Mỗi Ngày Một Tin Vui
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Thứ Hai sau Chúa Nhật 27 Quanh Năm
Biến Ðổi Tâm Hồn
(Lc 10,25-37)
Phúc Âm: Lc 10, 25-37
"Ai là anh em của tôi?"
Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?" Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?"
Chúa Giêsu nói tiếp: "Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: "Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông".
"Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".
Suy
Niệm:
Biến
Ðổi Tâm Hồn
Chủ
đề chính của đoạn Phúc Âm trên đây là tình yêu thương
đối với người lân cận và chủ đề được nhắc đến do
bởi hai câu hỏi của luật sĩ: "Tôi
phải làm sao để được sống đời đời?" và "Ai
là người anh em tôi?"
Chúa
Giêsu đã để cho chính luật sĩ phải trả lời cho câu hỏi thứ
nhất: "Tôi phải làm gì để
được sống đời đời?", và vị luật sĩ đã trả lời
đúng trăm phần trăm, dựa trên chính lời Kinh Thánh mà ông
đã biết nằm lòng. Và nếu đã biết rõ như vậy rồi thì đâu
còn lý do gì để hỏi Chúa Giêsu nữa. Không cần phải luật
sĩ mới trả lời cho câu hỏi này, mọi thành phần dân Chúa
đều có thể trả lời. Vấn đề là nơi câu hỏi thứ hai:
"Ai là người anh em tôi?"
Sự hiểu biết thông thái của luật sĩ làm ông ta lúng túng
vì hẳn thật vào thời Chúa Giêsu có nhiều trường phái luật
sĩ khác nhau đã cố gắng trả lời cho câu hỏi này, nhưng chưa
có câu trả lời nào thỏa đáng cả. Có trường phái cho rằng
người lân cận mà luật Môisen buộc phải yêu thương là cha
mẹ, bạn bè, người đồng hương. Như thế, nhà luật sĩ có
lý do để hỏi Chúa Giêsu: "Ai
là anh em tôi?", ông muốn biết những giới hạn của tình
thương đối với anh chị em để rồi từ đó xác định những
bổn phận cần phải tuân giữ. Chúa Giêsu trả lời bằng dụ
ngôn người Samari nhân hậu để giúp cho luật sĩ biết là không
có giới hạn nào cho tình thương đối với anh chị em và bất
cứ ai cần trợ giúp thì người đó là anh chị em của mình.
Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu đã đặt lại vấn đề như sau:
"Ai trong số những kẻ qua
đường là người anh em của kẻ bị cướp?", và dĩ
nhiên luật sĩ cũng đã trả lời đúng: "Thưa
là kẻ có lòng thương xót người ấy".
Giải
quyết vấn đề trên bình diện tri thức hiểu biết xem ra rất
dễ, chỉ cần một chút hướng dẫn như Chúa Giêsu đã làm
trong dụ ngôn thì ta có thể biết được câu trả lời cho vấn
đề, nhưng để vào nước Chúa không phải chỉ có biết mà
thôi, cũng không phải chỉ nói Lạy Chúa, Lạy Chúa mà thôi, nhưng còn phải thực
hành, phải làm nữa, phải thực hiện lời dạy của Chúa và
phải làm ngay không được chần chờ.
"Hãy đi và làm như vậy!" xem ra Chúa Giêsu không
muốn vị luật sĩ ở lại để tranh luận lý thuyết với Chúa
mãi mãi mà hãy dấn thân hành động, vì thế liền sau câu
trả lời thứ hai của vị luật sĩ, Chúa Giêsu khuyến khích
ngay: "Hãy đi và làm như vậy!"
Khi
phải hành động giúp đỡ anh chị em, chúng ta thường hay có
thái độ chần chờ, tìm sự chân thành lý do để tránh né
để khỏi phải cho đi, để khỏi phải làm ngay công việc bác
ái phải làm. Vì thế, vấn đề là luôn luôn phải sẵn sàng
phục vụ, vấn đề bắt đầu từ tâm hồn của chúng ta trước,
vì phải có tâm hồn yêu thương, cần canh tân chính mình trước.
Chúng ta đã thấy Chúa Giêsu đã đổi lại viễn tượng, đã
đổi lại câu hỏi của luật sĩ, câu hỏi không còn là: "Ai
là anh em ta?" nhưng là: "Ai
là anh em của người bị nạn?"
Khi
tâm hồn chúng ta đã được biến đổi rồi, đã có đầy tình
yêu Chúa rồi thì chúng ta sẽ dễ dàng chu toàn mệnh lệnh yêu
thương của Chúa hơn, sẽ yêu thương như Chúa, yêu thương không
giới hạn, không tính toán, yêu thương cả đến hy sinh mạng
sống mình. Không có tình yêu này to lớn hơn tình yêu của kẻ
hiến mạng sống mình cho người mình thương. Vấn đề không phải
là biết: "Ai là anh em của tôi?"
nhưng vấn đề là biến đổi tâm hồn chúng ta để chúng ta trở
thành người lân cận, người anh em của tất cả những anh chị
em chung quanh chúng ta.
Lạy
Chúa
Xin giúp con canh tân chính tâm hồn mình trước và giúp con trở thành người lân cận của tất cả mọi người, mọi nơi và mọi lúc.