Mỗi Ngày Một Tin Vui
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Thứ Tư sau Chúa Nhật 10 Quanh Năm
Phục Tùng Thiên Chúa
(Mt 5,17-19)
Timothy
McVeigh, người đã đặt bom sát hại một trăm sáu mươi tám
người, trong đó có mười chín trẻ em dưới sáu tuổi, tại
Oklahoma City hồi năm 1995, đã bị đưa lên ghế điện và tắt
thở vào lúc bảy giờ mười bốn phút sáng ngày 6/6/2001. Người
tử tội này không nói một lời cuối nào nhưng thay vào đó,
anh tự tay viết một bản tuyên ngôn, trong đó anh trích dẫn bài
thơ nổi tiếng bằng tiếng Latinh Vô Ðịch của thi sĩ William
Ernest Henry. Lời cuối của bài thơ được người tử tội trích
dẫn là:
"Tôi
làm chủ số phận của tôi
tôi là người chỉ huy của linh hồn tôi".
Mượn
hai câu thơ ấy, Timothy McVeigh muốn nói lên thái độ không chút
hối hận của anh. Anh muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng
anh làm chủ không những sự sống của anh, mà ngay cả số phận
của những người khác nữa. Anh muốn sát hại ai là quyền
của anh. Timothy McVeigh làm chủ số phận của anh. Anh đã chọn
cái chết, nhưng cái chết của thân xác anh không là điều đáng
nói. Biết bao nhiêu tử tội cũng đã bị đưa lên ghế điện
và chết như anh. Ðiều ái ngại hơn cả chính là cái chết của
lòng hối hận, cái chết của lương tâm, cái chết của sự
hiểu biết về thiện ác nơi con người, cái chết đích thực
của con người.
"Tôi
làm chủ số phận của tôi
tôi là người chỉ huy của linh hồn tôi".
Hai
câu thơ của thi sĩ Henri được Timothy McVeigh trích dẫn như một
tuyên ngôn về cái chết do chính anh chọn lựa gợi lên cho
chúng ta thảm kịch đã xảy ra ở khởi đầu của lịch sử nhân
loại. Ma quỉ xúi giục ông bà nguyên tổ loài người ăn trái
biết lành biết dữ: "Ngày nào các ngươi ăn trái này, các
ngươi sẽ nên giống như Chúa, nghĩa là các ngươi sẽ không
còn ai làm chủ trên các ngươi. Các ngươi sẽ làm chủ số
phận các ngươi. Các ngươi sẽ là người chỉ huy của linh hồn
các ngươi". Thảm kịch do ông bà nguyên tổ loài người khai
mở chính là gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, là không
chấp nhận quyền chủ tể của Thiên Chúa. Thảm kịch ấy đã
được nhân lên với một cường độ khủng khiếp trong lịch
sử nhân loại. Chính vì gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống
mà con người mới có thể chối bỏ phẩm giá và sự sống
của người đồng loại của mình. Tất cả những cuộc sát tế
dọc theo lịch sử nhân loại thiết yếu là một sự chối bỏ
Thiên Chúa.
Trong
Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe và suy niệm hôm
nay, Chúa Giêsu khẳng định quyền chủ tể đối với con người.
Qua Môisen và các tiên tri, Thiên Chúa ban bố Lề Luật cho con
người. Duy chỉ một mình Thiên Chúa mới làm chủ tể trên
con người. Lề Luật do Ngài ban bố là thể hiện của quyền
chủ tể ấy. Chúa Giêsu đã đến như một con người. Nói như
thánh Phaolô: "Ngài nên giống con người trong tất cả mọi sự,
ngoại trừ tội lỗi. Trong thân phận con người, Ngài đã thưa
hai tiếng xin vâng trọn vẹn với quyền chủ tể của Thiên Chúa".
Chính trong ý nghĩa ấy mà Ngài khẳng định rằng Ngài đến để
kiện toàn Lề Luật. Ông bà nguyên tổ loài người đã phủ
nhận quyền chủ tể của Thiên Chúa và như vậy đã đưa sự
chết vào trong thế gian.
Chúa Giêsu đã thưa xin vâng với quyền chủ tể ấy. Chính nhờ cử chỉ phục tùng tuyệt đối ấy mà Ngài sáng lập sự sống của loài người. Từ đây, con người chỉ thực sự sống và sống sung mãn khi phục tùng Thiên Chúa mà thôi. Lời Chúa hôm nay gợi lên thập điều mà Thiên Chúa đã ban bố cho loài người qua trung gian của Môisen. Ý nghĩa của thập điều lại được làm nổi bật qua giới răn thứ nhất: "Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực ngươi". Giới răn ấy đã khiến cho thánh Phêrô dõng dạc tuyên bố trong công nghị của người Do Thái: "Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người". Trong một chế độ muốn lấy luật pháp tuỳ tiện của loài người để thay thế cho ý muốn của Thiên Chúa, thiết tưởng các tín hữu Kitô cần phải đặt Thiên Chúa vào chỗ nhất trong cuộc sống của họ và có đủ can đảm để nói không với tất cả những gì chối bỏ hay đi ngược lại với quyền chủ tể của Thiên Chúa.