Mỗi Ngày Một Tin Vui

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Thứ Năm sau Chúa Nhật 19 Quanh Năm

Bản Sắc Của Người Kitô Hữu

(Mt 18,21-19,1)

 

Cuộc xung đột đẫm máu giữa người Do Thái và Palestin tại Trung Ðông cũng như những người công giáo và tin lành tại Bắc Ailen, hay giữa những chủng tộc khác nhau tại nhiều nơi khác trên thế giới cho chúng ta thấy rằng oán thù luôn sinh ra oán thù, bạo động luôn kéo theo bạo động, thế giới sẽ chẳng bao giờ có được hòa bình đích thực khi con người chưa biết tha thứ cho nhau.

Tin Mừng hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta đi vào cốt lõi của Tin Mừng là sự tha thứ, đây là tuyệt đỉnh của giáo huấn của Chúa Giêsu. Ngài sẽ chỉ là một kẻ lừa bịp và tòa giáo huấn của Ngài sẽ sụp đổ nếu trong giây phút cuối đời, từ trên thập giá, Ngài đã không tha thứ cho những kẻ đang hành hạ mình. Lời cầu xin tha thứ của Chúa Giêsu là bảo chứng của những lời Ngài rao giảng. Suy niệm về sự tha thứ, trước hết chúng ta phải hướng về tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng thương xót, chậm giận và hay tha thứ. Toàn bộ Kinh Thánh là lịch sử của những cử chỉ tha thứ của Thiên Chúa và sự bắt đầu lại của con người. Mỗi một lần con người vấp ngã là mỗi lần Thiên Chúa thực thi lòng thương xót. Ngay từ trang đầu tiên của Kinh Thánh, chúng ta đã thấy được sự tha thứ của Thiên Chúa. Sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã không bỏ mặc hay trừng phạt, mà trái lại còn hứa ban ơn cứu rỗi. Xuyên suốt Kinh Thánh Cựu Ước, Thiên Chúa trải dài tình yêu nhẫn nhục tha thứ cho dân riêng của Ngài. Qua Chúa Giêsu, lòng tha thứ của Chúa Cha đã bộc bạch một cách trọn vẹn. Những trang cảm động nhất trong Tân Ước hẳn phải là những trang về lòng tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện qua lời nói, cử chỉ của Chúa Giêsu.

Còn bức tranh nào đẹp và cảm động cho bằng phiên tòa xử người đàn bà phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang. Từ buổi sáng tinh mơ, trong khi đám đông do các luật sĩ và biệt phái động viên đang hậm hực sẵn sàng ném đá người đàn bà khốn khổ, Chúa Giêsu đã giữ thinh lặng, và cuối cùng, khi đám đông đã rút lui, Ngài chỉ ôn tồn nói với chị: "Chị hãy về đi, Ta không kết án chị".

Còn áng văn nào đẹp cho bằng dụ ngôn về người con hoang đàng được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Luca. Còn lời nào dịu ngọt hơn lời tha thứ của Chúa Giêsu dành cho người được mệnh danh là kẻ trộm lành chịu đóng đinh bên hữu Ngài, và dĩ nhiên còn cử chỉ nào hào hùng và cao thượng hơn lời cầu xin tha thứ cho những kẻ lý hình trước khi trút hơi thở cuối cùng.

Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chậm giận và hay tha thứ. Ðó là tuyệt đỉnh của mạc khải Kitô giáo. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu tỏ bày cho chúng ta qua lời giảng dạy và cách cư xử của Ngài là Thiên Chúa hay thương xót và tha thứ. Lòng thương xót và tha thứ thiết yếu là của Thiên Chúa, con người không thể tự mình tha thứ. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã không tự mình tha thứ, Ngài cầu xin Chúa Cha tha thứ. Thiên Chúa thực thi lòng tha thứ qua con cái Ngài. Tự mình tha thứ không phải là điều tự nhiên đối với bản tính con người. Chính vì thế mà Chúa Giêsu dạy chúng ta phải kêu cầu ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tha thứ cho người khác: "Xin Cha tha cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".

Cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa và sẵn sàng tha thứ cho người khác, đó là cuộc chiến đấu của cả một đời người nhưng đó cũng là cuộc chiến làm nên bản sắc của người tín hữu Kitô. Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là tín hữu Kitô khi họ biết tha thứ mà thôi.


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page