Mỗi Ngày Một Tin Vui
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Thứ Bảy sau Chúa Nhật 33 Quanh Năm
Chân Lý của Ðời Sống Ðức Tin
(Lc 20,27-40)
Phúc Âm: Lc 20, 27-40
"Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống".
Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"
Chúa Giêsu trả lời rằng: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa".
Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm". Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.
Suy
Niệm:
Chân
Lý Của Ðời Sống Ðức Tin
Vào
cuối kinh Tin Kính, những đồ đệ của Chúa Giêsu tuyên xưng:
"Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng
sống vậy. Amen". Sự sống lại và sự sống đời
đời là chân lý quan trọng cho đời sống đức tin. Nếu không
có sự sống lại và sự sống đời đời thì đức tin của
chúng ta còn có ý nghĩa gì nữa, và công việc nhập thể cứu
chuộc của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, không còn ý nghĩa
nữa. Ðây là chân lý quan trọng nhưng khó tin và có thể có
trường hợp xảy ra như đã xảy ra vào thời Chúa Giêsu, và
cả những kẻ có niềm tin cũng bị vấp phạm không tin vào sự
thật này nữa bởi vì nó không thể nào giải thích cặn kẽ
được. Bởi lý trí con người lập luận theo đường lối tự
nhiên, con người có thể chất vấn Thiên Chúa như những người
Sađốc ngày xưa đã chất vấn Chúa Giêsu.
Có
thể nói chúng ta cám ơn những người Sađốc vì nhờ vào vấn
nạn của họ, mà chúng ta có được lời xác định rõ ràng
của Chúa Giêsu về sự sống lại. Những người theo phái Sađốc
là những kẻ thuộc hàng quí tộc và tư tế. Danh gọi Sađốc
phát sinh từ tên riêng của vị thượng tế trong đền thờ thời
vua Salômôn. Bộ luật duy nhất mà những người thuộc phái
Sađốc chấp nhận là bộ Tora của Môisen, được ghi lại trong
năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh mà thôi. Trong bộ Ngũ
Thư thời Môisen, sự thật về sự sống lại và về sự sống
đời đời chưa được mạc khải rõ ràng. Mãi về sau, tức
là vào thời của Maccabê và tiên tri Daniel, tức khoảng thứ
kỷ thứ 2 trước Chúa giáng sinh, thì sự thật về sự sống
lại mới được quả quyết rõ ràng. Một đàng thì chưa
được mạc khải rõ ràng, và đàng khác lại có luật nối
dòng của Môisen cho trường hợp cưới vợ của anh khi anh mình
chết đi mà không có con, nên chúng ta không lạ gì khi thấy
các nhà thông luật, trưởng giả và tư tế không tin có sự
sống lại, đã dùng luật Môisen chống lại sự sống lại.
Trong dòng lịch sử cũng không thiếu những người chối bỏ
chân lý về sự sống lại. Vào thời đại của chúng ta hiện
nay cũng vậy, cũng có những triết gia và đôi khi tệ hơn nữa,
những thần học gia lại tuyên bố không tin hay ít ra là nghi ngờ
sự thật về sự sống lại.
Trên
bình diện này, mọi lý luận chỉ dựa trên công sức trí khôn
con người, thì không thể nào dẫn dắt đến sự nhìn nhận
niềm tin vào sự sống lại. Chúa Giêsu đã quả quyết mạnh
mẽ về sự thật có sự sống lại, nhưng Ngài không giải thích
cho biết sự việc sẽ xảy ra như thế nào và cũng không nói
về thời gian khi nào sẽ xảy ra biến cố sống lại. Có thể
là hai câu hỏi: như thế nào và vào lúc nào, là hai điều
không quan trọng cho ơn cứu rỗi, nên Chúa Giêsu đã không
giải thích, không mạc khải gì thêm. Không phải chỉ có lời
quả quyết suông của Chúa Giêsu mà thôi, nhưng chúng ta còn
có sự kiện cụ thể khác nữa, đó là chính sự sống lại
của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Kitô Phúc sinh là câu trả lời
duy nhất cho thắc mắc của con người về cái chết, về sự sống
lại và sự sống đời đời.
Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm tin này.