GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 3 B THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Mc 1, 14 - 20

Sau khi ông Gio-an bị nộp, Ðức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-mon với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá". Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

Ði xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

SUY NIỆM 1:

TỪ BỎ MỌI SỰ ÐỂ THEO CHÚA GIÊ-SU

Trong bài hát "Theo Chúa", Linh Mục Thành Tâm với cây đàn guitare trên tay đã cất cao lời: "Này Chúa hỡi, con nguyện xin theo Chúa chẳng khi ngơi, dù gian truân con nguyện xin theo Chúa suốt đường đời... Dù lắm lúc tâm hồn cao xao xuyến cay đắng nhiều... Con xin theo Chúa suốt cuộc đời". Lời ca ấy cứ vút cao, bay bổng, hòa quyện lấy con người như thúc giục mỗi người hãy bám chặt lấy Chúa, gắn chặt vào Chúa và mãi mãi đi theo Chúa. Chúa kêu gọi ai là do cử chỉ tình thương của Ngài, mỗi lời mời gọi của Chúa là tình thương bao la của Ngài. Chúa đến với con người, đi tìm và tuyển chọn con người.

Chúa tuyển chọn con người

Các bài đọc hôm nay, đặc biệt bài Tin Mừng Mc 1, 14 - 20 tiếp tục đưa mọi người suy nghĩ về mầu nhiệm ơn gọi. Chúa có cách chọn của Ngài, không ai có quyền bắt buộc Chúa phải thế này phải thế kia, không ai được hướng Chúa phải đi theo đường hướng của mình, đi theo sự chọn lựa của mình. Chúa hoàn toàn tự do và sự kêu gọi, tuyển chọn môn đệ là do tình thương vô biên của Chúa. Tất cả mọi sự chọn lựa của Chúa đều dựa theo ba nhịp: Chúa đi qua, nhìn thấy và kêu gọi.

Tin Mừng Mc 3, 13 viết: "Chúa đi lên núi và gọi những kẻ Người muốn lại gần ". Lên núi có nghĩa là Chúa đi cầu nguyện, kết hợp mật thiết với Chúa Cha, hỏi ý Chúa Cha, rồi sau đó Ngài chọn lựa. Việc tuyển lựa nhân sự của Chúa, xem ra rất quan trọng vì mạng sống và cuộc đời của môn đệ nối liền với sinh mạng, cuộc đời của Chúa Giê-su. Việc chọn lựa nhân sự hoàn toàn có tính cách nhưng không: " Không phải chúng con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn chúng con" ( Ga 15, 16 ).

Chúa nói: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành kẻ chài lưới người" . Theo Chúa Giê-su có nghĩa là: "...Hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta", hoặc "Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất". Chúa tuyển chọn các môn đệ ngay chính nơi họ ở, nơi họ làm việc, trong hoàn cảnh xã hội và trong bối cảnh lịch sử lúc đó. Chúa tuyển chọn nhân sự đồng nghĩa với việc chấp nhận hy sinh cả mạng sống vì Chúa, vì Tin Mừng như lời Chúa nói: "Ai hổ thẹn chối Ta và các lời Ta, thì con Người cũng sẽ hổ thẹn chối nó, khi đến trong vinh quang Cha Ngài với các thánh thiên thần". Theo Chúa cũng có nghĩa được Chúa tuyển lựa để thực thi như Chúa Giê-su trong sứ mạng cứu độ của mình: "Khi nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta""Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu mến" ( Ga 15, 13 ).

Chúa hứa ban những gì ?

Theo Chúa, tận hiến cuộc đời mình cho Chúa, gắn bó mình với Chúa có nghĩa là phải chọn lựa đi con đường của Chúa. Mà con đường của Chúa là cả một dặm trường dài dằng dẵng. Chúa đòi hỏi con người và người môn đệ Chúa sống trọn vẹn thách đố, những đòi hỏi của Tin Mừng. Theo Chúa, Chúa không hứa với các môn đệ sẽ cho họ giầu có về vật chất hay đường công danh vinh hoa phú quí theo quan niệm của trần gian: "...Không biết đây có phải là lúc Ngài khôi phục lại Ít-ra-en hay không ?" Chúa nói: "Hãy làm tôi tớ, hãy phục vụ trong khiêm tốn""đến hầu hạ chứ không phải để được phục vụ". Chúa nói: "Chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có đá gối đầu". Chúa luôn muốn các môn đệ trở thành đầy tớ phục vụ mọi người với sứ mạng: "Hãy ra khơi, hãy thả lưới". Ra khơi, thả lưới là chấp nhận loan truyền Tin Mừng, rao giảng Chúa Ki-tô bị đóng đinh như Thánh Phao-lô Tông Ðồ: "Tôi không biết sự gì khác ngoài thập giá của Ðức Ki-tô" " Tôi coi mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là nhận biết Ðức Ki-tô".

Theo Chúa, người môn đệ sẽ bị thử thách, chịu trăm ngàn nỗi khó khăn, có khi chèo thuyền về bến không có gì sau cả đêm thức trắng. Tuy nhiên, được chọn lựa, các môn đệ sẽ ý thức rằng: "được chết với Chúa Ki-tô nơi thập giá""được gấp trăm ở đời này cùng với cái chết và sự sống đời đời". Theo Chúa là sống trọn vẹn cho Chúa và đặc biệt sống theo ý của Ngài.

Lời ca của soeur Sourire, Dòng Ða-minh năm nào vẫn vang lên, cao vút như vỡ tung: "Tất cả mọi nẻo đường của trần thế sẽ đưa ta về cõi Trời..." Người môn đệ sẽ cảm nghiệm sâu sắc: "Chúa luôn hiện diện, Chúa luôn đồng hành với mình" và như thế người môn đệ đã được tuyển chọn sẽ ý thức cuộc đời mình đã hoàn toàn thuộc về Chúa, mình phải theo Chúa suốt cuộc đời.

Lạy Chúa Giê-su, qua Bí Tích Thánh Tẩy, Chúa đã chọn chúng con làm môn đệ Chúa, xin cho chúng con cảm nghiệm sâu xa tình yêu vô biên Thiên chúa dành cho chúng con.

Lm. Giu-se NGUYỄN HƯNG LỠI, DCCT

SUY NIỆM 2:

ÐIỀU KIỆN GIA NHẬP NƯỚC THIÊN CHÚA

Clay Trumbull thuật lại cuộc đối thoại ý vị giữa vị Mục Sư Tin Lành và một bé trai. Vị Mục Sư hỏi: "Tại sao em lại muốn gia nhập Giáo Hội ?" Em bé nhanh nhẹn đáp: "Vì con muốn nói một cách công khai rằng Chúa Giê-su đã cứu con." Vị Mục Sư hỏi dồn: "Em cảm thấy em được cứu rỗi ? Ai cứu em ?" Em bé giải thích: "Ðó là công việc của Chúa Giê-su và của con!" Vị Mục Sư hỏi lại: "Công việc của em ? Phần nào là phần của em ?" Cậu bé trả lời: "Con thống hối tội lỗi con, và Chúa Giê-su làm tất cả."

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su bắt đầu Sứ Vụ Tông Ðồ của Người bằng lời kêu gọi tha thiết: "Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng" ( Mc 1, 15 ). Thời gian đã mãn là lúc thuận tiện để Thiên Chúa làm việc qua con người Chúa Giê-su. Sự hiện diện của Chúa Giê-su báo hiệu việc Nước Chúa đã bắt đầu và đang hình thành. Nước Chúa, theo những nhà chú giải Thánh Kinh, không những chỉ một nơi chốn ( Kingdom ) trên bản đồ, nhưng còn nói đến sự thống trị ( Basileia hay Reign ) của Thiên Chúa. Việc Thiên Chúa thống trị không bị giới hạn ở Pa-lét-tin nhưng lan rộng trên toàn thế giới. Chúa Giê-su đã đến để công bố Nước Trời và chuẩn bị cho Nước Trời mỗi ngày một lan rộng qua lời giảng và các phép lạ. Nước Thiên Chúa sẽ nên hoàn hảo khi Con Người trở lại thế gian lần thứ hai ( Mc 8, 38 - 9, 2 ).

Ðể gia nhập nước Thiên Chúa, con người phải làm gì ? Chúa Giê-su nói rõ điều kiện tiên quyết để gia nhập Nước Thiên Chúa là sám hối và tin vào Tin Mừng của Ngài. Ngài không bắt người ta phải học tiếng hay phải xin nhập quốc tịch Do-thái. Nhưng Ngài buộc phải có tinh thần sám hối. Lòng sám hối đòi người có tội nhận mình có lỗi và rồi thay đổi hướng đi cho đời mình ( metanoia ). Hối nhân quay trở về với Thiên Chúa vì nhận thức rằng con đường quá khứ đã không ăn khớp với đường lối của Thiên Chúa hoặc sự cai trị của Ngài.

Ðoạn trích Tin Mừng không nói đến lòng thống hối của các Tông Ðồ nhưng nói rõ việc các ông bỏ mọi sự để theo Thầy Giê-su. Thánh Phê-rô, An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an đã tin lời Chúa Giê-su và "lập tức" bỏ lưới và cha mẹ để theo Chúa Giê-su. Việc từ biệt cha mẹ già của Gia-cô-bê và Gio-an là điều quá khích đối với người thời bấy giờ. Những người bỏ cha mẹ được coi như là kẻ phạm thượng ( Kn 3, 1 - 16, Tb 5, 1 ). Ngay như ngôn sứ Ê-li-sa, khi được Chúa gọi để theo ngôn sứ Ê-li-sa, cũng đã xin phép về hôn cha hôn mẹ trước khi lên đường. Nhưng vì Lòng Tin nơi Chúa Giê-su, các ông đã thay đổi từ nghề chài lưới cá cho đến việc chài lưới người. Tư tưởng thay đổi và cuộc sống cũng thay đổi hoàn toàn. Các ông đã theo Chúa Giê-su Ki-tô, và Ngài đã biến các ông thành những kẻ chài lưới người thật đắc lực ( Mc 1, 17 ). Các tông đồ đã làm phần của các ngài, và Chúa Giê-su đã làm phần còn lại.

Chúa Giê-su Ki-tô đã đến trong thời gian và qua Ngài Nước Thiên Chúa đã thành hình được hơn 2000 năm. Nhưng tại sao Nước Thiên Chúa vẫn chỉ là một "tiểu quốc" so với những quyền lực khác đang làm chủ thế giới ? Tại sao con số những người theo Chúa Giê-su mới chỉ được một phần tư dân số thế giới ? Xin mạo muội đưa ra một câu trả lời: Xin thưa, vì con người thời nay không nhận ra nhu cầu phải thống hối và ý thức về tội lỗi hình như không còn nữa. Nếu không nhận mình có tội thì cũng chẳng cần phải thống hối hay cần Vị Cứu Thế là Chúa Giê-su.

Ðức Tổng Giám Mục Fulton Sheen đã có lý khi ngài viết: "Mối họa nghiêm trọng trong xã hội hiện đại, sự nguy hiểm đã phá hủy nhiều nền văn hóa xưa và sẽ phá hủy nền văn minh của chúng ta nếu chúng ta không ngăn ngừa, là sự mất đi ý thức về tội lỗi... Có một sự phủ nhận chung cho rằng không có gì đúng và không có gì sai. Và có sự đồng ý chung cho rằng "tội lỗi" ( hiểu theo thần học cổ xưa ) chỉ là một sự dữ tâm lý ( psychic evil ) hay là sự sa thải trong tiến trình biến hóa ( a fall of evolutionary process )."

Nhận xét trên của cố Tổng Giám Mục Sheen tuy đã có lâu nhưng vẫn chí lý trong thời buổi này vì ý niệm tội lỗi nếu có cũng rất hời hợt. Ví dụ, giới trẻ thời nay coi sự liên hệ tính dục ngoài hôn nhân là chuyện bình thường không có gì là sai quấy. Theo một thống kê, 40 % các em lớp chín đã làm chuyện tính dục. Lên lớp 10, 48 %. Ðến lớp 11, 57 %. Và khi lên lớp 12 thì có 72 % các em đã ăn ở với nhau trước hôn nhân. Nhiều thống kê khác còn cho thấy 86 % các em trai và 75 % các em nữ tuổi 19 biết chuyện ân ái vợ chồng. Ðiều đáng lo ngại hơn nữa là trong những em 18 tuổi lớn lên trong gia đình Ki-tô hữu, 43 % đã ân ái trước khi lập gia đình ( Understanding Today's Youth Culture, Walt Mueller, 213 - 214 ). Và kết quả của sự mất ý thức về tội lỗi này thật nguy hiểm và đáng buồn.

Nơi khác, Ðức Tổng Giám Mục Sheen quả quyết: "Thiên nhiên nói cho chúng ta rằng tội lỗi mang đến chết chóc; lương tâm nói cho chúng ta rằng tội lỗi bứt rứt tâm hồn ( guilt ) và Chúa nói với chúng ta rằng tội lội chống lại tình yêu Thiên Chúa."

Lời cầu nguyện của người trộm lành: "Thưa ông Giê-su, khi nào vào nước Thiên Ðàng, xin nhớ đến tôi cùng" ( Lc 23, 42 ).

Lm. ÂU QUỐC THANH, Dòng Ðồng Công

SUY NIỆM 3:

NƯỚC THIÊN CHÚA

1. Ðức Giê-su đến để xây dựng triều đại Thiên Chúa

Khi bắt đầu xuất hiện công khai để loan báo Tin Mừng, Ðức Giê-su tuyên bố với mọi người: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". Ngài nói vậy nghĩa là gì ? - "Thời kỳ đã mãn" nghĩa là đã hết một thời kỳ, và đã đến lúc bắt đầu một thời kỳ mới. Thời cũ là thời của Cựu Ước, với những tinh thần và luật lệ của Cựu Ước. Thời của Cựu Ước là thời chuẩn bị cho thời của Tân Ước. Và Ðức Giê-su đến để khai mở thời kỳ Tân Ước, với những tinh thần và luật lệ mới của Tân Ước. Thời Tân Ước là thời xây dựng triều đại Thiên Chúa do Ðức Giê-su chủ xướng và thiết lập. Ngài nói: "Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần". "Ðã đến gần" có nghĩa là còn đang đến chứ chưa thành hiện thực. Triều đại ấy có thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào Ðức Giê-su và những người cộng tác với Ngài.

2.   Triều đại Thiên Chúa hay Nước Thiên Chúa là gì ?

Triều đại Thiên Chúa mà Ðức Giê-su muốn thiết lập là một kỷ nguyên mới, trong đó nhân loại được sống trong an bình hạnh phúc, nhờ biết yêu thương nhau, hy sinh cho nhau, sống cho nhau. Ngài đã đưa ra một "điều răn mới" cho kỷ nguyên mới này: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" ( Ga 13, 34; x. 15, 12.17 ). Và yêu thương phải trở thành dấu hiệu đặc trưng của những ai theo Ngài, đặc trưng đến nỗi chỉ việc nhìn vào tình thương họ dành cho nhau, mà mọi người nhận ra họ là người theo Ngài: "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau" ( Ga 13, 35 ).

Ngài đã thiết lập Giáo Hội như một cộng đoàn đặc biệt của Ngài nhằm thực hiện Nước Thiên Chúa, trong đó, tình thương thống trị trong lòng mọi người, khiến mọi người trong cộng đoàn đó yêu thương và hy sinh cho nhau, coi nhau như anh chị em, nhờ đó họ luôn luôn đầy đủ và hạnh phúc. Và nhờ sự hấp dẫn luôn luôn có của tình thương, Giáo Hội ấy ngày càng mở rộng, và lan tràn khắp thế giới. Lúc ấy, thế giới sẽ trở thành Nước Thiên Chúa, ngay tại trần gian này. Ngài đã ban cho Giáo Hội những phương tiện rất hữu hiệu là các bí tích để thông ban sức mạnh thiêng liêng để con người thực hiện điều ấy.

3.   Một lý do khiến Giáo Hội chưa thực hiện được Nước Thiên Chúa

Thế nhưng cho đến nay, nhìn vào Giáo Hội và thế giới, người ta không khỏi nghi ngờ: liệu việc xây dựng "Triều đại Thiên Chúa" hay "Nước Trời" của Ðức Giê-su có thành tựu được không ? Xem ra lý tưởng của Ðức Giê-su vẫn còn xa vời lắm, mặc dù Giáo Hội đã nỗ lực thực hiện lý tưởng ấy suốt 2000 năm nay. Có thể một trong những lý do khiến chúng ta không thành công là chúng ta chưa quan tâm đủ đến sứ điệp trọng tâm của Ðức Giê-su là tinh thần yêu thương, mà quá quan tâm đến những phương tiện - là việc cầu nguyện, các Bí Tích - để đạt được tinh thần ấy.

Quả thật, những phương tiện mà Ðức Giê-su đặt ra rất cần thiết và hữu ích, nhưng dù thế nào chăng nữa, chúng vẫn chỉ là những phương tiện. Biến những phương tiện ấy thành mục đích hay cứu cánh là vô hiệu hóa chúng, thậm chí làm chúng biến chất, làm chúng trở nên có hại thay vì có lợi. Nếu "đồng tiền là một đầy tớ rất tốt, nhưng lại là một ông chủ rất xấu", thì tương tự như vậy: các phương tiện Ðức Giê-su lập ra như các Bí Tích, việc cầu nguyện, v.v... là những phương thế rất tốt, nhưng lại cũng có thể bị người ta lạm dụng vào những mục đích không hay. Nghĩa là nếu chúng ta nhắm mục đích rõ ràng là sống yêu thương nhau, và quyết tâm thực hiện sự yêu thương ấy, thì việc cầu nguyện và các Bí Tích sẽ là những phương thế hết sức hữu hiệu để đạt được mục đích ấy. Còn nếu chúng ta coi chúng là mục đích, thì chúng sẽ trở thành những yếu tố phá hoại sự yêu thương ấy, cũng là phá hoại tôn giáo.

Khốn thay rất nhiều Ki-tô hữu không hề ý thức sứ điệp căn bản của Ðức Giê-su là tình yêu thương, nên không mấy quan tâm tới điều chính yếu ấy. Họ chỉ chủ yếu quan tâm tới việc thực hành những phương tiện mà Ðức Giê-su lập ra để đạt mục đích ấy, và coi việc thực hành những phương tiện ấy chính là bản chất việc sống đạo Ki-tô giáo. Họ đã biến phương tiện thành mục đích, vì thế, những phương tiện ấy chẳng những chẳng đạt được mục đích mà Ðức Giê-su muốn chúng đạt được, mà chúng lại trở thành một thế lực ngăn cản con người đạt đến mục đích ấy. Thật vậy, biết bao Ki-tô hữu cảm thấy mình đạo đức chỉ vì đã đi lễ hằng ngày, rất siêng năng lãnh nhận các bí tích, rất chuyên cần đọc kinh cầu nguyện... đang khi họ đối xử với tha nhân, thậm chí với cả những người trong gia đình mình, chẳng mấy tốt đẹp. Như thế họ đã quan niệm sai lầm về việc sống đạo, nhất là về bản chất của Ki-tô giáo. Ðiều này thiết tưởng những người có nhiệm vụ rao giảng, dạy dỗ trong Giáo Hội phải chịu trách nhiệm phần nào !

4.   Ðể xây dựng Nước Thiên Chúa, Ðức Giê-su cần những người cộng tác

Ngay khi bắt đầu sứ mạng loan báo và xây dựng Nước Thiên Chúa, việc đầu tiên Ðức Giê-su phải làm là tìm những người có tâm huyết cộng tác với Ngài. Chắc hẳn những người được Ngài mời gọi theo Ngài làm tông đồ, Ngài đã nhận ra nhiệt huyết của họ trong những lần Ngài nói chuyện với dân chúng về Nước Trời trước đó. Vì thế, khi Ngài mời gọi họ, họ lập tức bỏ mọi sự để lên đường theo Ngài ngay. Và với 12 môn đệ - tức 12 người cộng tác đắc lực - được Ngài tuyển chọn, Ngài đã lập nên cả một Giáo Hội phát triển rộng lớn như ngày nay. Sau 20 thế kỷ khởi công xây dựng Nước Thiên Chúa, người theo Ðức Giê-su hiện nay trên thế giới tuy rất đông nhưng dẫu sao vẫn còn rất ít ỏi so với số lượng đáng lẽ phải đạt được. Vì hiện nay số người Ki-tô hữu mới chỉ chiếm một phần ba dân số thế giới.

Ðó là nói về số lượng, còn chất lượng người Ki-tô hữu thì sao ? Bao nhiêu phần trăm Ki-tô hữu thật sự sống tinh thần yêu thương của Ðức Giê-su đúng như Ngài đã truyền: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" ( Ga 13, 34 ) ? Ðối với thế giới, Ki-tô giáo có phải là một biểu tượng hay gương mẫu của tình thương, của sự khoan dung, hay chỉ là biểu tượng của lễ nghi, của sự khắt khe, không khoan nhượng ?

Thời nào Ðức Giê-su cũng cần những người có tâm huyết cộng tác với Ngài. Và chắc chắn thời nào cũng không thiếu những con người nhiệt tình sẵn sàng hy sinh cho công cuộc của Ngài. Nhưng nhiệt huyết xuông, không đủ, chúng ta cần phải đi đúng đường lối của Ngài. Nếu không, nỗ lực của Giáo Hội chúng ta sẽ chỉ là những nỗ lực kiểu "dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì". Thiết tưởng chúng ta cần phải nắm vững cái nào là cái chính yếu, cái nào là cái phụ thuộc; cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện; cái nào là bản chất, cái nào là hiện tượng. Nhờ phân biệt rõ ràng như thế, chúng ta mới biết hy sinh cái phụ thuộc cho cái chính yếu, coi nhẹ phương tiện hơn mục đích, coi trọng bản chất hơn hiện tượng.

Cứ thử xét cách dùng danh từ của nhà đạo chúng ta thì biết chúng ta đã quan trọng hóa cái gì: cái chính yếu hay cái phụ thuộc ? Chúng ta gọi những việc cầu nguyện hay Bí Tích là những "việc đạo đức". Ðiều đó khiến nhiều Ki-tô hữu lầm tưởng rằng cứ cầu nguyện hay lãnh nhận các Bí Tích cho nhiều là trở thành người đạo đức. Nhưng thật ra rất nhiều người làm được như vậy một cách rất gương mẫu, nhưng chẳng ai mến phục chỉ vì họ sống thiếu tình thương.

Thực ra đạo đức được thể hiện trong chính cuộc sống thường ngày: trong cách cư xử, cách làm việc, cách nói năng... Một người có đạo đức khác với những người không đạo đức chủ yếu ở trong chính cách cư xử, làm việc, nói năng... chứ không phải trong việc cầu nguyện và lãnh nhận các Bí Tích. Vì thế, thiết tưởng khi chúng ta làm những bổn phận hằng ngày như làm ăn buôn bán, quét nhà nấu ăn giặt giũ, tiếp xúc nói chuyện cư xử với mọi người... nếu chúng ta làm với tinh thần yêu thương vị tha, thì chính khi làm như vậy là ta thực hiện những việc đạo đức. Việc cầu nguyện và các Bí Tích giúp ta có ơn Chúa, có sức mạnh để làm những việc ấy với tinh thần yêu thương của Chúa, chứ chúng không thay thế tinh thần yêu thương ấy.

Cầu nguyện hay lãnh nhận các Bí Tích mà không thể hiện tình yêu thương trong cách cư xử, làm việc, ăn nói, suy nghĩ, thì giống như một người đi làm quần quật suốt ngày để có tiền, nhưng chẳng dùng số tiền ấy vào việc gì, cứ cất vào một chỗ để dành. Như thế tiền bạc ấy trở nên vô ích. Tiền bạc chỉ trở nên ích lợi và đem lại hạnh phúc khi được chi tiêu để thỏa mãn những nhu cầu cần thiết của đời sống. Cũng vậy, cầu nguyện hay lãnh nhận Bí Tích chỉ có ích lợi và đem lại ơn cứu rỗi khi chúng nhắm thực hiện mục đích mà Chúa muốn là thể hiện tình yêu thương cách hữu hiệu.

Lạy Cha, bản chất của Cha là Tình Yêu, và bản chất của Nước Trời do Ðức Giê-su thiết lập cũng là Tình Yêu. Do đó, Tình Yêu chính là mục đích và bản chất của Ki-tô giáo. Việc cầu nguyện, các Bí Tích chính là những phương tiện hữu hiệu để thực hiện mục đích hay bản chất ấy. Xin Cha đừng để người Ki-tô hữu chúng con lầm lẫn mục đích với phương tiện, điều chính yếu với điều phụ thuộc. Có như vậy, Nước Trời mới thật sự hình thành tại trần gian này. Xin cho chính bản thân con ý thức điều đó.

Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT

CÂU TRUYỆN:

GÓI HÀNH TRANG


Hớn ha hớn hở lên đường,

Tôi đi bên cạnh Bạn Ðường thân yêu.

Hành trang gói ghém cũng nhiều,

Ngỡ rằng chẳng đáng bao nhiêu nặng đời...

Thế nhưng khi nắng lên rồi,

Mồ hôi ướt đẫm, rã rời bước chân.

Băn khoăn do dự nhủ thầm:

Hay là bỏ bớt một phần hành trang

Tùy thân quần áo, bạc vàng,

Lại thêm quyển sách, cây đàn ghi-ta...

Lếch tha lếch thếch đường xa,

Ði ngay bên cạnh vẫn là Bạn Yêu.

Hành trang đã nhẹ đi nhiều,

Nhưng sao vẫn thấy có điều bận tâm !

Dốc dài trĩu nâng bước chân,

Tôi đành dừng lại, phân vân, chần chừ.

 Thôi thì... dứt bỏ ưu tư,

Ðốt đi cả những lá thư ngày nào,

 Biết bao kỷ niệm ngọt ngào,

Gia đình, bè bạn, tình đầu luyến thương...

Lốc ca lốc cốc dặm trường,

Ðồng hành vẫn có Bạn Ðường một bên.

Chiều vàng, nắng nhạt bình yên,

 Cánh chim về tổ, màn đêm xuống dần...

Hành trang chợt thấy nhẹ tâng,

Ngẩn ngơ nhìn lại một lần nữa thôi,

Bao nhiêu ky cóp cả đời,

Rỗng không, tay trắng, buông rơi hết rồi !

"Ơ kìa, mình đã đến nơi !"

Quay nhìn, Bạn mỉm nụ cười an nhiên...

Lm. QUANG UY phỏng theo "La Besace"


CHỨNG TÁ:

MÓN QUÀ CỦA CHÚA

Ðối với bất kỳ ai, dù theo tôn giáo nào, ngày Chúa Giáng Sinh cũng là một ngày lễ thật vui. Ta cảm thấy rõ ràng niềm vui phơi phới này trào dâng lên trong tâm hồn mà ta không giải thích được. Giáng Sinh năm 2001 còn đọng lại nơi tôi một kỷ niệm khó quên. Ðó là một ngày đẹp trời mát mẻ, bầu trời trong xanh, lác đác đó đây vài giải mây trắng như những giải lụa lờ lững vắt ngang trời. Tôi dậy sớm, bước ra ngoài sân ngắm trời, trong lòng còn đọng lại bài hát quen thuộc của Ngày Giáng Sinh: "Vinh danh Thiên Chúa trên Trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương". Vài con chim sẻ đi kiếm ăn sớm, đậu xà xuống quãng sân lát gạch tầu đỏ phía trước Trung Tâm Thiên Phước ở Củ Chi, kêu chiêm chiếp và nhảy lót thót. Chuông điện thoại trong văn phòng đổ dồn, tôi vvã quay vào, lòng tự nhủ: "Không biết ai gọi mình sớm thế vào ngày Noel ? Thể nào cũng có một tin gì đặc biệt đây".

"A-lô, Thiên Phước nghe đây". "Chào soeur Nhàn, chúc mừng Giáng Sinh. Hôm nay tôi có một món quà Giáng Sinh rất đặc biệt dành cho soeur, soeur phải về Sài-gòn ngay để nhận nhé !" Ðó là giọng nói quen thuộc của cha Phan Khắc Từ, giám đốc Trung Tâm Thiên Phước, cũng là cha xứ Nhà Thờ Vườn Xoài. "Dạ vâng, thưa cha". Tôi trả lời ngài và mau mắn cùng soeur Xuân lên đường.

Hình như ngoài đường ngày hôm đó mọi người đều vui hơn mọi khi, hay là tại vì lòng tôi đang hí hửng vì món quà Noel bất ngờ và đầy kỳ bí của cha Từ nên tôi thấy mọi người đều có vẻ vui tươi cả. Vừa đến cổng Nhà Thờ, nhìn qua hội trường Giáo Xứ Vườn Xoài, tôi thấy có mấy người đứng ngồi lố nhố ra chiều sốt ruột chờ ai đến. Nổi lên giữa họ là một bà cụ khoảng 70 tuổi, dáng người nghèo khổ, tay bồng một đứa bé. Một thằng biết khác chừng 6 tuổi, tóc hung đỏ, đứng bên, ôm chặt lấy một chân của bà. Cả ba người đều lôi thôi lếch thếch bẩn thỉu. Bà cụ thấy tôi đến thì cúi đầu chào cung kính. Tôi cũng mỉm cười chào đáp lễ bà cụ và hỏi thăm xã giao: "Bà cụ đứng đây làm chi ?" Bà lễ phép đáp: "Thưa ma sơ, con ở đây để chờ gặp cha xứ". "Vâng, bà cứ yên tâm đợi ở đây. Tôi cũng đến gặp cha xứ đây. Tôi sẽ nói giùm là có bà chờ gặp ngài ngoài đây". Tôi nói thế rồi vô tư đi vào văn phòng Giáo Xứ.

Qua ngưỡng cửa tôi thấy ngay cha Từ đang ngồi chờ tôi một nét mặt tươi vui, nụ cười mở rộng, ngài vồn vã hỏi tôi: "Thế nào, đến nhận quà đặc biệt ngày Noel mà không mang theo gì để đựng hay sao ?" Tôi đành cười mím chi: "Con đâu có biết là quà của cha nhiều hay ít mà mang sẵn bao". "To lắm, hai soeurs đi theo tôi mà nhận". Cha giám đốc đi trước, chúng tôi hồi hộp theo sau, không biết món quà đặc biệt bất ngờ của ngày Noel là gì. Cha dẫn chúng tôi đi ra ngoài sân, tới chỗ bà cụ và hai đứa bé chúng tôi vừa gặp. Ngài chỉ vào đứa bé nằm trên tay bà cụ và nói nghiêm túc: "Quà Giáng Sinh của hai soeurs đây. Một Chúa Hài Nhi được sinh ra ngoài vỉa hè". Soeur Xuân và tôi đồng thanh đáp: "Ô, thì ra thế !"

Tay bà cụ run run mở tấm khăn quấn quanh đứa bé ra. Ðó là một đứa cháu trai khoảng một tuổi. Ðầu và mặt của em đầy ghẻ chốc. Khuôn mặt xanh xao tái mét cho thấy đây là một đứa bé bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Lạ lùng thay, bàn tay phải của em nắm chặt, giơ lên giơ xuống, đấm liên tục vào cái đầu nhỏ xíu và vào khuôn mặt hốc hác của em.

Cha Từ giải thích: "Ðây là bà ngoại của cháu. Bà ta đến trước cổng Nhà Thờ định lén bỏ cháu lại và bỏ trốn, nhưng các ông bà đang quét Nhà Thờ bắt gặp nên giữ bà lại và dẫn vào gặp tôi. Tôi hỏi han và được bà kể lại như sau: Cháu bé năm nay đã ngoài hai tuổi. Mẹ cháu là con gái của bà cụ. Cô ta bị điên hay đi lang thang, không biết tự bảo vệ mình nên thường bị mấy đứa con trai mất hết nhân tính hãm hiếp. Cô đã bị mang thai lần thứ ba và sinh được ba đứa con. Hai đứa trước, nhờ Trời thương, được bình thường. Một đứa được một gia đình tử tế nhận làm con nuôi. Một đứa đi theo bà ngoại để ăn xin. Nhưng đứa thứ ba lại bị điên giống mẹ, thành ra nuôi nấng vô cùng khó khăn. Bà ngoại rất thương cháu vì cháu bệnh tật. Bà đã bôn ba ngược xuôi để nuôi cháu hơn 2 năm nay, nhưng đến giờ thì bà đã kiệt sức, không kham nổi nữa, đành gạt lệt toan tính lén bỏ cháu lại trước cổng Nhà Thờ vì tin tưởng vào Chúa nhân từ và người có Ðạo cũng giàu lòng bác ái, nhưng bà lại bị phát hiện tại chỗ. Cháu bé tên là Cao Thanh Tâm, mang dòng máu điên của mẹ nên cứ tự đấm vào đầu mình, lúc nào muốn khóc thì khóc, muốn cười thì cười".

Nghe tới đây, bà cụ bật khóc, nghẹn ngào muốn nói thêm một điều gì đó mà không sao nói được. Cha Giám Ðốc đỡ lời cho bà và bảo chúng tôi: "Thôi, hai soeurs nhận quà Giáng Sinh và mang về đi nhé !" Thế là bà cụ trao cháu cho chúng tôi. Bà viết một tờ đơn bàn giao đứa trẻ và đưa cho tôi tờ khai sinh của cháu. Nhìn vào giấy khai sinh, tôi giật mình vì cháu sắp tròn 3 tuổi mà trông chỉ bằng một em bé 1 tuổi.

Chúng tôi phải bỏ ra 2 tuần để tắm cho bé Thanh Tâm bằng nước muối loãng, thuốc tím, và cho cháu uống thêm thuốc đặc trị, khi ấy các mụn ghẻ gớm ghiếch trên người cháu mới thuyên giảm. Cháu rất háu ăn vì có lẽ trước đó thường xuyên bị đói. Mỗi bữa cháu ăn một tô cháo đầy mà chưa no. Ðêm đến tất cả các soeurs trong nhà đều mất ngủ vì những tiếng hét khủng khiếp của cháu trong khi tay cháu cứ liên tục đấm vào đầu mình tựa hồ một võ sinh Quyền Anh thượng đài ra đòn vào đối phương. Chúng tôi cứ thế mà chịu đựng ngày này qua tháng khác...

Giờ đây, sau hơn 1 năm, Cao Thanh Tâm đã lớn hẳn ra, trắng trẻo, bụ bẫm, đẹp trai nhất nhà. Cháu vẫn là một võ sĩ tự đánh vào đầu mình. Chúng tôi phải cột tay cháu lại khi cháu ngủ, bằng không cháu cứ vừa đánh vào đầu vừa mút ngón chân cái. Nhưng cháu rất hay cười, khi đó cháu lại dễ thương như mọi đứa trẻ bình thường khác. Tất cả các soeurs trong nhà đều thương cháu hơn cả. Khách đến thăm không ai ngăn được lòng mình cảm thương cháu.

Nếu như có ai chưa tin, xin mời đến thăm Cao Thanh Tâm, món quà Giáng Sinh 2001 của chúng tôi. Các bạn sẽ thấy lòng mình chùng xuống giữa muôn căng thẳng lo toan của cuộc mưu sinh hàng ngày. Các bạn sẽ thấy sự huyền diệu vô cùng của một sự sống con người, một món quà vĩ đại mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm ra và ban cho chúng ta. Ðể rồi chính các bạn sẽ thấy cuộc sống của chính mình còn cao quý biết bao, vì Chúa đã Giáng Sinh để cho chúng ta được sống, và sống thật dồi dào.

Nữ Tu Ma-ri-a DƯƠNG THỊ NHÀN, Cơ Sở Nuôi Dưỡng Trẻ Khuyết Tật THIÊN PHƯỚC,

Ấp lô 6, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, Sài-gòn. ÐT: 8.926.368

 

CHIA SẺ:

MỘT NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Người ta kể rằng: có một binh sĩ trở về quê hương sau khi chiến đấu tại Việt Nam. Từ San Francisco anh điện thoại cho cha mẹ mình: "Cha mẹ ạ, con vừa về đến quê hương, nhưng con xin cha mẹ một ân huệ. Con có một người bạn, con muốn đưa bạn ấy về nhà mình với con". Họ trả lời: "Ðược chứ, cha mẹ sẵn lòng gặp cậu ấy". Người con trai tiếp tục: "Có một điều cha mẹ nên biết: cậu ấy bị thương nặng trong chiến tranh. Cậu ấy đạp phải một quả mìn và mất đi một tay với một chân rồi. Cậu ấy không biết đi nơi nào cả, và con muốn đưa cậu ấy về ở nhà mình."

Người cha ngần ngừ giây lát rồi bảo: "Con à, ba rất lấy đau lòng khi nghe như vậy. Có lẽ chúng ta có thể giúp cậu ta tìm ra một nơi để ở". Anh lính tha thiết nói: "Không, cha mẹ à, con mong muốn cậu ấy được ở chung với chúng ta". Người cha đáp: "Con ơi, con không ý thức là con yêu cầu cha mẹ điều gì à ? Một người tàn tật nặng như thế sẽ là một gánh nặng khủng khiếp cho chúng ta. Chúng ta còn phải sống cuộc đời của mình, và không thể để một điều như thế quấy rầy cuộc sống chúng ta ! Cha nghĩ rằng con nên về nhà ngay và quên cậu ấy đi. Cậu ta sẽ tự mình tìm ra một cách mà sống."

Nghe đến đây, người con gác điện thoại. Và cha mẹ anh không còn nghe anh nói thêm lời nào. Tuy nhiên vài ngày sau, họ nhận một cú điện thoại từ cảnh sát San Francisco. Người ta bảo rằng con của họ đã qua đời sau khi rơi từ một cao ốc xuống. Cảnh sát nghĩ rằng anh tự tử. Cha mẹ anh bàng hoàng đau đớn, vội đáp phi cơ đến San Francisco và được đưa đến nhà xác của thành phố để nhận diện con mình. Họ nhận ra anh ta ngay, nhưng họ cũng kinh hãi khi phát hiện một điều mà họ không hề biết trước: con của họ chỉ còn một tay và một chân !

Cha mẹ của anh lính trong mẩu chuyện này cũng giống nhiều người trong chúng ta. Chúng ta cảm thấy dễ dàng yêu thương những người có ngoại hình đẹp hoặc làm ta thích thú, nhưng không thích những ai làm cho mình bực bội hay không thoải mái. Chúng ta muốn tránh xa những người không mạnh khoẻ, không xinh đẹp, hay không thông minh bằng chúng ta. May thay, có một Ðấng không đối xử với chúng ta theo cách ấy. Một Ðấng yêu thương chúng ta với một Tình Yêu vô điều kiện và đón nhận chúng ta vào gia đình Ngài mãi mãi, dù cho chúng ta có rách nát đến đâu.

Ðêm hôm nay, trước khi bạn đi vào giấc ngủ, hãy nguyện cầu xin Chúa ban cho bạn sức mạnh cần thiết để đón nhận người khác đúng như thực trạng của họ, và xin Ngài giúp chúng ta biết thông cảm hơn với những ai khác mình.

Có một phép mầu được gọi là Tình Bạn đang ở trong lòng chúng ta. Bạn không biết nó xảy ra làm sao và khởi sự khi nào. Nhưng bạn biết rõ sự nâng đỡ đặc biệt mà Tình Bạn luôn đem đến. Và bạn ý thức rằng Tình Bạn là món quà quí báu nhất mà Thiên Chúa dành cho bạn.

Bạn Hữu quả đúng là một viên ngọc quý. Bạn Hữu tạo cho bạn nụ cười và khuyến khích để bạn thành công. Họ lắng nghe bạn, chia sẻ bằng một lời khen, và lúc nào cũng muốn mở lòng ra với bạn.

VÕ HOÀNG NGUYÊN chuyển, TRẦN DUY NHIÊN dịch

THÔNG TIN:

NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ VẬT PHẨM ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Cô Phạm Thị Thanh Minh và công ty ( Sài-gòn ) qua bạn Lợi, giúp người nghèo ...............................  1.500.000 VND

- Anh Chiến và ca đoàn Việt Linh ( Hoa Kỳ ) qua bạn MK Bích Sơn, giúp người nghèo ..................................  400 USD

- Cha Nguyễn Tất Hải, DCCT, và các ân nhân ( Hoa Kỳ ) giúp người cùi và người nghèo ..............................  500 USD

- Bà Trịnh Lê Tuyết ( Hoa Kỳ ) giúp các em mồ côi do Dòng Khiết Tâm Nha Trang phụ trách ........................................................  300 USD

- Vợ chồng bạn MK Xuân Ðào ( Úc ) giúp người nghèo .................................................................................... 800.000 VND

- Vợ chồng bạn MK Lê Cúc ( Sài-gòn ) giúp người nghèo ..............................................................................  400.000 VND

- Một Giáo Dân ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp tiền xe cho đoàn khám bệnh đi Bình Thuận ............................  300.000 VND

- Bác sĩ Bích Ðào ( Pháp ) giúp tiền thuốc cho đoàn khám bệnh đi Bình Thuận .....................................  4.500.000 VND

- Một bác sĩ ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp đoàn khám bệnh đi Bình Thuận ..........................................................................  1.000 cây đè lưỡi

- Một nha sĩ ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp đoàn khám bệnh đi Bình Thuận ...........................................................  Các thuốc và vật dụng nhổ răng

NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ QUÀ TRỠ GIÚP ÐỘT XUẤT

- Giúp tiền mua kính cận cho một người khuyết tật ở Sài-gòn ( qua cha Quang Uy )................................. 100.000 VND

- Giúp tiền chữa bệnh cho vợ một người khuyết tật ở Tây Ninh ( qua cha Quang Uy ) ............................  100.000 VND

- Giúp một cựu Tu Sĩ đang gặp hoàn cảnh ngặt nghèo .....................................................................................  100.000 VND

- Giúp tiền xe về quê cho 2 trường hợp nghèo ở Sài-gòn ................................................................................ 200.000 VND

- Giúp một gia đình nghèo ở Bình Thạnh ( Sài-gòn ) mua xe ba gác để nhặt rác .......................................  300.000 VND

- Giúp tiền xe cho một bệnh nhân tim ở Ðồng Tháp đi khám ở Viện Tim .....................................................  50.000 VND

- Giúp tiền bồi dưỡng sức khỏe cho một bệnh nhân tim ở Hựu Thành, Vĩnh Long ...................................  200.000 VND

- Giúp tiền bồi dưỡng sức khỏe cho một bệnh nhân tim ở Bảo Lộc, Lâm Ðồng ......................................... 300.000 VND

- Giúp tiền mua gạo và thức ăn cho các gia đình xóm chài Cần Thơ ( qua Sr. Hạnh ) ............................. 1.000.000 VND

TRỠ GIÚP XE LĂN CHO HAI NGƯỜI GIÀ YẾU Ở CẦN THƠ

Sr. Hồ Thị Hạnh, Dòng Chúa Quan Phòng, giới thiệu 2 trường hợp cần được trợ giúp xe lăn:

1. Ông LÊ VĂN HUYỆN, sinh năm 1937, ngụ tại số 12 / 6 đường 3 tháng 2, thành phố Cần Thơ. Ông bị tắc mạch máu năm 1981, gia đình nghèo không đủ tiền chạy chữa kịp thời, chân bị ung mủ phải cưa cụt. Gần 22 năm qua, ông phải sử dụng nạng, nhưng nay sức yếu, hai bên nách lại bị lở, không thể dùng nạng được nữa. Gospelnet xin trợ giúp một chiếc xe lăn mới của Ðài Loan, trị giá 920.000 VND.

2. Cụ PHAN THỊ THÀ, sinh năm 1919, ngụ tại ấp Tân Thành A, xã Long Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trang. Cụ bà bị bệnh tiểu đường, ngã trật cột sống, không đi lại được nữa, hoàn cảnh lại quá nghèo và neo đơn, chỉ sống với một người con gái không lập gia đình, đang phải đi làm thuê để nuôi mẹ. Gospelnet xin trợ giúp một chiếc xe lăn cũ của cơ sở Kiến Tường nhưng còn rất tốt, trị giá 800.000 VND.

CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG CHO 10 EM HỌC SINH NGHÈO Ở HUẾ

Như Gospelnet số 88 ra ngày 8.12.2002 đã thông tin, thầy Võ Văn Tuệ, DCCT, giới thiệu một danh sách 10 em học sinh hiếu học có hoàn cảnh gia đình nghèo, hiện ngụ tại ấp An Vân Thượng, xã Hương An, huyện Hương Trà, cố đô Huế. Trước mắt, Gospelnet đã trợ giúp cho mỗi em 50.000 VND cho tháng 12.2002, nay xin tiếp tục trợ giúp tháng 1.2003, tổng cộng: 500.000 VND, được trích ra từ số tiền vợ chồng bạn MK Xuân Ðào ( Úc ) mới chia sẻ, và xin nhờ cha Nguyễn Trần Tuấn, DCCT, chuyển về Huế đến tận tay gia đình các em. Xin thay mặt thầy Tuệ và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG CHO 6 EM Ở BẢO LỘC

Gospelnet số 96 tiếp tục trợ giúp cho 6 em học sinh nghèo thuộc khu Kinh Tế Mới thôn Tân Bình, xã Lộc Thanh, huyện Bảo Lộc ( danh sách đã đăng trên Gospelnet số 77 ngày 22.9.2002 ) trong tháng 1.2003, tổng cộng: 6 em x 50.000 VND = 300.000 VNDb, được trích từ khoản tiền vợ chồng bạn MK Xuân Ðào ( Úc ) mới chia sẻ, xin chuyển đến thầy Vũ Ðại Dương để phân phối đến tận gia đình các em. Xin thay mặt thầy Dương và các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG CHO 11 EM Ở LONG KHÁNH

Gospelnet số 90 tiếp tục trợ giúp cho 11 em học sinh nghèo ở Long Khánh ( danh sách đã đăng trên Gospelnet số 50 ngày 3.3.2002 ) trong tháng 12.2002, tổng cộng: 11 em x 50.000 VND = 550.000 VND, được trích từ khoản tiền cha Nguyễn Tất Hải, DCCT và các ân nhân ( Hoa Kỳ ) mới trợ giúp, xin chuyển đến cộng đoàn Thiên Phúc để phân phối đến tận gia đình các em. Xin thay mặt cộng đoàn Thiên Phúc và các em tỏ lòng biết ơn đến cha và quý ân nhân.

CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG CHO 6 EM TRONG CÙNG MỘT GIA ÐÌNH

Như Gospelnet số 60, 77 và 90 đã thông tin, thầy Trần Xuân Sang, Dòng Ngôi Lời, giới thiệu hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình ông Nguyễn Văn Phương, và bà Trần Thị Minh, có 6 người con đang còn đi học. Nay Gospelnet số 96 xin tiếp tục trợ giúp cho 6 em trong hai tháng 1 và 2.2003, tổng cộng: 6 em x 2 tháng x 50.000 VND = 600.000 VND, được trích từ khoản tiền cha Nguyễn Tất Hải, DCCT và các ân nhân ( Hoa Kỳ ) mới trợ giúp. Xin thay mặt thầy Sang và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG NAM THIÊN CHO 26 EM Ở BAN-MÊ-THUẬT

Sr. Nguyễn Thị Ðức, Dòng Nữ Vương Hòa Bình, phục vụ tại Giáo Xứ Nam Thiên, Giáo Phận Ban-mê-thuật, giới thiệu danh sách 26 em học sinh nghèo, trong đó có 20 người dân tộc Ê-đê và 6 em người Kinh cũng có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Gospelnet xin tiếp tục trợ giúp các em trong hai tháng 12.2002 và 1.2003: 26 em x 2 tháng x 50.000 VND = 2.600.000 VND.

TRỠ GIÚP MỘT EM HỌC SINH NGHÈO Ở ÐỒNG NAI

Như Gospelnet số 61 ra ngày 12.5.2002 đã thông tin, cha Giu-se Phạm Hùng Sơn, Giáo Xứ Ðịnh Quán giới thiệu trường hợp gia đình anh Giê-rô-ni-mô Ðặng Minh Thành, 34 tuổi, và chị Lu-ci-a Phạm Thị Kim Long, 29 tuổi, hiện ngụ tại số 518 ấp Hiệp Ðồng, thị trấn Ðịnh Quán, tỉnh Ðồng Nai. Anh Thành bị tai nạn gãy cột sống 10 năm nay, phải ngồi xe lăn. Chị bị bệnh phong, thường xuyên lên cơn nguy kịch. Hai vợ chồng lãnh hạt điều về nhà làm, thu nhập chỉ được khoảng 7 - 8.000 VND một ngày, chỉ đủ để đắp đổi rau cháo qua ngày.

Gospelnet đã trợ giúp 50.000 VND mỗi tháng, cho con gái của anh chị là cháu An-na ÐẶNG THỊ KIM YẾN, sinh năm 1992, đang học lớp 4, từ tháng 5 đến hết năm 2002, nay Gospelnet số 96 xin tiếp tục trợ giúp năm tháng từ tháng 1 đến hết tháng 5.2003 ( hết năm học ), tổng cộng: 250.000 VND, nhờ anh Phạm Văn Lượng, Huynh Ðoàn Ki-tô Bệnh Nhân và Khuyết Tật, chuyển đến cho anh chị.

TRỠ GIÚP MỘT CHÁU BÉ ÐANG ÐIỀU TRỊ Ở BỆNH VIỆN NHI ÐỒNG 1

 Văn Phòng Xã Hội 42 Tú Xương, giới thiệu một trường hợp do Văn Phòng Tòa Giám Mục Sài-gòn gửi: cháu LÊ THÀNH XUÂN PHONG, sinh năm 1999, con anh Nguyễn Văn Hùng, làm nghề chẻ đá và chị Nguyễn Thị Ngời, gia đình có 5 con, hoàn cảnh hết sức nghèo, ngụ tại thôn Lương Cách, xã Hộ Hải, tỉnh Ninh Thuận, Giáo Xứ Thanh Ðiền, Giáo Phận Nha Trang. Cháu bị viêm gan nhiễm trùng máu, từ bệnh viện Ninh Thuận được chuyển cấp cứu về bệnh viện Nhi Ðồng 1 ngày 10.1.2003, giường 9 B, phòng Cấp Cứu, khoa Nhiễm Thần Kinh. Gia đình đã phải vay mượn 4 triệu để lo liệu cho cháu, nay đã chi hết mà bệnh tình vẫn còn nguy kịch. Bệnh viện nhất quyết không cho phép các phóng viên vào chụp hình đưa tin để xin giúp đỡ, lấy lý do sẽ mang tiếng cho bệnh viện ! Gospelnet xin trợ giúp ngay 1.000.000 VND, nhờ cô Nguyễn Thị Giao, nhân viên Văn Phòng Xã Hội chuyển đến tận tay gia đình cháu.

CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG YÊN THÀNH CHO 20 EM Ở NGHỆ AN

Cha Nguyễn Quang Nam, Giáo Xứ Ðức Lân, và Sr. Nguyễn Thị Liễu, Dòng Mến Thánh Giá Vinh, giới thiệu một danh sách 20 em học sinh nghèo, ngụ tại xóm Lạc Thành, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo Xứ Ðức Lân. Ðây là miền núi, gia đình các em đều làm nghề nông nhưng lại thiếu đất canh tác, thường xuyên bị hạn hán, mùa màng thất thường, đã nghèo lại càng nghèo. Tuy nhiên, theo truyền thống, các em lại rất hiếu học và học chăm, học giỏi, dù luôn bị nguy cơ phải dở dang việc học để vào đời sớm lo sinh kế, mỗi khi chậm đóng học phí, nhà trường đều dọa sẽ cho nghỉ. Gospelnet số 96 xin trợ giúp mỗi em 50.000 VND cho tháng 2.2003, tổng cộng: 20 em x 50.000 VND = 1.000.000 VND.

01. Em NGUYỄN THỊ DUNG, sinh 5.10.1987, học lớp 10 trường PTTH Bắc Yên Thành.

02. Em NGUYỄN DUY TRÍ, sinh 1988, học lớp 9 trường PTCS Hậu Thành 2.

03. Em TRẦN VĂN HUY, sinh 1990, học lớp 7 trường PTCS Hậu Thành 2.

04. Em NGUYỄN THỊ AN, sinh 1985, học lớp 11 trường PTTH Lê Doãn Nhã.

05. Em NGUYỄN THỊ HÁN, sinh 1987, học lớp 10 trường PTTH Bắc Yên Thành.

06. Em NGUYỄN DUY THẬP, sinh 1985, mồ côi cha, học lớp 11 trường PTTH Bắc Yên Thành.

07. Em NGUYỄN THỊ HOA, sinh 1985, học lớp 11 trường PTTH Lê Doãn Nhã.

08. Em NGUYỄN THỊ HOA, sinh 1987, học lớp 9 trường PTCS Hậu Thành 2.

09. Em NGUYỄN HỮU KHIÊM, sinh 1988, học lớp 9 trường PTCS Hậu Thành 2.

10. Em TRẦN THỊ THÁI, sinh 1989, mồ côi mẹ, học lớp 8 trường PTCS Hậu Thành 2.

11. Em HOÀNG SỸ HƯỞNG, sinh 1990, mồ côi mẹ, học lớp 7 trường PTCS Hậu Thành 2.

12. Em NGUYỄN HỮU TRÍ, sinh 1987, học lớp 10 trường PTTH Bắc Yên Thành.

13. Em NGUYỄN THỊ CHIẾN, sinh 1982, học lớp 12 trường PTTH Bắc Yên Thành.

14. Em PHAN THỊ HOÀN, sinh 1983, học lớp 12 trường PTTH Bắc Yên Thành.

15. Em NGUYỄN THỊ HÒA, sinh 1988, mồ côi mẹ, học lớp 9 trường PTCS Hậu Thành 2,.

16. Em NGUYỄN THỊ SEN, sinh 1987, học lớp 10 trường PTTH Lê Doãn Nhã.

17. Em NGUYỄN HỮU THANH, sinh 1989, học lớp 8 trường PTCS Hậu Thành 2.

18. Em NGUYỄN THỊ NHÃ, sinh 1988, học lớp 9 trường PTCS Hậu Thành 2.

19. Em NGUYỄN DUY MỸ, sinh 1989, học lớp 9 trường PTCS Hậu Thành 2.

20. Em NGUYỄN THỊ CƯƠNG, sinh 1989, học lớp 8 trường PTCS Hậu Thành 2.

TRỠ GIÚP 2 EM HỌC SINH NGHÈO GỐC NGHỆ AN

Cha Lê Quang Uy. DCCT, giới thiệu 2 em học sinh nghèo, quê ở xã Vân Diên, huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo Xứ Quy Chính, Nghệ An, đang lưu lạc vào Sài-gòn để mưu sinh nhưng vẫn khao khát được theo đuổi việc học. Gospelnet xin trợ giúp trước mắt cho mỗi em 50.000 VND một tháng, trong hai tháng 2 và 3.2003. Tổng cộng: 200.000 VND, được trích từ khoản tiền cha Nguyễn Tất Hải, DCCT và các ân nhân ( Hoa Kỳ ) mới gửi về trợ giúp. Xin thay mặt các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

1. Em LÊ HỒNG PHÚC, sinh 1982, vào Sài-gòn được 1 năm, hiện nay vừa đi làm thêm rất vất vả, vừa đi học lớp 10 ở Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên Thủ Ðức.

2. Em ÐINH THỊ CHÚC, sinh 1978, gia đình đông anh em, người anh trai lại bị bệnh bẩm sinh, em Chúc vào Sài-gòn đã được hơn 2 năm, hiện nay vừa đi làm thêm rất vất vả, vừa đi học lớp 11 ở Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên Thủ Ðức.

CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG CHO 20 EM Ở ÐỒNG NAI

Cha Nguyễn Ðình Khanh, Giáo Xứ Các Thánh Tử Ðạo, và Sr. Tuyết Trinh, Dòng Ða-minh, giới thiệu một danh sách 20 em học sinh nghèo đang học Tiểu Học, gia đình cha mẹ đều phải đi làm thuê hoặc làm nghề cạo mủ cây cao-su, ngụ tại ấp 4, xã Thừa Ðức, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai, thuộc Giáo Họ Thừa Ðức, Giáo Xứ Các Thánh Tử Ðạo, Giáo Phận Xuân Lộc. Gospelnet số 96 xin trợ giúp mỗi em 50.000 VND cho tháng 2.2003, tổng cộng: 20 em x 50.000 VND = 1.000.000 VND.


01. PHAN THỊ THANH THỦY, sinh 1995, lớp 2.

02. HOÀNG MINH ÐIỀN, sinh 1994, lớp 3.

03. NGUYỄN TÂN TÀI, sinh 1994, lớp 3.

04. TRẦN HỮU TÀI, sinh 1994, lớp 3.

05. HOÀNG THỊ PHƯƠNG THỦY, sinh 1995, lớp 2.

06. TRẦN ÐÌNH NHẬT, sinh 1996, lớp 2.

07. TRƯƠNG THỊ CẨM VÂN, sinh 1996, lớp 2.

08. TRẦN MINH NGỌC, sinh 1995, lớp 2.

09. LÊ NHẬT BÍNH, sinh 1995, lớp 2.

10. NGUYỄN MINH HÒA, sinh 1994, lớp 3.

11. LÊ MINH NHẬT, sinh 1993, lớp 4.

12. LÊ CÔNG QUYỀN, sinh 1993, lớp 4.

13. NGUYỄN HỮU HỒNG, sinh 1993, lớp 4.

14. PHẠM XUÂN ANH, sinh 1995, lớp 2.

15. TRÁC QUANG SƠN, sinh 1993, lớp 4.

16. NGUYỄN THỊ DIỄM HƯƠNG, sinh 1994, lớp 3.

17. TRẦN THỊ MINH HẰNG, sinh 1993, lớp 4.

18. VÕ CHÍ NHÂN, sinh 1995, lớp 3.

19. NGUYỄN THỊ THẢO NHI, sinh 1996, lớp 2.

20. NGUYỄN THỊ THẢO NGUYÊN, sinh 1996, lớp 2.