GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


SỐ TÂN NIÊN - MÙNG 1 - MÙNG 2 - MÙNG 3 TẾT

TIN MỪNG THỨ BẢY MÙNG 1 TẾT: Mt 6, 25 - 34

THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG

Khi ấy Ðức Giê-su dạy rằng: "Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao ? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không ?

Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin !

Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây ? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy."

SUY NIỆM MÙNG 1 TẾT:

TIN TƯỞNG VÀO CHÚA QUAN PHÒNG

Ngày Tết là ngày ai nấy đều no đủ, kể cả những người nghèo nhất trong xã hội, vì theo truyền thống văn hóa của dân tộc, dù quanh năm có đói khát, túng thiếu thì ngày Tết cũng phải là ngày no say, đầy đủ nhất. Thế có nghĩa là đối với nhiều người, vấn đề cơm-áo-gạo-tiền vẫn còn là vấn đề nhức nhối và ưu phiền nhất. Sau hơn hai ngàn năm, dù khoa học tiến bộ đã đưa con người lên không gian và sống trên đó một thời gian dài, thì con người vẫn chưa giải quyết được vấn đề ăn và uống cơ bản của mình. Thế giới vẫn đang phải vật lộn với vấn đề nước sạch, lương thực tối thiếu và thuốc men cần thiết.

Tại sao vậy ? Tại vì có tình trạng quá chênh lệch về sở hữu của cải trần gian trong các xã hội: một số người lòng tham không đáy, tìm hết mọi cách - kể cả những cách ô nhục và thấp hèn - để chiếm đoạt tài sản chung của xã hội và nhân loại. Còn một số người khác không làm sao có được các điều kiện tối thiểu để sống cho ra người. Ở Việt Nam chúng ta hãy nghĩ đến những số tiền thất thoát trong các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở ở khắp cả nước và con số chạy vào túi riêng cán bộ thuộc các sở, ban, ngành, công ty, tỉnh, huyện, xã v.v... thì chúng ta hiểu tại sao dân Việt Nam vẫn còn bị xếp vào loại các nước nghèo nhất trên thế giới dù chiến tranh đã chấm dứt gần 28 năm rồi !

Vậy thử hỏi việc tin tưởng vào Thiên Chúa Quan Phòng mà Ðức Giê-su dạy chúng ta hôm nay có ý nghĩa gì trong một bối cảnh xã hội và thế giới như thế ? Chắc đối với những người có "của ăn của để" thì không thành vấn đề vì họ đâu có bao giờ phải lo ngày mai sẽ sống ra sao, ngày mốt sẽ lấy đâu ra tiền để mua gạo cho gia đình, để trả tiền học phí cho con hoặc trả tiền bệnh viện cho cha hay mẹ già ! Nhưng đối với những người tối ngày phải vật lộn với cuộc sống ( chỉ để sống, chưa nói đến làm giầu ) thì quả là vô cùng khó mà tin vào lời của Ðức Giê-su ! Lời ấy có xa vời và viển vông không ? Lời ấy có sức ru ngủ không ? Lời ấy chỉ để đánh lừa những kẻ nhẹ dạ dễ tin ? Hay Lời ấy là Lời hằng sống và chân thật ?

Nếu đi sâu vào đời sống của giáo dân và kể cả lương dân, chúng ta sẽ thấy có không ít người nghèo xác tín rằng họ được Thiên Chúa hay Trời Phật chăm lo cho cuộc sống gia đình của họ. Họ là những người chịu thương chịu khó làm việc chứ không phải là những hạng ươn lười biếng nhác. Nhưng cứ nói theo cách bình thường thì họ không thể có đủ tiền đủ bạc để lo cho vợ chồng con cái vì hoàn cảnh eo hẹp và công ăn việc làm thu nhập chẳng là bao. Thế mà trên thực tế họ vẫn sống. Họ vừa lao động vừa cậy trông vào Chúa, vào Trời Phật. Và gia đình họ vẫn bình yên hạnh phúc, vì họ dám liều mà giao phó mọi sự cho Thiên Chúa, cho Trời Phật ( trời sinh voi trời sinh cỏ ) nên họ cảm nghiệm được là có một bàn tay vô hình thu xếp, giải quyết mọi khó khăn cho họ.

 Ngày đầu năm mà suy nghĩ một chút về vấn đề vật chất trong cuộc sống chắc không phải là vô bổ. Nếu chúng ta không phải chạy ăn chạy uống thì chúng ta đừng quên cảm tạ Thiên Chúa Quan Phòng. Cách thể hiện lòng biết ơn tốt nhất, đẹp lòng Thiên Chúa nhất, là chúng ta biết chia sẻ một phần của cải mà mình đã nhận được cho những người túng thiếu hơn chúng ta. Còn nếu chúng ta đang sống trong cảnh nghèo túng, thì chúng ta hãy mạnh dạn phó dâng và tin tưởng ở Lời của Thiên Chúa. Chỉ cần Ðức Tin nhỏ bằng hạt cải là chúng ta sẽ chứng kiến chuyện động trời và bất ngờ thú vị: Thiên Chúa không bỏ ai phải đói, phải khổ ! Bình an cho Năm Mới không phải được bảo đảm bằng của cải vật chất mà bằng sự tin tưởng phó thác vào Ðấng Thiên Chúa là Cha yêu thương biết chúng ta cần gì và không bao giờ làm ngơ trước các nhu cầu đích thực của chúng ta.

TIN MỪNG CHÚA NHẬT 4 B THƯỜNG NIÊN: Lc 2, 22 - 32

TIẾN DÂNG ÐỨC GIÊ-SU CHO THIÊN CHÚA

Khi đã đến ngày Lễ Thanh Tẩy của các ngài theo Luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa", và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.

Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Ðấng Ki-tô của Ðức Chúa. Ðược Thần Khí thúc đẩy, ông lên Ðền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: "Muôn lạy Chúa, giờ đây, theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài".

Suy niệm LỄ ÐỨC MẸ DÂNG CHÚA GIÊ-SU trong ÐỀN THỜ:

CHU TOÀN LUẬT yêu thương

1. ÐỨC MA-RI-A VÀ THÁNH GIU-SE TÔN TRỌNG LỀ LUẬT

Bài Tin Mừng cho thấy Ðức Ma-ri-a và thánh Giu-se đã chu toàn những tập tục của luật Mô-sê liên quan đến việc hạ sinh Ðức Giê-su. Luật Mô-sê qui định tất cả các trẻ nam đều phải cắt bì và đặt tên vào ngày thứ 8 sau khi chào đời ( x. Lv 12, 3; Lc 1, 59 - 60; 2, 21 ).

Khi được 1 tháng tuổi, trẻ phải được đem tới Ðền Thờ để làm lễ chuộc lại con, vì mọi con đầu lòng - dù là người hay là thú vật - đều phải tiến dâng cho Thiên Chúa, vì nó thuộc về Người, rồi phải chuộc nó lại từ Thiên Chúa ( x. Xh 13, 2.12 - 13; Ds 18, 15 - 16 ).

Nếu sinh con trai thì khi nó được 40 ngày, hoặc nếu sinh con gái thì khi nó được 80 ngày, người mẹ phải làm lễ tẩy uế, và phải dâng lễ toàn thiêu bằng một con chiên con, người nghèo có thể thay thế bằng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non như Ðức Ma-ri-a đã làm ( x. Lv 5, 7; 12, 8 ).

Mặc dù biết Ðức Giê-su, con của mình, là Con Thiên Chúa, Ðức Ma-ri-a và thánh Giu-se vẫn tuân thủ tất cả những gì lề luật đòi buộc. Ðó là một gương mẫu cho chúng ta.

2.   VẤN ÐỀ: CÓ NÊN GIỮ LUẬT NHƯ CÁC KINH SƯ DO-THÁI KHÔNG ?

Như vậy là chúng ta phải nghiêm chỉnh tuân giữ lề luật. Nhưng một vấn đề rất cụ thể và hết sức thiết thực đặt ra cho chúng ta là: các kinh sư Do-thái, những người Pha-ri-sêu, nổi tiếng là giữ luật một cách nhiệm nhặt, nhưng lại bị Ðức Giê-su chê trách rằng họ chẳng hề tuân giữ lề luật. Thật vậy, Ðức Giê-su đã từng tuyên bố với các kinh sư Do-thái rằng: "Ông Mô-sê đã chẳng ban Lề Luật cho các ông sao ? Thế mà không một ai trong các ông tuân giữ Lề Luật !" ( Ga 7, 19 ).

Tê-pha-nô cũng nói với các kinh sư Do-thái tương tự như thế trước khi bị họ ném đá chết: "Các ông là những người đã lãnh nhận Lề Luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ" ( Cv 7, 53 ). - Vậy phải giữ luật như thế nào mới được gọi là thật sự giữ luật ? mới đẹp lòng Thiên Chúa ? mới trở nên thánh thiện đích thực ?

3.   CẦN PHÂN BIỆT LUẬT TỔNG QUÁT VÀ LUẬT CHI TIẾT

Trong tôn giáo, lề luật là những điều mà mọi tín đồ phải thực hiện hay tuân giữ để thực hiện tinh thần hay mục đích của tôn giáo: nên trọn lành, được cứu rỗi. Luật lệ gồm hai phần mà chúng ta cần phân biệt:

· Phần tinh thần, mang tính tổng quát, phát xuất từ Thiên Chúa. Phần này - tương tự như hiến pháp trong một quốc gia - là những nguyên tắc mang tính tổng quát, nhưng hết sức quan trọng. Có thực hiện được những nguyên tắc tổng quát này thì mới đạt được mục đích của tôn giáo. Trong Ki-tô giáo, có hai nguyên tắc tổng quát nhất là: "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình" ( Lc 10, 27 ); "Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy" ( Mt 22, 40 ).

Hai nguyên tắc này đã được thánh Phao-lô và Gia-cô-bê tổng hợp lại thành một nguyên tắc duy nhất: "Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật... Yêu thương là chu toàn Lề Luật" ( Rm 13, 8.10 ); "Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Ðức Ki-tô" ( Gl 6, 2 ); "Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" ( Gc 2, 8 ). Chính Ðức Giê-su cũng tuyên bố rất rõ ràng: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" ( Ga 13, 35 ).

· Phần cụ thể, mang tính chi tiết, thường do con người lập nên bằng cách suy diễn từ những điều luật tổng quát trên cách áp dụng cụ thể những điều luật ấy trong mọi tình huống của đời sống con người. Phần này - tương tự như luật pháp trong một quốc gia - gồm những điều luật cụ thể giúp thể hiện một cách chi tiết những điều luật tổng quát ( trong quốc gia là hiến pháp ).

Ki-tô giáo có vô số điều luật - trong giáo luật cũng như trong từng lãnh vực của tôn giáo - nhằm cụ thể hóa và chi tiết hóa hai nguyên tắc tổng quát "mến Chúa, yêu người" nói trên. Mọi Ki-tô hữu đều phải cố gắng thực hiện những qui định mang tính chi tiết này, để nhờ đó thực hiện cách hoàn hảo hai nguyên tắc tổng quát trên.

4. GIÁ TRỊ CỦA HAI THỨ LUẬT TRÊN

Những điều luật căn bản, mang tính tổng quát thì có giá trị tuyệt đối, con người phải thực hiện trong bất kỳ tình huống nào, và không hề có luật trừ. Ðó là luật phát xuất từ Thiên Chúa. Theo tinh thần của đoạn Tin Mừng Mt 25, 31 - 46 thì Thiên Chúa chỉ phán xét con người theo điều luật tổng quát này của Ngài mà thôi. Những điều luật mang tính chi tiết đều phải nhằm giúp con người thực hiện điều luật tổng quát trên trong những tình huống cụ thể hơn. Do đó, chúng chỉ có giá trị khi nhằm mục đích thực hiện hoàn hảo những nguyên tắc tổng quát trên và khi phù hợp với mục đích ấy. Do đó, bất cứ điều luật chi tiết nào nếu đem áp dụng trong những hoàn cảnh cụ thể mà phản ảnh đúng hay phù hợp với những nguyên tắc tổng quát trên, thì người tín hữu buộc phải tuân giữ.

Trái lại, nếu trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, việc áp dụng những luật cụ thể này lại đi ngược với tinh thần của điều luật tổng quát trên, thì trong hoàn cảnh cụ thể ấy, người tín hữu không buộc phải tuân theo. Chính Ðức Giê-su đã sẵn sàng lỗi luật ngày Sa-bát khi mà nếu giữ luật chi tiết này trong những trường hợp cụ thể Ngài gặp thì hóa ra lại vi phạm một luật tổng quát hơn, là luật yêu thương ( x. Mt 12, 1 - 8; 9 - 14; Lc 13, 10 - 17; 14, 1-6; Ga 5, 1 - 18; 9, 1 - 41 ). Vì khi soạn ra những điều luật chi tiết này, không ai có thể nghĩ ra hết tất cả những trường hợp luật trừ, là những trường hợp mà tuân hành những luật này sẽ trở nên vi phạm những lề luật cao hơn hay tổng quát hơn.

Trong hiến pháp của một quốc gia thường có một khoản qui định rằng bất cứ một điều khoản nào trong luật pháp mà đi ngược lại tinh thần của bất kỳ một điều khoản nào trong hiến pháp, thì điều khoản trong luật pháp ấy trở thành vô giá trị, không phải tuân giữ. Hiến pháp mới là căn bản, luật pháp chỉ là công cụ hay phương tiện để thể hiện hay thực hiện hiến pháp mà thôi.

Vậy chúng ta cần phải tập trung quan tâm vào việc thực hiện điều luật tổng quát của Ki-tô giáo là "mến Chúa, yêu người", mà tóm gọn hơn nữa là "yêu người", hơn là chú tâm thực hiện những chi tiết của lề luật thành văn. Nói thế không có nghĩa là không cần thực hiện những điều luật chi tiết, vì theo Ðức Giê-su thì: "Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ" ( Mt 23, 23b ).

5.   MỘT CÁM DỖ THƯỜNG XẢY RA ÐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN LỀ LUẬT

Người tín hữu không được giáo dục Ðức Tin đầy đủ thường bị cám dỗ chỉ quan tâm thực hiện những điều luật chi tiết, cụ thể, thậm chí quan trọng hóa cả những chi tiết của luật lệ, mà không hề quan tâm tới tinh thần tổng quát của lề luật. Do đó, thường xảy ra tình trạng như sau: có những tín hữu giữ những luật lệ tôn giáo một cách hết sức chi tiết, tỉ mỉ, được mọi người coi là đạo đức, thánh thiện. Nhưng nếu những người ấy tự xét mình một cách nghiêm túc xem mình đã thật sự mến Chúa yêu người chưa, thì họ phải tự nhìn nhận là chưa, hoặc còn thiếu sót hơn cả những người bình thường khác.

Ðiều chúng ta phải lấy làm lạ và phải suy nghĩ thật nghiêm túc là: các kinh sư Do-thái giữ luật nhiệm nhặt như vậy, thế mà Ðức Giê-su lại đánh giá rằng "không một ai trong các ông tuân giữ Lề Luật !" ( Ga 7, 19 ), tại sao ? Vì tuy họ quan tâm giữ nhiệm nhặt nhiều điều khoản của tôn giáo, nhưng họ lại "bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và lòng chân thành" ( Mt 23, 23 ). Và những khoản luật mà họ tuân giữ nhiệm nhặt ấy nghĩ cho cùng cũng "chỉ là giới luật của phàm nhân" ( Mt 15, 9 ). Nên việc giữ luật nhiệm nhặt ấy cuối cùng lại trở thành "sôi hỏng bỏng không", hay như "công dã tràng" !

Còn cách giữ Luật Chúa của chúng ta thì sao ? Liệu Thiên Chúa có đánh giá chúng ta, những người đang tự hào là giữ luật một cách nghiêm nhặt, tương tự như thế không ? Rất có thể, vì chúng ta chỉ chú ý tới cái "xác của lề luật", là những điều khoản thành văn, mà không chú ý tới cái "hồn của lề luật", tức tinh thần của lề luật. Xác mà không có hồn thì chỉ là xác chết, vô giá trị ! Chắc chắn tới ngày phán xét, rất nhiều người đã giữ luật một cách nhiệm nhặt không kém gì các kinh sư Do-thái, nhưng lại đứng vào hàng ngũ "quân bị nguyền rủa" ( Mt 25, 41 ), chỉ vì "xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống, v.v..." ( 25, 42tt ). Tội nghiệp cho họ là những kẻ mà Luật Chúa thì không thèm giữ, chỉ toàn lo giữ "luật của phàm nhân" !

Lạy Cha, xin cho con biết tôn trọng Luật Cha là luật yêu thương. Xin ban cho con tinh thần của thánh Âu-tinh: "Cứ yêu đi, rồi làm gì thì làm !" Con nhận ra rằng con chỉ chu toàn được Luật của Cha khi con thật sự yêu thương mà thôi. Vì thế, xin Cha cho con biết yêu thương !          

Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT

TIN MỪNG MÙNG 2 TẾT: Mt 15, 1 - 6

THỜ CHA KÍNH MẸ

Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Ðức Giê-su và nói rằng: "Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa ?"  Ðức Giê-su trả lời: "Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa ? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: "Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa". Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa."

SUY NIỆM LỄ KÍNH NHỚ TỔ TIÊN:

TỪ ÐẠO HIẾU ÐẾN ÐẠO CHÚA

Các nhà nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam đều nhất trí cho rằng người Việt Nam, ngoài Ki-tô giáo thì còn có một tôn giáo tổng hợp ba Ðạo: Ðạo Lão, Ðạo Khổng và Ðạo Phật. Ðó là Tam Giáo hoà đồng. Một cách giản lược có thể nói rằng:

-      Về phương diện đạo lý người ta theo Phật mà tiêu biểu nhất là tin vào thuyết nhân quả và hệ luỵ của nó là thuyết luân hồi hay gọi chung là thuyết luân hồi nghiệp báo.

-      Về phương diện đạo đức, người ta theo Khổng giáo lấy tam cương ngũ thường cho căn bản đời sống xã hội.

-      Trong thực hành tôn giáo cũng như những tục lệ, người ta chịu ảnh hưởng của Lão giáo.

Ngoài những yếu tố Tam Giáo, mỗi người Việt Nam thực ra còn có một cái đạo rất gần gũi và cơ bản nhất đó là Ðạo Ông Bà. Nói tới Ðạo Ông Bà trước tiên chúng ta nghĩ ngay đến bàn thờ tổ tiên, tới cúng giỗ và tất cả những thực hành diễn ra ngay trong nơi sinh sống hàng ngày tại gia đình chứ không phải trong đình chùa hay thánh thất. Ðiều người ta lo lắng là phải có kẻ nối dõi tông đường, lo việc cúng giỗ. Cái mà người ta lo sợ khi nhắm mắt lìa đời là gặp cảnh hương khói vắng lạnh.

Mỗi gia đình dù nghèo khổ đến đâu cũng dành một chỗ riêng, thường là chỗ trang trọng nhất làm bàn thờ tổ tiên ông bà. Cái linh thiêng như vậy rất gần gũi, thân thương, đạo bất viễn nhân. Một tấm lòng thành kính và tâm tình biết ơn những bậc sinh thành. Ðạo Ông Bà tiếp nối Ðạo Hiếu. Tổ tiên ông bà cha mẹ chúng ta không chết nhưng là khuất núi, là khuất bóng, là sang bên kia thế giới, là xuống suối vàng, là quy tiên chầu trời. Vì tổ tiên ông bà không mất hoàn toàn sự hiện hữu nhưng vẫn còn hiện diện đâu đó nên phải lo sao cho trọn đạo với các ngài. "Sự tử như sự sinh", phải đối xử với các ngài như khi các ngài còn sống hay nói đúng hơn như các ngài vẫn sống. Bởi thế mà có việc cúng bái "Sống Tết chết giỗ". Giỗ đây là một cách Tết ông bà tổ tiên. Bởi đó người Việt Nam bao giờ cũng đi thăm mồ mả ông bà cha mẹ vào dịp giỗ, dịp Tết Nguyên Ðán. Bao người đi xa cũng về với gia đình. Con cháu đi mừng thọ dâng lễ vật cho ông bà cha mẹ.

Người Việt Nam cho rằng con người chỉ thực sự hạnh phúc khi cùng chia sẽ hạnh phúc đó với những người thân yêu nhất của mình. Bởi vì kinh nghiệm ở đời này cho thấy con người chỉ được hạnh phúc trong một gia đình hoà thuận đầm ấm. Quan niệm "Ða tử đa tôn đa phú quý" một gia đình đông con nhiều cháu là phúc lộc trời ban cho, đó là một truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Người Việt Nam cũng nặng tình với nơi chôn nhau cắt rốn, "Sống chết có nhau". Vì thế kẻ sống người chết tuy có khuất hình khuất bóng nhưng không xa cách mà vẫn hiện diện bên nhau trong yêu thương tưởng nhớ và trong những hành vi tôn kính cụ thể. Ðặt một bức ảnh trên bàn thờ; sắp một đĩa trái cây; thắp một nén nhang; những cử chỉ đó chưa phải là đã có tính cách tôn giáo theo quan niệm của Tây Phương nhưng đó lại là bước đầu cũa tôn giáo. Niềm tin và cử chỉ ấy đặt con ngưởi vào trong tương quan với cái bên kia của cuộc đời.

Nền tảng của Ðức Hiếu Thảo là "Muôn vật gốc ở Trời, con người gốc ở Tổ", "Hiếu là cái gốc của Ðức". Người ta có một trăm nết nhưng hàng đầu là hiếu. Chưa từng có người hiếu thảo nào lại bất trung, cũng như chưa từng có người hiếu thảo nào lại bất nhân.

Cốt tủy của Hiếu là phải bắt đầu bằng: Tôn kính cha mẹ lúc còn sống. Thờ phụng cha mẹ khi các ngài qua đời. Biết ơn cha mẹ phải được nói lên bằng đạo hạnh, bằng thờ cúng tổ tiên. Ðó là nhiệm vụ thiêng liêng, là phẩm chất tối cao của con người. Càng có địa vị cao càng phải Ðại Hiếu. Người lãnh đạo mà bất hiếu thì làm sao có ân nghĩa với ai !

Khởi đi từ tâm thức Ðạo Hiếu của người Việt Nam, các nhà truyền giáo đã hội nhập văn hoá, mang Tin mừng của Chúa thấm nhập vào cuộc sống. Ðạo Hiếu gần gũi với Ðạo Chúa.

Sau huấn thị "Plane compertum" của Ðức Thánh Cha Pi-ô 12 ngày 8.12.1939, công nhận những nghi lễ thờ cúng ông bà tổ tiên ông bà ở Việt Nam và các bậc anh hùng liệt sĩ, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã có những quy định và những giáo huấn liên quan đến việc thờ phượng ông bà tổ tiên trong sứ mạng truyền giáo tại Việt Nam.

Qua các hội nghị tại Ðà Lạt năm 1965, tại Nha Trang 1974, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã ra giáo huấn xác định 6 điểm quan trọng sau đây:

1.    Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới Bàn Thờ Chúa trong gia đình miễn là trên bàn thờ không bày biện gì mê tín dị đoan như hồn bạch.

2.    Việc đốt hương nhang đèn nến trên bàn thờ gia tiên và bái lạy trước bàn thờ gia tiên là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính được phép làm.

3.    Ngày giỗ được cúng giỗ trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là loại bỏ mê tín dị đoan.

4.    Trong hôn lễ, dâu rể được làm lễ tổ, lễ gia tiên trước bàn thờ vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn hiếu kính trình diện với ông bà.

5.    Trong tang lễ được vái lạy, đốt nến xông hương trước thi hài người quá cố để tỏ lòng tôn kính người đã khuất.

6.    Ðược tham dự nghi lễ tôn kính vị Thần Hoàng để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị có công với dân tộc, ân nhân của dân làng.

Người Ki-tô hữu càng phải sống Ðạo Hiếu hơn vì điều răn thứ tư đã dạy: "Hãy thảo kính cha mẹ". Chính Chúa Giê-su đã hai lần trưng dẫn và xác nhận điều răn này.

Thảo kính cha mẹ là do mầu nhiệm sự sống. Cha mẹ là người cộng tác với Thiên Chúa trong mầu nhiệm này và cha mẹ có trách nhiệm quan trọng về con cái trước mặt Chúa. Tinh thần kính trọng bên trong cần phải được diễn tả qua những cử chỉ bên ngoài. Nhiều người con tỏ ra xấu hổ về cha mẹ mình, phủ nhận cha mẹ mình chỉ vì họ nghèo hèn. Có khi còn dùng lời lẽ xúc phạm để nói với cha mẹ, đối xử với cha mẹ cách khinh miệt như đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để rảnh nợ tang bồng. Chống lại cha mẹ đó là tội bất hiếu.

Ngày Mùng Hai Tết, Giáo Hội mời gọi con cái mình kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Giáo Hội mời gọi con cái mình sống Ðạo Hiếu. Tình yêu của con cháu đối với ông bà cha mẹ trước hết phải là một tình yêu mang sắc thái của lòng biết ơn. Mỗi người con trong gia đình sống vâng phục, sống yêu mến biết ơn cha mẹ sẽ tạo nên sự ấm êm cũng như nâng cao thanh danh của gia đình.

Các Giáo Xứ tổ chức tặng quà chúc thọ các cụ ông, cụ bà trong Thánh Lễ Mùng Hai Tết, điều này thật ý nghĩa, có giá trị giáo dục con cháu sống hiếu thảo. Thánh Lễ cũng được cử hành nơi Nghĩa Trang Giáo Xứ ngày Mùng Hai Tết. Người sống, kẻ chết gặp nhau trong yêu thương tưởng nhớ trong mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội.

Chính từ cha mẹ tổ tiên ông bà mà người Việt Nam có thể và đi xa hơn, lên cao hơn tới chốn trời cao siêu nhiên huyền bí của cõi linh thiêng của thần thánh. Từ đó tìm đến với Ðấng là nguồn gốc mọi gia tộc trên tời dưới đất. Ðạo Ông Bà, Ðạo Hiếu không những chẳng đối nghịch, chẳng cản trở đối với Ðạo Thiên Chúa mà còn là một điểm tựa, một bước khởi đầu thuận lợi, một lối đi dễ dàng và gần gũi nhất có thể đưa con người đi vào Ðạo Thiên Chúa.

Tình yêu và lòng yêu mến biết ơn đối với ông bà cha mẹ càng làm cho người tín hữu hướng về Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất.

 Lm. Giu-se NGUYỄN HỮU AN, Giáo Phận Phan Thiết

THẢO HIẾU CHA MẸ: CỦA LỄ LÀM ÐẸP LÒNG CHÚA

Hôm nay Giáo Hội Việt Nam kính nhớ ông bà tổ tiên nhân dịp đầu năm. Kính nhớ các tiền nhân chính là thể hiện tinh thần đạo hiếu của dân tộc Việt Nam "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn trái nhớ kẻ trồng cây". Các ngài đã tận tụy nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta nên người, đặc biệt là giúp chúng ta biết Chúa là Ðấng đáng tôn thờ và yêu mến. Công ơn của các tiền nhân đòi hỏi chúng ta phải báo hiếu bằng cách cầu nguyện cho các ngài trong ngày đầu Xuân này, đồng thời tiếp tục những gì các ngài đã làm: hãy tận tâm săn sóc dạy dỗ con cháu chúng ta nên người.

Ðó chính là của lễ làm đẹp lòng Thiên Chúa ( Cl 3, 20 ). Làm người ai cũng có cha, có mẹ. Trong các đức tính nhân bản của con người, đức tính cao đẹp nhất vẫn là hiếu thảo. Bởi nó biểu hiện của một người biết trọng tình vẹn nghĩa, biết thờ cha kính mẹ, và biết đạo lý chính yếu cuộc đời.

Ðối với dân tộc Việt Nam, thảo hiếu với cha mẹ không dừng lại việc phụng dưỡng lúc cha mẹ còn sống mà còn kéo dài khi cha mẹ đã "khuất núi" qua những dịp lễ giỗ.

Những người theo đạo ông bà tổ tiên không Công Giáo còn thể hiện tấm lòng thảo hiếu như vậy, huống chi là đối với chúng ta là những Ki-tô hữu, theo đạo lý của Ðức Ki-tô, lại càng phải sống tình con thảo sâu xa thế nào.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC TÔN KÍNH HIẾU THẢO CHA MẸ

Nếu như truyền thống Việt Nam ghi nhận rằng, ai tôn kính cha mẹ, người đó được hưởng công đức cha mẹ mình để lại, rồi cho cả con cháu, thì Thánh Kinh xác định: "Ai tôn thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Ðức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng" ( Hc 3, 3 - 5 ). Như vậy, nếu như trong những ngày Tết chúng ta thường chúc nhau: Phúc - Lộc - Thọ, thì ai thờ cha kính mẹ, sẽ được hưởng cả ba điều cầu chúc này.

Chẳng những thế, điều quan trọng là "Ai vâng lời cha mẹ trong mọi sự sẽ đẹp lòng Chúa" ( Cl 3, 20 ). Bởi vì, "Ðức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con" ( Hc 3, 2 ); đồng thời, lời cầu nguyện của người con sẽ được nhận lời.

Chúng ta hãy chiêm ngắm gương Chúa Giê-su lúc còn thơ ấu. Tin Mừng tường thuật, "Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa" ( Lc 2, 40 ). Thánh Lu-ca còn diễn tả thêm "Sau đó, Người xuống cùng cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng Mẹ Người, thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Ðức Giê-su, ngày càng khôn lớn và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến" ( Lc 2, 51 - 52 ).

Vâng phục cha mẹ suốt 30 năm chính là thời gian dài hấp thụ những đức tính nhân bản, những nhân đức mà sau này khi hoạt động cho sứ vụ, chắc chắn nhìn vào cách sống của Chúa Giê-su mà người ta phải thốt lên: "Phúc thay người đã cho Thầy bú mớm". Quả thật, xem quả thì biết cây.

VÌ SAO PHẢI TÔN KÍNH CHA MẸ ?

Chúng ta phải tôn kính cha mẹ, vì chính cha mẹ là người sinh ra chúng ta, dưỡng nuôi ta, và dạy chúng ta nên người. Và là những người trực tiếp đưa chúng ta đến tình yêu Thiên Chúa. Chín tháng cưu mang, ba năm chăm sóc, mười năm dạy dỗ, hai mươi năm khuyên nhủ, suốt cuộc đời theo dõi, quan tâm, lo lắng... bấy nhiêu không để chúng ta tỏ lòng hiếu thảo sao ?

Chẳng lẽ phải đợi đến khi chúng ta có gia đình, có con cái, lúc đó, mới cảm nhận tình yêu bao la của cha mẹ đối với chúng ta ? Cũng có thể ! Nhưng lòng hiếu thảo thì không hệ tại việc cần phải có kinh nghiệm mà còn ở chỗ cảm nghiệm. Mà cảm nghiệm này xuất phát từ cõi thâm sâu của lòng người được diễn đạt qua Ngũ thường trong quan niệm của Khổng Tử: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.

                Một danh nhân nào đó đã viết rằng:

"Lúc 11 tuổi, tôi bảo: "Cha mẹ của tôi rất vĩ đại. Không có gì mà cha mẹ tôi không biết. Không có gì mà họ không làm được". Lên 16 tuổi, tôi nói: "Cha mẹ của tôi không vĩ đại như tôi tưởng, không phải cái gì họ cũng biết hoặc cũng có thể làm được". Ba năm sau, nghĩa là khi lên 19, học Ðại học, tôi mới phát biểu: "Cha mẹ tôi thường cho rằng họ đúng. Kỳ thực, kiến thức của họ so với kiến thức của tôi thì thua kém xa".

Sau khi lập gia đình, tôi được 24 tuổi, tốt nghiệp đại học, tôi phát biểu: "Cha mẹ tôi không hiểu tuổi trẻ; thanh niên thì tiến bộ, còn họ lại quá bảo thủ". Năm 30 tuổi, có con cái, tôi khám phá ra chân lý sau: "Ở nhiều sự việc, cha mẹ tôi thường cũng có lý". Ðến lúc tôi được 50 tuổi, khi cha mẹ đều qua đời, tôi không cầm được nước mắt và tuyên bố: "Cha mẹ tôi đúng là những nhân vật tuyệt vời. Họ có đầu óc rất minh mẫn, xử xự rất hợp lý, hợp thời. Cha mẹ ơi, cha mẹ là các vị thần, vị thần của tình yêu !"

                Cái nhìn của chúng ta trong giai đoạn này có thể còn nhiều giới hạn, còn nông nỗi, nên chúng ta thường thiếu cái nhìn tầm xa, thiếu thực tế. Giống như hình ảnh: một em bé đòi chơi dao, bởi thấy con dao đẹp, lấp lánh. Nó không hề biết rằng con dao sẽ làm cho nó đứt tay; nó đòi chơi ngọn nến đang cháy ở trên bàn thờ. Nó không hề biết rằng, lửa sẽ làm nó phỏng. Nó đòi cha mẹ phải cho nó bằng được. Nếu không cho, nó khóc, và nó tức tưởi với cha mẹ... Thử hỏi có người cha, người mẹ nào lại thương con bằng cách chiều theo sở thích của nó như vậy khi mà điều đó có hại cho nó ?

Do đó, chúng ta phải tôn kính cha mẹ bằng cách vâng phục các ngài, vì các ngài luôn mong muốn chúng ta tốt, các ngài thấy rõ những gì chúng ta không thấy. "Ði hỏi già về hỏi trẻ" là vậy ! Qua đó, để rồi chúng ta vâng lời Thiên Chúa. Bởi tư tưởng Thiên Chúa còn vượt xa cha mẹ chúng ta gấp ngàn lần. "Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì Ta, Ta sẽ không bỏ con".

Chính trong sách Huấn Ca đã nói ( bài đọc 1 ) "Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài sẽ được hưởng một gia tài quý báu là lũ cháu đàn con" ( Hc 44, 10 - 11 ). Vì vậy, thánh Phao-lô đã nhấn mạnh: "Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo: phải tôn kính cha mẹ. Ðó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này" ( Ep 6, 1 - 3 ).

VẬY, CHÚNG TA PHẢI TÔN KÍNH CHA MẸ BẰNG CÁCH NÀO ?

Hãy tôn kính các ngài bằng tấm lòng quý trọng và chân thành. Ðừng báo hiếu vì lợi danh, vì ý định cá nhân. Và nếu có thể, hãy làm với tinh thần vượt lên trên cả bổn phận ( vì bổn phận chỉ dừng lại là báo đáp, là công bằng ), mà báo hiếu đâu phải là sự vay - sự trả. Nhưng đó là sự đáp trả của tình yêu.

Chính Chúa Giê-su trong bài tin mừng đã phê bình các Kinh sư: "Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa ? Quả thật, Thiên Chúa dạy: người hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: "Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa" ( Mt 15, 3 - 6 ). Chúa Giê-su đã vạch trần sự ngụy biện của các Kinh sư. Và qua đó cho thấy, lòng tôn kính cha mẹ cần xuất từ tấm lòng yêu thương, đồng thời điều đó phù hợp với thánh ý, với điều răn của Chúa chứ không hề ngược lại, hoặc là đối nghịch nhau.

Hãy thể hiện sự hiếu thảo, lòng tôn kính bằng việc quan tâm, lo lắng và chăm sóc cha mẹ trong mọi hoàn cảnh. Nghĩa là không chỉ hiện diện với cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ trong lúc cha mẹ vui vẻ, hạnh phúc, mạnh khoẻ, mà còn cả trong lúc ốm đau, bệnh tật, trở chứng. "Con ơi, hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dễ người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi con" ( Hc 3, 12 - 14 ).

Việc tôn kính cha mẹ có thể sẽ thể hiện nhiều cách khác nhau. Bởi vì theo quan niệm Ðông phương: ‘Hiếu hữu tam’. Báo hiếu có ba hạng: Ðại hiếu tôn thân ( việc đại hiếu chính là tôn kính cha mẹ ); Kỳ thứ phất nhục ( không làm điều ô nhục cho cha mẹ ); và Kỳ hạ năng dưỡng (sau cùng mới là nuôi dưỡng cha mẹ ). Nhưng quan trọng là tấm lòng của mình. Khi có thể được thì phụng dưỡng, khi không thể được vì hoàn cảnh thì biết phó dâng cha mẹ cho tình yêu quan phòng của Chúa. Sống Tin Mừng nhân ngày lễ kính ông bà tổ tiên chính là sống thể hiện tình con thảo trong bất cứ ở đâu và thời điểm nào.

Và nên nhớ rằng, việc báo đáp công ơn cha mẹ là của lễ đẹp lòng Chúa ( Cl 3, 20 ).    

Lm. Phê-rô LÂM PHƯỚC HÙNG, Dòng Ða-minh

TIN MỪNG THÁNH LỄ MÙNG 3 TẾT: Mt 25, 14 - 30:

DỤ NGÔN NHỮNG NÉN BẠC

Ðức Giê-su kể một dụ ngôn: "Có một người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm nén lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm nén khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai nén gây lời được hai nén khác. Còn người đã lãnh một nén thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.

Sau một thời gian lâu dài, ông chủ của các đầy tớ ấy đến và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm nén tiến lại gần, đưa năm nén khác, và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm nén, tôi đã gây lời được năm nén khác đây". Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm ! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Ðược giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!" Người đã lãnh hai nén cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai nén, tôi đã gây lời được hai nén khác đây". Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm ! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Ðược giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !"

Rồi người đã lãnh một nén cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy !" Ông chủ đáp: "Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác ! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi cho các chủ ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu hồi của thuộc về tôi cùng với số lời chứ !

Vậy các ngươi hãy lấy nén bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười nén. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng."

SUY NIỆM LỄ THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM:

LỜI CẢM TẠ VÀ CẦU XIN ÐẦU NĂM

Ngày Tết người Việt Nam chúng ta thường chúc nhau Phúc Lộc Thọ. Những điều này chỉ có ý nghĩa khi là kết quả của lao động chân chính bằng trí óc hay tay chân, và đời sống lương thiện, đạo đức. Ngày nay trong xã hội ta, không thiếu gì kẻ đang hưởng Phúc Lộc Thọ một cách bất chính bất lương, vì do tham nhũng, hối lộ, ăn cắp của công hay lường gạt người khác mà có.

Theo Giáo Lý Ki-tô giáo thì lao động mang một ý nghĩa rất cao cả: Lao động là cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo và cứu độ. Công trình tạo dựng và cứu độ như còn dang giở và cần có bàn tay và trí óc con người để công trình ấy hoàn thành. Thật ra, Thiên Chúa có thể làm mọi chuyện một mình. Nhưng Người đã không làm thế mà Người đã mời gọi sự cộng tác, tiếp tay tiếp sức của các thế hệ loài người. Lao động cũng là cách con người trui rèn và thanh luyện chính mình để trở nên tốt hơn, tinh tế hơn, giống Thiên Chúa hơn, làm hình ảnh Thiên Chúa lộ rõ hơn.

Lao động còn là làm cho các nén vàng, nén bạc sinh lời tức phát huy các khả năng, cơ hội, hoàn cảnh, địa vị xã hội, ơn đoàn sủng mà Thiên Chúa ban cho mỗi người để phục vụ cộng đồng xã hội và tôn giáo. Xem ra chúng ta không gặp khó khăn gì trong vế thứ nhất của lời nói trên, nhưng nhiều người trong chúng ta "chưa thông" với nội dung của vế thứ hai: "để phục vụ cộng đồng xã hội và tôn giáo", vì lầm tưởng rằng chúng ta có toàn quyền thủ đắc và sử dụng tiền của và tất cả những gì chúng ta có, theo ý riêng của mình. Thật ra Thiên Chúa ban những thứ ấy cho chúng ta để chúng ta đóng góp vào việc xây dựng cộng đồng, chia sẻ với những khó khăn thiếu thốn của đồng loại, nâng đỡ những người yếu kém trong xã hội. Chúng ta chỉ là những người quản lý, còn Thiên Chúa mới là sở hữu chủ tất cả. Chính vì những lý do trên mà lao động cần được thánh hóa ngay từ đầu năm.

Lạy Thiên Chúa toàn năng là Ðấng đã tạo nên vũ trụ vạn vật và con người, là Cha yêu thương cứu độ chúng sinh, chúng con xin dâng lên Cha Lời Cảm Tạ Ðầu Năm Mới Quý Mùi, về tất cả mọi ơn lành phần hồn phần xác mà Cha đã ban cho chúng con trong năm qua. Ðầu Năm Mới xin Cha ban Ơn Bình An cho hết mọi người, nhất là những người yếu kém, bị thiệt thòi trong xã hội.

Xin Cha chúc lành và thưởng công cho tổ tiên, ông bà cha mẹ và ân nhân của chúng con. Xin Cha thánh hóa công ăn việc làm và cuộc sống của chúng con. Ðể chúng con và mọi người được sống trong sự quan phòng yêu thương của Cha. Ðể chúng con và mọi người biết mở rộng trái tim đón nhận nhau và chia sẻ với nhau những niềm vui, những ơn huệ nhận được từ Cha. Chúng con xin Cha nhận lời cầu của chúng con, vì công nghiệp Chúa Giê-su Ki-tô, Con Cha, Chúa chúng con. Amen.

Gs. NGUYỄN VĂN NỘI

CẦU NGUYỆN NGÀY XUÂN:

CHÚA ÐÃ CHO CON CÓ

Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa,

Vì Chúa đã ban cho con, ôi chan chứa thật nhiều:

Một con đường để con đi về phía trước,

Lòng vững tin Chân Hạnh Phúc ở cuối trời...

Một cuộc đời để con nếm buồn vui,

Và sẽ hiểu: buồn vui cũng chỉ là tương đối...

Một người bạn để con chìa tay với,

Mà không mong chỉ giữ mãi riêng mình...

Một tình yêu để tim con rạo rực,

Nhận rất nhiều, rồi thao thức đem cho...

Một Mùa Xuân để lòng con trẻ lại,

Rồi hạnh ngộ Tình Yêu từ Thiên Chúa Quan Phòng...

Một ước mơ để con chờ con đợi,

Khi đêm qua, rồi Ngày Mới bắt đầu... A-men.

MK. QUANG UY


CHIA SẺ:

HẠNH PHÚC TRONG VƯỜN DƯA

Ðoản văn dưới đây của tác giả Yashar Kemal. Sinh năm 1923, ông là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của nền văn học hiện đại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hạnh phúc là gì vậy ? Vậy mà chưa bao giờ nhân loại ngừng tự hỏi và ngừng kiên trì theo đuổi hạnh phúc... Khoảng năm 14 tuổi, tôi tìm được một chân giữ vườn dưa hấu, và đó là công việc tôi đã làm trong suốt nhiều năm sau đó. Một buổi sớm mai nọ, từ chiếc giường ngủ kê trong một căn chòi ngay tại vườn dưa, tôi đã thức dậy trong làn gió mát thổi nhè nhẹ. Xa xa ở phương đông, vượt lên trên một đỉnh núi mang tên Duldul là ngôi Sao Mai sáng lấp lánh đến diệu kỳ. Tất cả những cảnh đẹp thiên nhiên này đem đến cho tôi một niềm sảng khoái chạy lan khắp cơ thể. Tôi có cảm giác như mình đang tan loãng vào trong buổi sáng, phiêu diêu, bay bổng...

Rất lâu sau đó, tôi vẫn giữ được thói quen dậy sớm lúc bình minh, cố đánh thức lại cái cảm giác lâng lâng của buổi sáng ngày hôm đó. Tôi vẫn nghe hơi thở dịu dàng của cơn gió mát nhưng không bao giờ còn tìm lại được nỗi hân hoan của lần đầu tiên... Cũng từ buổi sáng tuyệt vời ấy, trong tôi đã tràn ngập niềm vui, và khi không thể nào tìm lại được khoảnh khắc đó nữa, tôi cứ cố gắng để chúng tiếp diễn nhiều lần, và chỉ thế thôi cũng đủ làm tôi vui sướng qua nhiều năm tháng.

Lớn lên, khi đã trưởng thành, tôi tập lái máy cày. Những người nông dân chúng tôi bắt đầu làm việc rất sớm để tránh cái nắng gắt giữa trưa. Ðược hít thở mùi thơm của đất mới vỡ, hòa với cái mùi hăng hăng của dầu máy, một lần nữa, tôi lại được nếm trải một niềm phấn khích lạ kỳ.

Ngắm một bông hoa nở, nhìn một chú ong với đôi cánh mỏng lóng lánh dưới ánh mặt trời, có được cái bắt tay ấm áp của một tình bạn chân thành, cảm nhận hương thơm từ mái tóc một người con gái... tất cả đều đem đến hạnh phúc. Tôi muốn nói hạnh phúc chính là niềm vui, nhưng không phải hoàn toàn chỉ có thế, có một cái gì đó trên cả niềm vui, một cảm giác khó diễn tả mà chúng ta cả đời theo đuổi. Mỗi một thời đại, con người lại có một cách thức riêng trong việc mưu tìm hạnh phúc. Có lẽ mãi mãi sẽ là như thế...

ÐINH VĂN dịch, báo TUỔI TRẺ CHỦ NHẬT 6.1995.

THÔNG TIN:                                                        

NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ VẬT PHẨM ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Một Linh Mục ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp học bổng trẻ em nghèo ............................................................................  50 USD

- Cha Chu Huy Châu ( Ðan-mạch ) giúp học bổng trẻ em nghèo .............................................................................  500 USD

- Cô Ðinh Hoài Anh ( Úc ) giúp người nghèo .................................................................................................................  200 AD

- Cô Hồng Phúc ( Sài-gòn ) giúp trọn vẹn cho 1 gia đình nghèo trong 1 năm ..........................................  2.400.000 VND

- Cụ Nguyễn Thị Ðài ( Sài-gòn ) giúp học bổng trẻ em nghèo ....................................................................  5.100.000 VND

- Các bạn MK ( Sài-gòn ) giúp học bổng trẻ em nghèo .................................................................................  1.000.000 VND

NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ QUÀ TRỠ GIÚP ÐỘT XUẤT

- Bạn MK Phạm Dzũng ( Hoa Kỳ ) tặng các sinh viên nghèo ................................................  9 chiếc đồng hồ đeo tay cũ còn tốt

- Bạn MK Duyên Châu ( Sài-gòn ) tặng trường Mẫu Giáo Ðại Lãm, Bắc Giang ....................................  1 thùng đồ chơi MG

- Bạn MK Duyên Châu ( Sài-gòn ) tặng GLV dân tộc ở Kontum .................................................... 2 thùng mì, 1 thùng quần áo

- Bác sĩ Bích Ðào ( Pháp ) tặng Lớp Tình Thương ở Củ Chi .......................................................  100 bộ quần áo mới cho trẻ em

- Một bạn trẻ Giáo Xứ Mẫu Tâm ( Sài-gòn ) tặng người dân tộc nghèo ở Lâm Ðồng ..................................................  1 bao quần áo cũ còn tốt

- Một bạn trẻ Giáo Xứ ÐMHCG ( Sài-gòn ) tặng người nghèo ở Ðồng Tháp ...................................  2 bao quần áo cũ còn tốt

- Cô Hồng Len chợ An Ðông ( Sài-gòn ) tặng Giáo Xứ Tân Châu ( Phan Thiết ) .......................  200 áo mới cho trẻ em

CHƯƠNG TRÌNH "HỌC BỔNG MAI THẢO" CHO 6 EM

Như Gospelnet số 86 ra ngày 24.11.2002, theo giới thiệu của thầy Trần Xuân Sang, Dòng Ngôi Lời, giới thiệu hoàn cảnh gia đình ông Nguyễn Văn Phương, và bà Trần Thị Minh, có 6 người con là:

01. NGUYỄN THỊ MAI THẢO, sinh 1985, đang học lớp 12.

02. NGUYỄN THỊ ÁNH NGUYỆT, sinh 1987, đang học lớp 10.

03. NGUYỄN ÐỨC HOÀNG, sinh năm 1990, đang học lớp 7.

04. NGUYỄN THỊ MAI LINH, sinh 1993, đang học lớp 4.

05. NGUYỄN HOÀNG ÐỨC, sinh 1995, đang học lớp 2.

06. NGUYỄN THỊ KIM THANH, sinh đôi với cháu Ðức năm 1995, cũng đang học lớp 2.

Chúng tôi đã trợ giúp kể từ tháng 6 đến hết năm 2002. Nay Gospelnet số 97 tiếp tục trợ giúp trong hai tháng 1 và 2.2002, tổng cộng: 6 x 50.000 x 2 = 600.000 VND, được trích ra từ khoản tiền mới chia sẻ của cụ bà Nguyễn Thị Ðài ( Sài-gòn ). Xin thay mặt thầy Sang và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

TRỠ GIÚP ÐẶC BIỆT CHO 7 EM NGHÈO Ở BAN-MÊ-THUỘT

Cha Lê Trấn Bảo, Giáo Xứ Ðồng Xoài, Giáo Hạt Phước Long, Giáo Phận Ban-mê-thuột, giới thiệu một danh sách gồm 7 em học sinh lương - giáo, có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, đang phải dở dang việc học để phụ giúp việc mưu sinh. Các em hiện ngụ tại khu phố Phú Thịnh, phường Tân Phú, thị xã Ðồng Xoài, tỉnh Bình Phước, thuộc Giáo Xứ Ðồng Xoài. Gospelnet xin trợ giúp đặc biệt mỗi em 100.000 VND, để gia đình lo liệu cho các em đi học trở lại, tổng cộng: 700.000 VND, được trích ra từ khoản tiền mới chia sẻ của cụ bà Nguyễn Thị Ðài ( Sài-gòn ). Xin thay mặt cha Bảo và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.


1. Em VŨ ÐỨC TRÌNH, 13 tuổi, đã học xong lớp 7

2. Em VŨ HIẾU NGHĨA, 6 tuổi, mồ côi cha mẹ.

3. Em VŨ VĂN TOẢN, 13 tuổi, đã học xong lớp 7.

4. Em VŨ VĂN TRƯỞNG, 11 tuổi, đã học xong lớp 6.

5. Em LÂM VĂN BÌNH, 9 tuổi, đã học xong lớp 3.

6. Em LÂM THỊ THU AN, 11 tuổi, đã học xong lớp 6.

7. Em VŨ VĂN HẬU, 9 tuổi, bị tật bẩm sinh.


CHƯƠNG TRÌNH "HỌC BỔNG TÂN CHÂU" CHO 3 EM Ở TỈNH BÌNH PHƯỚC

Cha Hoàng Trung Ðoàn, Giáo Xứ Tân Châu, Hạt Bình Long, Giáo Phận Phú Cường, giới thiệu 3 em học sinh có hoàn cảnh gia đình rất nghèo trong Giáo Xứ, hiện ngụ tại tổ 6 ấp Hòa Vinh, thị trấn Chơn Thành, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước, gồm có:

1. Em VŨ VĂN LỠI, 14 tuổi, đang học lớp 9,

2. Em VŨ THỊ NHÀI, 12 tuổi, đang học lớp 6 và

3. Em PHAN THANH TÂM, 12 tuổi, đang học lớp 6.

Gospelnet xin trợ giúp mỗi em 50.000 VND một tháng, trong bốn tháng cuối năm học: 2, 3, 4 và 5.2003, tổng cộng: 50.000 VND x 3 x 4 = 600.000 VND, được trích ra từ khoản tiền mới chia sẻ của cụ bà Nguyễn Thị Ðài ( Sài-gòn ). Xin thay mặt cha Ðoàn và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

CHƯƠNG TRÌNH "HỌC BỔNG AN THỚI ÐÔNG" CHO 12 EM Ở CẦN GIỜ

Gospelnet số 97 xin tiếp tục trợ giúp tháng 1.2003 cho 12 em học sinh nghèo ở Ðiểm Truyền Giáo An thới Ðông, huyện Cần Giờ, do cha Hoàng Minh Ðức, DCCT, phụ trách, tổng cộng: 12 em x 50.000 VND = 600.000 VND, được trích ra từ khoản tiền mới chia sẻ của cụ bà Nguyễn Thị Ðài ( Sài-gòn ). Xin thay mặt cha Ðức và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

TRỠ GIÚP XE LĂN CHO MỘT NGƯỜI KHUYẾT TẬT Ở SÀI-GÒN

Cha Ngô Minh Tân, Giáo Xứ Bình Lợi, Giáo Phận Sài-gòn, giới thiệu ông Phao-lô An-tôn PHẠM VĂN BÉ, sinh năm 1949, ngụ tại số 426 đường Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh. Ông Bé bị liệt cả hai chân, hoàn cảnh gia đình hết sức nghèo, cần có phương tiện đi lại để bán vé số mưu sinh. Gospelnet xin trợ giúp một chiếc xe lăn mới cho ông Bé của Ðài Loan, trị giá 920.000 VND. Số tiền này được trích ra từ khoản tiền mới chia sẻ của cô Ðinh Hoài Anh ( Úc ) vừa gửi về. Xin thay mặt cha Tân và gia đình ông Bé tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

TRỠ GIÚP MỘT BỆNH NHÂN NGHÈO Ở BẢO LỘC

Cha Nguyễn Ðức Mừng, DCCT, giới thiệu trường hợp chị VŨ THỊ LAN, 45 tuổi, có 5 con nhỏ, người chồng bị sơ gan vào giai đoạn cuối, gia đình ngụ tại phường Lộc Tiến, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Ðồng. Chị Lan bị thiếu máu trầm trọng, đưa tới tình trạng suy dinh dưỡng, phải xin vào cấp cứu tại Trung Tâm Truyền Máu và Huyết Học. Chị đã được truyền ngay 4 đơn vị máu, mọi chi phí xét nghiệm, mua máu và chích thuốc đều phải đi vay nóng để đóng cho bệnh viện. Gospelnet trợ giúp ngay số tiền 1.500.000 VND để gia đình chị thanh toán nợ nần. Số tiền này được trích ra từ khoản tiền mới chia sẻ của cụ bà Nguyễn Thị Ðài ( Sài-gòn ). Xin thay mặt cha Mừng và gia đình chị Lan tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

CHƯƠNG TRÌNH "HỌC BỔNG CAM RANH - HUẾ" CHO 30 EM

Như Gospelnet số 94, ngày 12.1.2003 đã thông tin, thầy Vũ Tùng Lân, DCCT, giới thiệu danh sách 30 em học sinh nghèo ở Cam Ranh và Huế. Gospelnet đã trợ giúp được đến hết tháng 1.2003, nay xin tiếp tục trợ giúp tháng 2.2003, tổng cộng: 1.500.000 VND, được trích ra từ số tiền cha Chu Huy Châu   ( Ðan-mạch ) mới chia sẻ. Xin thay mặt thầy Lân và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

CHƯƠNG TRÌNH "HỌC BỔNG ÐÔNG THẠNH" CHO 21 EM Ở HÓC MÔN

Gospelnet số 97 xin tiếp tục trợ giúp tháng 2.2003 cho 21 em học sinh nghèo đang sống trong khu vực bãi rác xã Ðông Thạnh, huyện Hóc Môn, thành phố Sài-gòn, do cô giáo Phan Mỹ Linh phụ trách, tổng cộng: 21 em x 50.000 VND = 1.050.000 VND, được trích ra từ khoản tiền mới chia sẻ của cụ bà Nguyễn Thị Ðài ( Sài-gòn ). Xin thay mặt cô giáo Linh và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG CHO 10 EM HỌC SINH NGHÈO Ở HUẾ

Như Gospelnet số 88 ra ngày 8.12.2002 đã thông tin, thầy Võ Văn Tuệ, DCCT, giới thiệu một danh sách 10 em học sinh hiếu học có hoàn cảnh gia đình nghèo, hiện ngụ tại ấp An Vân Thượng, xã Hương An, huyện Hương Trà, cố đô Huế. Trước mắt, Gospelnet đã trợ giúp cho mỗi em 50.000 VND cho đến tháng 1.2003, nay xin tiếp tục trợ giúp tháng 2.2003, tổng cộng: 500.000 VND, được trích ra từ số tiền cha Chu Huy Châu ( Ðan-mạch ) mới chia sẻ, và xin nhờ thầy Vũ Tùng Lân DCCT, chuyển về Huế đến tận tay gia đình các em. Xin thay mặt thầy Tuệ và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

 

 

Nhân dịp đầu Xuân Quý Mùi, xin kính chúc quý độc giả, quý ân nhân, quý cộng tác viên của Gospelnet một năm mới nở rộ Hoa Tin Mừng trong tâm hồn, để tất cả chúng ta cùng góp phần làm nên một Vườn Hoa Nhân Ái giữa lòng cuộc sống hôm nay. Cũng xin kính chúc các gia đình, các em học sinh, các bệnh nhân và người khuyết tật... đã nhận được sự trợ giúp của Thiên Chúa thông qua các chương trình chia sẻ của Gospelnet thêm nhiều niềm tin, hy vọng và cơ hội vượt qua mọi khó khăn.