Mỗi Ngày Một Tin Vui
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật 15 Mùa Thường Niên Năm B
Ý Nghĩa Và Mục Ðích
Của Việc Ðược Sai Ði Giảng Ðạo
(Am 7:12-15; Ep 1:3-14; Mc 6:7-13)
Phúc Âm: Mc 6, 7-13
"Người bắt đầu sai các ông đi".
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: "Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ". Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.
Suy Niệm Tin Mừng
Ý Nghĩa Và Mục Ðích Của Việc Ðược Sai Ði Giảng Ðạo
Chúa Nhật 15 Thường Niên, Năm B
Am 7:12-15; Ep 1:3-14; Mc 6:7-13
Nếu có ai hỏi người ngoại quốc nào trong nước chủ nhà được nể nang hơn cả, người ta sẽ nghe đa số trả lời là ông hay bà đại sứ. Khi tổng thống hay quốc trưởng tiếp nhận đại sứ được gửi đến với uỷ nhiệm thư là thừa nhận chính phủ của xứ sở họ. Khi chính phủ đổ thì đại sứ cũng không còn đại diện cho chính phủ nào cả.
Chính Ðức Giêsu cũng dùng quan niệm được gửi đến hay sai đi của loài người để tiếp tục việc rao giảng nước trời. Trong Phúc âm hôm nay, Ðức Giêsu sai các tông đồi đi rao giảng sự thống hối, xua trừ ma quỉ, xức dầu và chữa lành nhiều bệnh nhân (Mc 6:12-13). Người căn dặn các ông chỉ mang dép, mang gậy, không được mang bị, mang bánh, không được mang tiền trong túi, và không được mang hai áo. Nếu áp dụng lời Chúa theo nghĩa đen thì đa số giáo sĩ đi truyền giáo đời nay đều đi trật lất đường rầy vì họ mang hai hay ba va-li đồ dùng và quần áo, lại còn mang tiền trong túi hay thẻ tín dụng nữa.
Lời Chúa trong Phúc âm hôm nay còn khác với lời Chúa trong Phúc âm Thánh Mát-thêu và Luca về hành trang lên đường của các tông đồ đi rao giảng (Mt 10:5-15; Lc 9:1-6). Sở dĩ có sự khác biệt về hành trang có lẽ vì trí nhớ khác nhau của các thánh sử. Ðiểm này chứng tỏ rằng cắt nghĩa lời Chúa theo nghĩa đen là không thực tế. Vì thế ta cần nhờ đến những nhà chú giải thánh kinh để cắt nghĩa lời Chúa cho thích hợp. Ta cũng cần nhờ đến Giáo hội để giải thích lời Chúa vì Giáo hội có sứ mệnh bảo toàn kho tàng mạc khải trong Kinh thánh để khỏi bị cắt nghĩa sai lạc. Như vậy chi tiết về hành trang truyền giáo không quan trọng cho bằng sứ điệp giảng đạo.
Lời Chúa dậy các tông đồ về hành trang trên đường truyền giáo là họ chỉ cần mang theo những vật dụng cần thiết tối thiểu mà thôi. Vật dụng cần thiết tối thiểu tại đất Do thái thời bấy giờ khác vật dụng cần thiết và tối thiểu thời nay trong quốc gia hoặc thế giới hiện tại. Làm việc tông đồ ở xứ giầu thì có thể sống thế này, nhưng làm việc tông đồ ở xứ nghèo thì phải sống thế khác.
Trong hoàn cảnh nào đi nữa thì Ðức Giêsu muốn dậy ta phải sống lối sống đơn giản để cho sứ điệp rao giảng Phúc âm được tỏ hiện. Và Chúa còn muốn dậy ta phải đặt tin tưởng vào chương trình quan phòng của Chúa để được cung cấp như Phúc âm Thánh Mát-thêu trong cùng câu chuyện có ghi: Thợ thì đáng được nuôi ăn (Mt 10:10). Nếu ta câu nệ vào những chi tiết như những vật dụng gì Chúa dậy các tông đồ phải mang, ta sẽ quên đi điều quan trọng là việc rao giảng tin mừng cứu độ.
Ðược Ðức Giêsu trao ban quyền năng, các tông đồ lại sai cộng sự viên đi rao giảng tin mừng cứu độ. Các giám mục cai quản giáo phận là những người kế vị các tông đồ cũng sai cộng sự viên là các linh mục làm việc tông đồ. Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục của Công Ðồng Vaticanô II có ghi: Chúa Kitô đã sai các Tông đồ như chính Người được Chúa Cha sai, và rồi qua các tông đồ, Người đã làm cho các đấng kế vị là các giám mục cũng được tham dự việc thánh hiến và sứ mệnh của Người. Người lại trao ban cho các linh mục chức vụ thừa hành ở một cấp độ kế tiếp (Linh mục, số 2). Họ nhận lệnh sai đi qua việc đặt tay trong Bí tích truyền Chức thánh.
Trong thời Cựu ước, Thiên Chúa gọi ông A-mốt là người xứ Giuđa miền nam đi nói tiên tri cho người xứ Ít-ra-en miền bắc. Ông phản đối mạnh mẽ đời sống tôn giáo và luân lí sa đoạ và bất công trong xã hội đang lan tràn tại Ít-ra-en. Ông tiên báo là vua Gia-rốp-am xứ Ít-ra-en sẽ bị ám sát và Ít-ra-en sẽ bị đi lưu đầy. Ðể trả thù, A-mát-gia, được nhà vua đặt làm tư tế đền thờ Bết-ên của vương quốc Ít-ra-en, vì sợ nguy hại đến quyền lợi, bèn phản đối, và đòi khai trừ Amốt khỏi Ít-ra-en. A-mát-gia gọi A-mốt một cách xách mé là thầy chiêm thay vì ngôn sứ hay tiên tri và còn mỉa mai: Này thầy chiêm ơi, mau chạy về xứ Giuđê, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm (Am 7:12).
Ðọc lịch sử Ít-ra-en, người ta thấy thời đó có trường dậy làm nghề thầy chiêm, một nghề để kiếm ăn. Do đó mà có nhiều thầy chiêm xuất thân từ trường này, một loại ngôn sứ giả, phò nhà vua, để cầu khẩn cùng thần thánh của họ cho vương quốc được an khang thịnh trị ngay cả khi đồi tệ. A-mốt hiểu nghĩa của từ thầy chiêm mà A-mát-gia dùng, nên khẳng định: ông chỉ là người chăn chiên và đi hái sung vả, và Chúa đã gọi ông: Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân của ta (Am 7:15).
Như vậy, ta thấy dụng cụ mà Chúa dùng không tuỳ thuộc vào địa vị xã hội hay trình độ học vấn, hay sự tài khéo của loài người, nhưng là tuỳ thuộc vào quyền năng của Chúa và sự cộng tác của loài người. Sự kiện này được chứng minh qua việc Thiên Chúa chọn ông Amốt, chỉ là người chăn chiên và hái sung vả đi làm ngôn sứ và việc Ðức Giêsu chọn mười hai tông đồ, đa số làm nghề chài lưới và ít học.
Suy luận và quan sát, ta còn thấy quyền bính trong Giáo hội được trao ban từ trên xuống dưới là nhằm mục đích để duy trì sự hiệp nhất trong nhiệm thể Chúa Kitô hầu cho các việc tông đồ được phối trí và hoà hợp. Nếu không có hệ thống quyền bính trao ban từ trên xuống duới, người ta có thể tranh giành ảnh hưởng và quyền lợi, khó lòng mà hiệp nhất. Lịch sử các giáo phái Kitô giáo đã chứng minh điều đó. Nhìn quanh hay nhìn ra xa, người ta thấy có cả hàng trăm giáo phái Kitô giáo khác nhau trên thế giới. Bất đồng quan điểm hay phản đối vấn đề gì, người ta có thể tách ra, lập giáo phái khác.
Các hoạt động trong Giáo hội không những chỉ nhắm đến việc hiệp nhất, mà còn nhắm đến tinh thần hiệp thông hay thông hiệp với gốc nho là Ðức Kitô và thông hiệp với ngành nho là người tín hữu bằng cảm tình và ơn thánh nữa. Thông hiệp là đặc điểm của Giáo hội Công giáo. Những giáo phái khác hoặc các tổ chức chính trị, xã hội có thể có sự hiệp nhất mà không có sự thông hiệp. Thông hiệp bao hàm sự hiệp nhất và thông phần cũng như cảm thông bằng ơn thánh, bằng tình cảm và ước muốn nữa. Chẳng hạn mối ưu tư và quan tâm của những vị lãnh đạo trong Giáo hội cũng phải là mối quan tâm và ưu tư của toàn thể Giáo hội. Trong Giáo hội hay trong giáo xứ có chuyện vui, chuyện buồn thì hàng giáo sĩ cũng như giáo dân đều chia sẻ và thông cảm chuyện vui buồn đó trong tâm tư và lời cầu nguyện như thánh Phaolô dậy: Vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12:15).
Lời cầu nguyện xin được hiệp nhất và hiệp thông với Giáo hội:
Lậy Chúa Giêsu là mục tử tối cao.
Con xin tạ ơn Chúa đã thiết lập Giáo hội
trên nền tảng các thánh tông đồ.
Xin cho các giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ
được hiệp nhất và hiệp thông với Ðấng kế vị thánh Phêrô
trong việc rao giảng tin mừng cứu thế.
Xin cũng dậy con biết hợp tác làm việc tông đồ
để duy trì sự hiệp nhất và thông hiệp trong Giáo hội. Amen.
Lm Trần Bình Trọng