưng tối nay bố mẹ thấy sự hiện diện của bố mẹ cần thiết cho con. Nếu con bằng lòng trở về gia đình, bố mẹ sẽ lo đủ mọi điều cho con.
Nghe Thấy Chúa Nói Nơi Thâm Tâm
Tôi suy nghĩ về những lời cha tôi vừa nói. Nơi thâm tâm, tôi nghe thấy tiếng Chúa nói với tôi: "Nếu con muốn thoát khỏi xiềng xích của ma quỉ, phương thuốc chữa trị tốt nhất là trở lại với mái ấm gia đình. Con hãy nghe lời chỉ dạy của cha con."
Thế là tôi đã trở về nhà.
Nhưng chấm dứt một thói quen đâu phải là chuyện dễ. Tôi nghĩ như vậy nên cuối cùng lại trở về với nếp sống buông thả như cũ.
Một hôm tôi đi chơi về khuya lắm. Tôi mở cửa vào nhà thì gặp mẹ tôi; người nhìn tôi với nét mặt lo âu nhưng rất hiền. Mẹ tôi không la rầy mà chỉ nói cho tôi biết bà đang chờ tôi về. Lúc ấy, tôi như kẻ mất hồn, không trả lời, cũng không lưu tâm đến tình thương người dành cho tôi.
Ðặc biệt nhất là lần kia tôi về khuya mà thấy cha mẹ tôi đang cầu nguyện. Tôi nghe thấy cha tôi đang nói chuyện với Chúa về tôi. Tự nhiên tôi bị đánh động do tình thương mà cha mẹ tôi dành cho tôi. Quả thật, hôm đó tôi như bị tiếng sét của tình thương quật ngã. Tôi thâm tín rằng Chúa đã dùng cha mẹ tôi để chinh phục tôi.
Thế là tôi được ơn dứt khoát với tội lỗi và với quá khứ của mình. Tôi móc túi cầm trong tay số lượng cần sa trị giá 1000 đô la. Tôi không ngần ngại liệng số cần sa đó vào đống rác. Tôi nhận được ơn thâm tín rằng khoảng trống nơi tâm hồn tôi chỉ có thể được lấp đầy bằng tình yêu của Thiên Chúa mà tình yêu ấy tôi đã từng thoáng thấy nơi cha mẹ tôi.
Câu chuyện vừa kể về người thanh niên 23 tuổi bỏ nghiện ngập ma tuý xem ra chẳng ăn nhằm gì với bầu khí của niềm vui Phục Sinh. Xem ra các môn đệ cần được chính Chúa Phục Sinh hiện ra các ông mới được vui mừng (Ga 20,20).
Nhưng Tin Mừng của Gioan còn nói đến niềm vui trọn vẹn nhờ "Cứ xin, anh em sẽ được" (Ga 16,24), nhờ cậy dựa vào danh Ðức Giêsu. Cha mẹ người thanh niên trong câu chuyện nói trên không những dạy con mình tâm sự và cầu xin cùng Chúa Kitô, mà chính các ngài đã kiên trì cầu nguyện với con và cho con. Và việc kiên trì này đi đôi với những dấu chỉ của lòng yêu thương dịu hiền của các ngài, đã tạo nên biến chuyển nơi nội tâm người con. Các ngài như được thấm nhuần điều Chúa Giêsu dạy các môn đệ là "Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được" (Ga 15,5).
Giáo Hội Thao Thức Ði Tìm Chúa
Riêng Tin Mừng của đại lễ Phục Sinh hôm nay, theo Gioan, là Tin Mừng của một Giáo Hội thao thức cùng nhau đi tìm Chúa Phục Sinh ngang qua những dấu chỉ mà Người để lại, như những băng vải hoặc khăn che đầu (cc.6-7).
Tác giả Gioan là con người chiêm niệm. Ngay ở lời tựa, Gioan đã cho thấy "Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa" (Ga 1,1). Ðấng Thiên Chúa ấy đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta (c.14) để những ai đón nhận Người thì Người cho họ "quyền trở nên con Thiên Chúa"(c12). Họ không trở nên một cách riêng lẻ nhưng trở nên một đoàn chiên duy nhất dưới sự chăm sóc của một mục tử duy nhất (Ga 10,16). Sẽ luôn có những người được giao phó trách nhiệm để chăm sóc đoàn chiên với Người đứng đầu là Simon Phêrô (Ga 21,15-16).
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy ảnh hưởng qua lại giữa các thành viên trong Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai. Nhưng sự sống xuyên qua họ do đâu mà có và khiến họ trở nên những con người như thế nào?
- Như đã nói, sự sống đó do Ngôi Lời Thiên Chúa ban nhưng không mà thôi, tức là do chính Ngôi Lời Thiên Chúa trở nên người phàm khi được loài người đón nhận (Ga 1,12) trong tình bạn thiết nghĩa liên vị (Ga 1,35-51).
- Sự sống đó chính là tình yêu mà Ðấng Thiên Chúa làm người dành cho những kẻ thuộc về mình: "Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng." (Ga 13,1).
- Lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá là "Mọi sự đã hoàn tất" (Ga 19,30). Liền sau đó, Người gục đầu xuống và trao Thần Khí (Ibid). Ở đây Gioan dùng từ Pneũma để nói rằng qua cái chết của Người, Người thông ban cho nhân loại Thần Khí của Người là Ðấng thực hiện công cuộc tạo thành mới. Chính Thần Khí này tác động làm nên Giáo Hội.
- Thần Khí của Chúa Phục Sinh tác động như thế nào để làm nên Giáo Hội? Tác động đó xem ra quá đơn giản và bất ngờ qua những con người như Maria Mácđala, như Gioan hay như Phêrô.
Maria chỉ là người bình thường muốn tỏ lòng quí mến Thầy Giêsu, nên mang thuốc thơm tới bổ túc cho việc xức xác Thầy mới được thực hiện ba hôm trước đó. Cô thấy tảng đá che mộ đã được lăn ra một bên nên vội về đưa tin cho hai ông Phêrô và Gioan.
Cả ba nhân vật đều cho thấy một Giáo Hội sơ khai còn sững sờ trước cái chết của Thầy Giêsu. Cái chết đó kể như chấm dứt luôn những hy vọng mà họ đặt ở nơi Thầy. Họ đi tìm xác Thầy đã chết. Còn Thiên Chúa cho họ đụng chạm tới thực tại thật lớn lao là Thầy vẫn còn sống và hành động ngang qua họ.
Ði tìm những Dấu Chỉ Hữu Hình Về Thiên Chúa Vô Hình
Sự sống của Giáo Hội mẹ ở việc đi tìm những dấu chỉ hữu hình về một Thiên Chúa vô hình. Người vẫn có đó nhưng các thành viên của Giáo Hội phải liên đới với nhau trong việc tìm kiếm Người trong cầu nguyện và trong hành động. Nếu Maria Mácđala không tới mộ, cô sẽ chẳng biết ngôi mộ ấy đã bị bỏ trống. Phêrô và Gioan cũng không được thúc đẩy để chạy đi tìm kiếm Thầy Giêsu. Các băng vải và khăn che đầu Thầy Giêsu vẫn nằm nơi mộ. Chúng cũng không có cơ hội nhắc nhở các ông về Kinh Thánh là điều phải khơi dậy nơi các ông niềm tin mà các ông phải có. Niềm tin ấy phải trở nên sinh động đối với Chúa Phục Sinh (c.9).
Cũng vậy khi áp dụng với "Giáo Hội nhỏ như một tế bào" là gia đình của người thanh niên 23 tuổi trong câu chuyện nói trên. Anh cũng như bố mẹ anh đều thuộc về Chúa Giêsu nhờ bí tích Thánh Tẩy. Cả ba người đều đã nhận được Thần Khí của Chúa. Chính nhờ Thần Khí đó bố mẹ anh mới có thể dạy anh tâm sự với Chúa Kitô: "Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải" (Rm 8,26).
Tiếng Sét Tình Thương Quật Ngã Người Thanh Niên
Nơi bố mẹ người thanh niên, điều này hay điều kia xem ra chỉ là chuyện bình thường. Một cái nhìn quan tâm của người mẹ chờ con về mà không la rầy. Những lời cầu nguyện chân thành của người bố về con và người con nghe được? Ðiều lạ lùng là chính Chúa đã dùng những thứ bình thường ấy như tiếng sét tình thương để "quật ngã" người thanh niên nghiện ngập. Và khi anh chỗi dậy, anh liền được tự do đáp lại tình thương của Chúa và của cha mẹ anh!
Biết bao là những
điều bình thường như vậy
trong đời sống thường ngày
của người môn đệ Chúa
Giêsu! Họ chỉ cần hồi tâm để
Lời Chúa làm cho chúng trở
nên dấu chỉ về sự hiện diện
của Ðấng Phục Sinh luôn ở
với họ!
2. Vaticanô II dạy
rằng "Ðức Kitô được
Cha sai đến vừa là nguồn suối
vừa là nguồn gốc của mọi
việc tông đồ của Giáo Hội"
(AA2). Bạn nghĩ điều đó được
áp dụng như thế nào với
bài Tin Mừng cũng như với
các nhân vật trong câu chuyện nói
trên?