GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


LỄ CHÚA GIÊ-SU HIỂN LINH

TIN MỪNG: Mt 2, 1 - 12

Khi Ðức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Ðông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: "Ðức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Ðông, nên chúng tôi đến bái lạy Người."

Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Ðấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: "Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời". Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người."

Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở Phương Ðông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

 

SUY NIỆM 1:

"AD GENTES - HÃY ÐẾN VỚI LƯƠNG DÂN"

1. MẦU NHIỆM CỦA THIÊN CHÚA ÐƯỠC TỎ BÀY:

Ðó là "các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa". Ðiều Thánh Phao-lô khẳng định trong thư Ê-phê-xô 3, 6 đã được ngôn sứ Isaia báo trước cả bao thế kỷ ( Is 60,1 - 6 ) và được chính Ðức Giê-su thực hiện ngay khi Ngài sinh ra làm người ( Mt 2, 1 - 12 ). Câu chuyện ba nhà chiêm tinh ( thường được gọi là ba vua ) đến bái yết và dâng của lễ cho Hài Nhi Giê-su có nghĩa là Ơn Cứu Ðộ, Ðấng Cứu Ðộ không chỉ được dành riêng cho người Ítraen mà được dành cho mọi dân tộc trên thế gian này. Ít-ra-en chỉ là cái cầu, là trạm đầu dừng chân của Con Thiên Chúa, để Người đến với lương dân ( Ad Gentes ). Chính Ðức Giê-su khi rao giảng Tin Mừng ở Pa-lét-tin cũng đã nhiều lần khẳng định điều ấy.Ví dụ khi nói về vai trò mục tử của mình Ðức Giê-su đã tuyên bố:

"Tôi còn có những con chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử" ( Ga 10, 16 ). Những con chiên khác không thuộc ràn này là những người không phải là dân Ít-ra-en theo huyết thống, mà là mọi dân tộc trên thế giới. Họ cũng là con cái của Chúa và Chúa đến để quy tụ, tập họp tất cả mọi người, mọi dân thành một dân duy nhất, là Dân Mới của Thiên Chúa.

2. NỖI BỨC XÚC CỦA ÐỨC THÁNH CHA GIO-AN PHAO-LÔ II TRƯỚC NGÀN NĂM THỨ BA:

Ý thức được tầm quan trọng và tính cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng cho nhân loại trong thiên niên kỷ thứ ba, Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã cho tổ chức mừng kỷ niệm 2.000 năm biến cố Chúa Giê-su xuống thế làm người và sinh ra là một con người vào năm 2000 vừa qua. Ðể chuẩn bị cho Năm Thánh 2000 ấy. Ðức Thánh Cha đã lần lượt tổ chức các Thượng Hội Ðồng Giám Mục mỗi châu lục: Mỹ, Phi, Âu, Á để các Giám Mục địa phương cùng với Ðức Thánh Cha và các vị có trách nhiệm ở Giáo Triều Rô-ma nghiên cứu, tìm tòi, trao đổi, cầu nguyện để tìm cách trình bày Giáo Lý và Tin Mừng một cách thích hợp nhất của con người thời nay. Nhờ đó các Giáo Hội Mỹ, Phi, Âu, Á ý thức hơn về nhiệm vụ năng nề và các thách đố lớn lao đang được đặt ra cho mình trong lãnh vực Truyền Giáo.

2. NỖI NHỨC NHỐI CỦA NGƯỜI KI-TÔ HỮU Á CHÂU:

     ÐỨC GIÊ-SU LÀ NGƯỜI Á CHÂU NHƯNG CÒN XA LẠ VỚI NHIỀU NGƯỜI Á CHÂU:

 Riêng các Giáo Hội Á Châu đã có Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Á Châu được tổ chức từ ngày 19.4 đến ngày 14.5.1998 với chủ đề: "Chúa Giê-su Ki-tô, Ðấng Cứu chuộc và sứ mạng yêu thương và phục vụ của Ngài tại Á Châu: Ðể họ được sống và sống dồi dào" ( Ga 10,10 ). Sau đó vào ngày 6.11.1999 tại New Delhi ( Ấn-độ ), Ðức Gio-an Phao-lô II đã công bố Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á ( Ecclesia in Asia ). Trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục quan trọng này các Giám Mục tham dự đã bày tỏ nỗi nhức nhối riêng của mình và của các Ki-tô hữu Á Châu, nỗi nhức nhối đã được chính Ðức Thánh Cha nhắc lại trong Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á:

 "Theo ý kiến của các Nghị Phụ Thượng Hội Ðồng, những khó khăn còn tăng thêm vì Ðức Giê-su thường được cho là xa lạ với Châu Á. Thật là nghịch lý khi nhiều người Á châu có khuynh hướng nhìn Ðức Giê-su như là một người Tây Phương hơn là một người Á Châu dù Ngài đã sinh ra trên chính mảnh đất Á Châu" ( số 20 ).

4. LÀM THẾ NÀO ÐỂ ÐỒNG BÀO VIỆT NAM NHẬN BIẾT VÀ XƯNG TỤNG

     CHÚA GIÊ-SU LÀ NGƯỜI "Á CHÂU" VÀ LÀ CỨU CHÚA ?

 4.1 Trước tiên phải làm sao để nỗi nhức nhối chung của người Ki-tô hữu Á Châu nói trên trở thành nỗi nhức nhối riêng của các Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ Nam Nữ và Giáo Dân Việt Nam. Thật ra nếu suy nghĩ cho đến nơi đến chốn, chúng ta còn phải có một nỗi nhức nhối khác nữa: Là con cháu của 117 Vị Thánh Tử Ðạo và của hàng chục ngàn người Việt Nam đã chết vì Ðạo, chúng ta có trách nhiệm rất lớn trong việc bảo vệ và truyền bá Ðức Tin cho đồng bào Việt Nam. Có lẽ trong khoảng hơn 50 năm qua ( tính từ 1954 ) chúng ta đã kiên cường bảo vệ Ðức Tin chống lại các đợt bách hại từ bên ngoài. Ðó là một nét son của Giáo Hội Việt Nam, cách riêng của Giáo Hội Miền Bắc ( kể từ vĩ tuyến 17 trở ra ). Nhưng có lẽ chúng ta chưa chú tâm đủ đến việc truyền bá Ðức Tin cho các thế hệ kế tiếp và cho lương dân là đồng bào ruột thịt của chúng ta! Có thể trong những thập niên vừa qua, chúng ta bị giới hạn quá nhiều trong các sinh hoạt tôn giáo.

4.2 Theo tôi có lẽ Giáo Hội Việt Nam nên khơi lên một Phong Trào về Truyền Giáo sâu rộng trong các giáo xứ, giáo phận và trong các hội đoàn Công Giáo tiến hành cũng như trong các hiệp hội gia đình và các Dòng Tu. Chúng ta nên đầu tư tài chánh, khả năng, nhân sự... vào công cuộc cao cả và cực kỳ quan trọng này, ít là tương đương với việc chúng ta đầu tư vào việc xây cất Thánh Ðường, mở rộng cơ sở Dòng Tu. Tại sao chúng ta không bắt chước kinh nghiệm quý báu của Giáo Hội Hàn Quốc ?

Giáo Hội này có hai kinh nghiệm mà chúng ta nên học tập. Kinh nghiệm thứ nhất: Giáo Hội Hàn Quốc đã có một Chiến Lược Truyền Giáo tuyệt diệu như sau: mỗi người Công Giáo Hàn quốc, - bất kể nam nữ, già trẻ - phải tìm cách kết thân, kết nghĩa với một người không Công Giáo, coi người đó như anh chị em ruộc thịt của mình, thường xuyên lui tới trao đổi, chia sẻ và giúp đỡ khi có dịp ? Từ sự gần gũi và quan tâm vô vị lợi của nhiều người Công Giáo Hàn Quốc ấy, nhiều người không Công Giáo đã hiểu thế nào là người có Ðạo và nhiều người đã tìm hiểu và gia nhập Giáo Hội. Kinh nghiệm tuyệt vời thứ hai mà chúng ta nên suy nghĩ: Giáo Hội Hàn Quốc chính thức sai ( mandat ) một số giáo dân, trong đó có những cặp vợ chồng đi truyền giáo. Họ là những người tình nguyện nhưng được Giáo Hội đào tạo và nâng đỡ tinh thần, đôi khi cả vật chất nữa, để có thể sống tại môi trường mới và làm chứng cho Tin Mừng và xây dựng cộng đoàn Ðức Tin.

4.3 Muốn được như thế có lẽ không thể không nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc học hỏi và đào sâu Thánh Kinh, Giáo Lý, Công Ðồng. bằng các khóa đào tạo, các hội nghị, các buổi thuyết trình và thảo luận, các đợt tĩnh tâm, các chuyến đi truyền giáo. Cũng cần phải trang bị một số kỹ năng cần thiết cho giáo dân, để họ biết cách tiếp xúc với anh em chị ngoài Công Giáo, mà không mặc cảm và không gây tác động ngược.

Mới đây tôi có dịp tham dự một buổi sinh hoạt thuộc Khóa Huấn Luyện về Truyền Giáo của linh mục đặc trách Truyền Giáo của Giáo Phận Cần Thơ. Tham dự viên là khoảng 40 - 50 Giáo Dân nam nữ của một số Giáo Xứ thuộc thành phố Cần Thơ và vùng lân cận. Các học viên được học cả lý thuyết tức Giáo Lý, Thánh Kinh lẫn các Phương Pháp Thực Hành. Tôi cho rằng những Khóa Huấn Luyện như vậy rất hữu ích và cần thiết. Nhưng tại sao các Giáo Xứ, Giáo Phận khác, tại sao các Hội Ðoàn của chúng ta không mở các Khóa Huấn Luyện tương tự ? Tại chúng ta thiếu nhân sự, tài chánh hay tại chúng ta chưa yêu Chúa và đồng bào mình cho đủ mạnh ?

Ðối với tôi, cách mừng Lễ Hiển Linh một cách ý nghĩa nhất là tôi tìm đến và kết thân với một hai anh chị em ngoài Công Giáo sống bên cạnh nhà tôi hay trong cùng môi trường lao động nghề nghiệp với tôi.

Lạy Chúa Cha yêu thương, chúng con cảm tạ Cha về Mầu Nhiệm Hiển Linh mà Cha đã mặc khải trong Ðức Giê-su Ki-tô, Con Cha, Chúa chúng con

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã tỏ mình ra cho ba nhà chiêm tinh Phương Ðông, vì Chúa đến trần gian này là để gặp gỡ và cứu độ hết mọi người và đem mọi người vào trong mái ấm của nhà Cha. Xin Chúa thứ tha cho chúng con vì bấy lâu nay chúng con không quan tâm đến việc làm cho những người xung quanh chúng con gặp gỡ và nhận biết Chúa. Từ này xin Chúa hãy dùng chúng con như những dấu chỉ và công cụ của Chúa để làm cho anh chị em lương dân gặp gỡ và nhận biết Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần, ba nhà chiêm tinh Phương Ðông đã lên đường tìm kiếm Chúa Giê-su mới sinh ra, nhờ có ánh sao soi đường dẫn lối. Xin Chúa soi sáng và hướng dẫn các tâm hồn thành tâm thiện chí để họ gặp được Chúa Giê-su Cứu Ðộ và nhìn nhận, tùng phục và yêu mến Ngài !

Gs. Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

SUY NIỆM 2:

CHÂN LÝ - CÔNG LÝ - TÌNH THƯƠNG

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy ba hạng người khác nhau với ba thái độ khác nhau đối với Ðức Giê-su mới sinh ra. Trước hết là các nhà chiêm tinh đến từ Phương Ðông, sau là các thượng tế và kinh sư tại Giê-ru-sa-lem, và cuối cùng là vua Hê-rô-đê.

1.   THÁI ÐỘ CỦA CÁC NHÀ CHIÊM TINH ÐÔNG PHƯƠNG

Các nhà chiêm tinh được nói đến như những người thuộc dân ngoại, không phải là người Do-thái Giáo. Họ đại diện cho các dân tộc, các quốc gia trên thế giới đến thờ lạy Ðức Giê-su, Ðấng trong tương lai và vĩnh cửu sẽ là vua của toàn thể thế giới và vũ trụ. Thái độ của các nhà chiêm tinh là thái độ của những người tìm kiếm, khắc khoải đối với Thiên Chúa, với tha nhân, với chân lý, công lý và tình thương. Và chính vì họ quyết tâm lên đường và ra công tìm kiếm nên họ đã gặp, đúng như Ðức Giê-su nói: "Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho" ( Mt 7, 8 ). Khi ngôi sao biến mất, việc tìm kiếm bị thử thách, họ không nản chí bỏ cuộc, vẫn tiếp tục tìm kiếm, vì họ đã quyết tâm và hết lòng tìm kiếm: "Các ngươi tìm Ta thì các ngươi sẽ thấy, bởi vì các ngươi hết lòng tìm kiếm Ta" ( Gr 29, 13 ); "Kẻ yêu Ta sẽ được Ta yêu lại, người tìm Ta ắt sẽ gặp Ta" ( Cn 8, 17 ).

2.   THÁI ÐỘ CỦA CÁC THƯỠNG TẾ VÀ KINH SƯ TẠI GIÊ-RU-SA-LEM

Các thượng tế và kinh sư Do-thái là những bậc thông thái, hiểu biết Kinh Thánh, thông thạo các lẽ đạo của tôn giáo chân chính do chính Thiên Chúa thiết lập. Vì thế, họ đại diện cho những người có chính đạo. Họ là những người có Kinh Thánh trong tay, nắm vững những kiến thức thần học, họ rao giảng và bảo vệ chân lý của Thiên Chúa. Nhưng khi Ðức Giê-su đến, những hiểu biết rộng rãi và sâu xa của họ chẳng giúp ích gì cho họ trong việc tìm gặp Ngài. Họ biết rất rõ Ðấng Cứu Thế sinh ra tại Bê-lem, vì Kinh Thánh cho biết như thế. Nhưng họ biết để mà biết, để mà dạy người khác, để mà tự hào rằng mình hiểu biết, chứ không phải biết để áp dụng vào đời sống, để đem ra thực hành. Vì thế, cái biết của họ trở nên vô ích cho họ.

Cũng vậy, rất nhiều Ki-tô hữu hiểu biết rất sâu xa về Thiên Chúa, về chân lý, nhưng họ biết chỉ để biết, để khoe, để dạy người khác, để rao giảng, chứ không phải để áp dụng sự hiểu biết ấy vào đời sống thực tế. Vì thế, sự hiểu biết ấy không đem lại sự cứu rỗi cho họ. Ðức Giê-su nói: "Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá... Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát" ( Mt 7, 24.26 ). "Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" ( Lc 8, 21 ); "Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em" ( Ga 13, 17 ); "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa" ( Lc 11, 28 ). Dụ ngôn người gieo giống ( Lc 8, 11 - 15 ) cho thấy những người nhận được Lời Chúa mà không đem áp dụng vào đời sống thực tế cũng giống như những mảnh đất "vệ đường", đầy "đá sỏi", đầy "bụi gai", khiến Lời Chúa không phát triển được. Còn những ai đem Lời Chúa ra thực hành, giống như mảnh đất mầu mỡ khiến Lời Chúa sinh hoa kết trái.

3.   BÀI HỌC CHO NHỮNG AI ÐANG THEO CHÍNH ÐẠO

Câu chuyện về hai mẫu người trên cho chúng ta bài học quý giá. Những người tưởng rằng mình đang nắm được Thiên Chúa cùng với chân lý, công lý và tình thương trong tay, đồng thời ngủ say và an tâm trong sự lầm tưởng ấy, họ sẽ chẳng bao giờ gặp được Ngài và thực thi được những giá trị kia. Vì Thiên Chúa, chân lý, công lý và tình thương là những thực tại sống động, không phải thứ đồ vật tĩnh lặng có thể nắm được trong tay, nên chỉ có thể tìm kiếm và gặp được trong từng thời điểm, chứ không thể nắm bắt một lần cho mãi mãi. Cho nên muốn gặp Thiên Chúa, muốn sống trong chân lý, công lý và tình thương, ta phải không ngừng lên đường tìm kiếm, ra sức thực hiện trong từng thời điểm. Ngừng tìm kiếm, ngừng nỗ lực, thì những thực tại cần thiết ấy sẽ vuột khỏi ta ngay, và sự ngừng nghỉ ấy sẽ tạo cho ta một ảo tưởng rằng mình đang nắm được Thiên Chúa, chân lý, công lý và tình thương ở trong tay. Trong khi ấy, thực tế là ta đang xa rời Thiên Chúa và thường hành động ngược lại với chân lý, công lý và tình thương.

Thật vậy, những ai dù đang theo chính đạo, tự hào tự mãn về chính đạo của mình, tưởng mình đang nắm được chân lý trong tay, nhưng trong thực tế lại không sống đạo của mình, lại còn khinh chê người khác, họ sẽ trở thành những kẻ tự lừa dối chính mình: "Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình" ( Gc 1, 22 ). Những ai chỉ biết rao giảng Lời Chúa cho người khác, còn chính bản thân mình lại không thèm áp dụng, hãy lo ngại cho số phận mình như thánh Phao-lô: "Tôi phải bắt thân thể tôi chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại bỏ" ( 1 Cr 9, 27 ).

Chuyện các nhà chiêm tinh - mà truyền thống Giáo Hội coi là đại diện cho người ngoại và các dân tộc - cho thấy: dù là người ngoại giáo hay không có tôn giáo chân chính, nhưng nếu người ta thật sự nỗ lực tìm kiếm Thiên Chúa thì họ sẽ gặp được Ngài, nếu thật sự muốn thực thi chân lý, công lý và tình thương thì họ sẽ thực hiện được. Còn những người có tôn giáo chân chính, nhưng lại thờ ơ với việc tìm kiếm Thiên Chúa, với việc thực thi chân lý, công lý và tình thương, người ấy sẽ chẳng gặp được Ngài, và trong người ấy không có chân lý, công lý và tình thương.

Tôn giáo chân chính được ví như một chiếc xe hơi tốt, có thể giúp ta đi đến nơi cần đến một cách an toàn, nhanh chóng và bảo đảm. Còn các tôn giáo khác như những loại xe kém hơn. Nhưng có đi đến nơi hay không, không tùy thuộc vào loại xe cho bằng ý chí quyết tâm muốn đi đến nơi. Người không có xe, phải đi bộ mà quyết tâm đi thì chắc chắn sẽ tới nơi, còn có xe tốt và bảo đảm đến đâu, nhưng chính bản thân lại không quyết tâm đi, thì không thể đến nơi cần đến được. Thiên Chúa vẫn luôn luôn tôn trọng đồng thời đòi hỏi sự tự do và quyết định của con người.

4.   THÁI ÐỘ CỦA VUA HÊ-RÔ-ÐÊ, NHÀ CẦM QUYỀN

Nói tới Hê-rô-đê, ta thấy ông có một nỗi sợ hãi khi nghe các nhà chiêm tinh cho biết: "Ðức Vua dân Do-thái mới sinh». Ông sợ hài nhi mới sinh ấy sẽ lật đổ vương quyền của ông. Và dù biết hài nhi ấy đến từ Thiên Chúa, ông vẫn quyết tâm trừ khử. Như thế, tính tham quyền cố vị - ngoài xã hội cũng như trong Giáo Hội - có thể làm người ta mất hết lương tri, sẵn sàng gây nên tội ác, hay ít ra là im lặng để mặc sự ác phát triển. Hê-rô-đê quyết tâm tìm giết con trẻ Giê-su bằng cách "sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận từ hai tuổi trở xuống" ( Mt 2, 16 ).

Tin Mừng không nói đến thái độ của các thượng tế và kinh sư trước tội ác của nhà cầm quyền. Như đã nói trên, sự hiểu biết của họ về việc sinh ra của Ðấng Cứu Thế chỉ là thứ hiểu biết để mà hiểu biết, để mà rao giảng, chứ không hề làm cho họ trở nên lo lắng cho số phận của Ðấng Cứu Thế Hài Nhi. Ðối với họ, sinh mạng của Ðấng Cứu Thế chẳng là gì cả, chuyện quan trọng đối với họ là sự an toàn bản thân và giữ cho vững những "chiếc ghế của họ trong tôn giáo Do-thái. Theo họ, lên tiếng để làm gì cho liên lụy đến bản thân, cho mất quan hệ tốt đẹp với nhà cầm quyền ? Im lặng cho mọi sự qua đi, bất chấp tốt xấu, đó không phải là thái độ của những ngôn sứ hay mục tử đích thật. Nếu họ sẵn sàng "bỏ chiên mà chạy khi thấy sói đến" ( Ga 10, 12 ) thì họ cũng sẵn sàng im lặng bỏ mặc Ðấng Cứu Thế mà họ rao giảng ra sao thì ra, dẫu có nguy hiểm đến tính mạng.

Lạy Cha, con tưởng cứ theo chính đạo do Cha sáng lập là bảo đảm được cứu rỗi. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay cho thấy, kẻ ngoại giáo quyết tâm tìm kiếm Cha - là chân lý, công lý và tình thương - thì lại bảo đảm gặp được Cha hơn là người có chính đạo mà lãnh đạm với Cha. Xin Cha đừng để con say ngủ trong chính đạo mà thờ ơ với những gì là chân lý, công lý và tình thương. Amen.

Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT

SUY NIỆM 3:

THIÊN CHÚA - MỘT HUYỀN NHIỆM

Khi dạy Giáo Lý cho người lớn, nhất là các đôi bạn chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, tôi hay hỏi: "Các bạn yêu nhau lắm phải không ? Yêu đến mức lỡ ngày nào không gặp nhau, ta nhớ thương, nhớ tiếc, nhớ da, nhớ diết, nhớ như có ai xé lòng mình, đúng không ?" Hầu hết các bạn đều mỉm cười bẻn lẻn. Tôi nói tiếp: "Các bạn yêu nhau lắm, tưởng như người này hòa trộn trong người kia, nhưng người kia nghĩ gì, bạn có biết không ?" Tất cả trả lời: "Không !"

Mỗi người là một huyền nhiệm. Huyền nhiệm này lớn cho đến mức, dẫu là tình yêu lứa đôi, một thứ tình yêu tưởng như nên một trong nhau, vậy mà hai người vẫn cứ là hai thế giới xa nhau diệu vợi. Càng không lạ gì khi Thiên Chúa luôn luôn là huyền nhiệm của con người.

Lễ Hiển Linh tức là lễ Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại. Ðại diện cho dân ngoại là ba nhà đạo sĩ phương Ðông. Ba ông nhận ra ánh sao trên bầu trời và vội vã lên đường đi tìm Con Thiên Chúa vừa giáng sinh. Gọi là Thiên Chúa tỏ mình, nhưng sự tỏ mình qua một ánh sao vẫn cho thấy Thiên Chúa là một huyền nhiệm lớn lao vô cùng. Dẫu ngôi sao trên bầu trời có lạ thường đến đâu, có sáng chói đến mức độ nào, thì sự tỏ mình ấy vẫn mù mờ, vẫn xa xăm đối với nhận thức của con người.

Bởi đó, chỉ có ai thao thức tìm kiếm Thiên Chúa, chỉ có trung thành sống Ðức Tin mới có thể nhận ra Thiên Chúa đang tỏ mình với cuộc đời nói chung và cuộc đời của chính mình nói riêng. Thiên Chúa đã tỏ mình, nhưng tự bản chất, Ngài là một huyền nhiệm, nên để nhận ra sự tỏ mình của Thiên Chúa, mãi mãi vẫn cần một điều kiện. Ðiều kiện đó là lòng thao thức tìm kiếm Thiên Chúa và sống Ðức Tin trung thành. Có như thế, ta mới có thể nhận ra Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời ta dẫu là sướng vui hay hạnh phúc.

Nói đơn giản: Thiên Chúa vẫn đang hiện diện và luôn luôn tỏ mình, chỉ cần bạn thao thức tìm kiếm Ngài và trung thành sống Ðức Tin, bạn sẽ nhận ra Ngài. Ba nhà đạo sĩ đã lên đường tìm kiếm. Bạn cũng sẽ nhận ra Thiên Chúa tỏ mình bằng đời sống Ðức Tin, bằng sự cầu nguyện, bằng tình yêu mà bạn hiến dâng cho Ngài.

Lm. JB. NGUYỄN MINH HÙNG, Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 4:

KHIÊM NHƯỜNG ÐỂ NHẬN BIẾT CHÚA

                Chu kỳ Giáng Sinh gồm Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh. Phụng Vụ cử hành việc Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại. Hai biến cố quan trọng cũng là hai lễ lớn của chu kỳ là Lễ Giáng Sinh và Lễ Hiển Linh. Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa tỏ mình cho dân Do-thái. Lễ Hiển Linh, Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại.

Gaspar, Melchior và Balthasar là ba nhà Ðạo Sĩ nổi tiếng ở Ðông Phương được mệnh danh là con của các vì sao sáng, huyền phái của khoa học vũ trụ. Họ đã theo ngôi sao lạ đến Bê-lem, xứ Giu-đê để thờ lạy Ðấng Cứu Thế. Họ đã dâng cho Hài Nhi vàng, nhũ hương và mộc dược.

Chúng ta cùng dừng lại nơi Hang đá Bê-lem có Hài Nhi Giê-su để suy niệm về sự lạ lùng của cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa các Mục Ðồng, các Ðạo Sĩ với Ðấng Cứu Thế. Chỉ có các Mục Ðồng, các Ðạo Sĩ tìm gặp được Chúa. Có các Thiên thần, có một ngôi sao rực rỡ trong ánh sáng thần linh chiếu sáng cho họ. Ðức Cha Fulton Sheen, nhà giảng thuyết lừng danh đã gọi họ những người đơn sơ và những người thông thái.

Khi các Mục Ðồng canh giũ chiên ở ngọn đồi Bê-lem, họ bỡ ngỡ vì vẻ đẹp của Thiên Thần: Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Ðấng cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành của vua Ða-vít, Người là Ðấng Ki-tô Ðức Chúa ( Lc 2, 10 - 12 ). Còn các Ðạo Sĩ ở bên kia xứ Ma-đi-an và Ba-tư nghiên cứu bầu trời đã thấy một ngôi sao chiếu sáng như chiếc đèn của nhà tạm vũ trụ, điện thờ của Thiên Chúa. Họ theo ánh sao tìm đến Hang đá tìm gặp Hài Nhi.

Như những cánh bướm bị thu hút bởi ngọn lửa, các Mục Ðồng và các Ðạo Sĩ tiến đến ngai vàng chỉ là một Hang đá, đến với Thiên Chúa chỉ là một Hài Nhi. Thiên Chúa Hài Nhi ngước nhìn từ Máng cỏ chỉ thấy hai hạng người tìm gặp Ngài và chỉ duy họ tìm gặp Ngài cho đến tận cùng thời gian. Ðó là các Mục Ðồng và các Ðạo Sĩ, những người đơn sơ và những người thông thái.

Các Mục Ðồng là những người đơn sơ. Họ chẳng biết gì tới chính trị, văn chương, nghệ thuật. Họ chỉ biết hai điều quan trong là Thiên Chúa ở trên họ và họ ở giữa đoàn chiên. Ðêm hôm đó bầu trời rộng mở để loan báo Tin mừng. Thiên Thần cho biết Ðấng họ nóng lòng chờ đợi vừa sinh ra trong Hang đá Bê-lem nhỏ bé. Họ đã tìm và gặp Ðấng Chăn Chiên của họ

Các Ðạo Sĩ tìm gặp Ðấng Cứu Thế là những người thông thái. Họ không là những vua chúa. Họ không phải là những người nghiên cứu nông cạn mà là những bậc thầy hoàng vương, những nhà tinh thông về vũ trụ và họ đã khám phá ra một ngôi sao lạ. Ðối với khoa học và tôn giáo họ được liệt vào hàng đầu trong nước của họ. Các vua chúa bàn hỏi với họ trước khi xuất chinh. Các nông dân hỏi ý kiến họ trước khi trồng tỉa. Hàng ngàn người đã thấy ngôi sao, nhưng sự uyên bác của ba Ðạo Sĩ làm cho họ lên đường khám phá.

Chính nhà bác học Newton đã thốt lên khi quan sát vũ trụ: Tôi thấy Thiên Chúa đi qua kính viễn vọng của tôi. Ðối với kẻ kiêu ngạo, tự phụ, ngôi sao chỉ là ngôi sao, nhưng đối với người thông thái đó là một dấu chỉ thời đại, một tác phẩm của Thiên Chúa. Thế nên các Ðạo Sĩ đã đi theo ánh sáng ngôi sao với bao gian lao, đầy mạo hiểm. Ðến nơi, mặc phẩm phục và quỳ trên nệm rơm, các Ðạo Sĩ chiêm ngắm một trẻ sơ sinh chưa thể hỏi han hay đối đáp được điều gì. Họ tiến dâng Ngài tặng phẩm và tâm hồn để chứng tỏ sự thần phục của thế gian. Tặng phẩm là vàng, nhũ hương, mộc dược. Vàng, vì Hài Nhi sẽ là vua. Nhũ hương, vì Ngài sẽ là Tư Tế. Mộc dược, vì Ngài sẽ chết như mọi người. Các Ðạo Sĩ đã tìm gặp được Ðấng Khôn Ngoan.

Chỉ có các Mục Ðồng và các Ðạo Sĩ đã tìm gặp được Ðấng Cứu Thế. Trong khi đó các người nổi nang trong đạo Do thái không gặp được Ngài. Bởi lẽ: Các Luật sĩ chỉ thao thức về lề luật. Các Thượng tế chỉ nhạy bén về đền thờ. Các Kỳ lão chỉ lo lắng về truyền thống. Hêrôđê cũng là con người tìm tòi, ông đã cặn kẽ điều tra nơi Hài Nhi ở, không phải để đến thờ lạy mà tìm cách hủy diệt. Loại người nào cũng tự mãn trong những cơ chế phức tạp cứng nhắc ( Ðức Cha Bùi Tuần ).

Thời nay cũng thế, đầy dẫy những triết gia, những nhà khoa học, những người vô thần theo thuyết bất khả tri... nhưng không ai trong họ đã nhìn thấy một thiên thần hay ánh sáng một ngôi sao. Dòng dõi của những Hê-rô-đê kiêu ngạo cho tới thời nay đã không tìm thấy Thiên Chúa vì họ muốn dùng lý trí để nắm bắt siêu việt. Họ quá phức tạp nên không hiểu lời xác quyết đơn sơ của các Mục Ðồng, quá đầy kiến thức khoa học để lãnh hội chân lý do các Ðạo Sĩ đem đến. Dòng dõi này che đậy tính kiêu ngạo và đi tới chỗ coi Giáo Hội là một thể chế đã lỗi thời cần loại bỏ.

Ðiều kiện tiên quyết để gặp được Thiên Chúa, đó là lòng khiêm nhường, chung cho cả người đơn sơ lẫn người thông thái. Những tâm hồn đơn sơ như các Mục Ðồng mới gặp được Thiên Chúa bởi họ ý thức mình không biết gì cả. Những người thông thái đích thực như các Ðạo Sĩ gặp được Thiên Chúa bởi vì họ ý thức mình không biết gì cả.

Chúa Giê-su không sinh ra ở giữa trời, nơi người ta có thể đứng thẳng. Ngài đã Giáng sinh trong Hang đá, nơi người ta phải cúi mình để đi vào. Ðó là một cử chỉ khiêm nhường. Các Mục Ðồng và các Ðạo Sĩ đủ đơn sơ để nghiêng mình xuống. Khi làm như vậy, họ thấy mình ở trong Hang đá. Tại đó, một người nữ diễm lệ, đầu đội mặt trời, chân đạp mặt trăng và đôi tay ẵm lấy Hài Nhi, Ðấng dùng những ngón tay bé nhỏ của mình nâng đỡ trái đất. Khi các Mục Ðồng và các Ðạo Sĩ quỳ gối, có lẽ các Ðạo Sĩ ghen với các Mục Ðồng vì con đường của các Mục Ðồng ngắn hơn, họ tìm thấy sự khôn ngoan là chính Thiên Chúa mau hơn.

Bước vào ngàn năm mới, Thiên Chúa vẫn không ngừng lôi kéo cả nhân loại đến với Con Một của Ngài là Ðức Giê-su Ki-tô. Ngài vẫn không ngừng cho những ánh sao dẫn đường. Không phải là ánh sao trên trời cao mà là ánh sáng Ngài gieo vào lòng người. Mỗi người cần phải trung thành với ánh sáng đó, dấn bước trên hành trình đức tin đầy mạo hiểm của mình.

 Các Thượng Tế, các Kinh Sư thông hiểu Thánh Kinh, họ cắt nghĩa cho Hê-rô-đê rất hay nhưng họ vẫn ngồi yên tại chỗ. Họ tìm Ðấng Thiên Sai trong Thánh Kinh, nhưng không nhận ra Người trong thực tế vì Người không phù hợp với những quan điểm cố định của họ. Những tâm hồn đơn sơ như các Mục Ðồng, những tâm hồn cởi mở khao khát chân lý như các Ðạo Sĩ lại được hạnh phúc nhận biết Người.

Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình cho thế giới qua các dấu chỉ tự nhiên của trời đất, của lịch sử, qua Thánh Kinh, qua Giáo Hội, qua các Bí Tích, qua cuộc sống hàng ngày. Ðể gặp Ngài, chúng ta cần có lòng khiêm nhường. Nhờ sự gặp gỡ này, mỗi người sẽ trở nên ánh sao dẫn lối cho nhiều người nhận biết và yêu mến Chúa.

Lm. Giu-se NGUYỄN HỮU AN, Giáo Phận Phan Thiết

CẢM NHẬN:

KHÔNG NHÀ KHÔNG CỦA

Hiện nay trên thế giới có khoảng một trăm triệu người không có nhà để ở. Riêng tại Châu Mỹ La-tinh, có khoảng 20 triệu trẻ em đang ngủ đầu đường xó chợ. Nhìn chung, có một tỷ người trên thế giới không có được một nơi ở tươm tất. Trên đây là kết quả của một cuộc điều tra dựa trên những con số do các Hội Ðồng Giám Mục và các Giáo Hội Công Giáo địa phương cung cấp. Cuộc điều tra này do Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh thực hiện và ấn hành thành lập một tập tài liệu vào dịp cuối Năm Quốc Tế Những Người Không Nhà Không Cửa do Liên Hiệp Quốc khởi xướng từ năm 1988.

Theo tập tài liệu này thì vấn đề nhà ở chắc chắn là một trong những vấn đề trầm trọng nhất của thế giới ngày nay. Tài liệu cho thấy những kẻ không nhà là những người nghèo nhất trong số những người nghèo và tố cáo những người chủ nhà chỉ vì tính toán thủ lợi mà thà bỏ trống những căn nhà hơn là hạ giá để nâng đỡ những kẻ không nhà.

Chúa Giê-su đã chào đời như một con người không nhà không cửa. Ngài đến là để cho con người được sống và sống một cách sung mãn. Tiếng kêu khóc chào đời của Ngài giữa khung cảnh cùng cực của hang lừa máng cỏ, là tiếng kêu than của hàng triệu triệu trẻ em đang bị tước đoạt quyền sống, đang bị từ chối những điều kiện cơ bản nhất để được sống như con người.

Máng cỏ mà chúng ta đang chuẩn bị ở Nhà Thờ hay trong gia đình phải là một nhắc nhở cho chúng ta về sự hiện diện và tiếng van xin của không biết bao nhiêu người không nhà, không cửa xung quanh chúng ta. Hơn ai hết, người Việt Nam chúng ta đang nhìn thấy tận mắt thế nào là cảnh lang thang đầu đường xó chợ.

Chúng ta chuẩn bị một trú ngụ cho Hài Nhi Giê-su, chúng ta có nghĩ đến những người cùng khổ xung quanh chúng ta không ?

Chúng ta có biết rằng khi chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước đau khổ của người anh em chúng ta là chính lúc chúng ta khước từ Chúa Giê-su không ?

Chúng ta có biết rằng ngày Giáng Sinh của Chúa Giê-su cũng là ngày Giáng Sinh của những con người cùng khổ nhất không ?

Chắc chắn Chúa Giê-su sẽ không bao giờ đến trong máng cỏ hào nhoáng của chúng ta, nếu chúng ta xua đuổi những người khốn khổ xung quanh chúng ta.

Trích từ LẼ SỐNG, Chân Lý Á Châu

CHIA SẺ:

KHI KHẨN CẤP, GỌI TRỰC TIẾP KHÔNG CẦN QUA TỔNG ÐÀI

Dưới đây là bảng liệt kê các bản văn Thánh Kinh có thể giúp ta tìm thấy ý nghĩa của các biến cố, các hoàn cảnh trong đời thường mà ta gặp phải, từ đó ta có thể suy niệm và cầu nguyện để khám phá ra tiếng nói của Chúa đang nói gì với ta từ những biến cố hoặc hoàn cảnh ấy. Những bản văn Thánh Kinh được ví von như những số điện thoại mà ta có thể gọi khẩn cấp bất cứ lúc nào:

 

CÁC TÌNH HUỐNG VÀ BIẾN CỐ TRONG CUỘC SỐNG

HÃY GỌI VÀO...

Khi buồn rầu

Tin Mừng Gio-an 14

Khi bị bỏ rơi

Thánh Vịnh 27

Khi muốn gặt hái thành công

Tin Mừng Gio-an 15

Khi đã phạm tội

Thánh Vịnh 51

Khi lo lắng

Tin Mừng Mát-thêu 6, 19 - 34

Khi gặp nguy hiểm

Thánh Vịnh 91

Khi Thiên Chúa dường như xa vắng

Thánh Vịnh 139

Khi Ðức Tin cần khuấy động

Thánh Vịnh 27

Khi cô đơn sợ sệt

Thánh Vịnh 23

Khi cay đắng và muốn chỉ trích

1 Cô-rin-tô 13

Ðể có bí quyết sống hạnh phúc của Phao-lô

Cô-lô-xê 3, 1 - 17

Ðể hiểu được Ki-tô giáo

2 Cô-rin-tô 5, 15 - 19

Khi cảm thấy xuống tinh thần và thất vọng

Rô-ma 8, 31

Khi muốn bình an và nghỉ ngơi thư thái

Tin Mừng Mát-thêu 11, 25 - 30

Khi thế giới dường như lớn hơn Thiên Chúa

Thánh Vịnh 90

Khi muốn có được sự bảo đảm Ki-tô giáo

Rô-ma 8, 1 - 30

Khi rời khỏi nhà để đi làm việc hoặc du lịch

Thánh Vịnh 121

Khi lời cầu nguyện có vẻ như hẹp hòi hoặc ích kỷ

Thánh Vịnh 67

Ðể có một sáng kiến phát minh hoặc có một cơ hội lớn

I-sai-a 55

Khi muốn có can đảm để nhận lấy một công việc

Giô-suê 1

Ðể sống hòa hợp với mọi người chung quanh

Rô-ma 12

Khi nghĩ đến chuyện đầu tư làm ăn và thu hồi vốn

Tin Mừng Mác-cô 10

Khi sa sút tinh thần

Thánh Vịnh 27

Khi túi tiền trống rỗng

Thánh Vịnh 37

Khi mất lòng tin nơi kẻ khác

1 Cô-rin-tô 13

Khi thiên hạ có vẻ không cư xử tốt với ta

Tin Mừng Gio-an 15

Khi đang thất vọng về công việc của mình

Thánh Vịnh 126

Khi thấy thế giới trở nên nhỏ bé, còn ta thì vĩ đại

Thánh Vịnh 19

CÁC SỐ KHÁC:

- Ðể đối phó với sợ hãi kinh hoàng, hãy gọi Thánh Vịnh 34, 7.

- Ðể cảm thấy được an toàn yên ổn, hãy gọi Thánh Vịnh 121, 3.

- Ðể cảm thấy được an tâm vững dạ, hãy gọi Mác-cô 8, 35.

- Ðể cảm thấy bình an nơi thâm sâu tâm hồn, hãy gọi Thánh Vịnh 145, 18.

CHÚ Ý: Tất cả các đường dây nối vào mạng của Nước Trời đều hoạt động 24 / 24 giờ. Hãy bồi dưỡng Ðức Tin và rồi sự nghi nan sẽ biến mất. Hãy tin tưởng và can đảm lên !

 Lm. JB. NGUYỄN MINH HÙNG, Giáo Phận Phú Cường ( sưu tầm )

THÔNG TIN:

NHỮNG KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Các ân nhân ẩn danh giúp GLV nghèo ở Kontum .............................................................  quần áo cũ, mì gói, 500.000 VND

- Một Linh Mục ẩn danh ( Sài-gòn ) .............................................................................................................................  100.000 VND

( Xin đính chính số tiền Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp chia sẻ với người nghèo là .........................  12.000.000 VND )

NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ QUÀ TRỠ GIÚP ÐỘT XUẤT

- Tặng quà anh em dân tộc từ Ðiểm Truyền Giáo Fyan về thăm Sài-gòn.................................. 3 thùng mì và 500.000 VND

- Tặng quà cho các em thiếu nhi mẫu giáo nông thôn Miền Bắc .................................................  2 thùng đồ chơi Mẫu Giáo

CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG BẮC NINH CHO 71 EM MIỀN BẮC

Các Soeurs Dòng Ða-minh Xuân Hòa, Giáo Phận Bắc Ninh, giới thiệu một danh sách gồm 71 em ở rải rác tại vùng nông thôn nghèo của các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phúc Yên, Ninh Bình, Hà Nội, Hưng Yên, những nơi đang có các soeurs phục vụ. Năm 2001, chúng tôi đã giúp được một lần cho 65 em ( đợt đầu ). Nay xin tiếp tục trợ giúp tháng 1.2003 cho 71 em ( đợt 2 đã bổ sung ), tổng cộng: 3.550.000 VND. Rất mong quý độc giả và ân nhân gần xa chia sẻ thêm để có thể trợ giúp các em liên tục và lâu dài.

01. Phan-xi-cô NGUYỄN ÐỨC VỮNG, sinh 20.1.1993, Bắc Ninh, học lớp 2

02. Phan-xi-cô NGUYỄN ÐÌNH TƯỜNG, sinh 15.5.1993, Bắc Ninh, học lớp 2

03. An-na NGUYỄN THỊ LAN, sinh 20.1.1997, Vĩnh Phúc, học lớp Mẫu Giáo

04. Giu-se NGUYỄN VĂN TƯỜNG, sinh 8.10.1994, Vĩnh Phúc, học lớp 1

05. Ma-ri-a NGUYỄN THỊ YẾN, sinh 10.6.1994, Ninh Bình, học lớp 1

06. Ma-ri-a NGUYỄN THỊ THO, sinh 5.2.1993, Ninh Bình, học lớp 2

07. An-na TRẦN THỊ THƠ, sinh 1.10.1994, Vĩnh Phúc, học lớp 3

08. An-na TRẦN THỊ THỦY, sinh 15.5.1997, Vĩnh Phúc, học lớp Mẫu Giáo

09. An-na NGUYỄN THỊ HẰNG, sinh 12.10.1990, Vĩnh Phúc, học lớp 5

10. Giu-se TRẦN VĂN HOÀNG, sinh 3.12.1996, Vĩnh Phúc, học lớp Mẫu Giáo

11. Giu-se TRẦN VĂN KHÁNH, sinh 17.6.1994, Vĩnh Phúc, học lớp 2

12. Phê-rô TRẦN VĂN TUÂN, sinh 10.2.1988, Vĩnh Phúc, học lớp 7

13. An-na NGUYỄN THỊ NGA, sinh 10.7.1992, Vĩnh Phúc, học lớp 3

14. An-na LÊ THỊ VÂN ANH, sinh 7.10.1993, Vĩnh Phúc, học lớp 2

15. Giu-se NGUYỄN VĂN THU, sinh 7.10.1996, Vĩnh Phúc, học lớp Mẫu Giáo

16. Giu-se NGUYỄN VĂN HẬU, sinh 20.8.1993,Vĩnh Phúc, học lớp 2

17. An-na TRẦN THỊ PHƯƠNG, sinh 2.7.1997, Vĩnh Phúc, học lớp Mẫu Giáo

18. Giu-se TRẦN VĂN CƯỜNG, sinh 1.10.1994, Vĩnh Phúc, học lớp 1

19. Giu-se NGUYỄN HỒNG ÂN, sinh 3.10.1990, Vĩnh Phúc, học lớp 4

20. Giu-se NGUYỄN VĂN QUYNH, sinh 3.7.1993, Vĩnh Phúc, học lớp 2

21. Giu-se NGUYỄN VĂN TÍNH, sinh 5.10.1992, Vĩnh Phúc, học lớp 3

22. Giu-se NGUYỄN VĂN TÂM, sinh 2.7.1992, Vĩnh Phúc, học lớp 3

23. An-na NGUYỄN THỊ HIỆP, sinh 6.1.1996, Vĩnh Phúc, học lớp Mẫu Giáo

24. Giu-se NGUYỄN VĂN TRANG, sinh 7.4.1992, Vĩnh Phúc, học lớp 3

25. Giu-se NGUYỄN VĂN TÙNG, sinh 9.7.1992, Vĩnh Phúc, học lớp 3

26. Giu-se TRẦN VĂN NGHĨA, sinh 24.11.1992, Vĩnh Phúc, học lớp 3

27. An-na TRẦN THỊ LIỄU, sinh 1.5.1994, Vĩnh Phúc, học lớp 1

28. Ma-ri-a NGUYỄN THỊ CÚC, sinh 5.10.1992, Bắc Ninh, học lớp 3

29. Phan-xi-cô NGUYỄN VĂN BẢO, sinh 15.6.1994, Bắc Ninh, học lớp 1

30. Phan-xi-cô NGUYỄN TRẠNG ÁNH, sinh 10.3.1997, Bắc Ninh, học lớp Mẫu Giáo

31. An-na BÙI THỊ TRANG, sinh 10.4.1993, Bắc Ninh, học lớp 2

32. Phan-xi-cô NGUYỄN VĂN KHÚC, sinh 5.5.1991, Hà Nội, học lớp 3

33. Ma-ri-a ÐẶNG THỊ MỸ, sinh 10.8.1977, Hà Nội, học lớp Mẫu Giáo

34. Ma-ri-a NGUYỄN THỊ DUYÊN, sinh 10.10.1997, Hà Nội, học lớp Mẫu Giáo

35. Giu-se TRỊNH VĂN TUẤN,    sinh 10.12.1995, Hưng Yên, học lớp 1

36. Giu-se NGUYỄN ÐÌNH SÓNG, sinh 12.10.1990, Bắc Ninh, học lớp 5

37. Ma-ri-a NGUYỄN THỊ HOA, sinh 7.5.1988, Bắc Ninh, học lớp 6

38. Giu-se NGUYỄN ÐỨC ÐẠO, sinh 20.8.1986, Bắc Ninh, học lớp 8

39. Ma-ri-a NGUYỄN THỊ THÀNH, sinh 15.6.1992, Bắc Ninh, học lớp 2

40. Giu-se NGUYỄN ÐỨC TỪNG, sinh 2.3.1993, Bắc Ninh, học lớp 1

41. Giu-se BÚI QUANG TÙNG, sinh 5.10.1990, Bắc Ninh, học lớp 4

42. Ma-ri-a NGUYỄN THỊ GẤM, sinh 17.5.1995, Hưng Yên, học lớp Mẫu Giáo

43. Giu-se NGUYỄN VĂN HIẾU, sinh 10.8.1997, Hưng Yên, học lớp Mẫu Giáo

44. An-na NGUYỄN THỊ VÂN, sinh 10.2.1990, Hưng Yên, học lớp 5

45. Giu-se NGUYỄN MINH HẢI, sinh 13.4.1987, Hà Nội, học lớp 8

46. Giu-se NGUYỄN VĂN BÌNH, sinh 15.11.1997, Hưng Yên, học lớp Mẫu Giáo

47. Giu-se NGUYỄN VĂN CHUYỂN, sinh 18.8.1997, Bắc Ninh, học lớp Mẫu Giáo

48. Ma-ri-a NGUYỄN THỊ TƯƠI, sinh 25.10.1993, Bắc Ninh, học lớp 3

49. An-na NGUYỄN THỊ DUNG, sinh 25.12.1993, Bắc Ninh, học lớp 2

50. An-na NGUYỄN THỊ NGỌC, 25.6.1989, Bắc Ninh, học lớp 4

51. An-na NGUYỄN THỊ CHÍN, sinh 5.10.1989, Bắc Ninh, học lớp 4

52. An-na NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY, sinh 2.3.1993, Bắc Ninh, học lớp 2

53. Giu-se TRẦN VĂN NAM, sinh 10.6.1993, Vĩnh Phúc, học lớp 3

54. An-na NGUYỄN THỊ HIỀN, sinh 19.2.1997, Vĩnh Phúc, học lớp Mẫu Giáo

55. An-na NGUYỄN THỊ LAN, sinh 25.9.1997, Vĩnh Phúc, học lớp Mẫu Giáo

56. An-na NGUYỄN THỊ HUYỀN, sinh 23.11.1992, Vĩnh Phúc, học lớp 4

57. Giu-se NGUYỄN VĂN LINH, sinh 7.12.1997, Vĩnh Phúc, học lớp Mẫu Giáo

58. An-na NGUYỄN THỊ MAI, sinh 10.3.1997, Vĩnh Phúc, học lớp Mẫu Giáo

59. An-na NGUYỄN THỊ PHƯƠNG, sinh 12.4.1991, Vĩnh Phúc, học lớp 4

60. Giu-se NGUYỄN CHÍ THANH, sinh 6.10.1995, Vĩnh Phúc, học lớp 2

61. Giu-se NGUYỄN VĂN LỊCH, sinh 15.8.1994, Vĩnh Phúc, học lớp 2

62. An-na NGUYỄN THỊ VÂN, sinh 13.5.1997, Vĩnh Phúc, học lớp Mẫu Giáo

63. Giu-se NGUYỄN VĂN THẮNG, sinh 16.8.1994, Bắc Ninh, học lớp 1

64. An-na NGUYỄN THỊ HẰNG, sinh 15.6.1089, Bắc Ninh, học lớp 4

65. Giu-se NGUYỄN VĂN THẮNG ( TOÀN ), sinh 6.7.1987, Bắc Ninh, học lớp 5

66. An-na NGUYỄN THỊ MAI, sinh 5.6.1996, Phúc Yên, học lớp 1

67. An-na TRẦN THỊ THU, sinh 10.3.1994, Phúc Yên, học lớp 3

68. An-na TRẦN THỊ HẬU, sinh 15.7.1997, Phúc Yên, học lớp Mẫu Giáo

69. Giu-se NGUYỄN VĂN THANH, sinh 20.10.1998, Phúc Yên, học lớp Mẫu Giáo

70. An-na NGUYỄN THỊ HẰNG, sinh 6.5.1984, Phúc Yên, học lớp 5

71. Giu-se NGUYỄN VĂN NAM, sinh 28.11.1999, Phúc Yên, học lớp Mẫu Giáo

TRỠ GIÚP 5 TRƯỜNG HỠP NGẶT NGHÈO Ở TỈNH BÌNH THUẬN

Cha Nguyễn Hữu An, Giáo Xứ Chính Tâm, Giáo Phận Phan Thiết, giới thiệu các trường hợp bệnh tật ngặt nghèo dưới đây ( Trừ trường hợp đầu, Gospelnet đã trợ giúp 3 trường hợp sau từ tháng 7.2002 ) là những người đang cư ngụ trong xã Gia Tân, thuộc huyện Ðức Linh, tỉnh Bình Thuận:

1. Chị PHẠM THỊ BÍCH LIÊN, 47 tuổi, bị bệnh U Tụy, liệt nửa người từ 7 năm nay, chỉ có thể ngồi một chỗ trên giường ( xem ảnh ), sống nhờ vào người chị gái làm rẫy, hoàn cảnh rất khó khăn. Chị Liên là vợ một liệt sĩ cách mạng đã chết trong chiến tranh trước 1975, nay chị muốn tìm hiểu, học Giáo Lý và xin gia nhập Ðạo.

2. Anh NGUYỄN ÐỨC DUY, sinh 1976, con ông Hoàng Việt Quý và bà Mai Thị Hoàng. Gia đình có đến 6 người con, luôn trong tình trạng thiếu đói, riêng em Duy lại bị bệnh viêm não gây bại liệt.

3. Em NGUYỄN THỊ HƯƠNG, sinh 1989, con ông Nguyễn Văn Nam và bà Trần Thị Hà. Gia đình có đến 8 người con, luôn trong tình trạng thiếu đói, riêng em Hương lại bị bại liệt nằm một chỗ.

4. và 5. Anh NGUYỄN VĂN THO, sinh 1967, bà mẹ già 72 tuổi, cha mất sớm. Gia đình neo đơn chỉ có 2 mẹ con, luôn thiếu đói, hàng xóm tốt bụng thường giúp cho gạo ăn, anh Tho lại bị bệnh tâm thần mất trí.

Gospelnet xin trợ giúp các gia đình mỗi tháng 50.000 VND, trong 5 tháng, kể từ tháng 10.2002 đến hết tháng 2.2003. Tổng cộng: 5 người ( có cả bà mẹ già của anh Tho ) x 50.000 VND x 5 tháng = 1.250.000 VND, số tiền được trích ra từ khoản chia sẻ của Giáo Dân Gx. Mẫu TâmGx. Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp Mùa Vọng vừa qua. Xin thay mặt cha An và các gia đình tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

TRỠ GIÚP MỘT BẠN KHUYẾT TẬT BỊ BỆNH Ở SÀI-GÒN

Cha Lê Quang Uy, DCCT, giới thiệu trường hợp anh PHAN TRỌNG DŨNG, sinh 1977, gốc người Giáo Xứ Trang Nưa, xã Hưng Nguyên, huyện Hưng Yên, tỉnh Nghệ An. Anh Dũng đi bằng 2 chiếc nạng, lưu lạc vào Sài-gòn, làm nghề sửa đồng hồ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Ðakao, quận 1, gần đây bị bệnh đau bao tử và sỏi thận, không đủ tiền để mua thuốc chạy chữa nên bệnh ngày một nặng. Gospelnet xin gửi qua bạn sinh viên Nguyễn Văn Ca, trợ giúp cho anh Dũng số tiền 300.000 VND lo thuốc men.

TRỠ GIÚP 3 ANH EM BỊ NHIỄM CHẤT ÐỘC MÀU DA CAM

Như Gospelnet số 76 ra ngày 15.9.2002 và số 84 ra ngày 10.11.2002 đã thông tin, gia đình ông Phạm Vui và bà Trần Thị Vy, hiện ngụ tại số 97 / 5 E ấp Tân Thới 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Sài-gòn, có 3 người con bị nhiễm chất độc màu da cam trong thời gian chiến tranh ông Vui còn ở Khe Sanh, Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, nay tuy đã lớn, nhưng tình trạng phát triển dừng lại ở tuổi thiếu niên, không học hành, không phát âm được bình thường, gia đình lại đang lâm vào cảnh khó khăn. Gospelnet xin tiếp tục trợ giúp hai tháng 1 và 2.2003, tổng cộng: 300.000 VND.

CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG CHO 21 EM Ở ÐÔNG THẠNH - HÓC MÔN

Gospelnet số 93 xin tiếp tục trợ giúp tháng 1.2003 cho 21 em học sinh nghèo sống trong khu vực bãi rác Ðông Thạnh, huyện Hóc Môn, thành phố Sài-gòn, tổng cộng: 21 em x 50.000 VND = 1.050.000 VND. Ðây là chương trình được các bạn Nhóm Mai Khôi ở Việt Nam nhận nhận trợ giúp cho các em đã bắt đầu từ năm 2001. Số tiền lần này là của anh chị MK Minh Nhựt và Quỳnh Như trợ giúp.

CHƯƠNG TRÌNH "HỌC BỔNG QUẢNG NAM" CHO 12 EM Ở TỈNH QUẢNG NAM

Như Gospelnet số 73 ra ngày 25.8.2002 và số 85 ra ngày 17.11.2002 đã thông tin, cha Ngô Tấn Lực, DCCT, giới thiệu 12 em học sinh nghèo được trợ giúp 50.000 VND mỗi tháng, kể từ tháng 9 đến hết tháng 12.2002. Nay xin tiếp tục trợ giúp cho hai tháng 1 và 2.2003, tổng cộng: 1.200.000 VND. Ngoài ra, Gospelnet cũng xin tiếp tục trợ giúp thêm 4 trường hợp già yếu, neo đơn và nghèo ở Quảng Nam, cho hai tháng 1 và 2.2003, tổng cộng: 400.000 VND. Tất cả số tiền là 1.600.000 VND được trích ra từ khoản chia sẻ của Giáo Dân Giáo Xứ Mẫu TâmGiáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong Mùa Vọng vừa qua. Xin thay mặt cha Lực và các gia đình tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.