Ðức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: "Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị nguời ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên hư đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.
Nhưng khốn cho các
ngươi là những kẻ giàu có,
vì các ngươi đã được
phần an ủi của mình rồi. Khốn
cho các ngươi, hỡi những
kẻ bây giờ đang được
no nê, vì các ngươi sẽ phải
đói. Khốn cho các ngươi khi được
mọi người ca tụng, vì các
ngôn sứ giả cũng đã từng
được cha ông họ đối
xử như thế.
Báo Tuổi Trẻ ngày 2.11.1994, ở trang 6, có đăng bài nói về cô Vương Ngọc Sương là một người tàn tật phải ngồi xe lăn mà còn lo mở lớp tình thương cho trẻ em nghèo. Hơn nữa, cô còn sử dụng cả nhà riêng của mình để săn sóc một số bệnh nhân tàn tật giống như cô!
Câu chuyện xảy ra vào năm 1985 khi cô Sương bị sụp hầm bẫy của người dân tộc trong một chuyến đi công tác xã hội ở vùng Cao Nguyên. Tai nạn đó khiến cột sống của cô bị ép tủy và đôi chân mất dần cảm giác. Chồng cô kiên nhẫn thăm cô được 6 tháng rồi biệt tăm, để lại người vợ tàn tật với 2 con nhỏ 9 và 11 tuổi. Cô phải nằm điều trị suốt 4 năm. Có năm trải qua ngày tết không có gì ăn, cô được người ta cho ít trái chuối ăn cho đỡ đói. Giữa cảnh túng quẫn, cô Sương được mẹ nuôi bên Pháp và linh mục Vương Ðình Bích không có họ hàng gì với cô Sương tuy cùng tên họ là Vương, tới giúp đỡ.
Ðiều đáng thán phục là cô Vương Ngọc Sương đã vận dụng số tiền giúp đỡ mà cô nhận được, để chính cô và hai con của cô có cơ hội phục vụ người tàn tật và trẻ em nghèo.
Hai Con Tích Cực Lo Cho 7 Người Tàn Tật
Căn nhà chừng 2m x 7m mà cô Sương mua làm nhà ở, hiện là nơi chăm sóc 7 người tàn tật như cô. Ðó là những bệnh nhân bị gia đình bỏ rơi nơi nhà thương, nên được cô mời về nhà để hai con của cô săn sóc. Hai con của cô Sương ở gác lửng, còn 7 bệnh nhân ở tầng trệt. Tuy căn nhà đơn sơ, thanh bạch, chỉ có chiếc TV là đồ dùng đáng kể, nhưng ai tới thăm cũng phải nhận ra bầu khí ấm cúng, sạch sẽ và chu đáo, nhờ tinh thần phục vụ cao cả của hai con cô Sương: con trai lớn là Vinh năm nay 19 tuổi, còn em gái của Vinh là Hạnh, 17 tuổi.
Bố Khóc Vì Hối Hận
Căn nhà mà cô Sương mướn ở cách nhà vừa nói chừng 1 cây số trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình. Tấm ảnh của cô Sương ngồi trên xe lăn ở số báo Tuổi Trẻ nói trên, chụp tại căn nhà mướn này. Phóng viên Tuổi Trẻ có nêu trường hợp cảm động liên quan tới 3 anh em ruột trong số 11 em được cô Sương săn sóc ở đây. Các em khác được cha mẹ đưa tới từ Kà-tum, Tà Lài, Hố Nai, v.v? Riêng 3 em này được bà ngoại đưa tới từ Vũng Tàu. Bố của các em là một con sâu rượu, mỗi lần về nhà là đánh đập các con. Ðám trẻ cứ lớn lên như cỏ hoang. Hùng 11 tuổi, bé loắt choắt, đi ăn cắp bị công an xã bắt. Còn Cường, đứa em kế, không có cơm ăn, phải qua hàng xóm ăn cắp giựt. Hôm cha ruột các em lên thăm thấy cô Sương, ông bật khóc với những giọt nước mắt hối hận: Tôi nguyên vẹn nhu thế này, mà hư hỏng trong khi chị tật nguyền phải lãnh hết việc nuôi dạy các con tôi! Và ông hứa từ bỏ rượu.
Cô Sương, quả thực, lấy làm ngỡ ngàng trước những cuộc trở lại đạo Công Giáo của những người từng đến săn sóc các bệnh nhân ở nhà cô, gồm một bác sĩ và hai y tá. Chính mẹ nuôi ở Pháp cũng viết thư cho cô biết mấy người Pháp đến Việt Nam thăm cô nay về cũng tỏ ra là những người sốt sắng giữ đạo khác hẳn trước!
Ðã từng dửng dưng trước những đau khổ của người khác
Riêng phần mình, cô không ngại thú thật cô đã từng dửng dưng trước những đau khổ của những người anh em khác, đó là điều mà cô cảm thấy cô đã làm mất lòng Chúa. Nay chính nhờ bị tàn tật mà cô được hoán cải. Cô vui vẻ đảm nhận lấy mọi điều Chúa để cho xảy ra nơi thân xác cô cũng như nơi môi trường hiện cô đang sống.
Có khả năng bao nhiêu, cô sử dụng bấy nhiêu để phục vụ những người lâm cảnh bệnh tật và nghèo khó như cô. "Thày giáo" Minh mà số báo Tuổi Trẻ nói trên nhắc tới, thực ra chỉ là một giáo dân sốt sắng tuổi 18-19, từ họ đạo Huyện Sĩ. Mỗi tuần ba buổi, cậu Minh tới dạy cho các em biết đọc biết viết. Nhưng một phần cũng nhờ cậu Minh này mà các em biết giữ kỷ cương và ngoan ngoãn trong cũng như ngoài lớp học. Một người khác nữa là anh Khấn mà cô Sương gặp ở bệnh viện Sùng Chính. Anh này từng bị đau cột sống. Thấy cô Sương mời mấy người tàn tật về nhà cô để được săn sóc, anh đã tò mò theo dõi. Nay anh đã trở nên người sốt sắng cộng tác vào việc săn sóc cho các em lớp tình thương. Hiện anh đang đi Tây Ninh lo cho mấy em có giấy tờ cần thiết để nhập học niên khoá tới.
Cô Sương rất mừng về hai con của cô có đủ việc làm ở nhà, hơn nữa còn được linh mục Vương Ðình Bích giúp đỡ cho học nghề cũng như học giáo lý. Nhưng chúng còn ở tuổi lớn lên nên cô Sương chưa thể nào chia sẻ được những khó khăn mà cô gặp phải.
Ðụng Chạm Tới Khát Vọng Của Con Người
Thử hỏi với bối cảnh hiện thực trong cuộc sống như đang diễn ra cho những con người như cô Sương, "thầy giáo" Minh, anh Khấn, hai con cô Sương, người bố từ Vũng Tàu đến thăm với những giọt nước mắt hối hận, cũng như chính những bệnh nhân tàn tật và những trẻ em nghèo được cô Sương săn sóc, bài Tin Mừng hôm nay có sứ điệp gì đặc biệt để nói chăng? Những mối phúc cũng như những bất hạnh được nêu lên hôm nay đụng chạm như thế nào đến những khát vọng mà con người hàng khao khát?
- Trước hết, tất cả những nhân vật vừa nói đều phải được vui mừng vì nơi Ðức Giêsu, Thiên Chúa thực sự chiếu cố đến hoàn cảnh hiện có của từng người. Người không chỉ đến loan Tin Mừng cho người nghèo (Lc 4,18) nhưng còn là hiện thân của Tin Mừng đó. Bởi lẽ mặc dầu là Con Thiên Chúa (Lc 1,35; 3,21), Người đã vì yêu thương mà xuống thế làm người để trở nên người anh em với hết mọi người. Do đó không một khổ đau nào loài người phải chịu mà không đụng tới lòng thương xót và chương trình cứu nhân độ thế do chính Người thực hiện. Người nghiệm thấy cái đói của một bà goá (Lc 4,26). Người chủ trương chữa lành mọi người bệnh phong đáng thương, bất cứ họ là người Xy-ri-a hay người Ít-ra-en (c.27). Do đó mới có sự kiện đoàn lũ dân chúng từ khắp nơi, kể cả từ vùng Tia và Xiđon ngoại giáo, tuốn đến nghe Người giảng và để Người chữa lành tật bệnh (Lc 6,17-18).
Giải Quyết Tận Căn Về Hạnh Phúc
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Ðức Giêsu có ý giải quyết tận căn về các mối phúc và những bất hạnh đối chiếu với những khát vọng của con người. Vấn đề được đặt ra dĩ nhiên là trầm trọng và gay cấn như ai cũng có thể nghiệm thấy nơi bản thân và thâm sâu nơi lòng mình. Không ai có thể dửng dưng trước vấn đề: giàu / nghèo; đói / no; khóc lóc / vui cười; được ca tụng / bị oán ghét và khai trừ (cc.20-26).
Chính Ðức Giêsu thấy rõ vấn đề loại đó thực sự là trầm trọng như thế nào. Do đó Người đã thức suốt đêm để cầu nguyện trước là để kêu các môn đệ lại hầu chọn mười hai ông làm tông đồ (Lc 6.12-13), sau là để trình bày cho thấy hạnh phúc đích thực của con người (Lc 6,20-49). Hạnh phúc ấy Mátthêu đã cho thấy là "trở nên con cái của CHA anh em, Ðấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt (Mt 6,45). Luca cũng qui hạnh phúc đích thực đó của con người về một nguồn mạch duy nhất, đó là: "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ" (Lc 6,36).
Trước khi bị bắt và bị giết, chính Ðức Giêsu sẽ phải đối diện với niềm khát vọng nơi bản thân mình. Ðêm ấy Người cũng sẽ miệt mài cầu nguyện và dạy các tông đồ cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ (Lc 22,40). Người sẽ toát ra những giọt mồ hôi giống như máu khi phải từ bỏ ý riêng mình đi hầu theo ý CHA (c.42), là nguồn hạnh phúc đích thực cho mình và cho cả nhân loại.
Ðể Chính Mình Hạnh Phúc Và Giúp Người Khác Ðạt Ðiều Ðó
Vậy vấn đề thiết yếu để chính mình được hạnh phúc cũng như giúp cho người khác được hạnh phúc là phải theo sát gót bước Ðức Giêsu trong cuộc chọn lựa giữa khát vọng của con người và khát vọng của Thiên Chúa về con người. Do đó mà Ðức Giêsu nhắm tới bất cứ ai muốn trở nên môn đệ của Người (c.20) khi Người lên tiếng dạy người ta về các mối phúc. Cả trường hợp được chọn làm tông đồ mà bị biến chất, không còn theo sát gót bước Thày Giêsu nữa, người đó cũng sẽ nghe bài giảng về các mối phúc một cách như "nước đổ đầu vịt" mà thôi! Rõ ràng đó là trường hợp tông đồ Giuđa Ít-ca-ri-ót (Lc 22,48).
Ngược lại, có biết bao người chẳng bao giờ được chọn vào số mười hai tông đồ, nhưng nhờ theo sát gót bước Ðức Giêsu, nên chính mình được hạnh phúc và còn giúp cho nhiều người khác được hạnh phúc. Cho nên ta sẽ chẳng lấy làm lạ khi thấy hạnh phúc ló dạng nơi những người như cô Vương Ngọc Sương và những người cộng tác với cô, khi cô và những người ấy biết theo sát gót bước Ðức Giêsu để trở nên môn đệ của Người.
2. Bạn nghĩ gì về
hạnh phúc của người "trở
nên con cái của CHA anh em, Ðấng ngự
trên trời?" (Mt 6,45)? Hoặc người
"có lòng nhân từ như CHA anh em
là Ðấng nhân từ" (Lc 6,36)?