GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 6 B THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Mc 1, 40 - 45

Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch". Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn anh được sạch ?" Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng yêu cầu anh đi ngay, và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết". Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

SUY NIỆM 1:

BỆNH PHONG TÂM HỒN

Thời xưa, bệnh phong là một bệnh nan y, bị mọi người kinh tởm xa lánh. Trong Ðạo Do-thái, người mắc bệnh phong bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ không được sống chung với thân nhân trong xóm làng, nhưng bị xua đuổi ra ngoài đồng ruộng, vào trong rừng núi hay trong sa mạc. Họ phải ăn mặc rách rưới. Ði đến đâu cũng phải kêu to lên: "Ô uế, ô uế", cho mọi người biết mà xa tránh. Ai tiếp xúc với người bệnh phong đều bị coi là ô uế. Ai đụng chạm vào người bệnh phong bị coi như mắc tội rất nặng. Chẳng ai dám đến gần người bệnh phong. Người bệnh như thế, không những bị những vết thương trên thân xác hành hạ đau đớn mà còn bị những nỗi đau, nỗi nhục trong tâm hồn dằn vặt khổ sở. Họ bị xã hội khinh khi loại trừ. Họ bị một mặc cảm chua chát dày vò. Nhân phẩm không được tôn trọng, họ sống mà bị coi như đã chết. Nhưng chưa chết được, họ vẫn phải tiếp tục sống để chịu những nỗi đau đớn còn hơn cả cái chết gặm nhấm, thiêu đốt.

Một lần nữa, Ðức Giê-su lại vượt qua những biên giới cấm kỵ khi dám đến gần người bệnh phong. Không những Người đến gần mà còn đưa tay chạm vào thân mình bệnh nhân. Lòng thương yêu đã khiến Ðức Giê-su dám làm tất cả. Vì thương người bệnh, Ðức Giê-su đã bất chấp nguy hiểm bị lây nhiễm, đã bất chấp những điều bị coi là cấm kỵ của đạo Do-thái. Khi chữa khỏi bệnh phong, Người đã giải thoát người bệnh khỏi những đau đớn phần xác. Từ nay anh không còn bị những vết thương hành hạ. Thân thể anh trở nên lành lặn. Da dẻ anh trở lại hồng hào tươi tắn. Khuôn mặt anh rạng rỡ. Giọng nói anh thanh tao. Anh cũng là một người như bao người khác.

Nhưng điều quan trọng hơn, đó là khi chữa anh khỏi chứng bệnh nan y, Ðức Giê-su đồng thời cũng giải phóng anh khỏi những mặc cảm đè nặng tâm hồn anh bao năm tháng qua. Khi Ðức Giê-su vuốt ve thân thể bệnh tật của anh, Người đã vuốt ve tâm hồn anh. Trước kia anh cảm thấy bị mọi người xa lánh. Nay anh cảm thấy qua Ðức Giê-su mọi người gần gũi anh hơn bao giờ. Trước kia anh cảm thấy bị khinh miệt. Nay anh cảm thấy được trân trọng. Trước kia anh cảm thấy bị bỏ rơi. Nay, dưới bàn tay dịu hiền của Ðức Giê-su, anh cảm thấy được yêu thương vỗ về. Những vết thương sâu thẳm trong trái tim anh đã liền da lành lặn. Ðức Giê-su đã hồi sinh tâm hồn lạnh giá của anh.

Muốn cho mọi người chấp nhận anh tái hội nhập vào đời sống xã hội, Ðức Giê-su bảo anh đi trình diện với Thầy Cả theo như luật định. Trước kia anh bị loại trừ, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nay anh được bàn tay âu yếm ân cần của Ðức Giê-su đón nhận anh trở lại xã hội loài người. Qua vị thượng tế, anh được công khai đón nhận. Nhân phẩm anh được phục hồi. Danh dự anh được tôn cao. Giờ đây anh có thể tự tin, vui sống giữa mọi người, như mọi người.

Chúng ta ai cũng có những mặc cảm đè nặng tâm hồn, những vết thương sâu kín, những niềm đau khôn nguôi, những nỗi buồn hầu như không ai thông cảm an ủi được. Hãy noi gương người bệnh phong chạy đến với Ðức Giê-su. Người sẽ xóa đi những mặc cảm đè nặng hồn ta. Người sẽ chữa lành những vết thương bao năm gặm nhấm trái tim ta. Người sẽ xoa dịu những nỗi đau vò xé tâm tư. Người sẽ an ủi những nỗi buồn phủ kín hồn ta.

Phần ta, hãy biết noi gương bắt chước Ðức Giê-su, đừng loại trừ anh em mình ra khỏi đời sống xã hội. Hãy biết đến với những anh em bị bỏ rơi. Hãy biết an ủi những anh em đang buồn khổ. Hãy biết tránh cho anh em những mặc cảm nặng nề. Hãy hàn gắn những vết thương trong tâm hồn anh em. Hãy tôn trọng danh dự và nhân phẩm của anh em. Hãy giúp cho anh em mình được hoà nhập vào đời sống cộng đoàn, đời sống xã hội.

Việt Nam đang quyết tâm thanh toán bệnh phong. Mỗi Xứ Ðạo chúng ta cũng hãy quyết tâm thanh toán bệnh phong trong tâm hồn. Hãy diệt trừ bệnh phong chia rẽ. Hãy tẩy chay bệnh phong loại trừ. Hãy xoá đi bệnh phong phân biệt. Hãy phá tan bệnh phong nghi kỵ. Hãy bài trừ bệnh phong kết án. Nếu ta thanh toán được bệnh phong tâm hồn, thân thể Xứ Ðạo ta sẽ liền da liền thịt, khuôn mặt Xứ Ðạo ta sẽ hồng hào, rạng rỡ vui tươi phản ảnh được khuôn mặt đích thực của Ðức Ki-tô.

Lạy Ðức Giê-su, xin cứu độ chúng con. Amen.

Gm. NGÔ QUANG KIỆT, Giáo Phận Lạng Sơn

SUY NIỆM 2:

"NẾU NGÀI MUỐN"

Trong công trình Sáng Tạo của Thiên Chúa, Người muốn ban cho loài người sự sống toàn hảo của Thiên Chúa. Trong công trình Cứu Chuộc của Ngôi Hai, Thiên Chúa lại muốn tẩy sạch dấu vết tội lỗi nơi loài người. Con người trần gian bị lây nhiễm tội lỗi, nhơ nhớp xấu xa... như người bị bệnh phong cùi. Con người này đáng lẽ phải tự hỏi: "Tôi có muốn cho tôi được sạch không ?""Tôi phải đến với ai để được sạch, để được toàn hảo ?"

Câu hỏi của người phong cùi "Nếu Ngài muốn" coi như "bằng thừa", tuy nhiên để diễn tả đức tin của anh ta vào Chúa Giê-su. Người là Thiên Chúa, Người đang muốn tẩy sạch vết nhơ của trần gian. Ngài đang muốn dẫn đưa con người trần gian đến sự sống vẹn toàn... Nếu Người đang muốn như vậy, và tôi cũng muốn cho mình đạt tới sự sống toàn hảo, thì hãy đến với Người, vâng theo mệnh lệnh của Người, ắt sẽ thành công. Nếu tôi muốn giống ý muốn của Chúa, tôi sẽ được toại nguyện.

Con người trần gian, ở mọi thời mọi nơi, ai ai cũng đều muốn cuộc sống an nhàn, tiến triển tốt đẹp... người ta không biết trông cậy vào ai. Khi nghe nói có ai đó thi ân giúp cho con người hoàn thiện thì họ đổ xô chạy chạy đến cầu cạnh... Khi nghe biết Chúa Giê-su chữa lành bệnh phong cùi cho người này, mà không cần phải trả tiền công ( một cách nhưng-không ), "Dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người". Họ đến với Chúa, mong được những lợi lộc trần gian. Ðiều này không giống theo ý Chúa muốn. Do đó, Chúa phải tránh đi, không muốn tiếp xúc với họ... Nếu tôi đi tìm Chúa, đến với Chúa mà không uốn mình theo ý Chúa muốn, thì tôi sẽ gặp thấy một sự chán chường, thất vọng.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con muốn điều Chúa muốn. Xin cho con sống theo như Chúa muốn cho con sống, ở đây và lúc này. Xin cho ý tưởng, lời nói và việc làm của con theo như Chúa muốn.

Lm. Phê-rô NGUYỄN VĂN HIỀN, Họ Ðạo Hòa Long, Giáo Phận Vĩnh Long

LỜI NGUYỆN:

LỜI NGUYỆN CỦA CHỊ VÉRONIQUE

Chị Véronique, một người Pháp, tính đến năm 1979, năm mà tạp chí Prier xuất bản, có đăng lời nguyện này của chị, thì chị đã ngoài 58 tuổi. Với 55 năm bị mắc bệnh phong Hansen, 20 năm bị mù lòa, chị vẫn làm việc trong một xí nghiệp sản xuất đồ dùng của người bệnh Hansen tại nước Cameroun, châu Phi...

Lạy Chúa, Chúa đã đến và đã xin con tất cả,

Và con, con cũng đã hiến dâng cho Chúa tất cả.

Xưa kia, con ưa thích đọc sách, và Chúa đã muốn mượn đôi mắt của con...

Ngày trước con thích chạy nhảy trong những khu rừng thưa, và Chúa đã muốn mượn đôi chân của con...

Mỗi độ xuân về, con tung tăng hái lượm những cánh hoa tươi, Và Chúa lại xin con đôi tay...

Bởi con là một phụ nữ, con ưa ngắm nhìn suối tóc óng ả của con,

Ưa ngắm nhìn những ngón tay thon nuột xinh xắn của con,

Thế mà giờ đây, đầu con hầu như chẳng còn sợi tóc nào,

Cũng chẳng còn đâu những ngón tay hồng xinh xinh nữa,

Chỉ còn lại... một vài que củi khô queo nham nhúa...

Chúa ơi, Chúa hãy nhìn xem cái thân thể diểm kiều của con đã bị hủy hoại đến độ nào.

Thế nhưng, con không hề muốn nổi loạn, con lại muốn dâng lên Chúa lời tạ ơn...

Vâng, lạy Chúa, muôn đời con sẽ xin thưa hai chữ tạ ơn.

Bời vì, nếu đêm nay, Chúa truyền cho con phải ra đi vĩnh biệt cõi thế,

Con cũng sẽ chẳng tiếc hận gì.

Ðời con đã được quá ư đầy tràn đến diệu kỳ tột độ:

Ðó là con đã được sống đắm mình trong Tình Yêu,

Ðã được Chúa lấp đầy chan chứa bằng Tình Yêu vượt quá cả những gì tim con hằng mong ước...

Ôi lạy Chúa là Cha của con, Cha đã đối xử quá tốt với bé gái Véronique của Cha.

Và chiều nay, ôi Tình Yêu của con,

Con xin dâng lời nguyện thiết tha cho tất cả mọi người phong cùi trên mặt đất.

Xin Cha thương một cách đặc biệt cả đến những người bị bệnh "cùi tâm hồn" đang đè bẹp hủy hoại.

Con yêu thương đặc biệt những con người bất hạnh ấy.

Và chiều nay, trong âm thầm, con xin tận hiến đời con cho họ,

Bởi vì họ cũng là những người anh chị em của con...

Ôi lạy Cha, Tình Yêu của con,

Con xin dâng Cha căn bệnh phong cùi thân xác của con,

Ðể cho những người thân yêu kia đừng bao giờ biết đến nữa

Cái đắng cay, cái lạnh lẽo kinh hồn của căn bệnh "cùi tâm hồn"...

Con là bé gái thân thương của Cha,

Cha ơi, hãy nắm lấy bàn tay đã tàn phế của con để dẫn con đi

Như người mẹ hiền dắt tay đứa con gái cưng của mình.

Cha hãy ôm con vào lòng, như người cha ấp ủ đứa con cưng trong vòng tay của mình,

Cha hãy nhận chìm con sâu xuống tận đáy trái tim Cha,

Cho con được ở đấy cùng với mọi người thân yêu của con,

Bây giờ và cho đến mãi muôn đời... Amen.

CHỨNG TÁ1:

NỮ TÔNG ÐỒ CHO NGƯỜI PHONG HỦI

Eunice Weaver là con gái một nhà chăn nuôi gốc người Thụy-sĩ, còn mẹ lại là người gốc Brasil. Lúc thiếu thời, chị lớn lên ở một trang trại miền Rio Grande de Sul của Brasil.

Một ngày mùa xuân năm 1916, cô bé Eunice lên 9 tuổi bắt gặp lần đầu tiên một cảnh tượng kinh khiếp vẫn thường diễn ra ở vùng này. Cô bé đếm được tất cả 6 con người không còn ra hình dạng là người nữa. Ðó là một trong nhiều đoàn người phong hủi áo quần tả tơi bẩn thỉu, da thịt sưng húp, dáng người quằn quại, đều bị què hay thọt một chân. Họ băng qua cánh đồng, miệng kêu lên thảm thiết: "Hỡi những tấm lòng nhân ái, hãy bố thí cho chúng tôi vì lòng yêu mến Chúa..."

Những người này bị những người ăn xin lành mạnh lấy đá ném đuổi đi, trong khi dân chúng quanh đó thì đóng xập các cánh cửa lại. Ðoàn người lầm lũi đi qua, Eunice giật mình nhận ra người cùi cuối cùng trong hàng chính là chị Rosa, con gái người láng giềng nhà cô. Rô-da chợt dừng lại, đăm đăm nhìn bé Eunice rồi òa khóc kể lể: "Khi chị biết mình đã lây bệnh, chị đã giả vờ tự tử ở một con sông để rồi sau đó chị đã trốn theo sống với những người đồng cảnh ngộ này..." Khi đoàn người cùi và chị Rosa đã đi xa rồi, bà dì của Eunice mới nói với cháu: "Họ là những người đã bị Thiên Chúa chúc dữ ! Không còn cách gì cứu vớt họ nữa đâu !" Dù vậy, bé Eunice từ dạo ấy đã đem lòng xót xa những con người đáng thương đó...

Ít lâu sau, ở trường, Eunice hỏi chuyện thầy giáo Weaver về những người cùi thì được thầy dẫn giải: "Chúa không bao giờ chúc dữ cho ai cả. Ngài thương những người cùi ấy như thương tất cả chúng ta..."

10 năm vùn vụt trôi qua, giờ đây cô Eunice đã là một giáo sư giảng dạy Y khoa tại một trường ở Sao Paolo. Cùng chung một lý tưởng cứu vớt những người đau khổ, lại cùng một nghề sư phạm, cô Eunice gặp lại giáo sư Weaver năm xưa và kết hôn với nhau thành một đôi tâm hồn giàu quả cảm và nhân ái, mang hết khả năng, ý chí để giúp những người phong cùi.

Năm 1929, bà Eunice Weaver được thỉnh giảng trên một con tàu đi vòng quanh thế giới như một trường đại học nổi của trường đại học New York. Khi đến đảo Hawai, bà được dịp thăm một bệnh viện dành cho người phong tại đảo Molokai của cha Damien, một linh mục thuộc Hội Thừa Sai Pa-ri. Ở đây, họ nuôi cách ly các trẻ em để khỏi lây bệnh của cha mẹ. Ðến Phi-luật-tân, bà được quan sát công việc của một số vị lương y đang xây dựng những ngôi làng kiểu mẫu cho người cùi.

Trở về Brasil, bà quyết định phải cứu lấy những trẻ em con cái của người cùi. Dự án cần đến một tài khoản rất lớn, cũng như cần cả một tổ chức làm việc có hiệu quả. Bà bắt đầu viết các bài đăng báo, tổ chức nhiều buổi nói chuyện lớn trên toàn quốc, kêu gọi mọi người, nhất là những người giàu có hãy cộng tác với vợ chồng bà để phục vụ người phong cùi.

Năm 1935, dự án hình thành bước đầu với việc quy tụ một nhóm nhỏ những người cố vấn và điều hành bên cạnh bà Eunice. Thủ tướng Brasil mời bà vào dinh và hỏi: "Tôi có thể giúp được bà những gì ?" Bà nói: "Thưa thủ tướng, cứ mỗi lần tôi quyên góp được một đồng thì xin ngài cũng xuất công quỹ cho tôi một đồng thôi. Chúng tôi sẽ thành lập một hội từ thiện chuyên xây cất các ngôi nhà để giáo dục trẻ em con cái người cùi cho mỗi tiểu bang và mỗi vùng sẽ có một nhà tiếp nhận bệnh nhân phong." Thủ tướng lại thắc mắc: "Công việc sẽ bế tắc vì nhiều vùng rộng lớn mà vẫn chưa có đường giao thông thuận tiện. Tại sao bà không tập trung vào một vài nơi có điều kiện dễ dàng trước, rồi sẽ tính sau ?" Bà khẳng định: "Chúng tôi sẽ làm ngay những điều khó làm nhất nhờ lòng tin vào sự quan phòng trợ giúp của Thiên Chúa !"

Ít lâu sau, thống đốc các tiểu bang ở Brasil được mời họp tại thủ đô Rio de Janeiro để nghe bà trình bày dự án. Họ có vẻ hoài nghi nên bà phải đưa ra nhiều chứng minh cụ thể cùng những phương pháp làm việc khoa học. Cuối cùng họ hiểu ra và hết lòng hỗ trợ.

Thế là dự án trở thành hiện thực. Các ngôi nhà dành cho trẻ em con cái người cùi được xây cất và đi vào hoạt động tốt đẹp. Người ta nhận ra ngay rằng các trẻ em bất hạnh này nói chung, còn mạnh giỏi, phát triển nhanh về thể chất, sống vui tươi hồn nhiên còn hơn cả các trẻ em bình thường. Ðối với bà Eunice, bà không tự coi mình là mẹ của các em ấy, cho dù bà gần như là người đã tái sinh chúng vào một cuộc đời hạnh phúc hơn. Bà chỉ một lòng một dạ cùng chồng giữ vai trò của những người bạn lớn tuổi nhưng chân tình của các em mà thôi...

Ban đầu, nhân dân trong vùng cấm con cái họ không được đi ngang hoặc đến gần các khu cách ly trẻ em con cái người cùi. Nhưng chỉ sau vài năm, tình trạng ấy không còn nữa. Ban nhạc của các em được mời đến trình diễn trong các lễ hội của thôn làng. Ðội bóng thiếu niên thì thường xuyên thi đấu giao hữu với các đội ở các trường lân cận. Và không lâu sau đó, những đám cưới tưng bừng đã diễn ra, hội nhập hai bên và xó nhòa mọi thứ kỳ thị cách biệt đã ăn sâu hàng bao thế kỷ nay.

Bà Eunice và Hiệp Hội Bảo Vệ đã không ngừng giúp đỡ, chuẩn bị cho các bạn thanh niên nơi ăn ở và nghề nghiệp sinh sống sau khi ra trường. Năm 1964, tổng cộng đã có 216 bạn trẻ nam nữ con cái người bệnh phong trở thành bác sĩ, nha sĩ, kỹ sư, luật sư, giáo sư... Ðặc biệt có một em bé được nuôi dạy trong trường, khi đưa đi dự hội thi bé khỏe toàn quốc đã đoạt được giải nhất... Tính đến lúc này, bà Eunice đã thành lập được tất cả 170 Hội Bảo Vệ Người Phong trên toàn lãnh thổ với hơn 18.000 nữ nhân viên phục vụ. Tháng 9 năm 1964, để ghi nhớ công lao vĩ đại của bà trong việc góp phần đẩy lui căn bệnh phong cùi, tổ chức xã hội Công Giáo Hoa Kỳ đã quyết định tặng thưởng huy chương cho bà trước Hội nghị Quốc Tế Bảo Vệ Người Phong lần 8 tổ chức tại thủ đô Brasil. Bà cũng là nữ sĩ đầu tiên được chính phủ Brasil ân thưởng huân chương danh dự...

Thế nhưng, điều làm bà hạnh phúc nhất lại chính là việc thay đổi được cái nhìn của mọi người về người bệnh phong, nhờ đó đã cứu vớt được hơn 30.000 công dân Brasil thoát khỏi căn bệnh đau xót nhất, giúp họ có học thức, có nghề nghiệp, có một mái ấm gia đình và có cả một cuộc đời hạnh phúc...

Theo tạp chí TIN VUI của Dòng Phan-xi-cô

CHỨNG TÁ 2:

CÁC VỊ TÔNG ÐỒ CỦA NGƯỜI HỦI

Molokai, quần đảo xa xăm ấy nằm cô đơn giữa lòng Thái Bình Dương mênh mông. Trên đảo toán là người hủi: cụt tay, đứt chân, mắt đui, môi lở, răng rụng...

Một hôm, Ðức Giám Mục đặc trách quần đảo này gióng tiếng kêu gọi các Linh Mục ở Âu Châu tình nguyện hy sinh sang đó phục vụ. Một Linh Mục trẻ, đẹp trai, thông minh, khoẻ mạnh hăng hái đáp lời. Ðó là Cha Damien, người về sau được thêm biệt danh: "Tông Ðồ người hủi".

Chiều hôm đó, trong Nhà Thờ ở đảo Molokai đông nghẹt những người hủi da ngăm đen với mùi hôi tanh nồng nặc, Ðức Giám Mục đứng trên Bàn Thờ quay xuống giới thiệu với giáo danâ: "Các con thân mến, các con hằng mong ước có một Linh Mục đến cùng các con, thì đây, cha Damien, một Linh Mục người Bỉ sẽ sống chung với các con từ nay cho đến chết. Các con có sung sướng không ?"

Cả Nhà Thờ xôn xao, thì thầm to nhỏ. Cha Damien đứng cạnh Ðức Giám Mục chẳng hiểu tý nào. Rồi họ từ từ tiến lên Cung Thánh, dáng điệu chất phác đơn sơ. Cha Damien càng nhìn thấy họ đến gần mình thì càng sởn tóc gáy. Họ trông như những thây ma còn sống, như những quái thai mất hẳn dáng người. Họ làm gì đây ? Họ tiến đến bên cha sờ vào mặt, vào tay, vào áo cha... Cha hỏi Ðức Giám Mục: "Thưa Ðức cha, họ làm gì thế ? Họ nói gì thế ?" Ðức Cha trả lời: "Họ nói, họ không thể tưởng tượng được một người ở phương xa, chẳng bà con huyết thống gì với họ, còn trẻ, đẹp trai, không bệnh tật như cha, tự nhiên lại đến phục vụ họ trên mảnh đất khốn cùng này. Họ không tin mắt mình nên mới đến sờ mó vào người cha, xem thử cha có thực sự bị phung hủi như họ không. Rồi họ nói với nhau: "Không, cha đẹp quá !"

Dần dần, cha Damien hoà đồng được với họ. Ngài không còn cảm thấy tởm gớm họ như ngày đầu. Nói đúng hơn, ngài quá yêu Chúa Giê-su bị bỏ rơi trong họ nên chẳng còn thấy e sợ, gớm ghiếc chi.

Một ngày kia, đến lượt cha cũng bị mắc bệnh phong hủi. Thân hình cha lở loét, nhức nhối. Mặt mày cha sù sì, đen đủi, u nần trông rất dễ sợ. Một số báo ở Bỉ đăng hình cha Damien để mô tả sự hy sinh vĩ đại của cha. Bà cụ thân sinh của cha mắt mờ không đọc được, nhìn vào bức hình cũng chẳng nhận ra nổi người con yêu. Bà hỏi các con trong gia đình: "Hình ai đây mà trông mà trông ghê sợ vậy ?" Các con đều trả lời mẹ:Thưa mẹ, đó là một trong những người hủi trên đảo Molokai của anh Damien đấy". Qua mặt được bà cố, nhưng họ lại nhìn nhau và không ai bảo ai, tất cả đều xót xa rơi lệ... Cha Damien đã sống với người hủi cho đến chết. Tình yêu Chúa đã giúp cha hy sinh suốt đời vì họ.

Ở Việt Nam có hai trại cùi lớn: trại Di Linh trên đường lên Ðà Lạt và trại Quy Hoà ở ngoại ô thị xã Quy Nhơn. Ðức Cha Gio-an Cassaigne đã gắn bó với anh em dân tộc K'Hor ở Di Linh bị phong cùi một thời gian dài, rồi sau 15 năm làm Tổng Giám Mục Sài-gòn, đã lại xin tình nguyện quay trở về sống giữa những người bệnh cùi ở Di Linh. Ngài sống với họ thêm 18 năm rồi lây bệnh và qua đời năm 1973. Trái tim của người Việt Nam và cả thế giới đều rung cảm, ai cũng cảm phục tấm gương chứng nhân của ngài.

Cha Phao-lô Mahu, một Linh Mục người Pháp đã từ giã quê hương với cuộc sống tiện nghi đến sống giữa những người cùi ở Quy Hoà cho đến chết. Xác ngài được chôn cất ngay giữa làng cùi bên cạnh những người ngài thương yêu nhất.

Ngày nay các Giáo Xứ khắp nơi gần xa thường tổ chức hành hương đến Di Linh, Quy Hoà để viếng mộ Ðức Cha Cassaigne và Cha Mahu, thăm viếng và tặng quà cho các bệnh nhân.

Các Nữ Tu của các Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh-sơn và Phan-sinh Thừa Sai Ðức Mẹ đã đến sống phục vụ giữa những người bị xã hội xa lánh loại trừ. Chính tình yêu Chúa Ki-tô đã thúc đẩy các môn đệ đến sống với họ, yêu mến họ, chăm sóc phục vụ họ... Chúa đã sờ đến người cùi và họ liền được lành sạch. Các môn đệ của Chúa cũng sờ vào người cùi, sống với người cùi đem lại cho họ tình thương, bình an và niềm vui.

Lm. NGUYỄN HỮU AN, viết theo

"Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng", ÐHY Nguyễn Văn Thuận

 

CHIA SẺ 1:

MÙA XUÂN VÀ NGƯỜI CÙI

Mỗi năm cứ độ Xuân về, chú ấy cũng như bao người con xa xứ về quê đón Tết cùng gia đình bà con. Năm nay, chú ấy cũng về quê đón Xuân. Quê chú ấy là một làng nằm giữa những buôn của anh em Jrai, cách Pleiku 14 km về hướng Ðông Nam. Chú đi học xa nhà, vào mãi đến tận Sài-gòn để học. Tuy là sống xa quê, xa làng nhưng chú ấy luôn để tâm mình hướng về quê hương trong những giờ học, những công việc và đặc biệt là những dịp về quê ăn Tết hay nghỉ Hè. Những khi về quê, chú ấy thường đi thăm những anh em Jrai, họ vừa nghèo tinh thần lẫn vật chất.

Mỗi lần đi thăm như thế, chú ấy đau và cảm được cái nghèo, nhiều cảnh cơ cực của người nghèo ở đây, nhất là những vết thương lở loét không được chăm sóc do căn bệnh phong cùi của họ... làm chú rưng rưng nước mắt. Chú luôn thao thức làm sao để có thể giúp được cho họ cái gì đó. Nhưng lực bất tòng tâm, vì chú ấy còn đang phải đi học mà.

Năm nay, chú ấy cũng về nhưng có vẻ như vui hơn mọi năm, với sự giúp đỡ của Quỹ Gospelnet, chú ấy có một khoản tiền 200 USD của các anh chị một ca đoàn người Việt bên Mỹ mới gửi về những ngày áp Tết, một số tiền mà có thể nói là đối với anh em Jrai nghèo là rất lớn. Chú ấy cùng các bạn trẻ trong làng chú ấy dành trọn một ngày mùng 4 Tết để đi thăm anh em Jrai, đặc biệt là những người cùi. Trên 5 chiếc xe công nông, khoảng 100 bạn trẻ người Kinh trong Giáo Xứ của chú mang theo số quà quyên góp được trong Giáo Xứ như bánh tét, bánh chưng, cùng với số mì tôm, bánh, xì dầu, bột ngọt mua từ số tiền của Gospelnet; các bạn phân chia thành từng gói nhỏ, chia nhau đến 10 làng lân cận: Plei Ngo Tả, Plei Chơ Ri, Plei O Ðẻ, Plei Bao, Plei A La Moi, Plei Ngâm Thung, Plei Tà Phăm, Plei Iahet, Plei Poongla...

Chú ấy không thể đi hết được các làng. Các bạn trẻ ưu tiên cho chú đi thăm các làng anh em Jrai bị bệnh phong cùi. Hai chiếc xe công nông chở đầy người và quà, vượt con đường dài hơn chục cây số bụi bặm và đầy ổ gà ổ voi của đất đỏ ba-zan, hướng về làng phong mang tên Plei Chơ Ri.

Ðến nơi, chú ấy vào thăm một ông già bị cùi ăn lở loét cả chân. Chú ấy cảm thương ông già ấy lắm, chú ấy cũng nói được vài tiếng Jrai xã giao, ông già vui lắm, rươm rướm nước mắt kể chuyện về làng mình. Cụ già tuy bị đau nhức vì căn bệnh cùi, nhưng nét mặt vẫn hết sức tươi vui. Cụ một mình tự nấu ăn, có gì ăn đó. Cụ ở một mình không con, một tay trái bị vi trùng Hansen ăn cụt mất mấy ngón, tay phải cũng bị cụt, nhưng còn lại vài ngón đủ để cầm đôi đũa bếp khuấy nước khi cơm sôi. Cứ thế cụ già sống qua ngày trong cảnh bơ vơ và nghèo đói. Chú nhìn cụ già mà rươm rướm nước mắt...

Rời ngôi căn nhà sàn xọp xẹp, chú đi đến một ngôi nhà sàn khác, cũng không kém tang thương tàn tạ so với căn của ông cụ, nhưng chủ nhà ở đây là một người phụ nữ khoảng chừng 45 tuổi. Khi cả đoàn kéo đến, chị cứ ngồi một chỗ cúi gằm mặt xuống. Chú tìm cách tiếp cận nói chuyện thì mới biết chị ấy quá xúc động, chỉ biết giấu khuôn mặt đi để khóc. Ðã lâu lắm rồi ít ai ghé thăm làng chị. Chị cũng không đứng lên ra đón đoàn được chỉ vì đôi chân lở loét của chị đã hoàn toàn không di chuyển được nữa...

Rời làng Chơ Ri, chú ấy và các bạn trẻ trong đoàn đều sụt sùi nước mắt trước cảnh dân làng kéo nhau ra vẫy tay tiễn đoàn ra về... Hai chiếc công nông lại rú ga lên đường, để lại một đám mù mịt bụi đất đỏ ba-zan sau lưng, trả lại cho khung cảnh cô tịch ở đây với cái nghèo xác xơ muôn thuở của nó. Chú ấy cùng đoàn đến một làng khác, rồi một làng khác nữa. Cũng vẫn cảnh nghèo và phong cùi lở loét như ở làng Chơ Ri, chú ấy chỉ biết thầm cầu nguyện cho họ thôi.

Sau một ngày trời rong ruổi trên những con đường đất đỏ ba-zan Tây Nguyên, chú ấy về nhà. Thấm mệt, chú ấy ngã lưng thiếp đi lúc nào không biết, mặc cho một lớp dày bụi bặm bám cả trên quần áo. Hình ảnh ấy phải chăng muốn nói lên một ý nghĩa gì chăng ? Một Tây Nguyên còn nhiều bụi đất chưa gột rửa ? Một Tây Nguyên mệt mỏi vì rừng thiêng nước độc ? Hay một Tây Nguyên ngủ lịm để quên đi quá khứ và hiện tại quá nghèo đói và khó khăn của mình ? Tất cả những thắc mắc của bao người, bao thế hệ trôi qua cũng là thế, đều giống nhau... Nhưng sau đó là gì ?

Trong mơ, chú ấy nở nụ cười và cảm thấy thoảng qua niềm hạnh phúc nho nhỏ mà sâu xa, vì ít ra cũng đã làm được một chút gì đó cho những con người kém may mắn hơn mình trong Xuân mới này. Họ cũng gặp được một mùa Xuân đầy tình người. Và trong giấc mơ đó, chú ấy nhận ra cũng có rất nhiều người mang trong mình lòng quảng đại xả thân cho vùng đất đỏ Tây Nguyên này. Và, có lẽ trong giấc mơ đó, chú ấy không quên nghĩ tưởng đến một ngày không xa chú ấy sẽ cùng các bạn trẻ nhiệt huyết có dịp để trở lại phục vụ những con người nghèo khổ này. Và, chú ấy còn mơ nhiều lắm...

Ts. NGUYỄN ÐÌNH PHƯỚC, DCCT

CHIA SẺ 2:

ẤN TƯỠNG XUÂN QUÝ MÙI

            Hành trang trên vai, tôi và một anh trong Nhóm Sinh Viên Hiệp Thông đến điểm hẹn tại sân Tu Viện DCCT Sài-gòn để khởi hành đi đến một nơi gọi là Buôn Ma Thuột.

                9 giờ ngày 3.2.2003,mồng 3 Tết Quý Mùi, chiếc xe mang tên Thanh Thủy lăn bánh, trước mắt là đoạn đường dài hơn 350 km. Cả đoàn chỉ vỏn vẹn có 5 người, hai anh em sinh viên chúng tôi, cha Uy, thầy Thịnh, DCCT, và anh Dũng, một kỹ sư phần mềm, Tin Học. Thêm 5 hành khách, bác tài tên Trung, một cựu Chủng Sinh Kontum "Ta-ru" và anh lơ, chưa ai quen biết nhau từ trước, nhưng chỉ vài câu chuyện tếu táo vui nhộn là mọi người đã như quen nhau từ lâu. Lại còn thêm một chú nhồng nhốt trong lồng để ở đuôi xe, cứ đợi mọi người vừa thiếp ngủ là lại gọi "Anh ơi, anh à !" ngọt như hai người yêu đang tỉ tê tâm sự !

Ðúng 11 giờ 30, bác tài dừng xe vào một quán dọc đường. Trong bàn ăn chỉ có 12 người, một con số thật đẹp phải không các bạn ? Bữa trưa cứ như một bữa ăn trong gia đình, bất giác không hẹn mà mọi người đều đưa tay lên làm dấu Thánh Giá, mắt nhìn nhau như thoáng một nụ cười hiệp thông. Bữa cơm đã ngon lại như ngon hơn một chút. Rồi chúng tôi lại tiếp tục lên đường hướng về Quốc Lộ 14... Ðến 4 giờ chiều thì thành phố Buôn Ma Thuột hiện ra trước mắt chúng tôi. Bác tài dừng xe thả chúng tôi xuống sân Trường Mẫu Giáo Họa Mi của các Soeurs Dòng Nữ Vương Hòa Bình. Hóa ra tất cả hành khách đều xuống đây và đều là người nhà quen biết với nhau cả.

Sau khi ổn định chỗ ở, chúng tôi đươc các Soeurs mời lên xe đưa sang thăm Nhà Dòng Mẹ, vừa giải lao vừa nghe các Soeurs kể cho nghe về việc Tông Ðồ các Soeurs đã và đang làm, những việc mà tôi nghĩ nếu là tôi, không biết có đủ can đảm và nhẫn nại để làm ngày này qua tháng nọ cho người nghèo, lại là những người cùi, những người anh em dân tộc ?

Ngày mồng 4 Tết, các Soeur chở chúng tôi vào trại phong Eana, nơi tiếp nhận những bệnh nhân phong dân tộc Êđê. Trong lúc chờ gọi tên phát quà, chúng tôi tản ra phát kẹo cho các em. Tôi rất quý tính thật thà của các em. Có những em ngồi ở xa, tôi tưởng chưa có quà nên hỏi thì em ra dấu rằng em đã có rồi... Ðối với trẻ em người Kinh thì chắc là...

Sau khi phát quà xong, chúng tôi đi thăm các gia đình bệnh nhân ở trong những căn nhà sàn tập thể. Có trường hợp cả 3 chị em gái đều bị cùi ở với nhau, độc thân, đùm bọc chăm sóc nhau đã hơn nửa thế kỷ, người chị cả đã gần 90 tuổi, đang run lẩy bẩy, ngồi rũ ra ở góc nhà, đôi mắt hoàn toàn bị lòa...

Buổi chiều, Soeur Hoà lái xe chở chúng tôi vào thăm buôn Aring, thuộc Giáo Xứ Ðạt Lý, Nam Thiên, nằm xa quốc lộ, phải đi xuyên qua những cánh rừng cao-su trơ trụi lá... Ði cùng chúng tôi có Soeur Ðức, Soeur Mai và bác giáo phu Ama Tuấn và ông đại diện cộng đoàn tên là Ama Jat. Nét đặc biệt của người dân tộc là cầu nguyện tự phát hết sức sốt sắng chân thành. Nhờ Soeur Ðức dịch lại, chúng tôi hiểu họ đã dùng chính Lời Chúa để tạ ơn Thiên Chúa là Cha chung yêu dấu của họ. Ở đâu, chúng tôi cũng bắt gặp những nụ cười và khuôn mặt rạng rỡ cho dù đời sống của họ còn quá khó khăn và vất vả.

Lúc trở về nhà bác Ama Tuấn ở ngoài lộ, thấy có một gian phòng để trống khá rộng, không biết dùng làm gì, tôi đang thắc mắc thì Ama Tuấn cho biết phòng đó gia đình bác dành riêng làm nơi tập họp cộng đoàn các nơi về cầu nguyện. Bác là giáo phu nên thường xuyên ngược xuôi đi thăm các cộng đoàn, các buôn làng gần xa, thay Linh Mục lo liệu mọi sự về mặt Giáo Lý, nghi thức Mục Vụ, Tông Ðồ... Ðặc biệt trong chỉ một tuần lễ áp Tết, liên tục 4, 5 người qua đời. Nhiều khi trước cảnh đau khổ của đồng bào, lại nghe tiếng khóc rền rĩ xót xa, bác tâm sự là đã có lúc quá ám ảnh và căng thẳng, phải hút thuốc lá trở lại dù đã cai được mấy năm làm gương cho thanh niên trong buôn. Bù lại, nhờ Ơn Chúa, bác đã tìm thấy được hạnh phúc khi công việc rao giảng Tin Mừng ở đây tiến triển rất tốt đẹp, đời sống tâm linh của đồng bào Êđê ngày một tăng trưởng sâu xa...

Mùng 5 Tết, chúng tôi đi thăm Giáo Xứ Kim Phát của cha Lương, rồi đến hồ Lak, Krông Kmar, ngắm dòng thác tuyệt vời đổ nước xuống một bãi đá hàng triệu năm tuổi... Ðiểm cuối cùng của chúng tôi đến hành hương là núi Ðức Mẹ Giang Sơn nơi ngày xưa ông Diệm dùng máy bay để "thả" Ðức Mẹ trên đó... Trong giây phút thinh lặng. tôi đứng dưới chân Mẹ, thấy mình thật nhỏ bé giữa cảnh thiên nhiên bạt ngàn, biết bao ước mơ tôi muốn làm nhưng không thể làm hết được, tôi nguyện xin Mẹ hãy mang những ước mơ của con đi và biến thành hiện thức tươi sáng cho những bệnh nhân phong, cùng những người anh em dân tộc nghèo quá dễ thương ở vùng đất Buôn Mê Thuột "bụi mù trời" nhưng không hề "buồn muôn thuở" này...

Rảo bước hành lang con thầm nghĩ

Sống đời đan sĩ chỉ vì yêu

Suốt đời con luôn thầm nghĩ

Chúa xuống trần cũng chỉ vì yêu.                

THẢO, Nhóm SV. Hiệp Thông

CHIA SẺ 3:

"NẾU NGÀI MUỐN, NGÀI CÓ THỂ CHO TÔI ÐƯỠC SẠCH" ( Mc 1, 40 b )

Tôi vẫn có thói quen sau khi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật mỗi tuần, tìm đọc ngay bài Tin Mừng của Chúa Nhật kế tiếp, và cũng theo thói quen từ bốn năm nay, mỗi sáng tôi đều mở vi tính để xem thư điện tử, loại hình thư tín hết sức tiện lợi, ít tốn kém và mau lẹ, cho phép ta liên lạc hằng ngày với người thân, bạn bè và các mối liên hệ trên khắp thế giới. Thế nhưng, sáng hôm nay, tự nhiên tôi giật mình: có khi nào chính sự tiện lợi và tiện nghi này vô tình giết chết những tình cảm mà ngày xưa những lá thư viết vất vả, gửi chậm chạp, lại có được và nói lên được chăng ? Thú thật, bây giờ, nghĩa là từ vài ba năm nay, tôi không còn thấy quý trọng thư tín và mất hết háo hức, vui mừng những khi nhận được thư.

Tôi muốn gợi lại ý tưởng này, vì sáng nay, khi mở vi tính, tôi thấy hàng chữ rất quen thuộc "Xin báo tin vui" của một cha DCCT phụ trách chương trình Gospelnet, như rất nhiều thư "báo tin vui" mà thời gian gần đây, tôi nhận được hầu như hằng tuần, thậm chí hằng ngày, về những giúp đỡ lớn nhỏ gửi cho anh em người nghèo, người dân tộc, các cháu cô nhi và người cùi, mà các ân nhân khắp nơi gửi về qua vị Linh Mục trẻ này. Thư hôm nay, cha cho biết có một ân nhân ở Mỹ gửi giúp người cùi 200 USD và cha nhớ ngay đến anh em cùi "của" chúng tôi, một Nhóm Cựu Chủng Sinh Kontum đang cố gắng làm công tác Tông Ðồ, bằng những việc làm rất nhỏ nhoi: tìm đến, thăm viếng, chuyển những quà tặng của các ân nhân như quần áo, mắm muối, nhưng cũng có khi là những món tiền để mua gạo, mua thêm sách vở cho các anh em bất hạnh của chúng tôi hoặc cho con cháu họ.

Thấy cha nhớ đến các anh em bệnh nhân phong cùi ở Giáo Phận Nha Trang, nơi chúng tôi vừa bàn nhau sẽ "phụ trách" thêm, tôi hơi ngần ngại, vì quả thực tôi mới biết làng phong này, chứ chưa tìm hiểu sâu sát về hoàn cảnh, đời sống và nhu cầu của anh em bệnh nhân và gia đình họ. Tôi định sẽ thu xếp giờ, để dành một ngày gần đây nhất đi thăm và tìm hiểu làng phong Cam Tân ( mà chúng tôi còn gọi sai là làng Phong Lập Ðịnh, do thường sử dụng con đường trải nhựa băng qua xã Lập Ðịnh và đập nước, hơn là đi vào bằng con đường đất băng qua ga Hoà Tân ).

Trước mắt, tôi sẽ trả lời và cám ơn cha, vì chưa thấy nhu cầu, bởi nơi chúng tôi còn một ít quần áo và gạo, đủ cho một vài chuyến thăm làm quen ban đầu. Ðọc xong các thư bạn bè, người quen, tôi đóng máy và lần giở bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 5 thường niên, năm B, theo Thánh Mác-cô ( 1, 40 - 45 ) và giật mình: Chúa Giê-su chữa người bệnh phong: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể cho tôi được sạch".

 Chỉ vì tôi không muốn. Chỉ vì hôm nay là ngày Chúa Nhật, nhiều thời giờ hơn cho những gặp gỡ giao tiếp, nhiều thời giờ hơn để nghỉ ngơi. Tôi làm tông đồ kiểu "nghiệp dư" ( amateur ), tùy hứng, như một cách để làm yên lương tâm mình. Không loại trừ việc ngấm ngầm có một chút tự tôn, khác đời. Tôi chẳng thực tâm MUỐN đến với anh em tôi, những người bất hạnh nhất trong những nấc thang bất hạnh của xã hội. Họ chẳng giúp gì cho ai, chẳng giúp gì cho tôi, không làm lợi gì cho đời, mà chỉ nên gánh nặng cho xã hội, hạng người chỉ đủ cho những tấm lòng từ thiện thầm nghĩ "bỏ thì thương, vương thì nặng". Tôi thấy như anh em bệnh nhân phong ngước nhìn tôi và nói: "Nếu anh muốn, anh có thể giúp đỡ chúng tôi".

Làng Phong Cam Tân hay "Làng Phong Lập Ðịnh" theo cách gọi sai của chúng tôi, nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 25 cây số. Từ Nha Trang vào Sài-gòn, tới biển báo ga xe lửa Hòa Tân rẽ tay phải khoảng 2,5 cây số nữa, mùa này sẽ thấy những rẫy mía chạy dài tới sườn núi, bắt đầu có dấu hiệu trổ bông lau trắng và khô đi, vì dù giá đã hạ rất thấp, mà vẫn không tìm ra người mua.

Mấy ngày này, báo chí đưa tin số đường còn tồn kho rất lớn, trên 200.000 tấn và không thể tiêu thụ, do đường nhập lậu nhiều, trong khi giá thành sản xuất trong nước quá cao. Người nông dân điêu đứng. Người cùi và gia đình họ còn điêu đứng hơn. Thu nhập cả một năm chỉ trông cậy vào số mía cây lèo tèo xơ xác này, ngoài ra không có nhiều nguồn khác.

Soeur Cao Thị Quý, Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá Tân Bình (Nha Trang), phụ trách khu vực và Làng Phong này, cho biết: Ngay những thanh niên khoẻ mạnh đi tìm việc làm xa, đồng lương ít ỏi, vẫn phải dấu nhẹm gốc "dân làng cùi", bởi xã hội hôm nay còn rất nhiều thành kiến đối với người bệnh phong.

Không kể hai làng dân tộc thiểu số trên 450 người, thì Làng Phong Cam Tân có 36 hộ với khoảng 150 nhân khẩu, trong đó có 30 bệnh nhân phong. Ða số đã được chữa trị và vẫn tiếp tục nhận thuốc uống. Chỉ duy nhất có một thanh niên bắt đầu có triệu chứng ngoài da và Trung Tâm Da Liễu đã xác nhận là bị phong. Ði từ ngoài đường vào giữa làng, lẫn lộn trong các nương mía, tự nhiên ta chợt có nhận xét, rằng làng phong Cam Tân chẳng những không nghèo đói, mà có thể nói là đang khấm khá lên: những dãy nhà xây gọn gàng, sạch sẽ, trẻ em nô đùa vui vẻ, những cháu gái bắt đầu lớn cũng ăn mặc khá tươm tất, khác với nhiều làng phong mà chúng tôi lui tới thăm viếng hoặc công tác trước đây, ở Eana ( Dăk Lăk ), ở Dăk Tia ( Kontum ) hoặc những nơi nào khác nữa.

Như biết thắc mắc của tôi, Soeur Quý hỏi tôi xem có thấy nét đặc biệt nào ở những ngôi nhà ấy chăng ? Có, tôi thấy một kiểu nhà giống hệt nhau, màu vôi quét, nền xi-măng y như nhau và trước mỗi căn nhà, đều có gắn một cái bảng nhỏ. Ðó là quà tặng của các ân nhân, các tổ chức từ thiện, giúp để xây dựng nhà cửa cho Làng Phong. Các Linh Mục, Tu Sĩ Dòng Ngôi Lời ( trước đây là Dòng Giu-se ) phụ trách trước đây, đã đứng ra nhận và thực hiện.

Thời gian gần đây, khi Nhà Trẻ và Trạm Y Tế miễn phí đã được giao cho các Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá Tân Bình – Nha Trang ( Dòng Mẹ ở cách đó khoảng 5 cây số ), do ba Nữ Tu phụ trách nuôi dạy trẻ em người kinh và người dân tộc, nhưng do diều kiện khách quan, việc thăm viếng, tiếp xúc trực tiếp của các Nữ Tu với hai làng dân tộc, trong đó có một số anh em Công Giáo, đang rất khó khăn. Thỉnh thoảng anh em Legio hoặc Phan-sinh cũng ghé thăm và tặng chút quà.

Mỗi tuần, vào chiều thứ bảy, Linh Mục Quản Xứ Cửu Lợi Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Hưởng ( ở cách đó 5 cây số ) đến dâng Thánh Lễ cho anh em Làng Phong. Các anh em dân tộc có Ðạo, khoảng hơn 40 người, đi từ trên núi xuống từ rất sớm để cùng tham dự Thánh Lễ với cộng đoàn Nữ Tu nhỏ bé. "Không thể để họ bụng đói trở về làng", các Nữ Tu đã cố gắng tìm cách cho họ ăn...

Bây giờ suy nghĩ lại rồi, tôi muốn khi về lại nhà, sẽ biên thư ngay cho cha phụ trách Gospelnet ưu tiên cho anh em dân tộc bệnh phong món tiền 200 USD ấy, đủ giúp họ mỗi tuần một bửa cơm đạm bạc, nhưng chắc chắn sẽ sưởi ấm tâm hồn họ, cho họ nhiều ủi an vì biết họ vẫn luôn được nghĩ đến và chia sẻ. Nhưng thật ra, người được ấm lòng nhất, lại chính là Chúa Giê-su !

"Nếu con muốn, con có thể cho họ được sạch". "Sạch" khỏi những mặc cảm dai dẳng đè nặng, không thể thổ lộ chia sẻ với ai. "Sạch" những ý nghĩ bi quan không thể không chợt đến một lúc nào đó, có khi là thường xuyên, vì thấy được nơi chúng con tình yêu thươn chân thành, sự kính trọng, không chỉ là tình người, không vì lòng từ thiện, mà chỉ vì chúng ta đều là con cùng một Cha trên Trời !

NGUYỄN THẾ BÀI, Nha Trang, Chúa Nhật 9.2.2003

 

THÔNG TIN:

NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ VẬT PHẨM ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Một Linh Mục ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp học bổng trẻ em nghèo .................................................................  300.000 VND

- Gia đình cô Trúc, Giáo Xứ ÐMHCG ( Sài-gòn ) giúp học bổng trẻ em nghèo ..........................................  200.000 VND

- Ðộc giả Hồ Phương ( Hoa Kỳ ) giúp người nghèo ..................................................................................................... 100 USD

- Ðộc giả Trương Minh Ðạo ( Colorado, Hoa Kỳ ) giúp người nghèo .....................................................................  300 USD

NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ QUÀ TRỠ GIÚP ÐỘT XUẤT

- Quỹ Gospelnet chuyển đến cha Nguyễn Ðức Mừng, DCCT, lo người dân tộc ở Bảo Lộc ........................................  1 thùng thuốc Tây

- Quỹ Gospelnet chuyển đến cha Nguyễn Huy Tảo, lo người nghèo ở Bắc Giang ...........................  1 thùng thuốc Tây

- Quỹ Gospelnet chuyển đến cha Ngô Tấn Lực, DCCT, lo người nghèo ở Quảng Nam ..............................................  1 thùng thuốc Tây

- Quỹ Gospelnet giúp bệnh nhân phong ở Kontum ( qua thầy Nguyễn Ðình Phước, DCCT ) ........................................................  200 USD

- Bạn MK Duyên Châu ( Sài-gòn ) tặng GLV dân tộc ở Kontum .................................................... 2 thùng mì, 1 thùng quần áo

- Một ân nhân ( Sài-gòn ) tặng GLV dân tộc ở Kontum, ký hiệu MCS 39 ......................................  1 gói và 1 thùng quà

- Một ân nhân ( Sài-gòn ) tặng GLV dân tộc ở Kontum ..............................................................  2 gói và 1 bao quần áo cũ

- Bác sĩ Bích Ðào ( Pháp ) tặng trẻ em nghèo Khu Kinh Tế Mới Lê Minh Xuân .....................................  2.000.000 VND

- Giúp buôn A-Ring người Ê-đê ( Buôn Ma Thuột ) qua Sr. Nguyễn Thị Ðức, Dòng NVHB ..............................................  1.000.000 VND

- Một đôi vợ chồng trẻ Việt Kiều ( Hoa Kỳ ) tặng Trại Phong Eana .......................................................................  100 USD

- Hai Giáo Dân Giáo Xứ ÐMHCG ( Sài-gòn ) tặng Trại Phong Eana ...............................................................  750.000 VND

- Một Giáo Dân Giáo Xứ Phát Diệm ( Sài-gòn ) tặng Trại Phong Eana .........................................................  100.000 VND

- Cha Phạm Văn Bảo, DCCT, tặng Trại Phong Eana ...........................................................................................  100.000 VND

- Giúp tiền thuê nhà cho hai mẹ con một bệnh nhân AIDS ( Sài-gòn ).......................................................... 250.000 VND

- Giúp một cụ già khuyết tật ( Sài-gòn ) đi khám bệnh mua thuốc ................................................................  100.000 VND

- Giúp 600 tập Làm Quen Với Kinh Thánh cho các điểm Truyền Giáo ở Buôn Ma Thuột ......................  400.000 VND

- Ca đoàn Việt Linh và bạn MK Bích Sơn ( Hoa Kỳ ) giúp Làng Phong Cam Tân ...............................................  200 USD

- Bà Võ Minh Tri ( Pháp ) tặng các Làng Phong của Hà Nội và Bắc Ninh ...........................................  10.000 gói mì tôm

Xin đính chính: Trên Gospelnet số 98, bác sĩ Bích Ðào ( Pháp ) chỉ giúp Trại Phong Eana 100 bộ quần áo mới, còn số tiền 2.000.000 VND là để tặng dịp Tết cho các em nghèo ở khu Kinh Tế Mới Lê Minh Xuân, quận Bình Chánh, do cha Mai Văn Hiền, DCCT, phụ trách.

VỀ CÁC DỰ ÁN XIN TRỠ GIÚP ÐÀO GIẾNG

Gospelnet vừa nhận được thông tin từ HỘI HELP THE POOR: Hội tiếp tục mở rộng chương trình làm giếng nước cho đồng bào nghèo không phân biệt lương - giáo ở các nơi, mỗi giếng được trợ giúp 100 USD và nhắm có thể phục vụ cho 10 gia đình dùng chung. Năm 2002 vừa qua, đã có nơi làm được 12 giếng với số tiền 1.000 USD. Xin quý cha, quý Srs. cũng như quý vị lãnh đạo các tôn giáo bạn có thể liên hệ ngay với Linh Mục TRỊNH TUẤN HOÀNG, OFM, qua địa chỉ E-Mail: chatuanhoang@hotmail.com hoặc PO BOX 8352, Fountain Valley, CA 92728-8352, USA

HỌC BỔNG CHO 28 EM GIÁO PHẬN BÙI CHU Ở TỈNH NAM ÐỊNH

Cha Lê Quang Uy, DCCT, giới thiệu một danh sách 28 em học sinh có hoàn cảnh gia đình rất nghèo, hiện cư ngụ tại xã Xuân Vinh, huyện Xuyên Trường, tỉnh Nam Ðịnh, thuộc về Giáo Họ Nam Ðiền, Giáo Xứ Phú Nhai, Giáo Phận Bùi Chu. Gospelnet xin trợ giúp mỗi em 50.000 VND cho tháng 2.2003, tổng cộng: 50.000 VND x 28 = 1.400.000 VND. Số tiền này được trích ra từ khoản chia sẻ của các anh chị em trong Ðoàn Thanh Niên Công Giáo Hartford, Connecticut, Hoa Kỳ. Xin thay mặt gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

HỌC BỔNG CHO 10 EM Ở ÐẤT SÉT - NHA TRANG

Cha Nguyễn Văn Có cha Lê Khắc Lâm, Dòng Phan-xi-cô, Giáo Xứ Ðất Sét, Nha Trang, giới thiệu 10 em học sinh nghèo. Gospelnet xin trợ giúp mỗi em 50.000 VND một tháng, trong hai tháng 1 và 2.2002, tổng cộng: 1.000.000 VND. Số tiền này được trích ra từ khoản chia sẻ của các anh chị em trong Ðoàn Thanh Niên Công Giáo Hartford, Connecticut, Hoa Kỳ. Xin thay mặt Cha Lâm và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

HỌC BỔNG CHO 26 EM Ở BUÔN MA THUỘT

Các Soeurs Trần Thị Mơ và Ðậu Thị Thu Hương, Dòng Nữ Vương Hòa Bình, giới thiệu danh sách 26 em học sinh có hoàn cảnh rất nghèo, cư ngụ tại các xã vùng sâu hoặc vùng núi ( Eatur, Krong Ana, Chư Eabur, Hòa Thuận, Hòa Hiệp... ) của tỉnh Dak Lak và thành phố Buôn Ma Thuột. Gospelnet 99 xin bắt đầu trợ giúp mỗi em 50.000 VND một tháng, cho hai tháng 2 và 3.2003, tổng cộng: 2.600.000 VND. Số tiền này được trích ra từ khoản chia sẻ của các anh chị em trong Ðoàn Thanh Niên Công Giáo Hartford, Connecticut, Hoa Kỳ. Xin thay mặt các Soeurs và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.


01. MAI THỊ THÙY DƯƠNG, học lớp 8

02. MAI VĂN DUY, học lớp 6

03. MAI THỊ NGỌC DIỆP, học lớp 4.

04. ÐẬU QUANG HIẾU, đại học năm 1.

05. ÐẬU QUANG HỒNG, học lớp 7.

06. ÐẬU QUANG VIỆT, học mẫu giáo.

07. ÐẬU QUANG LÂM, bắt đầu đi nhà trẻ.

08. NGUYỄN THỊ THAO, học lớp 10.

09. NGUYỄN THỊ MAI LOAN, học lớp 4.

10. NGUYỄN VĂN BẰNG, học lớp 2.

11. TRẦN THIỆN THANH, học lớp 5.

12. BÙI KHẮC THÀNH, học lớp 5, không mẹ.

13. NGUYỄN QUỲNH TÚ OANH, học lớp 1.

14. VŨ QUANG ÐỈNH, học lớp 7.

15. TRẦN THỊ BÍCH VÂN, học mẫu giáo.

16. TRẦN THIỆN NGUYÊN, học lớp 6.

17. VÕ QUÂN, học lớp 2.

18. NGUYỄN THỊ KIM NGA, học lớp 8.

19. TRẦN CHÂU, học lớp 6.

20. ÐẶNG THẾ DŨNG, học lớp 4.

21. HOÀNG ÐÌNH HẢI, học lớp 7.

22. NGUYỄN VĂN KHÁNH, học lớp 8.

23. H’LICH KEN, học lớp 10.

24. TRẦN THẮNG ÐỊNH, học lớp 5.

25. NGUYỄN XUÂN TRÌNH, học lớp 1.

26. TRẦN THỊ THÚY VI, học lớp 1.


HỌC BỔNG CHO 6 EM Ở BẢO LỘC

Gospelnet số 99 tiếp tục trợ giúp cho 6 em học sinh nghèo thuộc khu Kinh Tế Mới thôn Tân Bình, xã Lộc Thanh, huyện Bảo Lộc ( danh sách đã đăng trên Gospelnet số 77 ngày 22.9.2002 ) trong hai tháng 2 và 3.2003, tổng cộng: 6 em x 50.000 VND x 2 tháng = 600.000 VND, xin chuyển đến thầy Vũ Ðại Dương để phân phối đến tận gia đình các em.

HỌC BỔNG CHO 11 EM Ở LONG KHÁNH

Gospelnet số 99 tiếp tục trợ giúp cho 11 em học sinh nghèo ở Long Khánh ( danh sách đã đăng trên Gospelnet số 50 ngày 3.3.2002 ) trong hai tháng 2 và 3.2003, tổng cộng: 11 em x 50.000 VND x 2 tháng = 1.100.000 VND, xin chuyển đến cộng đoàn Thiên Phúc để phân phối đến tận gia đình các em. Cũng xin đính chính: Trong Gospelnet số 96, chúng tôi đã thông tin có một chút sai sót, xin điều chỉnh lại là: "Gospelnet số 96 tiếp tục trợ giúp tháng 1.2003".

HỌC BỔNG CHO 12 EM Ở AN THỚI ÐÔNG, CẦN GIỜ

Gospelnet số 99 xin tiếp tục trợ giúp tháng 2.2003 cho 12 em học sinh nghèo ở Ðiểm Truyền Giáo An thới Ðông, huyện Cần Giờ, ngoại thành Sài-gòn, do cha Hoàng Minh Ðức, DCCT, phụ trách, tổng cộng: 12 em x 50.000 VND = 600.000 VND.

CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG NAM THIÊN CHO 26 EM Ở BAN-MÊ-THUẬT

Gospelnet số 99 xin tiếp tục trợ giúp hai tháng 2 và 3.2003 cho 26 em học sinh nghèo, trong đó có 20 người dân tộc Ê-đê và 6 em người Kinh cũng có hoàn cảnh hết sức khó khăn tại Giáo Xứ Nam Thiên, Giáo Phận Buôn Mê Thuột, do Sr. Nguyễn Thị Ðức, Dòng Nữ Vương Hòa Bình, đang phục vụ. Tổng cộng: 26 em x 2 tháng x 50.000 VND = 2.600.000 VND.

CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG BẮC NINH CHO 71 EM MIỀN BẮC

Gospelnet số 99 xin tiếp tục trợ giúp tháng 2.2203 cho 71 em học sinh nghèo ở rải rác tại vùng nông thôn nghèo của các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phúc Yên, Ninh Bình, Hà Nội, Hưng Yên, những nơi đang có các soeurs Dòng Ða-minh Bắc Ninh, cộng đoàn Xuân Hòa, phục vụ. Tổng cộng: 71 em x 50.000 VND = 3.550.000 VND.

LỜI KÊU GỌI TRỠ GIÚP 10 CĂN NHÀ CHO NGƯỜI KHMER NGHÈO Ở SÓC TRĂNG

Tôi là Linh Mục Phê-rô Tống Văn Năm, được Ðức Giám Mục Giáo Phận Cần Thơ bổ nhiệm lo việc truyền giáo cho anh chị em sắc tộc Khmer vùng Sóc Trăng đã được hơn 4 năm. Cộng đoàn Khmer mới mẻ này đến nay được 301 gia đình Công Giáo, gồm 696 người già trẻ lớn bé, con cái thất học rất nhiều, phần lớn đang còn là Dự Tòng, ở rải rác trong 16 ấp và khóm của 4 xã và 1 thị, trong một bán kính cách Nhà Thờ từ 10 - 15 km, mỗi lần về tham dự Thánh Lễ phải hết 10.000 VND đi xe trở lên.

Khi đi thăm viếng, tôi nhận thấy phần đông họ quá nghèo, làm thuê làm mướn để sống qua ngày, có ai mướn thì có cơm ăn, còn không thì ăn cháo hoặc chịu đói. Thấy họ sống cảnh thiếu thốn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà dột cột xiêu, ọp ẹp rách nát, tôi thật đau lòng, nhưng lực bất tòng tâm. Lời Chúa bảo: "Các con hãy cho họ ăn đi..." nhưng chúng con biết lấy đâu ra tiền mà... ? Tôi khẩn khoản xin quý ân nhân gần xa trợ giúp 10 gia đình ở cộng đoàn Phú Tâm có được 10 căn nhà dựng lại kịp trước mùa mưa năm 2003 này: kinh phí cho mỗi căn được chiết tính chi tiết ở mức tiết kiệm tối đa như sau:

- Ðòn tay : 40 ( dầy 1,20 mm ): 9 c x 47.000 VND = ..................................  423.000 VND

- Cột : 50 ( dầy 1,20 mm ): 9 c x 75.000 VND = ..........................................  450.000 VND

- Kèo : 30 ( dầy 1,20 mm ): 6 c x 35.000 VND = .........................................  210.000 VND

- Tôn kẽm ( dầy 0,28 mm ): 35 m x 19.500 VND = ....................................  682.000 VND

- Tôn dừng : 30 ( dầy 1,20 mm ): 72 x 19.500 VND = ............................  1.404.000 VND

- Sắt dừng :  30 ( dầy 1,20 mm ): 25 x 35.000 VND = ................................  875.000 VND

- Gạch lót: 228 viên x 1.700 VND = .............................................................  387.000 VND

- Ðá ½: 0,50 m3 x 130.000 VND = ....................................................................  65.000 VND

- Xi-măng: 8 bao x 45.000 VND = .................................................................  360.000 VND

- Cát nền: 3,00 m3 x 28.000 VND = ...............................................................  140.000 VND

- Ðinh vis: 3 bao x 45.500 VND = ..................................................................  130.000 VND

- Cát xây: 5,00 m3 x 30.000 VND = ...............................................................  150.000 VND

- Công thợ: .........................................................................................................  500.000 VND

Tổng cộng giá thành 1 căn = ........................................................................  5.777.000 VND

Tổng cộng giá thành 10 căn x 5.777.000 VND = ...................................  57.770.000 VND

Dưới đây là danh sách 10 gia đình xin được cất nhà thuộc cộng đoàn Khmer Phú Tâm:

01. Bà Ma-ri-a THẠCH THỊ SUA, ấp Thọ Hòa Ðông A

02. Bà Ma-ri-a DANH THỊ SẬM, ấp Thọ Hòa Ðông A

03. Bà Ma-ri-a NGUYỄN THỊ THAO, ấp Phú Hữu

04. Bà Tê-rê-xa HUỲNH THỊ SANG, ấp Phước Phong

05. Bà Ma-ri-a TRẦN THỊ SEN, ấp Phú Ninh

06. Ông Giu-se DANH HOÀNG SƠN, ấp Thọ Hòa Ðông B

07. Ông Giu-se LÝ DANH, ấp Thọ Hòa Ðông B

08. Bà Ma-ri-a LÂM THỊ NGỌC YẾN, ấp Phú Bình

09. Bà Ma-ri-a NGUYỄN THỊ KIM HƯƠNG, ấp Phước Lợi

10. Bà Ma-ri-a LÂM THỊ BÍCH THUẬN, ấp Phước Thuận.

Mọi liên hệ trợ giúp chúng tôi, xin gửi về cho Linh Mục Lê Quang Uy, Trung Tâm Mục Vụ DCCT, số 38 đường Kỳ Ðồng, Phường 9, Quận 3 Sài-gòn, điện thoại: 08.8.437.715 ( bấm thêm số 114 ), E-Mail: ttmvcssr@hcm.vnn.vn, hoặc Linh Mục Tống Văn Năm, Họ Ðạo Thánh Giu-se, số 174 đường Lương Ðịnh Của, Khóm 2, Phường 8, thị xã Sóc Trăng, Giáo Phận Cần Thơ, điện thoại: 079.821.875, E-Mail: phero_nam@pmail.vnn.vn Chúng tôi xin hết lòng tri ân.