Mỗi Ngày Một Tin Vui

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Ngày 1 tháng 05

Lễ Thánh Giuse Thợ

 

Ngày 1/5: Thánh Giuse Thợ

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Lễ Thánh Giuse Thợ đã được Ðức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập năm 1955 và được ấn định vào ngày 1 tháng 5 để mang lại cho lao động một chiều kích Kitô-giáo. Thật vậy, khuôn mặt thánh Giuse, người thợ mộc ở Nagiarét, đã kỳ diệu góp phần giúp chúng ta hiểu được giá trị và sự cao cả của giới lao động. Từ Hy-lạp Tectôn được dịch là "thợ mộc" gán cho Giuse có lẽ chỉ định người thợ mộc, thợ đá hoặc thợ kim loại và cũng có thể là thợ xây dựng nhà cửa.

Do truyền thống gia đình, chắc chắn Ðức Giêsu đã được hướng dẫn để làm nghề này. Vì thế, chúng ta đọc trong Tin Mừng của Marcô: (Ðức Giêsu) không phải là bác thợ, con Bà Maria sao ? (Mc 6,3). Ðối với người Do Thái thuộc thời soạn thảo Kinh thánh, công việc tay chân cũng thánh thiêng, đối với các Rabbi hay các tư tế cũng thế. Các Rabbi bình giảng sách Giảng viên cũng nói: "Con hãy lo cho mình có được một nghề nghiệp, song song với việc học hỏi lẽ khôn ngoan". Thế rồi, không những hành nghề mà thôi, song còn phải truyền nghề cho con cái vì như sách Talmud đã chép: "Kẻ nào không dạy nghề tay chân cho con mình, kẻ đó như thể cướp mất sự nghiệp sinh tồn của con cái". Sách này còn nhấn mạnh đến tính chất thánh thiêng và giá trị của công việc tay chân: "Người thợ, trong lúc lao động, không buộc đứng dậy tiếp bậc kinh sư cho dù là vị cao trọng nhất# Kẻ nào giúp ích cho người đồng loại bằng sức lao động của mình thì cao trọng hơn người học biết Thiên Chúa... Kẻ nào nuôi sống mình bằng sức lao động thì cao trọng hơn người vô công rỗi nghề, chỉ biết giam mình trong các tâm tình đạo đức..."

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời nguyện trong Thánh lễ gợi cho chúng ta "Gương thánh Giuse", được Tin mừng gọi là "người thợ mộc" (Mt 13,55). Truyền thống cho thấy ngài sống thân tình với Ðức Maria, hôn thê của mình và với trẻ Giêsu, chính Người cũng được gọi là "bác thợ mộc" (Mc 6,3). Như thế cả ba vị đều tôn vinh Thiên Chúa, Ðấng tạo thành vũ trụ; Người muốn con người lao động để tôn vinh Người và tiếp tục công trình sáng tạo của Người (lời nguyện nhập lễ).

b. Bài đọc - Kinh sách, trích Vaticanô II (Hội thánh trong thế giới ngày nay) làm nổi bật ý nghĩa Kitô giáo trong các sinh hoạt của con người. "Nổ lực này đáp ứng với ý định của Thiên Chúa... Ðiều ấy cũng bao gồm các sinh hoạt thông thường nhất. Vì con người, nam cũng như nữ, khi nuôi sống mình và gia đình, đều phải hoạt động phục vụ xã hội. Họ có quyền nghĩ rằng sức lao động của họ mở mang công cuộc của Ðấng tạo hóa và mang lại hạnh phúc cho các anh chị em, cũng như khả năng riêng của mỗi người, cũng góp phần kiện toàn kế hoạch của Thiên Chúa trong lịch sử". Nơi khác, cũng Hiến chế này ghi nhận: "Nhờ việc làm của mình dâng lên Thiên Chúa, con người cộng tác vào chính công cuộc cứu rỗi của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã nâng cao giá trị của việc làm khi Người làm việc với chính hai bàn tay của mình tại Nagiarét. Do đó, mỗi người có bổn phận phải trung thành làm việc và cũng có quyền làm việc nữa" (Vaticanô II: LG 67,2).

(Nguồn: Tổng Giáo Phận Hà Nội)

Thánh Giuse Quan Thầy Lao Ðộng

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ kính Thánh Giuse Lao động. Sở dĩ có thánh lễ hôm nay là vì Giáo Hội muốn cho chúng ta ý thức được giá trị cao quí của lao động trong đời sống của mỗi người chúng ta.

Quả vậy, lao động có những giá trị to lớn nhưng nhiều khi chúng ta không nhìn ra.

Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến chế "Vui Mừng và Hy Vọng" đã có những lời lẽ rất hay về vấn đề này: "Thực vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng mọi loài, họ qui hướng về Người chính bản thân mình cũng như muôn vật: như thế, khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu. Những điều nhận định trên đây cũng ứng dụng được nơi những công việc hoàn toàn thường nhật. Thực vậy trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình, họ tiếp nối công trình của Ðấng Tạo Hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử." (Chương III số 34)

1. Lao động làm cho con người tìm được niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống mình...

Vào thời Trung cổ, có một tín hữu Kitô nọ muốn thực hiện một cuộc hành hương.

Sau vài ngày đi bộ, người đó bị lạc vào trong một khu rừng vắng. Tuy là khu rừng vắng nhưng hai bên đường, người ta cũng thấy có những người thợ đá đang cố gắng đục đẽo và vác trên vai từng tảng đá lớn đem về. Người khách hành hương mon men đến gần một người thợ, mồ hôi đang chảy ra nhễ nhãi và muốn gợi chuyện, nhưng người thợ đập đá ấy chỉ trả lời một cách nhát gừng.

- Ông không thấy tôi đang lao động một cách vất vả sao mà cứ hỏi hoài vậy?

Người khách hành hương tìm đến người thứ hai, người này còn có dáng vẻ nặng nhọc hơn. Ðược hỏi đang tham gia vào công trình xây dựng nào, người thợ này chỉ trả lời.

- Người ta thuê tôi làm việc, tôi chỉ biết rằng từ sáng sớm đến chiều tà, tôi đổ mồ hôi sôi con mắt ra là để kiếm cơm bánh cho vợ con tôi thôi, còn xây dựng gì thì tôi không cần biết.

Trong thinh lặng, người khách hành hương lại tiếp tục cuộc hành trình. Lên đến đỉnh đồi ông lại gặp một người thợ đập đá khác. Người này cũng có dáng vẻ mệt nhọc tiều tụy không kém 2 người trước, nhưng nhìn kỹ trong ánh mắt của người thợ đập đá này, người khách hành hương thấy toát lên một sự thanh thản và nhẫn nhục lạ thường. Ðến gần người khách hành hương lên tiếng hỏi.

- Ông đang làm gì đó?

Người đàn ông mỉm cười và vui vẻ đáp:

- Ông không biết à, tôi đang góp công xây dựng một ngôi thánh đường

Và người thợ đập đá đưa tay chỉ xuống một thung lũng, nơi đó, người khách hành hương nhận ra một ngọn tháp cao và từng viên đá được xếp lại ngay ngắn để làm nên bốn bức tường của một ngôi thánh đường.

Vâng! Cùng một công việc nhưng người ta đã không có được một cái nhìn giống nhau về mục đích của nó. Và chính vì thế mà cuộc sống của con người khác nhau: người thì được hạnh phúc, kẻ thì phải đau khổ. Hãy cố mà tìm ra cho cuộc đời của mình một ý nghĩa qua những công việc hằng ngày để từ đó chúng ta có thể có được thật nhiều niềm vui!

2. Lao động còn giúp con người sống tình liên đới một cách tốt đẹp hơn.

Trong suốt mùa hè năm ấy, tôi có dịp quan sát một bé trai khoảng 12 tuổi, mỗi buổi sáng vào lúc 7 giờ, đến làng bên cạnh là địa phương chúng tôi để giao bánh mì. Ðây là một em bé linh động, luôn vui vẻ và đúng giờ như một chiếc đồng hồ. Em dừng lại trước cửa những nhà giàu có muốn có bánh mì ăn sáng và sau đó lại vội vã đạp xe trở về nhà.

Ngày nọ, tôi có một cuộc đối thoại lý thú với em bé này như sau:

- Mỗi buổi sáng em phải dậy sớm, vậy em tự mình dậy hay phải có ai thức em dậy?

- Má em! Má em đánh thức tất cả mọi người trong nhà, trước hết là em. Kế đó, má cho em ăn sáng và em ra đi. Sau đó, má đánh thức ba dậy, dọn xúp cho ba ăn trước khi ba đi làm. Rồi lại đến giờ đánh thức mấy đứa em của em dậy đi học. Xong xuôi tất cả thì má lo cho đứa út, cho nó uống sữa và cuối cùng mẹ tự dùng sáng.

Mỗi chuyến giao hàng buổi sáng em được người ta trả cho bao nhiêu?

- Mỗi tuần 20 quan. Em có 10 khách hàng.

- Thế ba em lãnh một ngày được bao nhiêu?

- 30 quan, em nghĩ vậy.

- Còn má em, má em nhận được bao nhiêu?

- Má em ư?- em bé nhìn tôi lộ vẻ kinh ngạc-. Nhưng má làm việc không vì gì cả cơ mà!

Vâng! Công việc làm là phương cách hữu hiệu nối kết con người lại với nhau trong tình tương thân tương ái và nhờ đó họ có thể cảm nghiệm được tình đoàn kết với nhau một cách cụ thể hơn.

Chúa đã tạo dựng nên mỗi người một cách độc đáo không ai giống ai. Chẳng có ai là hoàn toàn trên trần gian này. Chúa tạo dựng nên mỗi người trong hạn hẹp bất toàn như vậy là để cho con người biết quý trọng nhau, biết hợp tác với nhau để nhờ đó mà cuộc sống của con người được tốt đẹp hơn.

3. Lao động là con đường làm cho con người trở nên xứng đáng làm người hơn.

Sau khi tạo dựng nên con người trong vườn địa đàng, Thiên Chúa trao cho con người trách nhiệm trông coi công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã từng nói: "Cha ta và ta hằng làm việc và làm việc không ngừng" (Ga 5,17).

Thiên Chúa vẫn hằng làm việc. Như vậy khi ta làm việc là ta cộng tác với Thiên Chúa để làm cho trái đất này mỗi ngày mỗi đẹp hơn và cũng làm cho cuộc đời của ta giống Chúa hơn. "Cha ta và ta hằng làm việc và làm việc không ngừng"

Thiền sư Trung Hoa Hyakyjo thường làm việc với các đệ tử, mặc dù ông đã 80 tuổi. Ông thường nhổ cỏ trong vườn, quét sân, hái củi. Các đệ tử của ông cảm thấy buồn vì ông thầy già của họ làm việc cực nhọc, không chịu nghỉ ngơi theo lời họ khuyên. Vì thế, một lần kia họ đem giấu hết dụng cụ làm việc của thầy Hyakyjo. Ngày hôm đó, thầy Hyakyjo không chịu dùng bữa. Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, ông thầy già cũng không ăn. Các đệ tử đoán: "Chắc bởi vì tụi mình dấu đồ làm việc của thầy chứ gì? Thôi, tốt hơn là đem trả lại chỗ cũ cho thầy".

Thế rồi, ngày họ làm việc, ông thầy già cũng làm và dùng bữa như trước. Chiều đến, Hyakyjo dạy họ: "Không làm, không ăn!".

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nazareth đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

Lm. Giuse Ðinh Tất Quý

(Nguồn: Tổng Giáo Phận Saigon)

Tin Mừng tường thuật về Thánh Giuse Thợ (Mt 13-54-58)

1. "Không ai được tôn trọng ở quê hương của mình". Ðây chính là câu nói nổi tiếng của Chúa Giêsu và có tính cách tiên tri. Thật vậy, trải qua biết bao thế hệ, từ những bậc tiền nhân đến chúng ta, hẳn mọi người đều biết hay đã cảm nghiệm được tính tiên tri của Chúa Giêsu qua câu nói trên hoàn toàn ứng nghiệm.

Chúa Giêsu trở về quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào Ðền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận hoặc từ chối.

2. Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu về giảng tại quê hương của mình cũng làm dấy lên những thông tin trái chiều về Ngài. Những người đồng hương Nazareth có lẽ đã nghe đồn thổi về Ngài và càng ngạc nhiên hơn khi nghe chính Ngài phát biểu trong Hội đường của họ. Những thành tích về sự khôn ngoan và phép lạ Ngài làm đã dấy lên trong họ câu hỏi: "Phải chăng Ngài không phải là Ðấng Cứu Tinh mà Thiên Chúa đã hứa cho dân tộc?" Và họ bắt đầu tra cứu với một phương pháp rất khoa học: họ mở Kinh thánh ra và thấy rằng Ðấng Cứu Tinh xuất thân từ một nơi khác, chứ không phải từ ngôi làng nghèo nàn tăm tối như Nazareth. Họ điều tra về nguồn gốc Chúa Giêsu và thấy rằng: cha mẹ và anh em Ngài đều là những người nghèo hèn mà họ biết rõ ngọn nguồn. Với lối suy luận và lý luận rất khoa học ấy, những người đồng hương với Chúa Giêsu đã khước từ Ngài. Nguồn gốc tăm tối của Chúa Giêsu đã là mạng chắn khiến họ không tin nhận nơi Ngài (Mỗi ngày một tin vui).

3. Thành kiến được định nghĩa là một suy nghĩ, một cái nhìn khó thay đổi về việc gì đó. Khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình "như đúng rồi" lại còn úp lên đó cái khung cứng nhắc của cảm tính, người thành kiến sẽ không thể nhìn người khác như họ là, mà trái lại sẽ đánh giá theo kiểu: "Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo". Chẳng những thế, người thành kiến lại thích đeo cặp kính đen để chỉ nhìn thấy phương diện xấu xa, bi quan, tiêu cực của sự việc. Những người đồng hương đương thời với Ðức Giêsu đã nhìn Người với đôi mắt thành kiến như thế. Ðối với họ thì gà thì đẻ ra gà, chứ không thể đẻ ra công được. Với cái nhìn thành kiến, họ không thể nào nhận ra Ðức Giêsu mà họ vẫn tưởng là con bác thợ mộc Giuse lại là Con Thiên Chúa được (5 phút Lời Chúa).

Lm. Giuse Ðinh Lập Liễm

(Nguồn: Tổng Giáo Phận Saigon)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page