Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 4 tháng 2 năm 2001
Chúa Nhật 5 Quanh Năm C

Ðọc Tin Mừng Lc 5,1-11

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Chúa Quen Ông Simon

 Tin Mừng theo thánh Máccô đặt câu chuyện Ðức Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên vào ngay buổi đầu sứ vụ của Ngài: Ngài đã gọi bốn anh em Phêrô, Anrê, Gioan và Giacôbê (Mc1,16-20) trước khi Ngài trừ quỉ và chữa bệnh ở Capharnaum (1,21-34). Còn trong Tin Mừng thứ ba, thánh Luca lại muốn đặt việc Ðức Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên vào sau một loạt những phép lạ (Lc 4,31-41).

Theo thánh Luca, Ðức Giêsu đã hoạt động một mình trong thời gian đầu tiên (Lc 4,14-44). Ngài đã giảng dạy ở Nadarét, ở Capharnaum. Người ta "thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài." (Lc 4,22). Người ta "kinh ngạc về giáo huấn của Ngài, bởi vì lời Ngài là lời có uy quyền." (Lc 4,32). Ngài đã quát bảo quỉ ô uế và bắt nó xuất ra (4,35). Ngài cũng đã quát bảo cơn sốt và nó đã lui khỏi bà mẹ vợ của ông Simon (4, 39). Ðức Giêsu đã chữa lành nhiều bệnh nhân khác bằng cách đặt tay (4,40). Thời gian hoạt động đầu tiên của Ngài còn là thời gian dành cho cô tịch và cầu nguyện (4,42). Ðức Giêsu ý thức về nhiệm vụ của mình: "Tôi còn phải đem Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì Tôi được sai đi cốt để làm việc đó." (4,43). Ðức Giêsu không dừng lại ở một nơi nào, Ngài muốn đi khắp nơi trong nước Palestine, và Ngài biết mình cần có những người cộng sự trước cánh đồng mênh mông đó.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cảnh đám đông chen chúc bên Ðức Giêsu để nghe Lời Thiên Chúa. Ngài đứng bên bờ hồ. Ngài thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ, các ngư phủ đang giặt lưới sau một vụ ra khơi đánh cá. Ðể dễ giảng cho đám đông, Ngài lên một chiếc thuyền, chiếc của ông Simon. Ngài yêu cầu ông cho thuyền ra xa bờ một chút, rồi từ đó Ngài giảng dạy đám đông. Chúng ta thấy rõ Ðức Giêsu đã quen biết ông Simon. Cách Ngài gặp ông trong đoạn Tin Mừng này thật tự nhiên. Ngài đã từng đến nhà chữa bệnh cho bà mẹ vợ của ông, chắc Simon đã có lần được nghe Ðức Giêsu giảng và thấy một vài phép lạ Ngài làm. Ông có thiện cảm đối với Ngài, và ngược lại Ngài cũng "để ý" đến ông, dù Ngài biết ông đã có gia đình. Chúa gọi những người Chúa đã quen biết qua mối liên hệ trong đời thường. Chính qua những cuộc gặp gỡ trên bước đường rao giảng mà Chúa tìm thấy những cộng sự viên do Cha sai đến. Ơn gọi bắt đầu bằng sự quen biết, bằng tương giao giữa Chúa và tôi, giữa tôi và Chúa.

Chúa Thử Ông Simon

 Sau khi giảng xong, Ðức Giêsu bảo ông Simon chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá. Ông Simon có thể đưa ra nhiều lý do xác đáng để từ chối lời yêu cầu của Ðức Giêsu, "Thưa Thày, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì?" chắc phải chờ hôm khác. Có những ngày chẳng thấy bóng một con cá nào. Kinh nghiệm của dân chài chúng tôi cho thấy có thả lưới nữa cũng vô ích. Vả lại, bây giờ, chúng tôi đã mệt nhoài sau một đêm vất vả. Lưới đã được giặt và đem phơi? Simon có thể nghỉ như vậy và từ chối lời gợi ý của Ðức Giêsu. Thậm chí, ông còn có thể nghĩ rằng Thày Giêsu đã đi quá phạm vi của mình. Chuyện bắt cá ở chỗ nước sâu không thuộc về nội dung của bài giảng, cũng không phải là nghề chuyên môn của Thày Giêsu, vốn làm nghề mộc. Có cần phải vâng lời không?

Simon đã vâng lời. Ông đã tin vào lời mời của Ðức Giêsu: "Nhưng dựa vào lời Thày, tôi sẽ thả lưới." Ông thả lưới chỉ vì ông tin vào lời của Thày. Chắc ông đã có một kinh nghiệm nào đó về sức mạnh của lời này: lời giảng đầy uy quyền (4,32), lời đuổi quỷ (4,35), lời có uy quyền và uy lực (4,36), lời chữa bệnh (4,39). Thế nên, giờ đây, Simon sẵn sàng làm một điều, tuy không phải là phi lý, nhưng lại vượt trên lối suy luận thông thường, vượt trên kinh nghiệm nghề nghiệp, vượt trên cả sự mệt mỏi của thân xác.

Tin vào Lời Chúa đòi hỏi một sự từ bỏ cái lý luận rất vững chắc xét theo kiểu người đời, để sống cái mong manh của Thiên Chúa trong một niềm tin không lay chuyển. Tin vào Lời Chúa đòi ra khơi buông lưới một lần nữa, lúc đã mệt nhoài. Ơn gọi của Simon được lớn lên nhờ đón nhận và vượt qua những thử thách của niềm tin.

Chúa Tỏ Mình Cho Ông Simon

 Mẻ cá lạ là phương tiện để Ðức Giêsu tỏ mình, là sự đáp trả của Ngài trước niềm tin của ông Simon. Nhiều cá đến nỗi hầu như lưới bị rách (c.6), hai thuyền đầy cá gần chìm (c.7). Simon và những người trong thuyền của ông đã phải cầu cứu sự trợ giúp từ thuyền của Gioan và Giacôbê (c.10).

Ðiều mà tôi đã vất vả tìm kiếm thì không được gì. Bây giờ tôi không phải vất vả tìm kiếm mà lại được dư dật. Dư dật tràn trề là dấu hiệu cho thấy bàn tay quảng đại của Thiên Chúa: rượu đầy 6 chum lớn ở Cana, bánh hoá nhiều còn dư để nuôi dân chúng.

Trước mẻ cá lạ lùng, bất ngờ, vượt quá điều trí khôn có thể nghĩ, Simon thấy ngay mình đang sống trong một bầu khí linh thánh. Ông chợt nhận ra Ðức Giêsu trong một ánh sáng rạng ngời, và với ánh sáng đó, ông cũng chợt nhận ra bản thân. "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi." Xin tránh xa con vì con biết Ngài là ai: Ngài là Ðấng có quyền năng của Thiên Chúa. Xin tránh xa con vì con biết con là ai: một tội nhân trước Ðấng Thánh của Thiên Chúa.

Trong đời tôi, Chúa cũng có lần cho tôi một kinh nghiệm chói loà, khiến tôi kinh ngạc, ngây ngất. Ngài cho tôi gặp Ngài và gặp bản thân, sau một lần tôi vượt qua chính mình, gạt bỏ những dụ phóng riêng tư, những tính toán khôn khéo, để buông mình sống theo ý Chúa.

Chúa Gọi Ông Simon

 Ðứng trước việc Chúa tỏ mình, Simon và các bạn của ông cảm thấy run sợ. Họ nhận ra khoảng cách lớn lao giữa bản thân mình với Ðấng Thánh. "Ðừng sợ", đó là lời trấn an thường gặp trong Cựu Ước và đặc biệt trong Tin Mừng Luca (1,13.30; 2,10; 5,10; 8,50; 12, 7.32). Sau lời trấn an là lời trao sứ mạng: "Từ nay về sau, con sẽ đi bắt người ta." Cuộc đời ông Simon như được chia làm hai phần: bắt cá và "bắt" người, ngư phủ và tông đồ. Bây giờ mối quan tâm của ông Simon không phải là cá mà là con người. Một cuộc đời mới đang mở ra trước mắt ông. Ông không thấy rõ con đường mình sắp đi, cũng không thấy có gì bảo đảm cho tương lai. Ông cũng chưa rõ phải giải quyết chuyện gia đình như thế nào. Nhưng phép lạ vừa rồi lại khiến ông vững tâm trước lời mời của Ðức Giêsu, lời quyền năng, lời thực hiện những gì đã nói.

Trong niềm tín thác vô bờ vào Thày Giêsu, Simon đã bước một bước quyết định: "Sau khi đưa thuyền vào bờ, họ đã bỏ mọi sự mà theo Ngài." Bỏ mọi sự, bỏ cả những điều mà mình yêu mến và vẫn còn yêu mến: gia đình, cha mẹ, vợ con, thuyền bè và biển cả. Bỏ vì được cuốn hút bởi một tình yêu lớn hơn. Bỏ là để đi theo một Người và cùng với Người đó phục vụ cho nhiều người.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay nổi bật lên khuôn mặt ông Simon. Chúng ta nên nhớ ông Simon là một ngư phủ, không có học thức cao và đã lập gia đình. Ông giống như một giáo dân bình thường ở một họ đạo gần vùng biển. Chẳng ai dám nghĩ tới đời ông có thể rẽ sang một hướng mới. Aáy thế mà chuyện ấy lại xảy ra cho ông. Ông trở thành Ðá Tảng cho toà nhà Hội Thánh. Hội Thánh được xây dựng trên những ông đánh cá ở hồ Galilê, và đã đứng vững suốt 20 thế kỷ. Phép lạ đó lớn gấp ngàn lần phép lạ bắt được nhiều cá. Vậy đoạn Tin Mừng hôm nay không chỉ dành cho linh mục, tu sĩ, mà dành cho mọi giáo dân. Ai cũng phải sẵn sàng nghe tiếng Chúa gọi, xuyên qua những biến cố bình thường hay lạ lùng của cuộc sống hàng ngày. Ai cũng phải vui lòng để Chúa đưa mình đi vào hướng mới, khác với những lối mòn quen thuộc. Và nhất là ai cũng phải mau mắn bỏ mọi sự mà theo Chúa. Bỏ mọi sự chính là đặt mọi sự dưới Chúa và sử dụng mọi sự trong Chúa.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Vâng theo Lời Chúa, buông lưới và gặt hái được một kết quả bất ngờ. Có khi nào trong đời bạn, bạn có một kinh nghiệm tương tự như kinh nghiệm của ông Simon không?

2. Theo ý bạn, bỏ mọi sự như ông Simon có khó không? Ðiều gì đối với bạn là khó bỏ hơn cả?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page