GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT THỨ 2 B MÙA THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Ga 1, 35 - 42

Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Ðức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Ðây là Chiên Thiên Chúa". Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Ðức Giê-su. Ðức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế ?" Họ đáp: "Thưa Ráp-bi ( nghĩa là thưa Thầy ), Thầy ở đâu ?" Người bảo họ: "Ðến mà xem". Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

Ông An-rê, anh ông Si-mon Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Ðức Giê-su. Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-mon và nói: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Mê-si-a" ( nghĩa là Ðấng Ki-tô ). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Ðức Giê-su. Ðức Giê-su nhìn ông Si-mon và nói: "Anh là Si-mon, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha" ( tức là Phê-rô ).

SUY NIỆM 1:

CÁC MÔN ÐỆ ÐẦU TIÊN

Hôm nay, Chúa Nhật thứ nhì của Mùa Thường Niên, Phụng Vụ nói đến ơn gọi của các Tông Ðồ, cũng nhằm nhắc đến ơn gọi của mỗi Ki-tô-hữu: Ðược giới thiệu, tìm hiểu và sống với Chúa, gặp gỡ Chúa và được biến đổi nên người mới, với một tên gọi mới.

"ÐÂY LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA"...

Trong cuộc sống thường ngày, tôi nghe biết bao là âm thanh, lời nói... tôi thấy biết bao là sự việc, tôi từng trải biết bao là biến cố, gặp gỡ biết bao là con người... Và qua đó, tôi có thể nhận ra lời giới thiệu về Ðấng là Con Chiên của Thiên Chúa, Ðấng đến để xóa bỏ mọi tội lỗi trần gian.

Ba nhà đạo sĩ Phương Ðông nhận thấy ánh sao lạ, nhờ hỏi nhằm vua Hê-rô-đê cùng các thượng tế và kinh sư tại Giê-ru-sa-lem có dã muốn giết vị Vua mới ra đời, mà các ngài tìm đến được với Chúa Giê-su Hài Nhi. Sa-mu-en trong giấc ngủ, nghe tiếng một Ai đó gọi tên mình, nhờ thầy cả Hê-li chỉ dạy, mà cậu bé biết chính Thiên Chúa đã gọi mình. Phao-lô ngã ngựa, nhờ thầy Kha-na-ni-a giảng giáo lý cho, để rồi trở nên Tông Ðồ cho Chúa. Các môn đệ nhờ nghe lời Gio-an Tẩy Giả giới thiệu, mà các ông tìm đến và tự nguyện đi theo Chúa Giê-su suốt đời...

Có người nhờ cha mẹ là người Ðạo dòng đã đưa họ vào làm con cái Chúa từ khi còn rất bé. Có người nhờ kết bạn, lập gia đình, có người nhờ được trợ giúp bác ái, v.v... Tất cả chúng ta, mỗi người mỗi cách, Chúa nhờ người này, người nọ, cảnh này, sự việc kia, và nhờ Hội Thánh để giới thiệu Ðấng Cứu Thế. Ước gì mọi người nhận ra lời mời gọi, đón nhận sự giới thiệu, để mau mắn đi theo Chúa, như các môn đệ "liền đi" theo Chúa Giê-su.

Tại sao các môn đệ liền đi theo Chúa ? Các ông đang khao khát Chiên Thiên Chúa, đang khao khát Ðấng mà các Ngôn Sứ đã loan báo từ mấy trăm năm về trước, Ðấng Ki-tô. Ước gì mọi người đều có lòng khao khát Ngôi Hai Thiên Chúa, khao khát sự sống đời đời, khao khát hạnh phúc của Chúa.

"HÃY ÐẾN MÀ XEM"...

Sau khi được nghe Gio-an giới thiệu, các môn đệ đi theo Chúa Giê-su... giờ đây các ông còn được chính Chúa Giê-su trực tiếp mời: "Hãy đến mà xem". Các ông đến xem chỗ ở của Chúa và đã sống với Chúa. Chúa thân thiện dẫn các ông về, và chỉ "chỗ ở" của Chúa cho các ông biết: Biết Chúa là ai ? Biết Chúa từ đâu tới ? Biết sứ mạng của Chúa là đem ơn cứu độ cho trần gian... Các ông thật sự đã gặp thấy Ðức Ki-tô. Do đó, các ông đã sống với Chúa ngay tại nơi "chỗ ở" của Chúa.

Khi đón nhận những lời chỉ dạy của Chúa, sống trong "chỗ ở" của Chúa, có điều gì đó hấp dẫn các ông, nên các ông quyết định làm môn đệ của Chúa luôn, và sau đó vội vàng háo hức giới thiệu anh em mình cũng tìm đến để cũng được cảm nếm được cái hạnh phúc ấy như mình.

Trong đời sống Ki-tô-hữu, chúng ta cũng được chính Chúa Giê-su trực tiếp mời gọi: "Hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho. Hãy mang lấy ách của Ta, Hãy học cùng Ta..."

Xin Chúa cho tất cả chúng ta cảm nếm được thế nào là niềm hạnh phúc sống với Chúa, sống bên Chúa, sống trong Chúa, để rồi cũng biết sẵn sàng chia sẻ cho nhau.

Lm. NGUYỄN VĂN HIỀN, Giáo Phận Vĩnh Long

SUY NIỆM 2:

TRĂM NGHE KHÔNG BẰNG MỘT THẤY"

Sau Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa, Phụng Vụ đưa chúng ta vào hoạt động của Chúa Giê-su mà câu chuyện An-rê và Gio-an gặp và khám phá ra Chúa là Ðấng Mê-si-a có tầm quan trọng riêng cả trong lãnh vực Tông Ðồ, cả trong đời sống tâm linh của người môn đệ là tất cả chúng ta, những người đã chịu Phép Rửa trong Thánh Thần bởi Chúa Giê-su Ki-tô.

1. "TRĂM NGHE KHÔNG BẰNG MỘT THẤY"

Cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa Ðứùc Giê-su và hai môn đệ đầu tiên là An-rê và Gio-an thật lạ lùng, vì hai bên hỏi và trả lời nhau như những kẻ "nghễnh ngãng": "Các anh tìm gì thế ? Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?"... "Ðến mà xem""Họ đã đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người ngày hôm ấy".

Hai ông An-rê và Gio-an là môn đệ của Gio-an Tẩy Giả. Hiển nhiên là hai ông đã nghe Gio-an giảng dạy và khẳng định nhiều lần và với nhiều hạng người rằng ông không phải là Ðấng Mê-si-a, không cả là một ngôn sứ mà chỉ là tiếng kêu trong sa mạc dọn đường cho Ðức Chúa là Ðấng sẽ đến sau nhưng cao trọng hơn ông bội phần.

Khi nghe Gio-an giới thiệu Ðức Giê-su là Chiên Thiên Chúa thì hai ông liền đi theo Ðức Giê-su... Chắc hai ông sống trong tâm trạng vừa vui vừa mừng vừa hồi hộp vừa thấp thỏm vì không biết sự gì sẽ xảy ra.

Ðức Giê-su không lý thuyết dài dòng mà rất cụ thể, rất thực tế: "Ðến mà xem" Và kết quả là: "Chúng tôi đã thấy Ðấng Mê-si-a". Ðức Giê-su quả là một nhà sư phạm đại tài, biết người biết ta, biết chinh phục người khác. Thật đúng như cha ông ta vẫn nói: "Trăm nghe không bằng một thấy" tức nghe trăm lần không bằng nhìn thấy một lần.

2. KINH NGHIỆM GẶP CHÚA LÀ MỘT KINH NGHIỆM RIÊNG TƯ KHÔNG AI LÀM THẾ CHO AI ÐƯỠC

Nếu đi sâu vào tường thuật của Gio-an, chúng ta không khỏi thắc mắc, vì điều chúng ta chờ đợi nhất thì Gio-an lại không nói ra, không chịu bật mí.

Trong thời gian một ngày mà hai ông An-rê và Gio-an ở lại chỗ Ðức Giê-su đã xảy ra những chuyện gì ? Hai bên đã nói với nhau những gì ? Làm sao mà chỉ sau một ngày hai ông An-rê và Gio-an tin Ðức Giê-su là Ðấng Mê-si-a ? Tại sao Gio-an không có một lời nhỏ nào để tường thuật về điều quan trọng ấy ? Gio-an có chủ ý gì khi giữ "thinh lặng" ( một sự thinh lặng huyền bí ) về kinh nghiệm ấy ? Phải chăng dụng ý của Gio-an là muốn độc giả chúng ta biết rằng đó là một kinh nghiệm hết sức riêng tư và độc đáo của riêng ông nên ông không thể nói, kể và chia sẻ gì với người khác ngoài kết quả của kinh nghiệm gặp Chúa: "Chúng tôi đã thấy và đã tin !"

Vậy thì dụng ý của Gio-an là nếu ai muốn có một kinh nghiệm gặp Chúa tương tự như ông, thì chỉ có một cách duy nhất là người đó hãy tìm đến với Ðức Giê-su Ki-tô và ở lại bên Người. Không có một biện pháp "mì ăn liền" nào khác. Không thể sao chép, copy kinh nghiệm của người khác, vì mỗi người là một con người độc đáo, duy nhất trước mặt Chúa.

Kinh nghiệm gặp Chúa của Sa-mu-en được tường thuật trong trích đoạn 1 Sm 3, 3b.10 - 19 ( bài đọc 1 ) cũng giống như thế.

3. HÃY TÌM KINH NGHIỆM GẶP CHÚA CHO CHÍNH MÌNH VÀ CHO NGƯỜI KHÁC

Chúng ta biết có thể tìm gặp Chúa ở đâu và bằng cách nào. Giáo lý dạy chúng ta rằng Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, trong tâm hồn chúng ta, trong mỗi một con người - nhất là người nghèo - cũng như trong cộng đoàn Giáo Hội, trong Phép Thánh Thể cũng như trong Lời Chúa là Bộ Thánh Kinh Cựu và Tân Ước. Nhưng Thiên Chúa còn hiện diện trong các biến cố xảy ra cho chúng ta và chung quanh chúng ta.

Muốn gặp Chúa thì chúng ta phải biết kiên trì tìm kiếm: "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho" ( Mt 7, 7 ) ở những nơi ấy. Riêng người giáo dân phải dành ưu tiên cho việc tìm kiếm Thiên Chúa trong các thực tại trần thế: đời sống gia đình, nghề nghiệp và xã hội như Công Ðồng Vatican 2 đã dạy:

"Vì ơn gọi riêng, người giáo dân có bổn phận tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách đảm nhận các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và nghĩa vụ của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội: tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ.

Ðó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ bộc lộ Chúa Ki-tô cho kẻ khác. Chính họ là người có nhiệm vụ đặc biệt phải soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và ngày một phong phú hơn lên theo Thánh Ý Ðức Ki-tô, hầu ca tụng Ðấng Sáng Tạo và Cứu Ðộ" ( HC Tín Lý về Giáo Hội, số 31 ).

4. HÃY TÌM KINH NGHIỆM GẶP CHÚA CHO NGƯỜI THỜI NAY

Tuy chúng ta rất khó mà chia sẻ kinh nghiệm gặp Chúa và sống với Chúa của riêng mình cho người khác, nhưng kinh nghiệm ấy lại hết sức cần thiết để chúng ta có thể giúp đỡ những người đang cần đến chúng ta. Nhìn vẻ bên ngoài, chúng ta dễ lầm tưởng rằng ngày nay con người, nhất là người trẻ, đang bị cuốn hút vào dòng xoáy của học hành và sự nghiệp, của công danh và tiền tài, của tiện nghi cuộc sống và thăng tiến xã hội, nên chẳng quan tâm đến đời sống tâm linh. Chắc chắn có một số người đang lâm vào tình trạng ấy. Nhưng không phải tất cả mọi người đều như thế. Vẫn có một số thành phần trong xã hội âm thầm khát khao và tìm kiếm Thiên Chúa.

Trong cuộc hội thảo "Bốn mươi năm sau Vatican II nhìn lại" do Ủy Ban Giám Mục về Văn Hóa tổ chức tại Tòa Tổng Giám Mục Sài-gòn vào các ngày từ 11 đến 13.12.2002 vừa qua, Linh Mục Vũ Khởi Phụng, Dòng Chúa Cứu Thế, khi trình bày đề tài "Linh Mục, con nợ đặc biệt của người nghèo và người yếu đuối" đã đưa ra 5 hạng người "đang cần và đang tìm Ðức Tin". Ðó là:

1. Anh chị em các dân tộc thiểu số,

2. Các bạn trẻ sinh viên, học sinh,

3. Những người gốc Công Giáo, nhưng đã nhạt Ðức Tin,

4. Những người có thành kiến, ác cảm hoặc lãnh đạm với đạo, nhưng sau đổi ý,

5. Những nạn nhân của các gia đình tan vỡ.

Cha Phụng gợi ý với các Linh Mục dự hội nghị là hãy quan tâm đến 5 hạng người kể trên, nhưng lại cho thấy thường thì anh chị em giáo dân - có khi chỉ là những người giáo dân rất nghèo - lại là những người tự động tìm đến với những anh chị em "đang cần và đang tìm Ðức Tin" kia. Muốn giúp đỡ anh chị em mình thực sự, mọi người chúng ta cần có kinh nghiệm tìm kiếm, gặp gỡ và sống với Chúa. Cả kinh nghiệm phản bội và từ chối Chúa của chúng ta cũng sẽ có ích cho công việc Tông Ðồ này.

Khi chúng ta sẽ chia sẻ những yếu đuối, sai lầm của mình và nhất là Tình Yêu và Sức Mạnh của Chúa thể hiện nơi mình cho anh chị em mình thì anh chị em sẽ gần gũi với chúng ta hơn và dễ cất bước đi tìm Chúa hơn. Nếu không có kinh nghiệm về cách Thiên Chúa mời gọi con người cộng tác, làm sao ông Ê-li có thể giúp Sa-mu-en biết rằng tiếng gọi ban đêm kia là tiếng của Thiên Chúa.

Châm ngôn người Rô-ma thời cổ: "Không ai cho cái mình không có" có thể được chúng ta chọn làm phương châm cho lãnh vực kinh nghiệm tâm linh này.

1. "Trăm nghe không bằng một thấy": Cùng với lời nói và lời giảng dạy ( hoặc hay hơn là: trước khi nói và giảng dạy ) tôi thể hiện tinh thần dấn thân và phục vụ của mình bằng những việc mắt có thể thấy và người khác có thể kiểm chứng được.

2. Không phải kiến thức về Chúa mà là kinh nghiệm gặp và sống với Người mới là điều tối quan trọng cho đời sống Ðức Tin: tôi sẽ bỏ công sức vào việc tìm kiếm và sống với Chúa trong đời sống gia đình, nghề nghiệp, cộng đồng, xã hội của mình.

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã dạy chúng con một bài học để đời: "Trăm nghe không bằng một thấy" khi Chúa tiếp đón và khai mở cho An-rê và Gio-an vào con đường làm môn đệ của Chúa. Chúng con cảm tạ Chúa.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dạy: "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho" ( Mt 7, 7 ). Chúng con rất khát khao gặp Chúa và muốn sống với Chúa. Chung quanh chúng con cũng có nhiều người khát khao gặp Chúa và muốn sống với Chúa như chúng con. Xin Chúa mở lòng, mở trí, mở mắt, mở tai... chúng con để ai nấy tỉnh thức, bén nhạy trước các tín hiệu mời gọi, hẹn hò của Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Chúa "ráp nối" chúng con vào với Chúa Giê-su Ki-tô.

Gs. Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

SUY NIỆM 3:

HÀNH TRÌNH ƠN GỌI

Vài người Tân Tòng chia sẻ với tôi rằng, sở dĩ họ quyết định gia nhập đạo Công Giáo là nhờ gương sáng của anh chị em trong nhóm công tác xã hội đến giúp họ trong cảnh ngặt nghèo tưởng chừng như vô vọng. Có người thì do tình cờ trong một đêm Giáng Sinh thấy vui rồi đi thử cho biết, dần dần đi "thiệt"... Ðọc lại lịch sử các thánh cũng vậy, chúng ta thấy Thiên Chúa luôn dùng con người trung gian hoặc hoàn cảnh trung gian để mời gọi con người đến với Chúa... Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta biết những nhân vật trung gian giới thiệu Chúa cho người khác.

1. GIẢI THÍCH TIN MỪNG:

a. Nhân vật trung gian

-     Ông Gio-an Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Giê-su cho hai môn đệ của mình: "Ðây Chiên Thiên Chúa". Như vậy, ngoài vai trò trung gian, thánh nhân còn là mẫu gương về nhân đức khiêm nhường. Ngài không hề cố giữ cho mình những môn đệ đã theo mình, mà giới thiệu cho họ bậc thầy "cao cơ" hơn. Ðó chính là Chúa Giê-su, Ðấng phải đến, là Tôi Trung đau khổ mà Ðức Chúa tuyển chọn và quý mến ( Is 42, 1 ).

-          Ông An-rê, anh ông Si-mon, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Ðức Giê-su. Trước hết, ông An-rê giới thiệu: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Mê-si-a". Rồi sau đó dẫn em mình đến gặp Ðức Giê-su.

b. Thái độ sẵn sàng, lắng nghe của người đón nhận

-     Hai môn đệ của ông Gio-an trong tư thế sẵn sàng, lắng nghe và bước theo Chúa Giê-su. Hai môn đệ này không có ý "bỏ thầy cũ, theo thầy mới", mà chân nhận ra được vị Thầy đích thực là Chúa Giê-su. Cũng giống như phép rửa bằng nước của ông Gio-an là giai đoạn chuẩn bị lãnh nhận Phép Rửa bằng Thánh Thần của Chúa Giê-su.

-     "Ráp-bi": Ðây là cách xưng hô biểu lộ lòng kính trọng, dành cho vị thầy nổi tiếng, dầu các vị đó có xuất thân khoa bảng hay không. Thầy Ga-ma-li-en là một Ráp-bi khoa bảng thuộc trường phái Hin-len ( Cv 22, 3 ); còn Ðức Giê-su cũng là Ráp-bi nhưng không thuộc một trường phái nào ( Ga 3, 2.11 - 12; Mt 7, 28tt ). Như vậy, hai môn đệ trong tư thế sẵn sàng nhìn nhận Chúa Giê-su là thầy của mình mà bước theo.

-     "Bước theo" còn có nghĩa là noi gương, là thực hành giống như thầy mình đã làm. Người ta chỉ có thể bước theo khi đã sẵn sàng. Ðoạn văn diễn tả thái độ sẵn sàng lắng nghe của hai môn đệ gợi cho chúng ta nhớ lại sách thứ hai ngôn sứ Sa-mu-en ( bài đọc 1 ). Chúa đã gọi Sa-mu-en ba lần trong đêm tối tại đền thờ. Cũng nhờ Thầy Cả Hê-li dạy bảo, Sa-mu-en đã sẵn sàng, mau mắn đáp lại tiếng gọi của Ðức Chúa: "Xin Ngài hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe" ( 1 Sm 3, 9tt )

-     Ông Si-mon cũng đã ở trong thái độ sẵn sàng, nên khi anh mình là An-rê nói đã gặp Ðấng Mê-si-a thì liền tới gặp Ðức Giê-su, và đã được Chúa Giê-su thay đổi danh xưng: Kêpha. Việc thay đổi một danh xưng cho ai thật ra chỉ có bậc Tôn Sư mới có quyền làm mà thôi. Thay đổi tên tức là từ đây thay đổi cách sống sao cho phù hợp với ý nghĩa của tên. "Kêpha", tiếng Aram có nghĩa là "tảng đá", tiếng Hy-lạp có nghĩa là Petros, La-tinh là Petrus, tiếng Việt là Phê-rô. Như vậy, Phê-rô sẽ là đá tảng vững chắc để Chúa Giê-su xây dựng Hội Thánh của Người ( Mt 16, 18 )

c. Hành trình của ơn kêu gọi

Có thể nói, hành trình các môn đệ xưa được Chúa Giê-su mời gọi cũng là hành trình Chúa gọi chúng ta ngày nay. Hành trình này gồm có các bước như sau: qua trung gian ( ông Gio-an Tẩy Giả, ông An-rê ), bước theo Chúa ( họ đi theo Người ), khám phá ( các anh tìm gì thế ? Thưa Ráp-bi, Thầy ở đâu ? ) ở lại trong Người ( hãy đến mà xem ) và giới thiệu Chúa cho người khác (gặp và nói: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Mê-si-a" ).

2. BÀI HỌC CHO KI-TÔ HỮU:

Vậy chúng ta rút ra được sứ điệp mà Chúa gởi đến:

a. Sẵn sàng lắng nghe và bước theo

Ðể là môn đệ thật sự của Ðức Ki-tô, phải có lòng khao khát, tìm kiếm hạnh phúc tối hậu. Với lòng khao khát, ước mong, chắc chắn sẽ đến một lúc nào đó, Chúa sẽ cho gặp. Có thể là một biến cố nào đó, một con người nào đó, tất cả như trung gian để dẫn chúng ta bước theo Chúa. Khi đó, chúng ta dễ dàng nhận ra sứ điệp mà Chúa muốn gởi tới.

Tổ phụ Áp-ra-ham đã sẵn sàng lên đường theo tiếng Ðức Chúa mời gọi. Ông Nô-ê sẵn sàng làm theo những gì tiếng Ðức Chúa phán. Ông Mô-sê sẵn sàng lên đường thực thi những gì Chúa dạy... Tất cả vị thánh đều là những người luôn có thái độ sẵn sàng và tinh thần hăng hái lên đường.

b. Ở lại trong Người

Ở lại trong Người chính là hiệp thông sự sống với Ðức Ki-tô, nguồn sung mãn bất tận mỗi khi con người mệt nhọc do cuộc sống đầy biến động và do hoạt động. Ðược ở mãi trong Chúa được xem là mục đích của Thiên Chúa khi sáng tạo và cứu chuộc con người: mong muốn con người được thông hiệp vào sự sống vĩnh cửu của Người. Giáo lý Công Giáo xác định rõ: "...Khi tới thời viên mãn, Người đã cử Chúa Con đến làm Ðấng chuộc tội và cứu độ. Trong và nhờ Người Con ấy, Thiên Chúa kêu gọi loài người trở nên nghĩa tử trong Chúa Thánh Thần, và do đó, được thừa kế đời sống hạnh phúc của Người" ( GLCG số 1 ).

Chính Chúa Giê-su cũng đã bắt các môn đệ phải xuống thuyền sang bờ bên kia sông, còn Người ở lại cầu nguyện một mình với Chúa Cha ( Mc 6, 45 - 52 ). Chỉ khi ở lại trong Chúa, chúng ta mới không sợ hãi trước bão tố cuộc đời. Quả thật, chỉ những ai ở trong sự sống của Ðức Ki-tô mới có thể lãnh nhận hạnh phúc vĩnh cửu từ Thiên Chúa ( Ga 6, 44 - 58 ).

c. Giới thiệu Chúa cho người khác

Một khi đón nhận ơn nhưng không của Chúa, không gì khác hơn, chúng ta cần phải rao giảng mầu nhiệm tình thương đó cho người khác. Hạnh phúc tràn đầy cần phải chia sẻ. "Niềm vui chia sẻ là niềm vui tăng lên gấp đôi". Giới thiệu Chúa cho người khác để họ cùng hưởng hạnh phúc với mình, chính là người có tinh thần quảng đại, biểu lộ người có tinh thần truyền giáo mạnh mẽ. Mẹ Tê-rê-xa Calcutta viết:

"Chúng ta hãy cho đi, hãy ban phát tình yêu chúng ta đã lãnh nhận cho những người xung quanh. Hãy cho đi, cho đến khi nó trở thành một việc hy sinh, vì tình yêu đích thực luôn đòi hỏi hy sinh. Ðó là lý do vì sao các bạn phải yêu cho đến khi chính tình yêu đó làm các bạn đau khổ.

Các bạn đau khổ, các bạn hãy yêu với thời gian, với đôi bàn tay, với con tim của các bạn. Các bạn cần cho đi tất cả những gì các bạn có ( như bà góa nghèo trong Phúc Âm ). Trước đây đường ( sugar ) rất hiếm ở Calcutta - Một ngày kia, một cậu bé Ấn-độ, chừng 4 tuổi, cùng với bố mẹ, đem đến cho tôi một tách đường. Cậu bé nói: "Con đã nhịn đường trong 3 ngày. Bà hãy lấy phần đường của con để cho các em nhỏ của bà" - Cậu bé đã yêu đến độ phải hy sinh. Lần khác, một thanh niên Ấn-độ đến nhà chúng tôi và nói: "Có một gia đình người Aán với ba đứa con, đã khá lâu họ không có gì ăn."

Tôi vớ ngay túi gạo dành nấu bữa tối, đi với người thanh niên đến tìm gia đình này - Tới nơi, tôi thấy ngay bóng dáng của thần chết hiện rõ trên khuôn mặt những đứa trẻ. Thân hình chúng chỉ còn da bọc xương. Tuy bị cơn đói hành hạ, người mẹ của những đứa trẻ này cầm lấy túi gạo chúng tôi đem đến, chia làm hai phần, ra khỏi nhà, đem theo một phần gạo. Lúc trở về nhà, tôi hỏi bà: "Bà vừa đi đâu về ? Bà đã làm gì ?" Bà trả lời tôi: "Họ cũng rất đói". Tôi hỏi: "Họ là ai ?" Hình như đó là một gia đình người Hồi Giáo cùng với 8 đứa con, đang sống bên kia đường. Bà ấy thừa biết họ cũng rất đói. Bà ấy biết nên bà cho đi đến độ phải hy sinh.

Ðó là điều đánh động tôi. Một nghĩa cử quá cao đẹp phải không các bạn ? Ðó là tình yêu đang hành động. Người mẹ ấy đã chia sẻ cho người khác đến phải rướm máu trong lòng. Tối hôm đó, tôi đã không đem thêm gạo cho gia đình bà, vì tôi muốn họ cảm nghiệm được niềm vui của một tình yêu chia sẻ. Ứơc gì các bạn thấy được nét mặt của những đứa con của bà !"

3. KẾT LUẬN:

Ước mong mỗi người chúng ta nhận ra được sứ điệp Thiên Chúa mời gọi qua dấu chỉ cuộc sống ( biến cố, con người ), để từ đó, can đảm cất bước theo Chúa Ki-tô, nên giống Người, kết hiệp với Người. Chính khi đó, mỗi người chúng ta trở thành tấm bảng chỉ đường, "ngón tay chỉ mặt trăng", và ngọn đèn sáng để hướng mọi người đến với Thiên Chúa.

                                                Lm. Phê-rô LÂM PHƯỚC HÙNG, OP

SUY NIỆM 4:

HÀNH TRÌNH ƠN GỌI

Các bài Sách Thánh hôm nay đều nói về ơn gọi. Ơn gọi của Sa-mu-en thật lạ lùng. Còn ơn gọi của An-rê và Gio-an diễn ra nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, dù mạnh mẽ lạ lùng hay nhẹ nhàng bình thường, hành trình ơn gọi nào cũng thường trải qua 4 giai đoạn:

1. Giai đoạn thứ nhất: Chúa kêu gọi

Việc Chúa kêu gọi không xảy ra tức khắc trong một lần, nhưng diễn tiến tuần tự, chậm rãi với mức độ tăng dần, tùy sự đón nhận của người nghe. Thoạt tiên là một lời kêu gọi nhẹ nhàng qua một thiên hướng, một ước nguyện của người thân, một gương mẫu, một thần tượng nào đấy. Ở Sa-mu-en, đó là ước nguyện của bà mẹ muốn tạ ơn Chúa. ở An-rê và Gio-an, đó là thiên hướng đi tìm lý tưởng. Sau đó, Chúa có thể dùng các trung gian dẫn ta đến với Chúa. Trong trường hợp Sa-mu-en, người trung gian là thày cả Hêli. Còn trong trường hợp An-rê và Gio-an, thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta đã làm trung gian đưa hai môn đệ đến với Ðức Giê-su.

2. Giai đoạn hai: Ta đáp trả

Nếu ta trung thành đáp trả mỗi khi nghe tiếng Chúa kêu gọi, Chúa sẽ tiếp tục gọi ta đi vào những đoạn đường mới, mỗi lúc một khó khăn hơn. Tiếng Chúa mời gọi mỗi lúc một mãnh liệt hơn, đòi hỏi ta phải trả lời mỗi lúc một dứt khoát hơn. Cho đến một thời điểm quyết định, Chúa sẽ đưa ra lời mời gọi cuối cùng đòi ta trọn vẹn dấn thân lên đường theo Chúa. Với Sa-mu-en, việc Chúa ba lần cất tiếng gọi chứng tỏ Chúa tha thiết muốn tuyển chọn ông. Với An-rê và Gio-an, việc Ðức Giê-su mời hai ông đến chỗ Ngài ở đã khiến hai ông phải dứt khoát với quá khứ để bắt đầu một giai đoạn mới.

3. Giai đoạn ba: Sống thân mật với Chúa

Tuyệt đỉnh của ơn gọi không phải là làm việc cho Chúa, nhưng là sống thân mật với Chúa. Chúa không kêu gọi ta theo một chủ thuyết nhưng kêu gọi ta theo Chúa. Ta đến với Chúa không phải để học những bài học lý thuyết nhưng để tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống của Chúa là sự sống thần linh nâng ta lên hưởng nếm sự ngọt ngào của tình Cha - Con thắm thiết. Sự sống của Chúa là tình yêu đưa ta vào hạnh phúc của người biết mình được yêu thương. Trong tình yêu Thiên Chúa, tâm hồn ta được gột rửa sạch mọi tội lỗi. Trong tình yêu Thiên Chúa, trái tim ta trở nên dịu dàng, hiền hoà rộng mở để tha thứ và đón nhận mọi người.

Hạnh phúc sống trong tình yêu Thiên Chúa lớn lao đến độ biến đổi toàn bộ cuộc đời ta. Ai đã một lần nếm cảm sẽ không còn mơ ước điều gì khác nữa. Sau khi được tiếp xúc thân mật với Chúa, trọn cuộc đời Sa-mu-en hoàn toàn dâng hiến cho Chúa. Sau một buổi chiều thân mật sống với Ðức Giê-su, hai tông đồ An-rê và Gio-an gắn bó với Người, cho đến chết vì Người.

4. Giai đoạn bốn: Làm chứng cho tình yêu Chúa

Cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa rồi, ta sẽ không thể làm điều gì khác hơn là ra đi làm chứng về tình yêu đó. Giống như dòng suối sung mãn tràn xuống thành thác, tâm hồn tràn đầy tình yêu sẽ cất lên thành lời ca tụng, giới thiệu tình yêu Thiên Chúa cho mọi người. Sau khi gặp Ðức Giê-su, An-rê vội vã đi tìm em là Phê-rô để dẫn đến giới thiệu với Người. Từ đó, An-rê theo Ðức Giê-su cho đến cuối đời. Ông đã đem chính mạng sống làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Ông đã đổ máu ra để chứng thực tình yêu ấy. Ông dám khước từ cuộc sống trần gian vì ông đã biết đến hạnh phúc đích thực trong tình yêu Thiên Chúa.

Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa mời gọi đến sống thân mật với Người trong tình Cha-Con thắm thiết. Lời Chúa vang lên khi ta chịu phép Rửa Tội. Lời Chúa tiếp tục mời gọi ta khi ta lãnh nhận các Bí Tích, khi ta nghe Sách Thánh, khi ta học Giáo Lý, khi ta Tĩnh Tâm, nghe giảng. Lời Chúa lúc thì nhẹ nhàng thoang thoảng, khi thì mãnh liệt thiết tha. Nhiều lúc ta tưởng đến Nhà Thờ vào ngày Chúa Nhật là đã đáp lại tiếng Chúa mời gọi, nhưng không phải. Chúa không mời gọi ta chỉ đi Lễ như trả nợ. Chúa muốn ta thực sự gặp gỡ Người, tiếp xúc thân mật với Người, sống thân thiết với Người trong tình con thảo.

Hành trình Ðức Tin của người Ki-tô hữu là một hành trình đi về với Chúa. Sau bao nhiêu năm giữ đạo, tôi đã đi đến đâu ? Tôi đã thực sự gặp được Chúa chưa ? Tôi đã tiến đến gần Chúa chưa ? Hay là tôi mới ở khởi điểm ? Hãy đến, Chúa đang mời gọi ta. Chúa đang chờ đợi ta. Chúa đang mở rộng vòng tay, mở rộng trái tim để đón ta đến sống trong tình yêu của Người. Tình yêu ấy là hạnh phúc muôn đời của ta.

Gm. NGÔ QUANG KIỆT, Giáo Phận Lạng Sơn

CHỨNG TÁ:

TỪ NGƯỜI CHỒNG VÔ THẦN TRỞ THÀNH LINH MỤC

Cha Leseur, tu sĩ Dòng Ða-minh ở Pháp, trước đây vốn là một nhà trí thức vô thần hết sức cực đoan. Thế mà ngược lại, bà vợ Elisabeth Leseur lại là một phụ nữ Công Giáo rất mực đạo đức và thánh thiện, do vậy gia đình luôn giữ được bầu khí và nếp sống hạnh phúc cũng như họ luôn là một tấm gương nhân ái cho mọi người. Khi bà lâm bạo bệnh qua đời đột ngột, người chồng không khỏi tiếc thương người vợ có tâm hồn quảng đại dịu dàng ấy, nên đã cố gắng lục tìm, đọc lại những tập nhật ký trước đây của bà. Ông đã say sưa dõi theo từng giòng chữ tâm sự, và ông chợt hiểu ra ước vọng tha thiết của bà là thấy ông thành tâm nhìn nhận tình yêu của Thiên Chúa mà trở lại Ðạo. Cuối cùng thì ông đã hồi tâm. Xin theo học Giáo Lý Dự Tòng với Linh Mục quản xứ và chịu Bí Tích Thánh Tẩy vào năm 1915.

Không bao lâu sau, ông xin vào nhà tập dòng Ða-minh. Nơi đây, ông thành tâm kiên trì theo đuổi cuộc sống tu trì và đã được Bề Trên chấp nhận cho lãnh nhận sứ vụ Linh Mục. Khi gương sống thánh thiện của bà Élisabeth Leseur bắt đầu có ảnh hưởng rộng rãi và sâu xa trong xã hội, Giáo Hội quyết định cho mở án điều tra theo đơn xin phong Bậc Ðáng Kính, Bề Trên Dòng Ða-minh đã mạnh dạn chỉ định cha Leseur lên đường để đi nhiều nơi diễn thuyết về đời sống gương mẫu của người vợ đã quá cố. Cha rất e ngại, cứ chần chừ mãi, nhưng cuối cùng cha đã vâng lời. Năm 1930, cha Leseur đã soạn thảo một tập sách nhỏ mang tên "Hạnh của bà Elisabeth Leseur" trong khi những tập nhật ký trước đây của bà đã in ấn và phát hành tới con số 100.000 bản trong toàn cõi Châu Âu.

Báo ÐỨC MẸ HẰNG-CỨU-GIÚP số 100 về Ơn Gọi, 9.1959

CÂU TRUYỆN:

TÌM KIẾM VÀ GẶP GỞ THIÊN CHÚA

Có hai người lái buôn thân thiết cùng quyết chí lên đường tìm cho kỳ được điều quý giá nhất trên đời. Mỗi người đi một ngả và hẹn sẽ gặp lại nhau khi đã đạt được ước nguyện.

Người thứ nhất lặn lội đi tìm viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất. Ông băng rừng vượt biển, đi đến bất cứ nơi đâu nghe nói có bán đá quý. Cuối cùng, ông đã thỏa mãn vì tìm mua được một viên ngọc tuyệt hảo. Trở lại quê hương, ông có ý chờ đợi người bạn thân, vừa để khoe viên ngọc của mình, vừa tò mò muốn biết điều quý giá của bạn mình là gì.

Nhiều năm trôi qua mà người bạn vẫn bặt vô âm tín. Ông ta đi khắp nơi để mong thụ giáo được các bậc hiền nhân xem muốn tìm gặp được Thiên Chúa thì phải làm gì. Ông cũng tìm đọc các sách đạo đức, nghiền ngẫm suy tư, nhưng rồi ra ông vẫn chưa gặp được Thiên Chúa... Một ngày nọ, đang thơ thẩn đi dọc theo một con lạch, ông bỗng thấy một con vịt mẹ và một đàn vịt con đang bơi. Ðàn vịt con cứ muốn tách ra đi riêng để mò sục tôm tép, vì thế, vịt mẹ cứ phải kiên nhẫn lặn lội tìm hết đứa con này đến đứa con kia, muốn chúng phải quay về đàn. Ngẫm nghĩ một lúc, người thương buôn chợt mỉm cười rạng rỡ và vội vã lên đường trở về quê hương.

Vừa gặp nhau, người bạn tìm được ngọc quý đã buột miệng hỏi: "Nào, anh hãy cho tôi xem món đồ quý giá nhất mà anh đã tìm được. Tôi nghĩ đó phải là một món tuyệt diệu, bởi vì trông anh thật hạnh phúc mãn nguyện !"

Người bạn trở về với hai bàn tay trắng nhưng tâm hồn thì tràn ngập hân hoan kia lúc ấy mới trả lời: "Tôi đã đi tìm Thiên Chúa, và cuối cùng tôi mới hiểu ra rằng: chính Thiên Chúa, Người đã đi tìm gặp tôi !"

Trích tập "Như Lòng Chúa khoan dung" của cha ANTHONY DE MELLO


THÔNG TIN:

NHỮNG KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ
- Phòng Xuất Nhập Khẩu Công ty Estel Vina giúp anh Ðinh Minh Mẫn ( bị bại liệt )............................... 330.000 VND

- Một gia đình ẩn danh ở Giáo Xứ Phan-xi-cô ( Ðakao - Sài-gòn ) giúp người nghèo ............................. 1.000.000 VND

- Cụ Nguyễn Văn Nghi ( Na Uy ) giúp người nghèo .......................................................................................  1.000.000 VND

- Chị Nguyễn Thị Hồng Nu ( Sài-gòn ) giúp GLV dân tộc ở Kontum ( Ký hiệu JKN 02 ) .........................  100.000 VND

- Một Linh Mục ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp người nghèo .................................................................................  1.000.000 VND

- Một ân nhân giúp 10 học bổng cho Hà Tĩnh ( qua cha Tiến Lộc ) ...............................................................  500.000 VND

- Gia đình ông bà Trần Thành Thắng ( Sài-gòn ) giúp người nghèo ..............................................................  500.000 VND

- Cộng đoàn Ðức Mẹ Lên Trời ( Kansas - Hoa Kỳ ) cứu trợ lũ quét ở Hà Tĩnh .................................................  4.700 USD

- Cha Phạm Quốc Hùng ( Kansas - Hoa Kỳ ) giúp học bổng trẻ em nghèo ............................................................  300 USD

- Quỹ các bạn MK ( Hoa Kỳ ) giúp tổ chức khám bệnh, nhổ răng miễn phí .........................................................  300 USD

- Các ân nhân ẩn danh ( Pháp ) qua Sr. Marie Juliette, giúp người nghèo .............................................................  300 USD

NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ QUÀ TRỠ GIÚP ÐỘT XUẤT

- Giúp các trường hợp có thai muốn "Bảo Vệ Sự Sống" ( qua Sr. Hồng Quế )............................................. 600.000 VND

- Chi phí 2 đợt chuyên chở xe lăn và xe lắc từ Sài-gòn về Cần Thơ ( qua chị Hồng Nga ) ...................................................  1.000.000 VND

- Chi phí đại tu một xe lắc cũ ở Cần Thơ ( qua chị Hồng Nga )........................................................................ 600.000 VND

- Giúp tiền đóng học phí cho một bạn sinh viên nghèo ÐHBK khoa Ðịa Chất ...........................................  200.000 VND

- Giúp tiền xét nghiệm máu để mổ tim và bổ dưỡng cho em Trần Thị Mỹ Lan .......................................... 500.000 VND

- Giúp anh Nguyễn Trường Hào, người khuyết tật ở Cần Thơ ( qua chị Hồng Nga ).................................. 300.000 VND

- Giúp một chuyến xe cho một nhóm người khuyết tật đi Tĩnh Tâm ( qua anh Văn Lượng ) ...............................................  100.000 VND

- Giúp tiền xe về quê cho một người khuyết tật ở Hải Dương ( qua cha Quang Uy )................................. 100.000 VND

- Chuyển quà tặng cho Làng Phong Di Linh và Nông Trang Ðồng Lạc .......................  135 áo len người lớn và trẻ em

TRỠ GIÚP XE LẮC VÀ XE LĂN CHO 3 NGƯỜI KHUYẾT TẬT Ở SÀI-GÒN

1. Cha Hoàng Liên Ban, Dòng Phan-sinh, Giáo Xứ An-tôn, Sài-gòn, giới thiệu anh NGUYỄN VĂN THƯƠNG, sinh năm 1968, hiện ngụ tại số 2 Nguyễn Thị Diệu, phường 6, quận 3, Sài-gòn, thuộc Giáo Xứ An-tôn. Anh Thương bị liệt hai chân và yếu một tay, chiếc xe lắc cũ đã bị mục gãy, hàn lại nhiều lần, anh không đủ sức khỏe để sử dụng. Gospelnet xin đổi cho anh một xe lắc mới, trị giá 1.300.000 VND.

2. Cha Nguyễn Công Minh, Dòng Phan-sinh, Giáo Xứ Phan-xi-cô Ðakao, Sài-gòn, giới thiệu trường hợp anh NGUYỄN VĂN PHĂNG, sinh ngày 3.3.1979, quê tại xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, hiện tạm trú tại số 59 / 13 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Ðakao, quận 1, Sài-gòn. Anh Phăng bị sốt bại liệt cả hai chân từ năm mới 2 tuổi. Gia đình ở quê quá nghèo, lại đông anh em, anh Phăng phải tìm vào Sài-gòn tự học nghề sửa xe máy tại cơ sở La-san Ðức Minh để mưu sinh, và tham gia Nhóm Màu Xanh Hy Vọng. Gospelnet xin trợ giúp một xe lăn mới của Ðài Loan, trị giá 920.000 VND.

3. Cha Ngô Minh Tân, Giáo Xứ Bình Lợi, Sài-gòn, giới thiệu trường hợp chị PHẠM ÁNH TUYẾT, hiện ngụ tại số 414 / 18 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, Sài-gòn, thuộc Giáo Xứ Bình Lợi. Chị Tuyết bị liệt cả hai chân từ nhỏ, cha mất sớm, mẹ già yếu lại bệnh tật thường xuyên. Gospelnet xin trợ giúp một xe lắc mới, trị giá 1.300.000 VND.

Tổng cộng 3 trường hợp này là 3.520.000 VND, trích từ số tiền của gia đình ông NGUYỄN THANH QUỲNH ( Hoa Kỳ ) mới gửi về chia sẻ. Như vậy, 10 trường hợp đã thông tin ở Gospelnet số 94 cộng với 3 trường hợp lần này, đã có tất cả 6 xe lăn và 7 xe lắc được trợ giúp, trị giá: 14.620.000 VND, cùng với các khoản chi phí di chuyển từ Sài-gòn về Cần Thơ, Gospelnet đã sử dụng hết số tiền 1.000 USD ( 15.040.000 VND ) do gia đình ông Nguyễn Thanh Quỳnh chia sẻ. Gospelnet xin thay mặt tất cả các ông bà và anh chị em khuyết tật đã nhận trợ giúp, tỏ lòng biết ơn quý ân nhân.

QUỸ MỔ TIM CHO CHÁU BÉ HUỲNH TRUNG THÀNH

Như Gospelnet số 76 ra ngày 15.9.2002 đã thông tin, chúng tôi đã mở chương trình trợ giúp Quỹ Mổ Tim cho cháu HUỲNH TRUNG THÀNH, sinh ngày 29.4.1997, con của anh Huỳnh Ðức Cường ( sinh 1967 ) và chị Ðỗ Thị Lâm ( sinh 1962 ), quê ở Vĩnh Long, hiện ngụ tại số 7 / 23 A lô Q, khu 3, phường An Lạc, huyện Bình Chánh, Sài-gòn. Cháu HUỲNH TRUNG THÀNH bị bệnh tim, thông liên nhĩ, hẹp van động mạch phổi, cần phải mổ tim hở. Viện Tim Sài-gòn chỉ có thể xét miễn giảm 50 % chi phí mổ là 1.850 USD. Cho tới nay, nhờ báo Phụ Nữ kêu gọi, gia đình cháu bé đã nhận được 7.000.000 VND. Như vậy, còn cần phải có khoảng 7.000.000 VND nữa mới đủ. Tình trạng này kéo dài đã 2 năm nay, cháu bé ngày một yếu đi, ăn vào thường bị ói ra. Gospelnet đã hai lần trợ giúp tổng cộng: 400.000 VND, nay trợ giúp thêm 200.000 VND nữa để gia đình có chút ít bồi dưỡng cho cháu khỏe hơn. Gospelnet xin rất mong quý độc giả và ân nhân gần xa mỗi nơi một chút chia sẻ để cháu sớm được giải phẫu.

CHƯƠNG TRÌNH "HỌC BỔNG HÀ TÂY" CHO 2 EM Ở MIỀN BẮC

Thầy Ðỗ Ðình Tư, DCCT, giới thiệu 2 trường hợp: 1. Em NGUYỄN VĂN THÁI, sinh năm 1986, học lớp 11, hiện ngụ tại xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. Cha em mất sớm, mẹ phải lao động rất vất vả ở nông thôn, gia đình lại đông con. 2. Em ÐỖ MINH SƠN, sinh năm 1987, học lớp 10, cũng ngụ tại xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. Cha em mất sớm, mẹ làm ruộng, thường xuyên bị bệnh, gia đình em Sơn có 4 anh chị em. Gospelnet xin trợ giúp cho 2 em liên tiếp trong 5 tháng, từ tháng 1 đến hết tháng 5.2003 ( hết năm học ), tổng cộng: 2 em x 50.000 VND x 5 tháng = 500.000 VND.

CHƯƠNG TRÌNH "HỌC BỔNG HÀ NAM" CHO 25 EM

Như Gospelnet số 91 đã thông tin, nay Gospelnet số 95 xin tiếp tục trợ giúp tháng 1.2003 cho 25 em học sinh nghèo nhưng hiếu học, ngụ tại làng Thượng Trang, xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, thuộc Giáo Xứ Hạ Trang, Giáo Phận Hà Nội, danh sách do cha Nguyễn Văn Phủ, Giáo Xứ Hạ Trang, Giáo Phận Hà Nội, và thầy Nguyễn Văn Phượng, DCCT, giới thiệu. Tổng cộng: 25 em x 50.000 VND = 1.250.000 VND. Số tiền này có lấy một khoản tiền 1.000.000 VND do cụ NGUYỄN VĂN NGHI ở Na Uy mới gửi về. Xin thay mặt cha Phủ, thầy Phượng và các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

CHƯƠNG TRÌNH "HỌC BỔNG PHÙ MỸ" CHO 30 EM Ở QUY NHƠN

Cha Ðinh Duy Toàn, DCCT, Giáo Xứ Phù Mỹ, Giáo Phận Quy Nhơn, giới thiệu danh sách 30 em học sinh có hoàn cảnh gia đình hết sức nghèo, cư ngụ trong địa bàn của Giáo Xứ. Gospelnet xin trợ giúp mỗi em 50.000 VND một tháng, trong tháng 1.2003, tổng cộng: 1.500.000 VND.

01.    LÊ ÐỨC NGHĨA, học lớp 11, thôn Trà Quang, thị trấn Phù Mỹ

02.    LÊ QUANG DUY, học lớp 10, thôn Trà Quang, thị trấn Phù Mỹ

03.    NGUYỄN THỊ HỒNG, học lớp 10, thôn Trà Quang, thị trấn Phù Mỹ

04.    VÕ ÐÌNH LONG, học lớp 5, thôn Trà Quang, thị trấn Phù Mỹ

05.    VÕ ÐÌNH LỘC, học lớp 5, thôn Trà Quang, thị trấn Phù Mỹ

06.    NGUYỄN THỊ HƯỜNG, học lớp 6, thôn Trà Quang, thị trấn Phù Mỹ

07.    NGUYỄN THỊ CAO LY, học lớp 10, thôn Trà Quang, thị trấn Phù Mỹ

08.    NGUYỄN VĂN VƯƠNG, học lớp 4, thôn Trà Quang, thị trấn Phù Mỹ

09.    TRẦN NGỌC DƯƠNG, học lớp 10, thôn Trà Quang, thị trấn Phù Mỹ

10.    TRẦN THỊ KIỀU TRANG, học lớp 8, thôn Trà Quang, thị trấn Phù Mỹ

11.    TRẦN THỊ NHƯ THUỲ, học lớp 4, thôn Trà Quang, thị trấn Phù Mỹ

12.    NGUYỄN THỊ HIỀN NHI, học lớp 8, thôn Trà Quang, thị trấn Phù Mỹ

13.    VÕ LÊ QUYÊN, học lớp 5, thôn Trà Quang, thị trấn Phù Mỹ

14.    ÐẶNG THỊ THU THẢO, học lớp 8, xã Mỹ Tài, Phù Mỹ

15.    LÊ MINH VƯƠNG, học lớp 9, xã Mỹ Tài, Phù Mỹ

16.    NGUYỄN MINH THAO, học lớp 3, xã Mỹ Phong, Phù Mỹ

17.    NGUYỄN HUỲNH KIM YẾN, học lớp 1, xã Mỹ Phong, Phù Mỹ

18.    NGUYỄN THỊ BINH, học lớp 12, xã Mỹ Hiệp, Phù Mỹ

19.    HÀ HOÀI NIỆM, học lớp 6, xã Mỹ Hiệp, Phù Mỹ

20.    TRƯƠNG THỊ VÂN, học lớp 10, xã Mỹ Quang, Phù Mỹ

21.    NGUYỄN VĂN HOÀ, học lớp 5, xã Mỹ Quang, Phù Mỹ

22.    NGUYỄN VĂN THANH, học lớp 5, xã Mỹ Quang, Phù Mỹ

23.    NGUYỄN VĂN CHÍ, học lớp 4, xã Mỹ Quang, Phù Mỹ

24.    NGUYỄN VĂN TẤN, học lớp 9, xã Mỹ Cát, Phù Mỹ

25.    LÊ THỊ THUỶ, học lớp 10, xã Mỹ Cát, Phù Mỹ

26.    NGUYỄN BÁ DUY, học lớp 9, xã Mỹ Cát, Phù Mỹ

27.    NGUYỄN THỊ THẢO, học lớp 9, xã Mỹ An, Phù Mỹ

28.    NGUYỄN VĂN TOÀN, học lớp 5, xã Mỹ An, Phù Mỹ

29.    NGUYỄN THỊ DUYÊN, học lớp 6, xã Mỹ An, Phù Mỹ

30.    NGUYỄN THỊ GÁI, học lớp 5, xã Mỹ An, Phù Mỹ

TRỠ GIÚP MỘT TRƯỜNG HỠP NGẶT NGHÈO Ở CẦN THƠ

Như Gospelnet số 79 ra ngày 6.10.2002 đã thông tin, thầy Nguyễn Xuân Ðường, DCCT, giới thiệu trường hợp sau đây cần trợ giúp đặc biệt: Em Phê-rô NGUYỄN VÕ HIỀN DUY, học lớp 6 trường PTCS Hưng Phú, Cần Thơ. Gia đình gặp phải hoàn cảnh quá đặc biệt: cha đi cải tạo, mẹ bán hàng rong ở Cà Mau, thu nhập rất thấp, thường xuyên thiếu đói, không nuôi được 3 người con, bản thân em Hiền Duy được gửi về ở với người dì tại số 37, tổ 32, khu vực 3, phường Hưng Phú ( Xóm Chài ), tỉnh Cần Thơ. Gospelnet đã trợ giúp từ tháng 9 đến hết tháng 12.2002, nay xin tiếp tục trợ giúp liên tiếp trong 5 tháng đến hết năm học, tổng cộng: 50.000 VND x 5 tháng = 250.000 VND.

TRỠ GIÚP XE LẮC CHO MỘT NGƯỜI KHUYẾT TẬT Ở CÀ MAU

Cha Lê Quang Uy, DCCT, giới thiệu trường hợp chị QUÁCH THỊ TÂM, 46 tuổi, quê ở ấp Kinh 6, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Chị Tâm bị liệt và teo hai chi dưới, tìm đường lên Sài-gòn mưu sinh bằng nghề bán vé số, tạm trú tại số 57 đường Trần Văn Ðang, phường 9, quận 3, thuộc Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài-gòn. Gospelnet xin trợ giúp chị một chiếc xe lắc mới, trị giá 1.300.000 VND.

TRỠ GIÚP TRỠ GIÚP MỘT EM BÉ SUY DINH DƯỞNG Ở NAM ÐỊNH

Như Gospelnet số 84 ra ngày 10.11.2002 đã thông tin, cha Nguyễn Bá Long, DCCT, giới thiệu trường hợp cháu bé TRẦN NGUYỄN NHẬT NHI, sinh 26.10.2001, con anh Trần Thanh Quang và chị Nguyễn Thị Linh Chi, ngụ tại xã Lộc Thanh, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Ðồng, hoàn cảnh gia đình quá nghèo, cháu bé bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Gospelnet xin tiếp tục trợ giúp bốn tháng 1, 2, 3 và 4.2003, tổng cộng: 100.000 VND x 4 = 400.000 VND.

CHƯƠNG TRÌNH CÙNG TRẺ ÐƯỜNG PHỐ ÐÓN TẾT QUÝ MÙI 2003

Như hằng năm, Nhóm Thảo Ðàn sẽ lại tổ chức các hoạt động chăm sóc, sinh hoạt và tặng quà vào dịp Tết cho trẻ em đang sống trên đường phố có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện vui chơi cũng như thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình. Dự kiến sẽ tổ chức cho 300 em đón giao thừa trên đường phố và tổ chức cho các em vui chơi tại 2 nơi: Trung Tâm Tạm Trú số 451 / 1 Hai Bà Trưng, P. 8, Q. 3 và Nhà Hy Vọng số 55 / 7 Bình Long, P. 16, Q. Tân Bình trong thời gian từ 27 tháng Chạp đến mùng 3 Tết âm lịch. Trẻ em đường phố rất cần sự trợ giúp, chia sẻ tình nhân ái của quý ân nhân thân hữu qua các mặt như sau:

- Lo ẩm thực, hậu cần.

- Tiếp cận, phát quà, đón Giao Thừa với trẻ.

- Ðưa trẻ đi múa lân, chúc Tết các gia đình thân hữu.

- Sinh hoạt với trẻ ở Trung Tâm Tạm Trú, hướng dẫn trò chơi, bài hát.

- Trực văn phòng.

- Hỗ trợ đưa trẻ đi chơi.

- Ðóng góp quần áo, tiền, đồ chơi...

Gospelnet xin nhận làm một trong những nhịp cầu trung gian để chuyển tiền và quà của quý độc giả và ân nhân gửi về cho Lm. Lê Quang Uy, Tu Viện DCCT 38 Kỳ Ðồng, P. 9, Q. 3, Sài-gòn, điện thoại: 8.437.715, hoặc có thể đến trao trực tiếp cho anh chị em phụ trách của Nhóm Thảo Ðàn tại địa chỉ số 451 / 1 Hai Bà Trưng, P.8, Q. 3, điện thoại: 8.465.410. Xin chân thành ghi ơn.