Mỗi Ngày Một Tin Vui
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Thứ Năm sau Chúa Nhật 10 Quanh Năm
Tha Thứ Và Hòa Giải
(Mt 5,20-26)
Timothy
McVeigh, người đã đặt bom sát hại một trăm sáu mươi tám
người, trong đó có mười chín trẻ em dưới sáu tuổi, tại
Oklahoma City hồi năm 1995, đã bị xử tử tại một nhà tù
thuộc bang Indiana sáng thứ hai 6/6/2001. Có lẽ anh là người tử
tội bị oán ghét nhất trong lịch sử nước Mỹ. Người ta đọc
được sự oán ghét ấy qua thân nhân của những người bị
sát hại trong vụ đặt bom. Diana Prater, một người sống sót
sau vụ đặt bom nói rằng bà chờ đợi ngày này khi McVeigh bị
bắt giữ. Bà nói như sau:
-
Giờ đây, tên hèn nhát này không còn sát hại trẻ thơ của
ai nữa.
Một
người đàn bà bảy mươi tuổi có người con trai bị giết
trong vụ đặt bom đã bay từ Oklahoma City đến nơi hành quyết
để xem cho bằng được những giây phút cuối đời của tên
sát nhân. Bà nói:
-
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm sau khi anh ta ra đi. Anh ta đã sống quá
lâu.
Một
người đàn ông có người con gái hai mươi bảy tuổi bị sát
hại đã nói lên tất cả sự phẫn nộ của mình như sau:
-
Theo tôi, người ta phải đưa hắn về Oklahoma và qui tụ tất cả
các gia đình nạn nhân và những người sống sót lại để
ném đá hắn. Ném từ từ cho đến khi hắn chết.
Một
người đàn ông khác mang tấm hình của con gái bị sát hại
vào phòng xử. Ông cho biết rằng ông muốn chứng kiến cảnh
phòng xử kẻ sát nhân bị hành quyết, vì ông tin rằng con gái
ông cũng muốn thế.
Một
người sống sót thì phát biểu rằng ông rất lấy làm tiếc
là ông không được cho phép nhìn thẳng vào mắt kẻ tử tội
trước khi anh ta chết.
Người
ta hiểu được những phản ứng trên đây của thân nhân của
các nạn nhân bị sát hại, nhất là khi kẻ tử tội không hề
tỏ bất cứ một dấu hiệu hối hận nào. Rất nhiều người
đồng tình với cơn giận trên đây, nhưng cũng có một số ít
người chống lại án tử hình. Họ đã canh thức đúng một
trăm sáu mươi tám phút trước giờ hành quyết. Mỗi phút
thinh lặng là để tưởng niệm một nạn nhân, họ không đồng
ý với cuộc hành quyết nhưng họ muốn bảo đảm rằng các nạn
nhân cần phải được tưởng nhớ. Người phát ngôn của
nhóm này là ông Humous đã đứng trước nhà tù ba ngày liền
trước khi McVeigh bị hành quyết. Ông nói như sau:
-
Hầu hết mọi người Mỹ đều oán ghét Tim McVeigh. Nhưng Chúa
Giêsu vẫn còn yêu thương anh.
Chỉ
trong đức tin, người ta mới có thể nói được như thế.
Quả thực, cho dù Timothy McVeigh có bị oán ghét và chính anh cũng
chối bỏ mọi thứ tình thương, kể cả tình thương của Thiên
Chúa, anh vẫn được Chúa Giêsu yêu thương. Chúa Giêsu yêu
thương kẻ thù của mình. Toàn bộ giáo huấn về yêu thương
và tha thứ của Ngài chỉ thực sự ứng nghiệm khi từ trên
thập giá, Ngài đã cầu nguyện xin Chúa Cha tha thứ cho những
kẻ đã và đang hành hạ Ngài.
Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta lắng nghe lại giáo huấn ấy. Giải thích về giới răn thứ năm, Chúa Giêsu không những cấm giết người, Ngài còn lên án bất cứ hành động nào xúc phạm đến phẩm giá con người, dù con người ấy có là kẻ thù của mình. Ðối với bạo lực, Ngài kêu gọi tha thứ và hòa giải. Người tín hữu Kitô lên án bạo lực, chống lại bạo quyền nhưng không lấy bạo lực làm phương tiện tranh đấu, không lấy ác báo ác. Và ngược lại, bất cứ ai sống theo tinh thần bất bạo động cũng đều là môn đệ của Chúa Kitô.