Mỗi Ngày Một Tin Vui
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Những Lần Hiện Ra
(Mc 16, 9-15)
Ðoạn
Tin Mừng hôm nay là một tóm kết về những lần hiện ra của
Chúa Giêsu khi Ngài sống lại. Thánh Marcô nhấn mạnh đến sự
cứng lòng tin của các môn đệ để làm nổi bật chứng từ
của Chúa Giêsu hiện ra và mệnh lệnh phải ra đi làm chứng
cho Ðấng Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn mãi mãi là một,
nhưng khi hiện ra, Ngài luôn đến với hình dạng của một người
xa lạ. Với bà Maria Madalena, Ngài hiện ra như một người làm
vườn; với hai môn đệ đi về làng Emmaus, Ngài đồng hành
như một lữ khách xa lạ; với các môn đệ chài lưới, Ngài
xuất hiện như một người mà họ cũng không nhận ra ngay tức
khắc. Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh luôn đòi hỏi các môn đệ
phải làm một bước nhảy vọt để từ một người xa lạ,
nhận ra dung mạo của Thầy mình. Từ hai ngàn năm qua, chứng từ
về Ðấng Phục Sinh cũng luôn diễn ra như thế, từ cuộc sống
của cộng đồng tín hữu tiên khởi, qua cái chết của các vị
tông đồ đến cuộc tử đạo, của không biết bao nhiêu các
tín hữu ở mọi thời đại, cuộc sống tin cậy mến ở mọi
nơi là một chứng từ sống động và liên lỉ về Ðấng Phục
Sinh.
Niềm
tin vào Ðấng PhụcSinh và chứng từ về Ngài luôn được
diễn tả bằng một cách sống mới trong cộng đồng. Sách Tông
Ðồ Công Vụ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về
cuộc sống mới trong Ðấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Ðấng
ban tặng đã tạo ra một cộng đồng hòa giải, nghĩa là một
nhóm tín hữu sống trong hài hòa hiệp nhất và chia sẻ của
cải cho nhau. Nét nổi bật của cộng đồng này không hẳn là
nghèo khó, bởi vì trong đó, không ai phải thiếu thốn điều
gì, mà chính là tình yêu thương của mọi người. Của cải vật
chất, thay vì là đối tượng của sự chiếm hữu ích kỷ và
do đó là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở thành
bí tích của tình bạn và huynh đệ. Tựu trung, mối Phúc Thật
mà Chúa Giêsu tuyên bố khi hiện ra với thánh Tomas "Phúc
cho những ai không thấy mà tin" không loại trừ đòi hỏi
phải được thấy một cách cụ thể chứng từ về Ðấng Phục
Sinh trong Giáo Hội, và chứng từ ấy thiết yếu là chứng từ
về tình yêu huynh đệ.
Tình
yêu huynh đệ là cuộc sống bác ái trong và từ Giáo Hội,
là dấu chỉ rõ ràng và có tính thuyết phục nhất về dung mạo
và sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh. Trong những lần hiện
ra của Ngài, cử chỉ của Ngài đã thể hiện với hai người
môn đệ đi về làng Emmaus mang một ý nghĩa đặc biệt, Ngài
chỉ được nhận diện khi cầm lấy bánh bẻ ra và trao cho hai ông.
Phải chăng nét nổi bật nhất trong dung mạo của Chúa Giêsu
không là cử chỉ cầm lấy bánh, bẻ ra và trao ban sao?
Giáo
Hội là thân thể mầu nhiệm của Ðấng Phục Sinh, Ngài chỉ thực
sự được nhận diện trong thân thể ấy qua cử chỉ trao ban mà
thôi. Chính vì thế mà trọng tâm và cao điểm của Giáo Hội
chính là cử hành Thánh Thể. Giáo Hội lập lại cử chỉ trao
ban của Chúa Giêsu, nhưng cử chỉ ấy sẽ không diễn tả trọn
vẹn dung mạo của Ðấng Phục Sinh, nếu nó không được nối
dài và diễn tả cùng cuộc sống trao ban cụ thể của Giáo Hội
và của các tín hữu Kitô. Cuộc đời của người tín hữu
Kitô phải là một thánh lễ nối dài để mãi mãi mô tả
dung mạo của Ðấng Phục Sinh.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh mà chúng ta tiếp rước trong Thánh Lễ mỗi ngày biến chúng ta thành những chứng nhân sống động của Ngài trước mặt mọi người.