Mỗi Ngày Một Tin Vui

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Thứ Ba sau Chúa Nhật 11 Quanh Năm

Gương Trọn Lành

(Mt 5,43-48)

 

Sau hơn năm mươi lăm ngày bị bắt làm con tin và bị sụt mất đi gần hai mươi ký vì phải sống trong cảnh đau khổ, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhà truyền giáo vừa được trả tự do đã bình tĩnh trả lời câu hỏi nhiều ngụ ý của nhà báo tại thủ đô Manila như sau:

- Tôi vẫn yêu mến đất nước, dân tộc Phi Luật Tân này như ngày tôi mới đến truyền giáo cách đây bốn mươi năm. Tôi tha thứ cho những kẻ đã bắt giữ và hành hạ tôi. Tôi muốn nói với họ rằng tôi không thù ghét họ nhưng vẫn yêu thương như trước và sẵn sàng trở lại làm việc mục vụ tại địa điểm cũ.

Bài Phúc Âm hôm nay là lời dạy rõ ràng của Chúa Giêsu Kitô: "Các con nghe người ta nói: hãy yêu thương anh chị em mình và ghét kẻ thù địch". Hãy yêu thương anh chị em mình, mệnh lệnh này đã được đề ra từ thời Cựu Ước, trong sách Lêvi chương 19,18. Những anh chị em mình như được nhắc trong sách Lêvi chỉ những kẻ thân thuộc, người đồng hương thuộc về cùng một dân riêng của Chúa, là dân Do Thái. Và quả quyết thứ hai: "Hãy ghét kẻ thù địch" thì chúng ta không gặp thấy một công thức nào tương tự như vậy trong Kinh Thánh cả. Tuy nhiên, lời này có thể được hiểu như là một cách diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình, một hậu quả đương nhiên của tình yêu thương có giới hạn, hay đúng hơn để giới hạn trong khung cảnh của những kẻ thân thuộc, những người cùng thuộc về một nhóm xã hội, một dân tộc.

Theo công thức hạn hẹp của con người, trong Cựu Ước, bất cứ ai không thuộc về dân Chúa, không nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa thì đều là những người ngoài, là kẻ thù địch, không cần được yêu mến. Công thức thường tình dễ dàng loại bỏ một số anh chị em ra ngoài tình thương của mình.

Khi Chúa Giêsu đến, Người mạc khải sứ điệp trọn hảo, vượt qua những giới hạn thường tình tự nhiên: "Ta bảo các con hãy yêu thương kẻ thù. Hãy làm ơn cho kẻ ghét các con và hãy cầu nguyện cho kẻ bách hại các con". Chúng ta chú ý đến hai chi tiết quan trọng trong lời dạy của Chúa Giêsu đó là:

- Không ai bị loại ra khỏi tình thương của người đồ đệ Chúa, từ nay không còn có sự phân chia con người thành hai loại: những người thân thuộc và những kẻ thù địch. Tình yêu thương của người đồ đệ phải vượt qua những giới hạn tự nhiên để vươn tới tất cả mọi người.

- Tình yêu thương của người đồ đệ được thể hiện bằng những hành động cụ thể và việc quan trọng nhất trong số những hành động cụ thể là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được ta yêu thương. Ðây không còn là tình yêu thương vì tình cảm và theo tình cảm nữa, nhưng là tình thương thật sự hướng đến lợi ích của anh chị em.

Chúa Giêsu trả lời luôn cho thắc mắc của chúng ta có thể đặt ra: Tại sao lại yêu thương như vậy? Thưa, vì chúng ta là con cái Thiên Chúa Cha, Ðấng thi ân cho tất cả mọi người, tốt xấu: "Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Ðấng trọn lành". Không còn lý do nào khác mạnh mẽ hơn. Người Kitô không thể nào tránh khỏi thách thức sống theo mẫu gương trọn lành của Thiên Chúa Cha. Có thể nói người Kitô là kẻ được gọi sống khác thường, sống theo lý tưởng cao cả hơn, không bao giờ con người có thể trọn lành như Thiên Chúa Cha được. Biết thế, nhưng Chúa Giêsu vẫn bảo: "Hãy nên trọn lành như Thiên Chúa Cha", bởi vì Chúa muốn chúng ta luôn luôn vươn lên, luôn luôn cố gắng thăng tiến, không được dừng lại để sống theo mức tầm thường. Người xưa có nói: "Muốn leo lên đỉnh núi thì phải bắt đầu đi bước thứ nhất". Có thể nói bước thứ nhất của yêu thương như Chúa là ý thức mình là con cái Thiên Chúa và là những con cái được mời gọi sống theo lý tưởng cao hơn, trọn lành hơn, lý tưởng trọn lành như Thiên Chúa.

Lạy Chúa là Cha chúng con ngự trên trời, Cha nêu gương thi ân cho mọi người.

Xin thương đổ tràn xuống trên chúng con tình thương của Cha để giải thoát chúng con khỏi tâm địa hẹp hòi, tính toán. Xin giúp chúng con yêu thương mọi người như chính Con Cha, Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con đã dạy và nêu gương cho chúng con.


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page