Mỗi Ngày Một Tin Vui
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật Lễ Lá
Tuần Thánh
Tuần
Thánh, Giáo Hội cho con cái mình được dịp dự những ngày
cuối cùng trong sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu ở trần
gian. Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá được mở đầu bằng nghi thức
làm phép lá và rước lá. Trong nghi thức này, cộng đoàn
dân Chúa được nghe đọc bài Tin Mừng tường thuật lại việc
Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem với tư cách của
Ðấng Mêsia. Hình ảnh Chúa Giêsu cưỡi trên lưng lừa khiến
người ta nhớ lại lời sấm ngôn nói về Ðấng Mêsia
được ghi lại trong sách ngôn sứ Dacaria: "Này thiếu nữ
Sion, hãy vui mừng hoan hỉ. Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng
reo hò, vì kìa Ðức Vua của ngươi đang đến với ngươi. Người
là Ðấng Chính Trực, Ðấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên
lưng lừa, một con lừa vẫn còn theo mẹ".
Hình
ảnh dân chúng reo hò tung hô Chúa Giêsu cũng gợi nhớ đến
cuộc lễ đăng quang của vua Salomon được ghi lại trong sách các
vua quyển thứ nhất: "Hãy đưa các bề tôi của Chúa Thượng
đi theo các ngươi để Salomon, con ta, cỡi con la cái của ta rồi
đưa nó xuống Ghikhô, ở đấy tư tế Sađốc và ngôn sứ
Natan sẽ xức dầu phong nó làm vua Israel. Các ngài sẽ rúc tù
và và tung hôn vua Salomon muôn năm".
Qua
việc công khai vào thành một cách long trọng như thế, Chúa
Giêsu khẳng định Người là Ðấng Mêsia và là vua của dân
Israel. Tuy nhiên, Người không xây dựng vương quốc bằng cách
đánh nam dẹp bắc hay bằng cách phát triển các sức mạnh
kinh tế, mà bằng cách thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha trong
vai trò người tôi tớ trung thành đã được ngôn sứ Isaia
mô tả trong bốn bài ca của ông. Cuộc khải hoàn vào thành
Giêrusalem này chỉ là bước khởi đầu cho cuộc thương khó
mà Chúa Giêsu phải trải qua để chiến thắng sự dữ và sự
chết, mở ra cho loài người lối đi đến cõi phúc bất diệt
bên Thiên Chúa.
Phụng
vụ thánh lễ dẫn chúng ta vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu
bằng cách cho chúng ta nghe đọc bài ca thứ ba của ngôn sứ
Isaia viết về những nỗi khổ đau mà người tôi tớ trung thành
của Thiên Chúa phải gánh chịu: "Tôi đã đưa lưng cho người
ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, tôi không che mặt
khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ". Kế đó là bài trích thư thánh
Phaolô tông đồ gởi tín hữu Philipphê nói về sự từ bỏ
mình và cái chết tủi nhục mà Chúa Giêsu sẽ đón nhận để
mang lại ơn cứu độ cho thế gian. Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là
Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang
hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang,
mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống
như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho
đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập tự.
Cao
điểm của phần phụng vụ Lời Chúa là bài Thương Khó Chúa
Giêsu. Qua bài Tin Mừng này, Giáo Hội mời gọi chúng ta thông
dự vào những giờ phút linh thiêng cuối cùng trong sứ vụ
cứu thế của Chúa Giêsu. Chúng ta không nghe đọc bài Thương
Khó nhưng nghe một câu chuyện bi hùng xảy ra trong lịch sử. Chúng
ta nghe và đồng thời chúng ta cũng hòa mình vào cuộc Thương
Khó ấy; chúng ta có mặt bên cạnh Chúa Giêsu trong mọi diễn
tiến đau thương đang xảy ra. Lịch sử cứu độ trải dài đến
chúng ta và chúng ta đón nhận lịch sử cứu độ ấy ngay tại
đây và ngay lúc này. Chúng ta không làm người chứng kiến
lịch sử cứu độ nhưng chúng ta làm người sống và lãnh
nhận hiệu quả của ơn cứu độ.
Con
đường cứu thế mà Chúa Giêsu đi qua là một con đường dài
khởi sự từ biến cố nhập thể, ấp ủ và hình thành trong
ba mươi năm sống ẩn dật, thực hiện từng bước trong ba năm
ra đi rao giảng, tiến đến cao điểm trong tuần khổ nạn, hoàn
tất bằng cái chết khổ nhục và việc sống lại hiển vinh. Ðó
là một con đường hẹp và đầy gian nan. Con đường này không
dành cho những ai lười biếng hoặc nhát đảm nhưng dành cho
những ai chuyên chăm và trung thành.
Hàng
năm, Giáo Hội tạo cơ hội cho chúng ta sống bốn mươi ngày của
mùa Chay để giúp chúng ta vượt qua những ươn lười và hèn
yếu của mình, nhờ chuyên tâm cầu nguyện, chúng ta có dịp rà
soát lại con người mình, nhận ra những lỗi phạm và những
thiếu sót của mình để sửa đổi và bổ khuyết. Chúng ta cũng
có dịp xem lại những tương quan của mình với Thiên Chúa, với
tha nhân và với chính bản thân chúng ta. Chúng ta thấy
được mình đã xây dựng các mối tương quan đó như thế nào,
chặt chẽ hay lơ là, chân tình hay giả dối, cẩn trọng hay tắc
trách. Nhờ thực hành những việc hy sinh hãm mình, chúng ta
tập tự chủ, tập chiến thắng thói quen nuông chiều bản thân,
tập chế ngự các thói hư tật xấu của mình. Chúng ta cũng
có dịp thông cảm với những yếu đuối của người khác, tập
bao dung tha thứ cho những lầm lỗi mà người khác lỗi phạm
đến chúng ta, tập nâng đỡ người khác vượt qua những
thói hư tật xấu của họ, nhờ rộng tay giúp đỡ những người
nghèo khổ về mặt vật chất hoặc tinh thần, chúng ta nhận ra
rằng mình cũng là một người nghèo khổ cần được Thiên
Chúa và anh chị em ra tay giúp đỡ. Chúng ta cũng có dịp để
nhận ra giá trị đích thực của những người khác dù họ là
những người cần đến sự trợ giúp của chúng ta. Chúng ta
học được giá trị của sự chia sẻ qua lại. Chúng ta cung cấp
cho người khác những cái chúng ta có và nhận lại từ họ
những cái chúng ta còn thiếu. Bốn mươi ngày tập luyện đã
qua đi, nhưng chặng đường trước mắt chúng ta vẫn còn dài.
Hết bốn mươi ngày mùa Chay, không có nghĩa là chúng ta có
quyền nghỉ ngơi thoải mái để bù lại những ngày gian khổ hy
sinh. Cuộc chiến đấu để thắng vượt bản thân và sự dữ
vẫn kéo dài đến giây phúc cuối cùng của cuộc đời mỗi
người chúng ta.
Tuần
thánh mà chúng ta sắp bước vào nói lên tính cách quyết
liệt của cuộc chiến này. Chúng ta bước vào Tuần Thánh vì
chúng ta đã tập tành được trong bốn mươi ngày mùa Chay. Hãy
theo Chúa Giêsu để Người tiếp tục dạy ta biết sống thế nào
cho phù hợp với Thánh Ý Chúa Cha. Hãy theo Chúa Giêsu để
Người dạy ta cách từ bỏ bản thân. Chết đi trong tinh thần
vâng phục và sống lại nhờ tín thác hoàn toàn vào quyền
năng của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con hăng hái bước vào Tuần Thánh, không phải chỉ bằng việc tham dự đầy đủ các lễ nghi, nhưng còn bằng việc thông dự thật sự vào những khổ đau của Chúa, để con học được bài học yêu thương và vâng phục mà đem ra thực hành suốt cả đời con, xin cho con đừng ngơi nghỉ bao lâu còn đóng đinh với Chúa trên thập giá.