Mỗi Ngày Một Tin Vui
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Thứ Ba sau Chúa Nhật II Mùa Chay
Phục Vụ Ðến Cùng
(Mt 23, 1-12)
Dạy
người khác luôn tuân giữ điều này, thực hiện điều kia,
lúc nào cũng dễ hơn chính mình tuân hành chúng. Người Việt
chúng ta thường nói: "Chỉ tay năm ngón" để nói về những
người chỉ biết ra lệnh cho kẻ khác, còn mình thì chẳng hề
mó tay vào việc. Vào thời Chúa Giêsu, các kinh sư và những
người Pharisiêu giả hình cũng sống theo cung cách này. Họ dạy
người ta làm đủ điều, còn họ thì chẳng hề làm điều gì
như lời họ dạy.
Ðoạn
Tin Mừng trên đây gồm hai phần: phần đầu ghi lại những lời
Chúa Giêsu nhận xét về các kinh sư và những người Pharisiêu;
phần sau ghi lại những lời Chúa Giêsu dạy dỗ đám đông và
các môn đệ.
Ở
phần đầu, Chúa Giêsu chỉ trích thái độ nói một đàng làm
một nẻo của các kinh sư và những người Pharisiêu. Họ là
những người có vai vế trong đạo. Họ nghiên cứu lề luật,
giảng dạy lề luật, bảo vệ lề luật. Nhìn từ bên ngoài thì
họ là những nhân vật đáng kính, học cao, biết nhiều, dáng
vẻ nghiêm trang, đạo mạo, y phục chỉnh tề, đi đâu họ cũng
ngồi chỗ quan trọng, đến đâu họ cũng chiếm vị trí ưu tiên.
Ấy thế mà buồn thay, họ chỉ được cái vỏ xanh tốt bên
ngoài, còn bên trong thì lại cằn cỗi khô héo. Chúa Giêsu
không phủ nhận vai vế của các kinh sư và những người
Pharisiêu trong dân. Chúa khuyên dân chúng hãy tuân giữ những
gì họ giảng dạy. Nhưng bởi họ dạy mà không làm những gì
mình dạy nên Chúa Giêsu cảnh giác dân chúng đừng làm theo
những gì họ làm.
Sau
khi nêu rõ những thói tật của các kinh sư và những người
Pharisiêu, Chúa Giêsu chuyển sang phần giáo huấn cụ thể cho dân
chúng và các môn đệ. Ở phần này khi nói: "Các con đừng
gọi ai là cha cũng đừng để ai gọi mình là thầy hay là nhà
lãnh đạo", Chúa Giêsu đã dùng lối nói cường điệu để
nhấn mạnh vai trò tuyệt đốì của Cha và của chính Ngài. Khi
giảng dạy như thế, Ngài không có ý phủ nhận vai trò của
cha mẹ hay của thầy dạy hoặc của người lãnh đạo trên trần
gian, mà Ngài chỉ muốn người ta đừng tuyệt đối hóa những
vai trò đó, đến độ đặt ngang hàng hoặc cao hơn Thiên Chúa.
Chỉ có Chúa Cha mới là Ðấng sinh thành tối cao và chỉ có
Chúa Kitô mới là Ðấng giáo hóa tối thượng, còn tất cả
mọi người đều là anh chị em bình đẳng với nhau. Ở đây,
chúng ta gặp được một quan niệm rất quen thuộc của tư tưởng
Á đông: tứ hải giai huynh đệ, người trong bốn bể đều là
anh em, mà đã là anh em thì không còn lên mặt lên mày, không
còn tranh chấp ghế cao ghế thấp làm gì nữa. Ðã là anh em thì
yêu thương phục vụ là chuyện đương nhiên phải làm: "Trong
các con, ai là người làm lớn hơn cả phải là người phục
vụ anh em. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống
thì sẽ được tôn lên."
Thời
các kinh sư và những người Pharisiêu đã qua từ lâu, nhưng
não trạng ăn trên ngồi trước, chỉ tay năm ngón vẫn luôn
tồn tại trong bản tính đã bị hư hoại của con người. Xét mình
cho kỹ, chúng ta thấy đã không thiếu những lần chúng ta đối
xử với những người khác theo cách thế đáng buồn trên
đây. Nếu Chúa Giêsu xuất hiện, chắc hẳn Ngài cũng nặng lời
quở trách chúng ta như Ngài đã từng quở trách các kinh sư
và những người Pharisiêu ngày xưa.
Lạy Chúa Giêsu, con vốn thích nói hơn thích làm, thích ra lệnh hơn là tuân lệnh, thích sai khiến hơn là vâng phục, thích vênh vang hơn là khiêm hạ. Con thật chẳng khác gì các kinh sư và những người Pharisiêu trong bài Tin Mừng hôm nay. Xin Chúa giúp con thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cách làm để con trở nên anh chị em đích thực của mọi người.