Cộng đồng và dân chủ
qua nếp sống văn hóa việt nam
TS Nguyễn văn Trần, Paris, Pháp
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Việt Nam vốn là nước nông nghiệp. Nghề nông ở Việt Nam lại là nghề trồng lúa trong ruộng ngập nước. Mà nghề nông thường mang tính thời vụ cao. Ðời sống của nông dân vì đó phụ thuộc vào tính thời vụ, nên lúc có việc thì mọi người làm việc đầu tắt mặt tối. Ăn uống cũng chỉ qua loa để còn ngày giờ lo làm cho kịp mùa. Ðến lúc nghỉ ngơi, người nhà nông mang nặng tâm lý ăn bù, nghỉ bù, chơi bù. Vì vậy mà ở Việt Nam, Tết nhứt nhiều, hội hè đình đám cũng nhiều.
Các ngày lễ Tết được phân bố rải rác dài theo thời gian trong năm, đan xen vào những lúc công việc đồng áng tạm ngưng.
Tết là biến âm từ chữ Tiết mà ra. Tết gồm có lễ cúng Ông Bà là phần quan trọng và phần còn lại là ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi để bù lại những ngày làm việc vất vả cho kịp mùa màng. Nhưng phần lễ cúng Ông Bà ngắn hơn thời gian ăn chơi, nên người ta có xu hướng nói Ăn Tết, chơi Tết, chớ ít ai nói lễ Tết. Nhưng nói Tết chưa hẳn là nói ngày Tết đầu năm. Muốn phân biệt Tết là ngày đầu năm với Tết là những lễ hội khác thì phải nói rõ đó là Tết Nguyên Ðán. Nguyên có nghĩa là bắt đầu, Ðán là buổi sáng. Nhưng trong thực tế thì khi nói Tết là người ta hiều đó là Tết Nguyên Ðán, còn những lễ Tết khác thì thường được gọi là lễ, hội, tiết như lễ Thanh Minh, lễ Thượng Ngươn...
"Thanh Minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh"
(Nguyễn Du, Kiều).
Người Việt Nam hơn nhiều dân tộc khác là được ăn hai lần Tết cho một năm: ăn Tết Tây rồi ăn Tết ta. Nếu sống gần cộng đồng Miên và Lèo, người Việt ta còn có cơ hội ăn thêm hai lần Tết nữa: Tết Miên và Tết Lèo diễn ra sau Tết Việt Nam.
Ngày xưa, có lẽ là xưa lắm, ngày Tết của ta bắt đầu vào ngày mồng Một tháng Tí, tức vào ngày mồng Một tháng Mười Một bây giờ. Về sau, vì chịu ảnh hưởng của Tàu, từ đời nhà Hán, cả hai nước đều lấy Dần làm tháng Giêng. Và tháng Giêng là tháng Dần cho đến nay vẫn chưa thay đổi.
Tuy chịu ảnh hưởng Trung Hoa về việc thiết lập lịch ta nhưng ngày Tết Việt Nam hoàn toàn khác hẳn Tết Tàu trong cách tổ chức ăn Tết, chơi Tết. Nhìn vào Tết Việt Nam, chúng ta thấy ngay toát ra tính chất cộng đồng, mà sinh hoạt cộng đồng là biểu hiện nếp sống có ta, có người, hài hoà, tức nếp sống dân chủ đích thực.
Triết Lý Âm Dương, Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam
Người nông ở Việt Nam có nếp sống định cư và phụ thuộc vào thiên nhiên. Mối quan tâm của họ là sự sinh sôi nảy nở của hoa màu và con người. Niềm ước mơ của họ là hoa màu, mùa màng trúng mùa, thu hoạch sung mãn và gia đình mỗi ngày một đông người thêm. Gia đình đông người sẽ đem lại lợi tức cao, bởi lợi tức được tính theo sức người làm việc, "đông tay hơn hay làm". Thời xưa đất rộng, người thưa, nên thêm ngưòi là thêm phần thu hoạch do sự nới rộng phạm vi canh tác, "Trời sanh voi sanh cỏ".
Hoa màu sanh sôi nảy nở do hai yếu tố: đất và trời. Ðất sanh ra, Trời dưỡng lớn. Còn con người sanh ra do mẹ và cha. Ðất được hiểu như mẹ và Trời được hiểu như cha.
Sự hợp nhứt "đất trời", "mẹ cha" chính là khái niệm sơ khởi để hình thành nguyên lý Âm Dương sau này. Chính từ khái niệm gốc "mẹ cha", "đất trời" hay "âm-dương" mà người xưa dần dần suy nghiệm ra vô số những cập đối khác. Tiến thêm bước nữa, cổ nhân khám phá ra những qui luật để xác định bản chất, hay đặc tính của sự vật. Như ngày thì nóng, ấm, sáng, nên thuộc dương. Trái lại, đêm thì lạnh, tối, nên thuộc âm. Về thời tiết trong năm, mùa đông lạnh thì thuộc âm, mùa xuân ấm áp, thuộc dương...
Ðặc tính của nguyên lý âm-dương là không nhìn thấy sự vật một cách biệt lập, riêng rẻ, mà là cái nhìn tổng hợp, nhưng tổng hợp lại không có nghĩa là một sự ghép lại nhiều yếu tố mà bên trong trống rổng; trái lại, tổng hợp theo nguyên lý âm dương là quan tâm đến mối quan hệ giữa các yếu tố ấy. Nên cái nhìn theo nguyên lý âm dương là cái nhìn tổng hợp và biện chứng.
Vì tổng hợp và biện chứng nên hai yếu tố âm-dương luôn luôn gắn bó mật thiết với nhau, vận động và chuyển hóa không ngừng: âm cực sinh dương, dương cực sinh âm. Nghĩa là tương khắc nhưng tương dung. Nói cách khác, trong âm có dương và trong dương có âm. Hoàn toàn không có thuần dương hoặc thuần âm. Vì như thế thì không còn vận động và chuyển hóa nữa, mà đi đến sự hủy diệt.
Về mặt khác, nguyên lý âm dương còn biểu hiện thế quân bình, mà là thứ quân bình sinh động.
Người Việt Nam thuộc gốc cư dân Nam-Á, có văn hóa nông nghiệp nên phải là người khám phá ra triết lý âm dương, bởi, nếu quan sát nếp sống của người Việt Nam, chúng ta sẽ thấy họ sống và suy nghĩ, từ các dấu vết cổ xưa đến cách xử thế, tiếp vật, đều đặt trên tính cách quân bình âm dương:
"Công cha như núi Thái sơn (dương)
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra (âm)."
Chẳng phải thế mà vật tổ của người Việt Nam là Rồng Tiên, khác hẳn với vật tổ của nhiều nước khác không có cập đối như chim ưng, gà trống...
Rồng tượng trưng cho dương, sức mạnh, còn Tiên tượng trưng cho âm, nói lên cái đẹp, cái tinh anh, mỹ lệ. Nhờ có nếp suy nghĩ mang đậm tính cách âm dương thấm nhuần từ trong máu thịt, đó là trong âm có dương và trong dương có âm, âm dương chuyển hóa liên tục, không ngừng tạo nên vũ trụ và con người, và con ngưòi cũng chỉ là hai yếu tố âm dương kết thành, nên người Việt có được triết lý sống quân bình, hài hòa, thân ái, qúi mình, trọng người. Trong cuộc sống không làm mất lòng ai. Lấy lẽ "phải phải, phân phân" làm kim chỉ nam ở đời.
Trong việc ăn uống, bửa ăn gồm những món ăn bổ sung cho nhau, để nhờ đó mà có được sự quân bình cho cơ thể. Những gia vị và cách chế biến, làm chín hoặc sống, đều là để bổ khuyết âm hoặc dương tính cho các thức ăn.
Trong cách ở, người Việt Nam lúc nào cũng cố gắng tạo nên sự thích nghi, hài hòa với môi trường thiên nhiên chung quanh.
Chính nguyên lý quân bình âm dương này tạo ra ở người Việt Nam một khả năng thích nghi cao với mọi hoàn cảnh. Có cảnh cơ cực nào bằng cảnh vượt biển? Thế mà người Việt Nam cũng vượt qua được, cả các cụ già tuổi tác cao, bởi họ nghĩ qua cơn sóng gió, hải tặc, là đến đất liền, tai qua nạn khỏi. Ðặc tính này cũng biến người Việt Nam có tâm lý nhìn về tương lai mà sống. Tai hại là người cộng sản đã nắm vững tâm lý tập thể này mà đề ra chính sách cai trị, nhằm động viên tinh thần toàn dân hãy chấp nhận hiện tại khó khăn và tin tưởng tương lai tươi sáng. Cái khó khăn chỉ nhứt thời, rồi đây mọi người sẽ sung sướng bằng trăm lần hiện tại, để rồi mãi mãi ăn bánh vẽ:
"Con vua thì lại làm vua
Con sải ờ chùa lại quét lá đa
Bao giờ dân nỗi can qua
Con vua thất thế lại ra quét chùa."
Trong nếp sống văn hóa dân tộc, biểu tượng nguyên lý âm - dương được thể hiện rõ nét nhứt là qua chiếc bánh chưng truyền thống của ngày Tết. Vật liệu là sản phẩm của đất, khí trời, nắng ấm mà tạo thành. Về hình dạng thì vuông là âm, tròn là dương. Nhưn bánh nằm gọn trong bánh: âm dương gắn bó mật thiết.
"Lạy trời cho đặng vuông tròn
Trăm năm cho trọn lòng son với chàng (hay với nàng?)"
Ðạt được âm dương, tức đạt được thế quân bình động, là đạt được sự hài hòa, sự vững chắc, sự thành công bền bỉ. Là toại nguyện. Là hạnh phúc.
"Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn hay không?"
(Nguyễn Du, Kiều)
Tính Cộng Ðồng
Con người còn sống là thuộc cõi dương. Khi chết là thuộc cõi âm. Nhưng chết không có nghĩa là hết, là mất vĩnh viễn. Ðối với người Việt Nam, chết là qua sống ở cõi âm. Âm - Dương luôn gắn bó mật thiết để không có cô dương mà cũng không có cô âm. Người chết không phải hết, bởi qua nếp sống Việt Nam, thờ cúng ông bà, mà người chết vẫn hiện hữu ngay trong cung cách thờ cúng của người sống. Tế thần như thần tại!
Nhất là ngày Tết, tất cả người thân trong họ, trong gia đình, đều về cùng ăn tết với người sống. Chẳng những chỉ có những người gần đây, mà phải tính trở về trước bốn thế hệ: cao, tằng tổ, nỉ. Và trở xuống cũng tính bốn thế hệ: con, cháu, chít, chắt. Như vậy, ngày Tết là ngày trọng đại nhứt trong gia đình Việt Nam, vì bốn thế hệ trước và bốn thế hệ sau cùng có mặt dưới chung một mái nhà.
Việc này mang ý nghĩa, qua sự nối tiếp các thế hệ trong gia đình, dòng sinh mạng dân tộc là trường tồn. Một sự nối tiếp lịch sử dân tộc nhuần nhuyển, không bao giờ gián đoạn!
Thật ra việc thờ cúng Ông Bà ở đâu cũng có. Các dân tộc Âu Mỹ thì thờ cúng tổ tiên của họ bằng cách dựng bia, dựng tượng, đặt tên đường xá, công viên, dinh thự, làm lễ truy điệu, tưởng niệm. Nhưng đối với người Việt, thờ cúng Ông Bà mang sắc thái đặc biệt làm cho thấy khác hẳn với các dân tộc khác. Cả gia đình không theo một tôn giáo nào cũng có bàn thờ Tổ tiên ở giữa nhà. Nên việc thờ cúng Ông Bà ở người Việt trở thành Ðạo thờ Ông Bà, một thứ Ðạo thuần túy Việt Nam:
"Thà đui mà giữ Ðạo nhà
Còn hơn sáng mắt Ông Cha không thờ"
(Nguyễn đình Chiểu - Lục Vân Tiên)
Vì chết không có nghĩa là hết, nên người Việt Nam không làm lễ sinh nhật, mà làm lễ giỗ (= kỵ nhật). Người Âu Mỹ, sống được một tuổi là mừng húm rồi, nên vội vàng tổ chức sinh nhật do tâm lý sợ chết. Bởi với họ chết là hết! Còn với người Việt Nam, ngày giỗ là ngày đoàn tụ giữa nhiều thế hệ.
Thờ cúng Ông Bà ở người Việt Nam không phải là một tôn giáo, mà là một cái Ðạo, mang nặng tính chất thuần văn hóa. Sau thời gian dài tiếp cận với nếp sống văn hóa Việt Nam, Giáo hội Công giáo La Mã, trước Công đồng Vatican II, đã cho phép các tín đồ giữ đạo thờ cúng Ông Bà.
Linh mục Vũ đình Trác trong Tạp chí Ðịnh Hướng, số 17, mùa thu 1998, có trích dẫn "Thể thức áp dụng tông huấn Plane compertum" để nói rõ về việc Giáo hội Vatican thừa nhận đạo thờ cúng Ông Bà và cho phép cụ thể: "Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ, giường thờ Gia tiên là những cử chỉ, thái độ hiếu thảo, tôn kính, được phép làm."
Trong nhà, người Việt thờ Tổ tiên còn thờ thêm Thổ công. Thổ công là thần trông coi gia cư, ngăn chận các hung thần không cho vào nhà, định đoạt phúc họa cho gia chủ. Có người an cư, sinh sống là nơi đó có Thổ công ngự trị. Bởi "Ðất có Thổ công, sông có Hà bá."
Tuy vai trò của Thổ công quan trọng như vậy, nhưng Ông Bà, Tổ tiên vẫn được qúi trọng hơn, nên trong nhà, Ông Bà, Tổ tiên được thờ ở giữa nhà. Còn Thổ công được thờ ở gian bên trái. Ðịa vị có kém hơn Tổ tiên của chủ nhà, Thổ công đươc bù lại là đươc chủ nhà kính trọng "đệ nhất gia chi chủ". Mỗi khi có cúng kỵ, chủ nhà phải làm lễ cúng vái Thổ thần trước để xin phép cho Ông Bà Cha Mẹ được phép vào nhà để dự lễ với con cháu. Nếp sống quân bình, hài hòa của người Việt Nam thực hiện ở người sống theo gia đình, thôn ấp, mà còn thực hiện đối với người chết qua nhiều thế hệ và cả giữa người và Thần thánh nữa.
Tất cả sinh hoạt về tinh thần cũng như vật chất, về trí thức cũng như về nghệ thuật, về chánh trị, kinh tế cũng như tôn giáo, tín ngưỡng ở xã hội nông nghiệp Việt Nam xưa nay vẫn khuôn trong vòng vũ trụ quan Âm-Dương, như giáo sư Nguyễn đăng Thục nhận xét. Âm-Dương khác với Vật-Tâm của Tây phương. Âm-Dương là hai trạng thái kinh nghiệm của sự sống, hai thái độ xử thế tiếp vật, một khuynh hướng vận động của một bản thể đồng nhất liên tục. Còn Vật-Tâm là hai hình ảnh tĩnh của tinh thần, hai khái niệm trừu tượng hợp lý, biệt lập và đối lập, cái nọ phủ nhận cái kia, không thể vận hành như Âm-Dương.
Tiếp xúc với thiên nhiên, khi quan sát sóng nước, người ta sẽ nhận thấy hiện tượng Âm - Dương rất rõ: sóng nổi cao lên là dương, sóng hạ xuống là âm. Nhô ra là dương, lỏm vào là âm. Vậy âm - dương chỉ là hai quá trình vận động của một bản thể là nước; nó đi từ dương qua âm, rồi từ âm trở lại dương mà cũng chỉ có một thứ nước đó mà thôi. Khác hẳn với vật-tâm. Bởi cái gì là vật thì không phải tâm và ngược lại. Mà "không phải" thì thường đưa đến xu hướng phải triệt hạ lẫn nhau. Ðấu tranh giai cấp là trường hợp điển hình. Muốn quan sát hiện tượng âm - dương, chúng ta chỉ cần nhân ngày Tết, quan sát cách tổ chức ăn Tết, chơi Tết của người Việt, nhứt là người Việt ở nông thôn, thì sẽ nhận thấy rõ:
"Một đàn cò trắng bay chung
Bên nam bên nữ ta đồng cất lên,
Cất lên một tiếng linh đình,
Cho loan sánh phượng, cho mình sánh ta,
Cất lên một tiếng la đà
Ðàn ông hát trước, đàn bà hát sau."
"Một đàn cò trắng" biểu tượng cho cộng đồng dân tộc. "Bên nam, bên nữ" là sự tổ chức, phân công. Tuy có phân chia nam-nữ nhưng "ta đồng cất lên" thì nam-nữ không tương khắc mà tương dung thôi, cùng vận hành chung để cho "loan sánh phụng", cho "mình sánh ta". Phải chăng đó đúng là mô thức vận hành của Âm - Dương, khuynh hướng có khác mà chí hướng lại chung, bởi cùng chung một nguồn sống của một cộng đồng?
Ngày Tết, lễ, hội hè vào mùa xuân ở Việt Nam thường có một tinh thần thân ái, yêu sống, đoàn kết hài hòa. "Giận đến chết, ngày Tết cũng vui!"
Cái nguyên lý quân bình động Âm - Dương được Ðức Khổng Tử khai triển và hệ thống hóa thành nguyên tắc tổ chức xã hội cho ngăn nắp để bảo đảm đời sống của mọi người được yên vui. Ðó là tổ chức xã hội theo Lễ-Nhạc. Lễ là Lý, Nhạc là hòa. Lễ là trật tự ở ngoài, Nhạc là trật tự trong lòng người. Tỗ chức xã hội theo Lễ-Nhạc là tổ chức xã hội cho hợp cả ngoài lẫn trong; vật chất và tinh thần được điều lý để có trật tự quân bình.
Nếp sống văn hóa Việt Nam được xây dựng trên cái nhìn tổng hợp biện chứng. Biểu hiện trong tín ngưỡng vẫn giữ nguyên đặc tính này: tính đa thần. Ðối với người Việt, thần cũng sống thành cộng đồng. Thần quan hệ với thần và với người. Trong quan hệ với người, thần được thờ nhưng cũng bị người khiển trách. Bổn phận và quyền lợi phải rõ ràng và phải đươc chu toàn.
Tính Dân Chủ
Luật pháp Việt Nam thời xưa đặt nặng vấn đề bảo vệ đạo đức xã hội hơn là bảo vệ quyền lợi cá nhân như luật pháp Tây phương, vì thế chỉ có những điều luật ngăn cấm làm việc này, việc nọ, mà không có tiếng quyền để qui định những giới hạn mà người dân được hưởng và được bảo vệ trong cuộc sống xã hội. Nhưng không vì thiếu tiếng quyền (droits - rights) trong ngôn ngữ chính trị mà người dân Việt Nam thời xưa bị khắc phục một cách độc đoán dưới uy quyền của vua chúa. Xã hội Việt Nam được thiết lập trên cơ sở vua ngự trị ở trên hết và nấc thang thấp nhứt là thứ dân. Trong quan hệ vua và dân, mỗi người có bổn phận phải chu toàn. Một khi vua làm tròn bổn phận của mình thì toàn dân đều hưởng được sự an lạc, thái bình; điều này phù hợp với quan niệm về quyền của ngày nay.
Theo tư tưởng Ðông phương cổ thời, nhà vua đại diện cho mạng trời để lo chăm sóc muôn dân. Còn dân là nền tảng của quốc gia. Xuyên qua đời sống của dân chúng mà thiên mạng được phán xét để có thay đổi. Nếu thay đổi không thực hiện được mà dân chúng quá bị áp bức, cơ cực, thì toàn dân sẽ vùng dậy lật đổ nhà vua để thiết lập một thể chế khác phù hợp với nguyện vọng chung. Ý niệm về dân bản vị trong tư tưởng cổ thời ở Việt Nam đã bám rể sâu trong các tầng lớp dân chúng và rất phổ biến.
Ở triều đại, bình thường, chỉ có ngôi vua mới truyền lại trong hoàng tộc, còn các chức tước khác, mọi người trong dân chúng đều có thể thủ đắc nhờ ở khả năng của mình một cách công bình. Như thế, ở Việt Nam vào thời quân chủ cực thịnh, người dân bình thường vẫn có thể tham gia việc nước.
Chế độ quân chủ Việt Nam còn khuyến khích mọi người dân bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình. Từ đời nhà Lý, mỗi triều đại đều có lập cơ quan giám sát, có nhiệm vụ nêu lên những sai lầm của nhà vua hoặc của triều đình. Hơn nữa, quan chức các cấp và ngay cả dân chúng, ai ai cũng có thể làm báo cáo đưa lên nhà vua để trình bày những nhận xét, phê phán, hoặc những yêu sách của mình.
Một đặc tính khác là nhà vua tuy ngự trị ở ngôi vị cao nhứt, nhưng lúc nào cũng quí trọng giới trí thức. Vua nhà Trần chấp nhận sự từ quan của Chu văn An như một phản kháng hợp lý mà không hề phạt vạ ông.
Tính dân chủ còn được thể hiện rõ nét ở nếp sống hoàn toàn tự trị của xã thôn Việt Nam thời xưa.
Ở Việt Nam tuy chưa có thể chế dân chủ như ở Tây phương trong gần đây, nhưng người Việt Nam đã có nếp sống dân chủ đích thực từ ngàn xưa. Chẳng những họ sống dân chủ giữa người với người mà họ còn sống rất dân chủ với cả thần thánh nữa.
Thật thế, tính dân chủ trong văn hóa Việt Nam thể hiện rất rõ nét qua quan niệm của dân chúng về quyền lợi và trách nhiệm hai chiều giữa thần linh với con người dương thế. Con người có trách nhiệm thờ cúng thần thánh và ngược lại, thần thánh cũng có trách nhiệm phù hộ cho người được sống an lành, tai qua nạn khỏi.
Ở trong làng, khi lụt lội kéo dài, người dân cầu thần giúp giải lụt không có hiệu quả, thì lập tức họ đem tượng thần dìm xuống nước, để cho thần cùng chịu chung cảnh lụt lội với dân chúng. Khi nắng hạn lâu, nông dân làm lễ cầu đảo, mang tượng thần, bàn thờ thần đi ngoài nắng để cho thần cùng chịu nắng hạn với nông dân. Thường thì sau lễ cầu đảo, Trời có mưa, dù mưa nhỏ.
Ðối với Trời là vị chúa tể của muôn loài, mà khi Trời có lỗi, con cóc còn đi kiện ông Trời. Và khi cóc kêu, Trời phải làm mưa. Hơn nữa, trong dân chúng, ai có điều gì không bằng lòng, đều kêu than với Trời. Và Trời trả lời một cách rất bình đẳng, ôn hòa:
"Bắc thang lên hỏi Ông Trời
Sao không thí bỏ cho tôi tí chồng?
Ông Trời ngảnh mặt lại trông:
Mày hay kén chọn, Ông không cho mày." (ca dao)
Quan hệ quyền lợi và trách nhiệm hai chiều giữa người và thần linh sẽ thấy rất rõ qua các bài khấn vái thần linh của dân chúng khi tế lễ thần: "Hỡi các thần (nêu tên họ các thần). Chúng tôi muốn (nêu yêu cầu). Chúng tôi đã cúng các vị (liệt kê lễ vật). Mong qúi chư vị giúp chúng tôi đạt được ý muốn. Nếu qúi chư vị không giúp được chúng tôi thì sang năm tới, ở kỳ lễ tới, chúng tôi sẽ không cúng kiến qúi chư vị nữa."
Theo quan niệm quyền của ngày nay, thì dân chủ vốn là một thứ quyền của dân, quyền làm chủ đất nước của dân, đương nhiên mọi người dân đều được hưởng. Như không khí, mọi người đều được hít thở!
Nhà nước không ban phát cho dân chúng dân chủ, mà Nhà nước phải biết tự hạn chế quyền lực của mình trước dân chúng thì dân chúng có dân chủ.