Mỗi Ngày Một Tin Vui
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Thứ Sáu sau Chúa Nhật 22 Quanh Năm
Kim Chỉ Nam Của Cuộc Sống
(Lc 5,33-39)
Phúc Âm: Lc 5, 33-39
"Khi tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ ăn chay".
Khi ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: "Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?" Người đáp lại rằng: "Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng? Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy".
Người còn nói với họ thí dụ này rằng: "Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ. Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai. Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người ta nói: 'Rượu cũ thì ngon hơn' ".
Suy Niệm:
Kim
Chỉ Nam Của Cuộc Sống
Theo
sách Giảng Viên: "Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều
có lúc, mọi việc đều có thời, một thời để chào đời,
một thời để lìa thế, một thời để khóc lóc, một thời
để vui cười, một thời để than van, một thời để múa nhảy".
Trong Tin Mừng hôm nay khi giải thích về lý do tại sao Ngài và
các môn đệ của Ngài không ăn chay, có lẽ Chúa Giêsu cũng
muốn lặp lại lời dạy của sách Giảng Viên: "Mọi sự đều
có lúc, mọi việc đều có thời. Có một thời không ăn
chay và một thời để ăn chay". Thời gian của Giáo Hội là
thời gian vừa ăn chay vừa không ăn chay. Ðúng hơn, thời
gian của Giáo Hội là thời gian của cử hành.
Khi
chúng ta nói về cử hành, chúng ta thường dễ nghĩ đến lễ
lạc, trong đó chúng ta có thể quên đi những khó khăn của
cuộc sống và hòa mình vào đàn ca múa nhảy, ăn uống, cười
vui. Thật ra, trong ý nghĩa Kitô giáo, cử hành hoàn toàn xa lạ
với bầu khí ấy. Trong Kitô giáo, cử hành chỉ có thể có
được khi chúng ta ý thức một cách sâu xa rằng sự sống
và cái chết là hai thực tại không bao giờ tách lìa nhau. Cử
hành chỉ thực sự đến khi nào tình yêu và nỗi lo sợ, niềm
vui và nỗi buồn, nước mắt và nụ cười, có thể hiện hữu
chung với nhau. Cử hành chỉ có thể đến khi nào chúng ta ý
thức được rằng sự sống là điều quí giá vô cùng. Và
sự sống quí giá không những vì nó có thể được thấy,
được sờ, được cảm nghiệm, mà còn ngay cả khi nó mất.
Khi chúng ta cử hành một đám cưới, chúng ta cử hành sự
kết hợp và chia tay cùng một lúc; khi chúng ta cử hành cái
chết, chúng ta cử hành một tình bạn đã mất nhưng đồng thời
cũng cử hành một sự tự do và có được. Có thể có nước
mắt sau đám cưới và những nụ cười đám tang. Thật thế,
chúng ta có thể làm cho những nỗi buồn cũng như niềm vui của
chúng ta trở thành một phần của cuộc cử hành cuộc sống với
ý thức sâu xa rằng sống và chết không phải là hai điều
đối nghịch nhau mà là bạn hữu thân tình với nhau trong mỗi
một phút giây của cuộc sống chúng ta. Khi chúng ta chào đời,
chúng ta được tự do để hít thở khí trời, nhưng chúng ta
lại đánh mất sự an toàn trong lòng mẹ. Khi chúng ta đi học,
chúng ta được tự do để đi vào một xã hội rộng lớn hơn
nhưng lại đánh mất một chỗ đặc biệt trong gia đình chúng ta.
Khi chúng ta lập gia đình, chúng ta tìm được một người bạn
đường nhưng lại đánh mất mối liên kết đặc biệt với
cha mẹ chúng ta. Khi chúng ta tìm được công ăn việc làm, chúng
ta có được sự độc lập để làm ra tiền, nhưng lại đánh
mất khung cảnh vô tư của trường học. Khi chúng ta có con cái,
chúng ta khám phá ra một thế giới mới, nhưng lại đánh mất
đi một phần tự do đi lại. Khi chúng ta được thăng cấp
trong công việc, chúng ta trở nên quan trọng hơn trước mắt
người khác nhưng lại đánh mất những cơ may khác. Khi chúng
ta về hưu, cuối cùng chúng ta có cơ may làm điều chúng ta muốn
nhưng lại đánh mất niềm vui trong công việc. Khi chúng ta có
thể cử hành sự sống trong mọi giây phút quyết liệt, trong
đó cái được và cái mất quyện lấy vào nhau, lúc ấy chúng
ta có thể cử hành ngay cả cái chết của chúng ta, bởi vì
chúng ta đã học được từ cuộc sống rằng ai mất sẽ tìm
thấy.
Trong mọi sự, lời của thánh Phaolô trong thư gởi cho giáo đoàn Philipphê 4,4 đáng được chúng ta lấy làm kim chỉ nam cho cuộc sống: "Anh em hãy vui lên trong Chúa, tôi nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui lên vì Chúa ở gần chúng ta".