Mỗi Ngày Một Tin Vui
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Thứ Ba sau Chúa Nhật 34 Quanh Năm
Ngôn Ngữ Khải Huyền
(Lc 21,5-11)
Phúc Âm: Lc 21, 5-11
"Không còn hòn đá nào nằn trên hòn đá nào".
Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: "Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá". Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?" Người phán: "Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối: vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: "Chính ta đây và thời gian đã gần đến", các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ: vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu".
Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: "Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể".
Suy
Niệm:
Ngôn
Ngữ Khải Huyền
Trong
thời điểm tuần lễ cuối cùng của năm Phụng Vụ, Giáo Hội
mời gọi con cái mình suy niệm những đoạn Kinh Thánh trình bày
chủ đề cánh chung trong một ngôn ngữ riêng biệt, gọi là
ngôn ngữ Khải huyền. Ðoạn
Phúc Âm hôm nay là đoạn mở đầu cho những lời dạy của
Chúa Giêsu về cánh chung và về việc Chúa sẽ trở lại trong
vinh quang. Những người nghe Chúa Giêsu giảng dạy về biến cố
này thì xem ra như muốn biết rõ về thời gian, lúc biến cố
xảy ra. Nhưng trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu, Ngài xem ra
nhấn mạnh nhiều hơn đến thái độ sống của những đồ đệ
của Chúa: phải sống thế nào để có thể đón Chúa ngự đến
vào lúc kết thúc lịch sử nhân loại và vũ trụ.
Ngôn
ngữ được Chúa Giêsu dùng ở đây là ngôn ngữ Khải
huyền, một lối diễn tả đặc biệt thường được dùng
trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước. Ngôn ngữ Hy Lạp và
tiếng Việt dịch ra là Khải
huyền, có nghĩa là mạc khải, mạc khải điều huyền nhiệm.
Mọi chi tiết, mọi sự cố diễn ra và được mô tả trong ngôn
ngữ Khải huyền đều không
nên được chúng ta hiểu theo nghĩa đen, nhưng là một biểu tượng,
một hình bóng cho một ý tưởng nào đó. Những biến cố, những
tai ương được dùng trong ngôn ngữ Khải huyền muốn nói lên cho chúng ta biết vũ trụ,
thế giới chúng ta đang sống không tồn tại đời đời mãi
mãi, nhưng sẽ đi đến một lúc kết thúc và cuộc đời mỗi
người chúng ta cũng như toàn thể nhân loại cũng sẽ đến
lúc kết thúc, và giây phút kết thúc cuối cùng đó, là
giây phút Thiên Chúa thực hiện ơn cứu rỗi cho con người,
nhờ qua Chúa Giêsu Kitô. Mục tiêu của ngôn ngữ Khải
huyền không phải là để làm cho người ta lo sợ, lo sợ
tận thế, lo sợ cái chết, nhưng như là một lời kêu gọi,
một lời thức tỉnh, thôi thúc người ta hãy sống tỉnh thức
một cách tích cực để lãnh nhận ơn cứu rỗi của Chúa. Ðó
là những lời của niềm hy vọng. Hy vọng một cuộc biến đổi
hoàn toàn và đầy vinh quang của con người cũng như của thế
giới. Một niềm hy vọng về trời mới và đất mới, nơi công
bằng và hòa bình của Thiên Chúa ngự trị. Tuy nhiên, trong khi
chờ đợi giây phút Chúa ngự đến trong vinh quang, mỗi người
đồ đệ Chúa cần sống giây phút hiện tại một cách can đảm,
kiên trì giữa những thử thách xảy đến, và nhất là cần
sống gắn bó mạnh mẽ, kết hiệp mật thiết với Chúa để vượt
thắng được những cám dỗ chối bỏ Chúa mà chạy theo những
vị tiên tri giả, những chúa kitô giả, những kẻ tự phụ
muốn thay thế chỗ của Chúa nơi tâm hồn con người, những kẻ
mạo danh Chúa để lường gạt và hưởng lợi. Mỗi người
chúng ta cần trưởng thành mỗi ngày một hơn trong đức tin,
đức cậy và đức mến, để có thể khám phá ra Chúa đang
ngự đến hàng ngày trong mọi biến cố lớn nhỏ, để cứu
rỗi chúng ta vì Ngày yêu thương chúng ta.
Lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa là chủ của vũ trụ và lịch sử, vì Chúa hiện diện trong chúng con và trong thế giới, trong những nỗi lo âu cũng như những nỗi vui mừng và hy vọng của chúng con. Xin thương giúp chúng con biết chăm chú, biết lắng nghe lời Chúa dạy và khám phá Chúa hiện vẫn đang ở với chúng con mỗi ngày mỗi lúc nơi người anh chị em đang cần được giúp đỡ, cần được yêu thương.