Mỗi Ngày Một Tin Vui
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Thứ Hai sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Sức Mạnh Mù Quáng
(Ga 6,22-29)
Ở
thời đại nào, đám đông cũng có thể là một sức mạnh
mù quáng, hành động thiếu suy nghĩ và bị lôi cuốn bởi những
dòng chảy của sự dữ. Trước khi bị các thượng tế và tổng
trấn Philatô kết án, Chúa Giêsu đã bị chính đám đông kết
án. Cái đám đông đã từng tung hô Ngài trong ngày Ngài
khải hoàn tiến vào Giêrusalem, cũng cái đám đông ấy gào
thét, đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Bi kịch ấy dường
như được thánh Gioan báo trước qua đoạn Tin Mừng được
Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe và suy niệm hôm nay. Ðám đông
được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, ngày hôm
sau vẫn còn đứng bên kia bờ Biển hồ. Chúa Giêsu đã đọc
được động lực thúc đẩy họ tìm kiếm Ngài, họ đã đi tìm
kiếm Ngài không phải vì Ngài là đối tượng của khát vọng
tìm kiếm của họ, mà chỉ vì đã được Ngài cho ăn no nê;
họ đi tìm kiếm không phải vì đã nhận ra ý nghĩa của phép
lạ nhân bánh và cá ra nhiều; họ đi tìm kiếm Ngài không phải
vì chính Ngài đã mang lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống
của họ; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì giáo huấn của
Ngài; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì những giá trị cao
quí của cuộc sống mà Ngài đến để bày tỏ. Cái đám đông
ấy bị lôi kéo bởi những cái hời hợt, nhất thời và
chóng qua là cơm bánh. Ðây chính là bi kịch đã xảy ra cho Chúa
Giêsu. Ðám đông đã khước từ Ngài và treo Ngài lên thập
giá chỉ vì họ đã không hành động theo những xác tín thâm
sâu thể hiện trên đạo lý, trên tiếng gọi của lương tâm,
mà chỉ sống theo cảm tính và những xu thế mù quáng. Ðây cũng
chính là nguy cơ mà người tín hữu Kitô có thể rơi vào.
Dĩ
nhiên, nói đến đạo là nói đến đám đông. Chúng ta lãnh
nhận đức tin trong một cộng đồng. Chúng ta sống và thể hiện
đức tin trong một cộng đồng. Chúng ta cần có một đám đông
nào đó để nâng đỡ niềm tin của chúng ta. Tuy nhiên, cái
đám đông ấy cũng dễ lôi kéo và biến việc thể hiện
đức tin của chúng ta thành một lối giữ đạo hình thức và
máy móc. Ðạo dễ trở thành một chuỗi biểu dương bên ngoài
hơn là một cuộc gặp gỡ thâm sâu giữa tha nhân và Chúa.
Ðạo sẽ chỉ còn là những bó buộc và nghĩa vụ mà đám đông
thôi thúc để tuân giữ hơn là được thực thi vì xác tín
và lòng mến.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh mà chúng ta đón nhận mỗi ngày trong Thánh Thể và gặp gỡ thường xuyên qua tha nhân trở thành đối tượng của sự khao khát và tìm kiếm không ngơi nghỉ của chúng ta, để trong tất cả mọi sự, chúng ta có thể thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi".