Mỗi Ngày Một Tin Vui
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Biến Cố Lịch Sử
(Ga 20, 19-23)
Các bài đọc thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống xoay quanh hai chủ đề chính tường thuật biến cố lịch sử Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ như lời Chúa Giêsu đã hứa, biến đổi con người yếu đuối của các ngài thành những kẻ hiểu biết và phân phát mầu nhiệm Thiên Chúa. Và ý nghĩa thứ hai là ý nghĩa thiêng liêng đi liền biến cố lịch sử của biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Chúa
Thánh Thần là linh hồn của đời sống Kitô của mỗi tín hữu
trong nhiệm thể duy nhất của Chúa. Biến cố Chúa Thánh Thần
hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái năm mươi
ngày sau lễ Vượt Qua. Người Do Thái mừng lễ giao ước, nhắc
nhở giao ước của Thiên Chúa đã ký kết với dân của
Thiên Chúa đã chọn. Và mỗi thành phần của dân Chúa chọn
cam kết sống trung thành với giao ước này, Chúa Giêsu đến
để thiết lập giao ước mới bằng chính máu của Ngài trên
thập giá, và qua việc chọn ngày lễ Ngũ Tuần để thực hiện
biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ. Chúa
Giêsu muốn cho các ngài hiểu rằng từ nay, đây là ngày lễ
của giao ước mới, từ giao ước mới này, Giáo Hội
được khai sinh, và từ giao ước mới này, mỗi tín hữu
được mời gọi sống đời sống mới, một cuộc sống làm
chứng cho Chúa Kitô.
Mừng
lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, mỗi người chúng ta được
mời gọi nhớ lại và dấn thân thực hành giao ước mới
đã được Chúa Giêsu Kitô thực hiện cho mỗi người chúng
ta. Chúa Thánh Thần hiện diện trong Giáo Hội, hướng dẫn Giáo
Hội và qua các thời đại, vẫn phát triển, vẫn trung thành,
mặc dù, đôi khi có những sa ngã, những sai lầm, những tội
lỗi làm cho một số người xa lìa giao ước mới.
Biến
cố lịch sử Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ
không những chỉ có chiều kích thiêng liêng canh tân cá nhân
mà thôi, nhưng còn có chiều kích Giáo Hội nữa, liên kết
mọi kẻ tin Chúa và lãnh nhận Thánh Thần trong cùng một cộng
đoàn, một thân thể sống liên đới với nhau, như bài đọc
thứ hai nhắc lại cho chúng ta. Nhưng đồng thời cũng là một
cộng đoàn có tổ chức, có một lãnh đạo chịu trách nhiệm
thừa hành quyền lãnh nhận từ Chúa, như được nhấn mạnh
nơi bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đến ban bình an, đổi mới các
tông đồ rồi trao quyền cho họ: "Các con hãy nhận lấy Chúa
Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì người đó được tha.
Các con cầm buộc ai thì người đó bị cầm buộc". Các tông
đồ lãnh nhận Chúa Thánh Thần vừa đồng thời chia sẻ quyền
thần linh tha tội của Chúa. Sống bên cạnh Chúa nhiều năm trước
đã nhìn thấy Chúa thực hiện những phép lạ, để chứng
minh quyền tha tội của các ngài, nên khi nghe lời Chúa phán,
các tông đồ hiểu rõ hơn ai hết, những lời này có nghĩa
gì. Các ngài được biến đổi để trở thành người tiếp
tục sứ mạng của Chúa: "Hãy ra đi rao giảng cho mọi dân nước
những gì Thầy đã truyền cho các con, dạy họ tuân giữ những
gì Thầy truyền và rửa tội cho họ".
Mỗi
thành phần trong Giáo Hội đều đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần
nhưng trong những cấp bậc khác nhau, qua bí tích rửa tội và
thêm sức và qua bí tích chức thánh, trở thành thừa tác
viên thánh của Chúa. Mỗi người chúng ta đều đã được
canh tân, được biến đổi để chu toàn những tác vụ khác
nhau, nhưng cùng một Thánh Thần.
Ước gì ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống mời gọi mỗi người chúng ta trở về với ơn gọi nguyên thủy của mình, trở về với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, canh tân đời sống cá nhân và chu toàn sứ mạng trong sự hiệp nhất và hiệp thông của cùng một nhiệm thể Chúa Kitô. Xin Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và hướng dẫn cuộc đời chúng ta thực hiện thánh ý Chúa.