Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 8 tháng 4 năm 2001
Chúa Nhật Lễ Lá Năm C

Ðọc Tin Mừng Lc 19,28-40

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Ðức Giêsu Vào Thành Giêrusalem

 Chắc chắn Ðức Giêsu đã lên Giêrusalem nhiều lần trong đời Ngài, nhưng thánh Luca đã muốn cô đọng lại thành một cuộc hành trình duy nhất. Dưới cái nhìn thần học của Luca, cuộc đời Ðức Giêsu không gì khác hơn là một cuộc hành trình lên Giêrusalem; nơi đây Ngài hiến dâng chính mình để cứu độ nhân loại. Giêrusalem cũng là nơi Ðức Giêsu Phục Sinh hiện ra và là nơi từ đó Giáo Hội lan rộng khắp hoàn cầu (Lc 24,47). Giêrusalem có chỗ quan trọng trong trái tim Ðức Giêsu. Những gì sẽ xảy ra ở đó vẫn thường xuyên canh cánh bên lòng Ngài (12,50). Ngay cả trong lúc Ngài được vinh quang trên núi cùng với Môsê và Eâlia, thì đề tài trao đổi vẫn là cuộc xuất hành của Ngài sắp được thực hiện ở Giêrusalem (9,31). Tiến về thành đô để chết ở đó, đó là điều Ngài ý thức rõ rệt: "Ta phải theo đuổi con đường của Ta, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, vì không thể nào một ngôn sứ mà lại chết ngoài thành Giêrusalem" (13,33).

 Ðoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta hình ảnh Ðức Giêsu "đi đầu lên Giêrusalem" (19,28). Như thế ở vào giai đoạn cuối của cuộc hành trình, Ðức Giêsu vẫn có thái độ quả quyết như lúc đầu: "Ngài đanh mặt lại để lên Giêrusalem" (9,51). Ðến với Giêrusalem bây giờ là đem thân vào chốn hiểm nghèo, nơi những kẻ thù ghét Ngài đang rình rập để hãm hại. Ðức Giêsu đã chuẩn bị tìm cho Ngài một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, một con vật như thế thường được dùng cho mục đích tôn giáo (Ds 19,2; 1S 6,7). Ðặc biệt thánh Luca không nhắc đến việc dân chúng cầm cành lá đi rước Chúa như các thánh sử khác. Các môn đệ, chứ không phải đám đông, hân hoan ca tụng Thiên Chúa vì những phép lạ họ đã chứng kiến (x. 18,43; 7,16). Thật ra, đây cũng là những lời ca tụng Ðức Giêsu. Ngài được tôn là Vua, Ðấng ngự đến nhân danh Chúa (19,38). Những người Pharisêu khó chịu trước các lời tung hô đó. Họ muốn Ðức Giêsu quở trách các môn đệ của Ngài. Nhưng bây giờ Ngài không bắt các môn đệ phải thinh lặng giữ kín nữa (9,21). Ðây là lúc Ngài khẳng định vương quyền của mình. Vương quyền đó phải được công bố, không gì cản nổi: "Họ mà làm thinh thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên" (x.Hb 2,11).

 Lễ Lá là một lễ vui, nhưng ai có ngờ được giữa lúc Ðức Giêsu đang ung dung, hiền hoà, ngồi trên lừa con tiến về Giêrusalem, giữa tiếng tung hô vang trời dậy đất, thì Ngài lại bật khóc (19,41). Ngài khóc khi nhìn thấy thánh đô. Những giọt nước mắt của Ngài hẳn đã làm mọi người chưng hửng. Ngài không khóc vì tủi thân. Ngài khóc vì thấy ngày Giêrusalem bị bao vây, bị triệt hạ thành bình địa. Những giọt nước mắt đầy yêu thương đối với thánh đô mà Ngài coi như máu thịt. Con người có tự do để từ chối ơn cứu độ và Ðấng Cứu Ðộ. Ðức Giêsu cảm nhận được thế nào là nỗi đau khi Tình Yêu bị từ chối.

 Chắc có những người trong đám đông tung hô hôm nay sẽ trở thành kẻ gào thét đòi đóng đinh Ðức Giêsu trước mặt Philatô vài ngày sau đó (23,18.21). Có thể họ bị các nhà lãnh đạo giật dây, có thể họ bị thất vọng khi thấy "Vua Giêsu" chẳng phải là vị vua đem lại sự giải phóng mà họ mong đợi. Khi đi rước lá, chúng ta xin ơn vững bước theo chân Ðức Giêsu trong mọi cảnh ngộ của cuộc sống, trong suốt hành trình về Nước Trời.

 Cuộc Khổ Nạn của Ðức Giêsu theo Thánh Luca

 Chúng ta cần sống mầu nhiệm Khổ Nạn của Ðức Giêsu trong đời mình. "Vác thập giá của mình hàng ngày mà theo Thầy": đó là định mệnh của Kitô hữu (x.9,24). "Tôi đã cùng chịu đóng đinh thập giá với Ðức Kitô" (Gl 2,19). Không vác thập giá, không chịu đóng đinh, không chết với Ðức Kitô, thì cũng chẳng được hưởng sự sống vinh quang với Ngài. "Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ sống với Ngài" (2Tm 2,11).

 Trong Tuần Thánh, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm cuộc Khổ Nạn của Ðức Giêsu. Bạn cần nhìn thật lâu cách phản ứng của Ðức Giêsu trước những đau khổ xảy đến cho Ngài. Thái độ của Ngài có thể làm bạn thay đổi, và lòng bạn mềm lại. Bạn vẫn cảm nghiệm những đau đớn Ngài phải chịu trên thân xác: bị đánh đòn, bị đóng đinh? nhưng bạn đừng quên những nỗi đau sâu kín của trái tim Ngài. Ðôi khi chúng ta tưởng Ðức Giêsu là người thánh thiện quá đến nỗi chẳng còn biết xấu hổ, nhục nhã trước những xúc phạm, khinh chê của kẻ thù. Chính Ngài đã cứu độ chúng ta bằng nỗi đau khi Giuđa hôn Ngài bằng nụ hôn phản bội, khi Phêrô chối Ngài ba lần, khi Ngài bị bịt mặt để chơi trò bói xem ai đánh mình (Lc 22,63-65). Chúng ta cần thấm thía nỗi cô đơn của Ðức Giêsu đường lên núi Sọ, sự mắc cở của Ngài khi bị lột quần áo, nỗi đắng cay khi bị người qua kẻ lại châm chọc chế diễu. Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, không xa lạ với nỗi khổ đau của phận người. Ngài không "giải quyết" mầu nhiệm đau khổ như một triết gia; Ngài đón lấy đau khổ và cho một ý nghĩa, vì Ngài đón nhận nó trong tình yêu. Chúng ta đừng quên cảm nghiệm Tình Yêu của Ðức Giêsu ẩn dưới mọi khổ đau Ngài chịu. Và Tình Yêu ấy dành cho từng người chúng ta. Thánh Phaolô đã cảm thấy Ðức Giêsu chịu hy sinh là vì mình: "Ðấng đã yêu mến tôi và đã phó nộp mình vì tôi" (Ga 2,20). Cuộc khổ nạn của Ðức Giêsu cũng đụng chạm đến bản thân tôi hôm nay.

 Cuộc Khổ Nạn như một vở kịch, có nhiều vai diễn. Chúng ta thấy mình có nét nào đó giống với họ, và qua vấp ngã của họ, chúng ta học được nhiều điều.

 Trong số các môn đệ, Phêrô là người ở gần Ðức Giêsu hơn cả, lúc Ngài ở dinh Thượng Tế. Nhưng ông lại là người xa Thầy. Ông chối không ở với Thầy, cũng chẳng thuộc về nhóm môn đệ của Thầy. Cái nhìn của Ðức Giêsu nối lại mối dây tình nghĩa với ông. Chính lúc ông bỏ Thầy mà đi thì ông lại gặp Thầy trong nước mắt (Lc 22,54-62). Chỉ trong hơn một giờ, Phêrô đã chối bỏ ba năm trung tín. Ông đã nói dối, nhưng lời nói dối của ông chất chứa sự thật. Ðúng là ông đã tách khỏi Ðức Giêsu và các môn đệ khác. Ðúng là ông đã trở nên xa lạ với Thầy mình sắp chịu tử hình. Khi nghe gà gáy và thấy ánh mắt của Thầy, Phêrô ý thức mình đã nói thật, và ông khóc.

 Philatô là mẫu người không dứt khoát. Ba lần ông khẳng định là Ðức Giêsu vô tội, nhưng ông vẫn cho đánh đòn Ngài (23,16). Ông tưởng làm thế là xoa dịu đám đông. Thật ra điều đó chỉ làm lộ ra sự yếu đuối của ông. Ðám đông không bỏ lỡ cơ hội, đòi ông phải đóng đinh Ðức Giêsu, và ông đã chiều ý họ. Chúng ta không thể vừa muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, vừa muốn làm đẹp lòng người đời. Cái chết của Ðức Giêsu tạo ra một sự phân cách giữa những kẻ theo Ngài và những kẻ khước từ Ngài. Mỗi nhóm đều có những người ở hai phe: một tên cướp chế diễu, còn một tên lại tin vào Ngài; các người lính sỉ nhục Ngài, còn viên bách quan lại tôn vinh Thiên Chúa; các nhà lãnh đạo Do Thái nhạo báng Ngài, còn Giuse Arimathia lại dành cho Ngài ngôi mộ mới của mình; các bà từng theo Ngài ở Galilê vẫn theo đến cùng, còn các môn đệ thì chẳng thấy bóng dáng đâu.

 Ước gì chúng ta đồng hành với Ðức Giêsu trên đường thánh giá, chúng ta cũng đồng hành với nhân loại khổ đau hôm nay. Biết bao người trên thế giới vẫn mang thân phận của Ðức Giêsu: bị vu khống, kết án, làm nhục, tra tấn, và bị xóa tên trên mặt đất. Vẫn mãi mãi cần những Simon Kyrênê, vác đỡ thánh giá cho những người đau khổ trên thế giới.
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn hãy dành thời giờ đọc Tin Mừng thánh Luca chương 22 và chương 23. Ðiều gì đánh động bạn hơn cả khi ngắm nhìn Ðức Giêsu?

 2. Khi đọc Lc 23,8-12, bạn nghĩ gì về con người Hêrôđê? Bạn nghĩ gì về sự ở lặng của Ðức Giêsu?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page