GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


SỐ ÐẶC BIỆT: ÐẠI LỄ GIÁNG SINH

TIN MỪNG: Lc 2, 1 - 20

Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri-a. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê, lên thành Bê-lem, miền Giu-đê, là thành vua Ða-vít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Ða-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai.

Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bàkhông tìm được chỗ trong nhà trọ. Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: "Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ða-vít, Người là Ðấng Ki-tô Ðức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ". Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương".

Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: "Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết". Họ liền hối hả ra đi. Ðến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

SUY NIỆM:

TIN MỪNG CHO TOÀN DÂN

Có một ca khúc xuất xứ từ Phương Tây được du nhập vào Việt Nam khá lâu rồi, nhưng mấy năm gần đây nhờ ăn theo thời buổi kinh tế thị trường nên ca khúc ấy bỗng trở nên thịnh hành được nhiều người biết đến và dùng đến hơn. Ðó là bài hát "Happy birthday to you". Mong rằng Lễ Giáng Sinh này không chỉ là ngày sinh nhật của Ðức Giê-su mà sẽ là ngày sinh nhật chung của tất cả chúng ta, những người đã được tái sinh nhờ Mầu Nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh của Người.

1. NIỀM VUI DÂNG ÐẦY

Ngay trong đêm Giáng Sinh năm xưa, sứ thần Chúa đã trịnh trọng loan tin: "Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân" ( Lc 2, 10 ). Vâng, quả là một tin vui lớn lao cho mọi người ở mọi thời. Niềm vui ấy chúng ta dễ dàng bắt gặp khắp nơi trong những ngày này: từ trong nhà ra ngoài phố, tại mọi nẻo đường, trên mọi khuôn mặt. Thế nhưng, đâu mới là niềm vui đích thực của Lễ Giáng Sinh ?

Niềm vui Giáng Sinh không thể gặp được hời hợt qua những trang trí bên ngoài như ông già No-en hay cây thông với quả châu đèn chớp. Niềm vui Giáng Sinh cũng không thể tìm thấy vội vàng nơi những cánh thiệp hay những món quà mà người ta trao nhau. Những thứ ấy chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được diễn tả ra từ nơi tâm hồn đã cảm nghiệm được ý nghĩa của niềm vui ngày Lễ.

Niềm vui đích thực của Lễ Giáng Sinh là ánh sáng đã đến soi bóng tối trần gian, là Ðấng Cứu Thế đã Giáng Sinh cho nhân loại, là Thiên Chúa đã làm người để con người được trở nên con Thiên Chúa. Như thế, Lễ Giáng Sinh trước hết và trên hết là lễ chúng ta vui mừng vì Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại một món quà cao quý nhất đó chính là Con Một Yêu Dấu của Người. Bởi vậy, thái độ trước tiên chúng ta cần phải có là hãy vui mừng đón nhận món qùa cao qúi ấy.

Khi chúng ta đã biết đón nhận Ðức Giê-su vào tâm hồn và vào cuộc đời mình, chúng ta sẽ học theo gương của Thiên Chúa để biết chia sẻ và trao tặng cho người khác những món qùa chúng ta có. Cảm nghiệm được tình Chúa và niềm vui chân thật của ngày Lễ Giáng Sinh như thế thì chỉ một nụ cười, một cái bắt tay, một cử chỉ thân thiện cảm thông chúng ta trao cho nhau đã đủ giá trị hơn muôn vàn thứ khác. Và chính lúc ấy người ta mới cảm nhận được sự bình an thật sự của lời ca: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm".

2. NỖI BUỒN CÒN ÐÓ

Thiên Chúa đã làm người để cho con người nên người hơn và trở nên con Thiên Chúa. Tiếc rằng ngay khi tin vui Giáng Sinh được loan báo thì vẫn còn đó những người đang ngủ mê, những kẻ đóng kín cửa lòng trước tin mừng trọng đại. Ðó là những chủ quán tham lam hẹp hòi không hề động lòng trước nhu cầu của người khác. Ðó còn là một Hê-rô-đê ngông cuồng ích kỷ bất chấp sinh mạng đồng loại để chạy theo giấc mơ quyền lực. Thật trớ trêu, Con Thiên Chúa làm người lại gặp phải những con người chưa nên người như thế.

Thành thật mà nhìn nhận rất nhiều người trong xã hội chúng ta cũng đang bị tha hóa, chưa thực sự nên người theo ơn gọi làm người mà Chúa muốn. Bởi vì họ đã để cho quyền tự do của mình bị nô lệ dưới quyền lực ma quỉ, tiền tài, xác thịt và thế tục. Bởi vì họ đã quá chăm chút cho cái tôi mà đánh mất cái tâm của mình.

Mỗi người chúng ta, cách này hay cách khác, có thể đang đóng vai người chủ quán. Chúng ta đang rộng tay đón kẻ này, vung tay xua đuổi người khác. Có lẽ chúng ta cũng thường xuyên treo một tấm bảng "không rảnh", "bận việc", qua những thái độ thiếu tế nhị, những cử chỉ thiếu niềm nở với một ai đó; và như thế là ta đã vô tình quay lưng với Ðức Giê-su rồi.

Tệ hại hơn, có những người đang là những chủ quán khi chỉ biết lo làm đầy cái túi của mình: túi tham lam, túi đua đòi, túi hưởng thụ, túi dục vọng... Tuần trước, trên đường đi tôi gặp một chiếc xe bít bùng của cảnh sát chạy ngang qua. Trên đó đàng sau những song sắt, tôi bắt gặp những ánh mắt còn trong veo trên những khuôn mặt chưa hết nét ngây thơ của tuổi thiên thần. Chẳng khó trả lời cho câu hỏi: tại sao thiên thần lại trở thành tội phạm? Và ngay hôm nay thôi, sẽ có bao nhiêu người lợi dụng dịp Chúa sinh ra để chiều theo lối sống ích kỷ, tổ chức những cuộc vui thấp hèn, những trò chơi sa đọa... Như thế thì thật đáng tiếc! Ðêm Giáng Sinh năm xưa chỉ có vài nốt nhạc buồn, còn hôm nay lại có biết bao chủ quán và Hê-rô-đê đem pha lẫn vô số những âm thanh lạc điệu vào bầu khí thánh thiện vui tươi của Lễ Giáng Sinh.

3. TƯƠI MÙA HỒNG ÂN

Người ta nói nỗi buồn thì hay lây hoặc gần mực thì đen. Nhưng có ai đành chấp nhận ngồi nhìn thế giới này bị ám ảnh bởi nỗi buồn, cuộc đời này mãi chìm trong đen tối ? Ánh Sáng đã chiếu soi thế giới, Tình Yêu Cứu Ðộ đã được ban tặng cho nhân loại. Thời gian biến gươm đao thành cuốc thành cày, khúc ca hòa bình thay tiếng đạn bom đã bắt đầu, nhưng còn cần đến sự đóng góp của từng người trong chúng ta mới thành hiện thực.

"Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em". Niềm vui cứu độ đã thành hiện thực nơi những con người thiện tâm như lời ca của các thiên thần: "Bình an dưới thế cho người thiện tâm". Họ là những người như Ma-ri-a, Giu-se và các mục đồng. Họ là những người giàu tình thương và tận tâm trong trách nhiệm được trao phó. Họ là những người có tấm lòng khiêm tốn, chân thành, đơn sơ và quảng đại. Chính trong cái cảnh đơn nghèo vây quanh bởi những con người thiện tâm đó, niềm vui và sự bình an thật của Lễ Giáng Sinh đã chan hòa lan tỏa. Ðể cho thế giới hôm nay có bình an đích thực, trước hết chính chúng ta phải trở nên những con người thiện tâm như thế.

Hơn nữa, theo gương Ngôi Lời Nhập Thể đã hoàn toàn nhập cuộc với kiếp sống con người, chúng ta cũng phải tích cực dấn thân đẩy lui cái xấu, loại trừ những nốt nhạc buồn trong nhịp sống của xã hội. Ðàng khác, mỗi chúng ta hãy nguyện chứng tỏ những cái mới trong tâm tình, thái độ, hành vi của mình cho xứng với những cái mới mà Thiên Chúa đã thực hiện và trao tặng. Một thế giới mới sẽ hình thành bởi những con người mới.

Như thế, hôm nay chúng ta có đủ lý do để hòa chung với ca đoàn các thiên thần mà hát tặng nhau: "Happy birthday to you". Xin cho ánh sáng huy hoàng của Chúa Hài Ðồng làm cho con tim chúng ta bừng cháy trong bình an và hạnh phúc.

Lm. KIỀU CÔNG TÙNG

SUY NIỆM 2:

SỐNG MẦU NHIỆM GIÁNG SINH

Lễ Giáng Sinh là ánh sáng bừng lên trong đêm tối, một ánh sáng không bao giờ tắt lịm. Ðó là một Lễ Thánh luôn ngự trị và nâng đỡ đời sống thiêng liêng của chúng ta. Mầu nhiệm này quá súc tích và phong phú đến nỗi chúng ta phải sống và chiêm niệm trong suốt cuộc đời. Lễ Giáng Sinh như một giòng suối suy tư sống động, lưu lại và tất yếu phải lưu lại như một ngày không bao giờ qua đi, cứ tiếp nối mãi, ngày lại ngày dàn trải nguồn ánh quang nhiệm mầu...

Ðể Lễ Giáng Sinh trở nên một thứ máng có thể chuyển hồng ân từ Thiên Chúa và chiếu rọi ánh sáng vào cõi tâm sâu kín của mỗi người, chúng ta không nên chỉ gói ghém trong một cuộc lễ cử hành long trọng xong rồi thôi ! Máng Cỏ Nhập Thể không chỉ giới hạn vào việc soi dẫn cho chúng ta về một bài học nhất thời và chóng qua. Máng Cỏ còn phản ánh một đời sống diễn đạt theo lời mời gọi của Tin Mừng. Mầu nhiệm này hàm chứa một nội dung sâu kín, chỉ có thể tỏ hiện cho những ai thao thức kiếm tìm...

Chúng ta nhớ đến Ðức Ma-ri-a, Mẹ đã dành trọn tâm hồn để suy đi gẫm lại những điều đã xảy ra nơi Mẹ và quanh Mẹ. Ánh quang của mầu nhiệm Giáng Sinh phải thật sự soi dẫn toàn bộ cuộc hành trình hướng lên của một đời sống Ki-tô hữu đích thực...

V. NICOLIER, nữ Trợ Tá Tông Ðồ.

TÀI LIỆU:

ÐỨC KI-TÔ Ở ÐỈNH CAO CỦA LỊCH SỬ

Ðức Ki-tô Giáng Sinh đã chia giòng thời gian nhân loại thành hai, và Người là nhân vật ở đỉnh cao của lịch sử. Ðêm Giáng Sinh rực rỡ hào quang chính là bản lề của lịch sử loài người, như thể cắt đôi lịch sử. Nhân loại xác định niên đại một biến cố, một sự kiện là xảy ra thế kỷ thứ mấy trước hoặc sau Thiên Chúa Giáng Sinh, nay đổi cách gọi là công nguyên. Theo từ diển, công nguyên là "thời gian lịch sử tính từ năm Chúa Giê-su ra đời". Năm 1979, nghĩa là trước chúng ta 1979 năm, Ðức Ki-tô đã sinh ra ở Bê-lem. Dẫu cho các nhà thông thái tranh luận về sự chính xác của niên đại ấy, dẫu họ tìm ra sai biệt ba, bốn năm, thì đó vẫn là một sự kiện, cách tính đó được khắp hoàn vũ công nhận.

Cách Mạng Pháp 1789 mưu toan áp đặt lối tính niên đại khởi từ năm đầu cách mạng, nhưng đã thất bại... Vì lý do Ðức Ki-tô đích thật là nhân vật ở đỉnh cao lịch sử. Thật vô phương tìm thấy dưới gầm trời bất cứ một danh hiệu nào được cả thế giới chấp nhận hơn Danh Thánh Chúa.

Chúng ta mừng kỷ niệm đêm Chúa xuống trần vào ngày 25 tháng 12 dương lịch. Người ta chọn ngày này, vì tại những xứ ven Ðịa Trung Hải, kế cận xứ Pa-lét-tin, ngày đó nhằm tiết Ðông Chí, đêm bắt đầu ngắn dần, ngày sẽ dài thêm, và ánh sáng bắt đầu đẩy lui bóng tối. No-en, ngày lễ kỷ niệm Thiên Chúa tặng quà cho thế gian. No-en, ngày lễ Vượt Qua từ đêm tối tiến ra ánh sáng. Từ đó trở đi, tại hầu hết các nước, No-en là ngày Lễ của Ánh Sáng, vui nhất, phổ biến nhất, tưng bừng nhất, ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với trái tim nhân loại, vì No-en nhắc nhở đến "Tặng Phẩm", đến ân sủng Thiên Chúa đã ban cho thế gian là Ðức Giê-su Ki-tô.

Vì vậy, ngày ấy người ta cho nhau quà, cha mẹ tặng con cái, con cái tặng cha mẹ, cha mẹ tặng nhau, người khá giả tặng người thiếu thốn. Vì vậy, ngày ấy người ta dễ làm hoà, quên đi những lỗi lầm của nhau; người ta ngưng chiến, vì người ta cảm thấy hơn bao giờ hết, chia rẽ, ghen ghét, tranh chấp là dại dột, điên khùng. Người ta hội nhau để hợp hát lên câu châm ngôn trích trong Bài Ca Thiên Thần: "Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương".

Thật đáng tiếc khi chúng ta thấy trong ngày No-en có một số lạm dụng, một số tập tục ngoài tôn giáo đã chiếm chỗ những tục lệ tôn giáo đáng quý. Cây thông trang trí với những dải băng màu, những giây đèn nhấp nháy, có đẹp thật, nhưng không được thay thế cho hang đá với những tượng nhỏ người và vật, vì chỉ hang đá mới khiến trẻ em nhớ đến sự kiện lịch sử No-en...

Bữa ăn thịnh soạn ngày lễ trọng, là đúng chỗ, vì ngày này tất cả mọi sự phải biểu lộ niềm vui, những tiệc réveillon xa xỉ, thật ra là một niềm tủi phận cho kẻ nghèo, kẻ không nhà, cho những dân tộc kém mở mang, đáng được giới dư ăn dư mặc rộng tay giúp đỡ nhân dịp Lễ Giáng Sinh, khi hồi tưởng cảnh Ðức Ki-tô không tìm đâu được một chỗ trong các quán trọ Bê-lem, phải ra đời nằm trong một máng ăn của gia súc...

Chúng ta biết nói gì về sự đột nhập của ông già No-en, một nhân vật hoàn toàn bịa đặt của thế kỷ 19, đáng lý phải đem xếp chung với những anh hề chọc cười của những gánh xiếc. Ông ban phát đồ chơi cho trẻ em, người lớn để mặc cho chúng gởi thư xin ông cái này cái nọ, không nghĩ xa đến việc ông chiếm chỗ của Ðức Giê-su trong tình quyến luyến của trẻ nhỏ, sau này khi đứa trẻ khôn lớn sẽ có xu hướng coi thường những chân lý quan trọng, cho đó là loại "chuyện ông già No-en".

Lợi ích của Lễ Giáng Sinh là đem nguồn sáng rọi chiếu vào những tâm hồn ảm đảm. "Ðêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời". Người ta không chỉ hát mừng kỷ niệm Chúa Giáng Sinh ở Bê-lem, mà chính là hát mừng Ðức Ki-tô luôn luôn đến sống giữa chúng ta và trong tâm hồn chúng ta. No-en đối với nhiều người là một cuộc Vượt Qua mới, từ đêm tối tiến ra ánh sáng...

Trích "Faites le Passage" của P. Thivollier, bản dịch của cụ An-tôn LÊ VĂN LỘC

SUY NIỆM 3:

ÐÊM ÁNH SÁNG

                Ðêm Giáng Sinh chìm trong lớp lớp bóng tối dày đặc.

Bóng tối tự nhiên của một đêm mùa đông ảm đạm. Bóng tối cay đắng của đêm dài nô lệ khi đất nước chìm trong ách thống trị ngoại bang. Bóng tối âm thầm nhẫn nhục của những kiếp người nghèo hèn lam lũ. Bóng tối âm u trong túp lều lúc nhúc súc vật hôi tanh. Bóng tối u mê của tội lỗi nhơ nhớp.

Giữa màn đêm dày đặc, Hài Nhi Giê-su xuất hiện như một làn ánh sáng rực rỡ.

                Ðó là ánh sáng tình yêu.

Tình yêu vốn là một ngọn lửa vừa chiếu sáng vừa sưởi ấm. Hài Nhi Giê-su là kết tinh tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Tình yêu đã đi đến tận cùng vì đã trao ban cho nhân loại món quà cao quí nhất không gì có thể so sánh được. Trao ban Ðức Giê-su là cho tất cả, không còn có thể cho thêm gì nữa. Ðức Giê-su là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa đi tìm con người. Thiên Chúa đã hạ mình thẳm sâu để xuống gặp con người. Thiên Chúa đã tìm thấy con người trong những khốn cùng tột độ của nó. Thật lạ lùng, Thiên Chúa quá yêu thương đến độ kết hợp với sự khốn cùng của nhân loại. Thiên Chúa đã cưới lấy bản tính nhân loại. Bóng đêm nhân loại nhận được ánh sáng của Thiên Chúa. Bóng đêm khổ đau nhận được ánh sáng yêu thương. Ánh sáng Thiên Chúa soi sáng kiếp người tăm tối. Ánh sáng Thiên Chúa sưởi ấm cho nhân loại lạnh lẽo.

                Ðó là ánh sáng niềm tin.

                Ánh sáng Giáng Sinh chiếu toả trên những tâm hồn thiện chí. Ðêm nhân gian vẫn còn mê đắm. Nhưng vẫn có những tâm hồn thiện chí tỉnh thức. Ðó là những tâm hồn bé nhỏ nghèo hèn. Ðó là những cuộc đời khiêm tốn sống âm thầm trong bóng tối. Ðó là những người nghèo của Thiên Chúa. Ðó là thánh Giu-se, Ðức Ma-ri-a. Ðó là Ba Vua. Ðó là các mục đồng. Khiêm nhường nên các ngài sẵn sàng đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Tỉnh thức nên các ngài nhạy bén đón nhận những dấu chỉ Thiên Chúa gửi đến. Thiện chí nên các ngài hăng hái lên đường ngay khi nhận được tín hiệu. Ðơn sơ nên các ngài nhận được ánh sáng. Hê-rô-đê và Giê-ru-sa-lem chìm trong mê đắm nên ngôi sao đã tắt. Trái lại "vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh các mục đồng". Và ngôi sao xuất hiện dẫn đường cho Ba Vua. Ánh sáng đã bao phủ các ngài. Ánh sáng đã dẫn đưa các ngài đến bên máng cỏ. Ánh sáng đã khiến các ngài nhìn thấy "một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ" và các ngài đã tin.

Ðó là ánh sáng hi vọng.

Hài Nhi Giê-su là hạt giống bé bỏng Thiên Chúa gieo vào thế giới. Những tâm hồn thiện chí là mảnh đất phì nhiêu. Những người nghèo của Thiên Chúa âm thầm kiên trì chờ đợi. Những tâm hồn thiện chí như Ba Vua ngước mắt lên trời tìm kiếm. Niềm khao khát đã được đáp ứng. Ðã đến mùa Thiên Chúa gieo hạt. Hạt mầm thần linh gieo vào xác phàm sẽ thần hoá cả nhân loại. Hạt giống Giê-su sẽ triển nở thành cây cao bóng cả cho muôn loài trú ngụ. Mặt trời bé nhỏ Giê-su sẽ trở thành mặt trời chính ngọ soi chiếu đêm tối nhân gian. Ánh bình minh Giê-su hứa hẹn một ngày mới chan hoà ánh sáng. Với Hài Nhi Giê-su, một thời đại mới khởi đầu: những người bé nhỏ được nâng lên, những người nghèo hèn được kính trọng. Giê su chính là hạt mầm hi vọng Thiên Chúa gieo vào thế giới.

Ðó là ánh sáng Tin mừng.

Ðược thắp lửa, những tâm hồn thiện chí trở thành những ngọn đuốc, không chỉ sáng lên niềm vui, niềm tin, niềm hi vọng, mà còn chia sẻ ánh sáng với những người chung quanh. "Họ kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này". Tin mừng được loan đi. Niềm vui lan tới mọi tâm hồn. Ánh sáng bừng lên phá tan đêm tối.

Hài Nhi Giê-su như mầm cây vừa nhú. Mầm cây cần bàn tay ân cần chăm bón để vươn thành cổ thụ cành lá xum xuê. Hài Nhi Giê-su như ngọn nến đem ánh sáng vào đêm tối. Ngọn nến cần được nhiều bàn tay liên đới chuyền nhau cho ánh sáng lan rộng.

Xin cho con được trái tim của các mục đồng biết mở lòng ra đón nhận ánh sáng và biết đem ánh sáng của Chúa đi khắp nơi, để đêm tối trần gian được ngập tràn ánh sáng huy hoàng của Chúa.

Gm. NGÔ QUANG KIỆT, Giáo Phận Lạng Sơn

CHỨNG TÁ:

CHÚA GIÁNG SINH LÀ NIỀM VUI VÀ HY VỌNG

Ðây là bản dịch Việt ngữ của anh Nguyễn Thế Bài ( Nha Trang ) của bài viết do cha FX. Nguyễn Ngọc Tâm, cựu chủng sinh Kontum, quản xứ Christ The King, địa phận Tulsa, Oklahoma, Mỹ, đăng trong "The Herald", trang tin tức của Giáo Xứ, phát hành mỗi tháng một số... Tựa đề do người dịch đặt.

Các bạn ở Giáo Xứ Chúa Ki-tô Vua thân mến, tôi muốn chia sẻ cùng các bạn cách mà những người Công Giáo ở các vùng Tây Nguyên Việt Nam mừng Lễ Giáng Sinh.

Người Pháp gọi họ là "Người Thượng", vì họ sống trên núi. Họ thuộc về một trong khoảng hai mươi sắc tộc thiểu số phân biệt nhau nhờ thổ ngữ và các tập tục. Họ là người Ba-Na, Sê-đang, Gia-rai, v.v... Ki-tô giáo được mang đến cho họ bởi các nhà truyền giáo người Pháp và người Việt vào thế kỷ thứ 19.

Sau năm 1975, tất cả các Linh Mục người Pháp đều bị trục xuất. Rất nhiều Linh Mục người Việt hoặc phải đi cải tạo, hoặc bị chết và không có người thay thế, bởi vì một thời gian dài, việc phong Linh Mục mới rất khó khăn. Các Xứ Ðạo không có Thánh Lễ Chúa Nhật. Dù vậy, Ðức Tin của họ rất kiên vững và sống động, nhờ những Giáo Lý Viên hy sinh phục vụ.

Lễ Giáng Sinh đến, mà trong Giáo Xứ họ lại không có Thánh Lễ. Nhưng họ muốn tham dự Thánh Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh. Họ muốn mừng ngày Chúa sinh hạ. Với họ, Lễ Giáng Sinh là ngày Lễ đẹp đẽ nhất, với đủ thứ ánh sáng, cảnh tượng Chúa ra đời và những bài Thánh Ca du dương. Bởi thế, ít ngày trước Lễ, họ lên đường và đi về thị xã Kontum, ở đó Ðức Giám Mục sẽ cử hành Thánh Lễ đêm.

Họ đi ngày này sang đêm khác. Họ không mang giày dép, nhưng cũng chẳng hế hấn gì, vì bàn chân trần của họ đã quen với mặt đất thô nhám. Ban đêm trời giá rét, họ dừng chân nghỉ ngơi. Họ đốt lửa để sưởi ấm, rồi lại tiếp tục đi. Trẻ em cũng đi bộ, trừ các cháu nhỏ được địu sau lưng cha mẹ. Họ mệt mỏi, nhưng thấy hạnh phúc. Ðó là một cuộc hành hương và sẽ dẫn họ tới ngày mừng Lễ vui tươi.

Việc đầu tiên họ làm ngay khi tới Nhà Thờ Lớn, là đi xưng tội. Những hàng người chờ xưng tội dài ngoằng. Và họ cảm thương cho các Linh Mục phải ngồi cả ngày để nghe lập đi lập lại bằng ấy tội lỗi. Trước nửa đêm, mọi người đã sẵn sàng, vì Ðức Giám Mục sẽ đến và dâng Thánh Lễ ngoài trời. Thánh Ðường quá bé nhỏ cho bằng ấy đám đông. Ðèn nến được thắp sáng khắp nơi.

Thánh Lễ bắt đầu và mọi người hợp tiếng hát với ca đoàn. Những anh em dân tộc được trời phú cho giọng hát rất tuyệt vời. Một vài bản hát như "Ðêm Thánh Vô Cùng" và "Adeste fideles" được hát bằng ngôn ngữ của họ. Họ cảm thấy gần gũi với Chúa Giê-su. Ngài cũng sinh ra giống như họ, đơn sơ và khó nghèo.

Họ là những người mà, thời tôi còn là chủng sinh cách nay hơn 25 năm, tôi đã được huấn luyện để sau này phục vụ họ. Tôi biết hết các Linh Mục của địa phận Kontum. Mỗi khi cử hành Thánh Lễ Giáng Sinh, tâm trí tôi luôn hướng về họ. Họ nghèo khổ và đơn sơ, nhưng họ mừng ngày Chúa sinh ra với tất cả niềm vui và hy vọng chan chứa trong tim. Họ chiến đấu, nhưng kiên trung và chịu đựng trong Ðức Tin. Khi thế gian không đem cho họ và cho con cháu họ một tương lai sáng sủa nào, thì họ vẫn tìm thấy lẽ sống cho cuộc đời, vì họ tin vào Chúa Giê-su.

Chính vì thế mà Chúa Giê-su được sinh ra cho chúng ta. Ngài đến để đem ánh sáng vào nơi tối tăm, đem trông cậy vào nơi thất vọng. Ngài đến để chỉ cho chúng ta Ðường, để ta biết phải sống thế nào cho đúng với Chân Lý Lời Ngài. Từ đó, cuộc sống chúng ta sẽ trở thành Một Ngày Giáng Sinh Vui Tươi và Một Năm Mới Hạnh Phúc, xứng đáng và có ý nghĩa cho mọi người.

Lm. NGUYỄN NGỌC TÂM ( Hoa Kỳ)

CHIA SẺ:

CHÚA XUỐNG TRẦN CỨU THẾ

Văn hào Guenter Eich có viết một vở kịch nhan đề: "Festiamus, Người-Tử-Ðạo", với đại ý như sau: Festiamus là người tốt lành, đơn sơ hiếm có. Mặc dù sống giữa những người gian ác, chàng vẫn luôn luôn cư xử đoan chính, giàu lòng thương đối với những kẻ bần cùng. Sau khi chết, chàng bay tới thiên đàng. Ở đó, sau khi làm quen với các thánh, chàng để mấy ngày để đi kiếm cha mẹ, anh em và những bạn hữu xưa, nhưng không thấy ai. Chàng liền hỏi các thánh, nhưng không ai trả lời. Cuối cùng, thánh Phê-rô bảo: "Cha mẹ và bạn hữu con, họ hàng con, ngày xưa đều ăn ở gian ác, nên bây giờ họ đều ở dưới kia kìa, dưới hỏa ngục ấy !"

Nghe tới đây, Festiamus liền hiểu ngay, chàng cáo biệt các thánh và xin với thánh Phê-rô: "Con không thể ở nơi đây được khi còn nhiều người phải chịu đau khổ dưới kia..." Rồi chàng rời bỏ thiên đàng, xuống hỏa ngục để thăm cha mẹ, bạn hữu với những người thân yêu khác. Chàng làm điều đó với tất cả xác tín rằng khi một người vô tội từ trời cao đến và sống với những người bị kết án, cùng chia sẻ thân phận của họ, thì người đó có thể phá tung địa ngục và vòng phong tỏa của quỷ ma.

Câu chuyện nêu trên không thể nào có thật, nhưng xét trên một khía cạnh, nó nói lên mầu nhiệm Giáng Sinh của Chúa Cứu Thế, Ngài đã từ trời cao xuống trần trong thân phận con người, sinh ra trong máng cỏ để chia xẻ kiếp người với mọi người. Ngài đã chịu chết thay cho con người để cứu chuộc họ ra khỏi xích xiềng tội lỗi và ma quỷ, đưa con người ra khỏi chốn hư mất mà vào sự sống muôn đời trên Nước Trời.

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI số 8

CÂU TRUYỆN 1:

NIỀM VUI NGÀY CHÚA GIÁNG SINH

Mùa đông năm ấy, tại vương quốc Ðan-mạch, chỉ còn gần một tuần là tới Ðại Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, chợt khắp nơi mọi người đều xôn xao vì đài truyền hình, truyền thanh và các tờ nhật báo đều đưa tin: Một bà mẹ trong lúc vào mua hàng, đã bị thất lạc một cháu bé trai mới 2 tháng tuổi, đặt trong một chiếc xe nôi bên ngoài một siêu thị lớn ở thủ đô Copenhagen. Ðây thật sự là một tin gây chấn động, vì kể từ sau Ðệ Nhị Thế Chiến ( 1939 - 1945 ) đến nay, chưa bao giờ lại có một vụ phạm pháp trầm trọng tương tự.

Bản tin còn thông báo, chính hoàng hậu tha thiết yêu cầu mọi đơn vị cảnh sát và quân đội, cùng tất cả mọi công dân trong vương quốc hãy nỗ lực tìm cho bằng được đứa bé bị bắt cóc trước Lễ Noel bởi trong một ngày vui mừng trọng đại như thế của mọi Ki-tô hữu trên đất nước Ðan-mạch và trên toàn thế giới, không thể để cho một bà mẹ, một gia đình phải gánh chịu nỗi bất hạnh đau xót quá mức như vậy.

Thế là Ðan-mạch, một vương quốc thuộc khối Bắc Âu, như thể lên cơn sốt ngay giữa mùa đông tuyết giá. Ảnh chụp em bé nạn nhân được rửa ra hàng loạt để giao cho các cảnh sát viên, yết lên ở các công sở hành chánh dân sự, ở sân bay, ở nhà ga xe lửa, ở các quảng trường, ở các khu công viên. Các tài xế xe Taxi đều kín đáo liếc nhìn hành khách của mình, nếu đó là một người có bồng ẵm một đứa bé. Các bà bán hàng ở chợ, các chủ tiệm tạp hóa, các nhân viên siêu thị đều lưu ý xem có ai đó mua một lượng thực phẩm trẻ em nhiều hơn một cách bất thường. Các thành viên đội cứu hỏa và cứu hộ đều mở to mắt quan sát để truy tìm ở khắp mọi ngõ ngách xó xỉnh nơi thành thị và ngoại ô; mọi hốc kẹt, khe ngòi, vực sâu và hố thẳm ở nông thôn và vùng đồi núi; mọi cánh rừng thưa hay rậm rạp ở các khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia.

Các thầy cô giáo ở tất cả các trường phổ thông, ngoài giờ dạy và học, cùng tỏa ra đi khắp làng xã nông thôn, hoặc các phường khóm nội thị để nghe ngóng hỏi han. Các nhân viên sở vệ sinh, các người đưa báo, đưa thư, những người giao sữa tận nhà, những người thợ sửa điện nước hay ống khói lò sưởi... tất cả đều không quên khéo léo quan sát mọi căn hộ ở các khu chung cư bình dân hoặc biệt thự sang trọng, xem có bóng dáng một kẻ khả nghi hoặc chút dấu tích nào về một em bé sơ sinh.

Hàng ngày, báo chí, các phương tiện truyền thanh, truyền hình đều liên tục dành những trang đầu tiên, những mục tin tức đầu giờ cho việc cung cấp thêm những chi tiết liên quan đến gia đình nạn nhân, đến nhân dạng và hình ảnh của bản thân em bé, đồng thời nhắc nhở toàn dân nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm...

Cứ cách một ngày, hoàng gia và chính phủ lại gửi một bức thư an ủi khích lệ cha mẹ em bé. Thủ tướng và bộ trưởng an sinh xã hội tuyên bố sẽ từ chức trong vòng một tuần lễ nữa nếu vẫn không tìm ra được tung tích nạn nhân bị bắt cóc. Các Linh Mục kêu gọi các tín hữu trong họ đạo tích cực góp phần tìm kiếm, các vị Bề Trên đề nghị các nam nữ tu sĩ đặc biệt thành khẩn cầu nguyện xin ơn bình an cho gia đình em bé đáng thương...

Tất cả đều đã giốc sức, tất cả đều đã bắt tay vào việc, vậy mà, từng ngày từng ngày qua đi, vẫn chưa có tin tức gì khả quan, ngoại trừ đồn cảnh sát ven đô khẩn báo đã tìm được chiếc xe nôi của em bé nằm chỏng trơ ở bên lề một con lộ nhỏ vắng vẻ. Công tác điều tra được triển khai cấp tốc về khu vực này trong vòng bán kính mấy trăm cây số, nhưng ở khắp các miền trong đất nước, việc truy tìm vẫn được đẩy mạnh, không loại trừ khả năng bọn tội phạm đã cố tính đánh lạc hướng. Bộ phận biên phòng và cảnh sát quốc tế ( Interpol ) cũng đã được thông tin chi tiết và nhập cuộc rất sớm để có thể kịp thời chặn đứng việc đưa nạn nhân ra nước ngoài...

Ngày 24 tháng 12 đã đến, cả đất nước Ðan-mạch dường như bao trùm một không khí ủ rũ buồn thảm. Vua và hoàng gia phối hợp với chính phủ, đã phải đành lòng ra một sắc chỉ chưa từng có trong lịch sử, ngoại trừ trong thời gian chiến tranh trước đây hơn 30 năm, đó là: Ðại Lễ Giáng Sinh năm nay, sẽ không có bất cứ một hình thức liên hoan vui chơi nào: pháo hoa sẽ không được bắn lên ở quảng trường trước hoàng cung, trận chung kết giải bóng đá quốc gia hoãn lại sau Tết Dương Lịch, các rạp hát, các điểm hội chợ, các công viên giải trí đều tạm thời đóng cửa...

Tất cả chỉ vì, làm sao còn có thể thư thái vui chơi khi trong đất nước đang có một chuyện đau lòng: em bé sơ sinh vẫn bặt vô âm tín ! Nhân dân Ðan-mạch, với con số Ki-tô hữu chiếm tuyệt đại đa số, sẽ chỉ còn hướng về việc dâng Thánh Lễ Nửa Ðêm Giáng Sinh trong tâm tình ăn năn sám hối với Ðức Giê-su Hài Ðồng và với nhau trong tình liên đới anh em và trong nghĩa đồng bào !

Thế rồi, vào lúc 8 giờ sáng ngày 24, một người đưa thư ở nông thôn, với chiếc túi xắc trên vai vừa leo xong một quả đồi ngập tuyết trắng, đến trước một căn nhà bằng gỗ nghèo nàn, nằm biệt lập với ngôi làng nhỏ bé gần đó. Ông gõ cửa, một người đàn ông tươi tỉnh bước ra, reo lên mừng rỡ, rồi cứ thế nói chuyện hồ hởi không dứt lời với người đưa thư quen thuộc: "A ! Bác phát thư ! Hôm nay nhà tôi có thư đấy à ? Ô, đây là thư của cô em tôi sống bên Pháp. Chắc là một tấm thiệp mừng Giáng Sinh, cũng là thiệp chia vui với gia đình chúng tôi đây ! Mời bác vào nghỉ chân một chút đã, chẳng giấu gì bác, gia đình tôi có chuyện hết sức vui mừng, tôi đi công tác xa nhà đã hơn 3 tháng, hôm qua về tới thì mới biết bà nhà tôi đã sinh được một cháu trai gần 2 tháng nay. Bà ấy chẳng chịu đánh điện báo tin, cứ bảo là để tôi về, bất ngờ càng vui. Bác xem, tôi năm nay đã gần 50 tuổi rồi còn gì, bà nhà tôi lại hiếm muộn, nay thì nhờ Chúa thương, vợ chồng tôi đã được một mụn con. Thằng bé kháu khỉnh ra phết... À, bà nó ơi, bế thằng cu ra chào bác đi nào !"

Từ căn phòng nhỏ bên cạnh, một người đàn bà lặng lẽ rụt rè bồng một đứa bé còn quấn tã và bọc khăn lông vì sợ lạnh. Bác đưa thư hơi ngạc nhiên vì, khác với ông chồng quá đỗi vui vẻ và hãnh diện, bà vợ lại có vẻ gượng gạo và ủ dột. Linh tính thầm kín như mách bảo người đưa thư già và độc thân một điều gì đó. Vẫn biết bà chủ nhà này đã có thai từ lâu, lần đưa thư trước, bà ta đã ra đón ông với niềm vui rạng rỡ vì sắp có con, nhưng sao hôm nay lại có cái gì khác lạ.

Bác đưa thư bước hẳn vào nhà, khép cánh cửa để ngăn gió lạnh mùa đông lùa vào. Bác tiến lại gần người mẹ đang bồng con, âu yếm vén mép chiếc khăn bông nhìn khuôn mặt bầu bĩnh kháu khỉnh của thằng bé. Ông chợt thấy lóe lên một tia sáng trong trí nhớ. Ðúng rồi, tấm ảnh ông đang có trong túi cũng có khuôn mặt y như thế...

Và, ông cố gắng kềm giữ cơn xúc động, nhỏ nhẹ lên tiếng: "Chị ơi, sao chị lại nỡ làm như vậy ? Chị có biết trong suốt những ngày qua, và ngay trong giờ phút này, có một người mẹ cũng đang muốn bồng ẵm chính đứa bé này trong vòng tay không ?" Người đàn bà như khuỵu xuống trên chiếc ghế đẩu gần đó, ôm ghì đứa bé trong tay, bật khóc nức nở trong sự bỡ ngỡ kinh ngạc của người chồng vì không hiểu đầu đuôi sự tình gì cả.

Trong khi người đưa thư chạy vội về ngôi làng gần đó để gọi điện thoại cho đồn cảnh sát tỉnh lỵ, thì bà vợ khốn khổ đã kể lại cho chồng tất cả. Thì ra khi chồng của chị phải đi công tác xa, đến ngày đến tháng, chị đã một mình về thủ đô cách đây hơn 100 cây số, xin vào một bệnh viện phụ sản. Không may, đứa con sinh ra chỉ sống được mấy giờ đồng hồ, các bác sĩ đều bó tay vì cháu bé bị bệnh tim bẩm sinh.

Sau hai ngày lưu lại dưỡng sức, chị đã xuất viện trong tâm trạng đau khổ cùng cực, vì biết được từ nay gia đình chị sẽ vĩnh viễn không bao giờ có bóng dáng của con trẻ, nếu lại có thai, đứa bé sau cũng sẽ không sống được vì bị di truyền bệnh tim nan y từ người mẹ. Chị lại nghĩ đến nỗi tuyệt vọng của người chồng khi trở về. Chị tự dằn vặt, cho rằng tất cả mọi bất hạnh đều do lỗi của mình.

Thế rồi, đang khi thất thểu lang thang đưa bước chân vô định, chị thấy mình đứng trước một siêu thị chỉ chuyên bán mọi thứ hàng hóa thực phẩm cho trẻ em. Chị quyết định bước vào để hưởng một chút cái cảm giác hạnh phúc của một người mẹ đi tìm mua quần áo cho con mình. Ngang qua cửa vào, chị chợt nghe tiếng khóc trẻ thơ sơ sinh bật từ một trong những chiếc xe nôi đậu trong một khu vực riêng, chị lại gần nhìn ngắm thằng bé. Ôi, sao nó giống đứa con đã mất của chị thế ! Thằng bé nhìn thấy chị thì nín khóc ngay, lại còn nhoẻn chiếc miệng xinh xắn cười với chị.

Thế là chị không còn suy nghĩ gì nữa, lặng lẽ đẩy chiếc xe nôi ra cửa. Mọi người đều nhìn "mẹ con" chị một cách trìu mến, thậm chí nhiều lần chị đã phải gượng mỉm cười cám ơn khách qua đường vì một lời chúc Giáng Sinh hạnh phúc cho gia đình của chị. Không một ai ngờ rằng chị đã đánh cắp đứa bé. Có người còn cho chị đi nhờ xe ra ngoại ô ven đô. Ở đây, chị bỏ lại chiếc xe nôi cồng kềnh bên vệ đường, rồi lại đón xe đi nhờ nhiều chặng cho đến khi về tới nhà.

Ðến lúc này thì tin tức lan đi nhanh chóng, chị đã nghe được trên ra-đi-ô bản tin và chính giọng nói khẩn cầu nghẹn ngào của người mẹ mất con được phát đi trực tiếp. Thế nhưng, thằng bé đã nằm trong vòng tay của chị, chị không còn muốn rời nó ra nữa. Tuy lương tâm không một lúc nào thôi dằn vặt, chị vẫn lần lữa tự hứa khi chồng chị trở về, sẽ thú nhận tất cả sự thật với anh rồi để anh quyết định. Thế rồi, đến ngày chồng chị hoàn tất công tác để về nhà, vừa mở cửa, khi thấy anh đẩy một chiếc xe nôi mới mua vào nhà, vừa cười vừa la toáng lên vì vui sướng như một đứa con nít. Chị thấy nhói lên trong tâm hồn vì biết rằng chị sẽ không còn có can đảm để nói sự thật phũ phàng cho anh. Mãi mãi đây sẽ là một bí mật ám ảnh suốt cuộc đời chị !

Vậy mà giờ đây tất cả đã chấm dứt ! Trong khi bác đưa thư ngồi khư khư ôm thằng bé trong vòng tay, vợ chồng chị ủ rũ ngồi trên băng sau chiếc xe của sở cảnh sát thủ đô được biệt phái về đón. Bên ngoài là đoàn xe mô-tô của đồn cảnh sát địa phương tự nguyện rầm rộ đi áp tải. Ra-đi-ô trong xe đang phát đi bản tin vui nóng hổi, mô tả đã có một đám đông hàng ngàn người đã nhanh chóng tập họp lại ở trước quảng trường hoàng cung vì biết được quyết định mới nhất: cuộc hội ngộ của gia đình cháu bé sẽ được diễn ra ngay trong phòng lễ tân của cung điện, với sự chứng giám của chính đức vua và hoàng hậu, của chính phủ và đại diện báo chí cả nước !

Giây phút cảm động nhất là lúc bác đưa thư rưng rưng nước mắt trao trả đứa bé vào vòng tay bà mẹ cũng đang nghẹn ngào không nói nên lời. Vâng, chính nhà vua và hoàng hậu cùng mọi người có mặt cũng không cầm được nước mắt mừng vui trong tràng pháo tay vang động cả hoàng cung.

Thế nhưng, có duy nhất một người cũng đang khóc, mà là khóc cho sự đau khổ và niềm ân hận sám hối, "bà mẹ giả" ấy quỳ sụp xuống dưới chân bà mẹ đích thật để xin thứ lỗi, chị sẵn sàng chấp nhận mọi hình phạt nặng nhất mà pháp luật quy định ! Bên cạnh đó, người chồng khốn khổ cũng lặng lẽ đến cúi đầu đứng trước người chồng vừa tìm lại hạnh phúc. Hoàng hậu tiến lại gần cả hai đôi vợ chồng và lên tiếng: "Ta xin hỏi anh chị một câu chân thành: Anh chị có tức giận oán ghét gì đối với đôi vợ chồng đã gây ra nỗi bất hạnh khủng khiếp cho anh chị trong suốt gần một tuần lễ vừa qua không ?"

Bà mẹ trẻ cười tươi trong nước mắt mừng vui trả lời ngay: "Bẩm đức hoàng hậu khả kính, giờ đây, chúng con đã tìm lại được cháu bé. Bồng nó trong tay, ngay phút đầu, chúng con đã hiểu được ngay rằng trong những ngày vừa qua, cháu bé đã được anh chị đây chăm sóc yêu thương đến mức nào. Chúng con cũng vừa biết được nguồn cơn mọi bất hạnh của anh chị ấy. Là phụ nữ với nhau, bản thân con hiểu hơn ai hết, thế nào là nỗi đau khổ của một người mẹ mất con, một người vợ không còn có thể sinh cho chồng một đứa con khác. Con thành khẩn xin hoàng hậu và chính phủ được bãi nại tất cả cho chị ấy. Còn anh ấy thì thật sự vô can vì không cố tình..."

Hoàng hậu lại trìu mến và chậm rãi nói với cả hai đôi vợ chồng: "Ta đề nghị thế này: vì ta biết anh chị vẫn chưa kịp đưa cháu bé đến Nhà Thờ để chịu Bí Tích Thanh Tẩy, hình phạt dành cho người vợ "chủ mưu" và người chồng "vô tình đồng lõa" này, đó là: họ sẽ "phải" nhận trở thành cha mẹ đỡ đầu cho cháu bé trong Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh đêm nay. Chính ta sẽ đề nghị với Ðức Tổng Giám Mục chủ lễ việc trọng đại này. Phần ta, ta hứa sẽ nhận là "bà ngoại" của thằng bé để trợ cấp cho việc nuôi nấng dạy dỗ nó suốt đời. Vậy các khanh có đồng ý với một "bản án" như thế không ?"

Lại thêm những tràng pháo tay không dứt thay cho câu trả lời của cả hai đôi vợ chồng. Niềm vui xúc cảm như òa vỡ. Tất cả diễn tiến cuộc gặp gỡ kỳ diệu trong hoàng cung được trực tiếp truyền hình cho cả nước. Mọi người ùa đến quây lấy cả hai đôi vợ chồng để chúc mừng và tặng quà. Chỉ duy có một người vẫn đứng yên một chỗ, dáng vẻ buồn buồn cam chịu, đó là bác đưa thư già độc thân, người đã có công phát hiện đứa bé mất tích. Chi tiết này không qua khỏi đôi mắt tinh tế và từ ái của hoàng hậu.

Hoàng hậu tiến lại phía người đưa thư khiêm tốn, kéo theo sau những phóng viên đài truyền hình không bỏ lỡ bất cứ một hình ảnh đặc biệt nào trong một dịp vui như thế này. Trong phút chốc, bầu khí dịu lại rồi im ắng hẳn. Mọi người hướng mắt nhìn về phía hoàng hậu và bác phát thư. Bà trang trọng tuyên bố: "Thay mặt cho toàn vương quốc Ðan-mạch, ta ban thưởng Huân Chương Danh Dự của hoàng gia cho người đưa thư có công lớn này ! Và để mừng cho sự kiện hôm nay, ta đã xin đức vua ban lệnh kịp thời tổ chức mọi cuộc vui trọng thể nhất trong cả nước !"

Bác đưa thư già đưa mắt nhìn sang đôi vợ chồng hạnh phúc, rồi cúi đầu rụt rè thưa: "Tâu hoàng hậu khả kính, thần dân xin đón nhận niềm vinh dự mà cả đời phục vụ trong ngành bưu chính thần không bao giờ dám mơ ước tới. Nhưng thần cũng xin ban cho thần một đặc ân: đó là cho phép thần được nhận làm "ông nội đỡ đầu" của thằng bé. Thần chỉ có một thân một mình, cũng đã gần ngày phải nghỉ hưu, thần sẽ xin được dọn về ở gần gia đình anh chị đây để sớm hôm qua lại thăm nom chơi đùa với cháu. Suốt dọc đường về đây, thần đã lãnh nhiệm vụ bồng ẵm thằng bé, và bây giờ thì thần sẽ rất buồn nếu phải xa nó ! Xin hoàng hậu và cũng là xin anh chị đây chấp thuận cho thần lời khẩn nài chân thành nhất ấy..."

Không đợi hoàng hậu và cha mẹ em bé kịp lên tiếng, cả phòng lễ tân rộng lớn như vỡ tung vì tiếng hoan hô của mọi người. Ðúng lúc ấy, chuông Nhà Thờ Chính Tòa ở thủ đô Copenhagen rộn rã báo hiệu giờ Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh đã đến gần. Vâng, đêm nay, Chúa Giê-su đã sinh xuống làm người, làm một trẻ bé dễ thương ngay giữa lòng đất nước và dân tộc Ðan-mạch như thế đó...

Lm. LÊ QUANG UY ghi lại từ một truyện đăng trên báo TIN VUI

CÂU TRUYỆN 2:

MÓN QUÀ NHỎ ÐÊM GIÁNG SINH

Tại một đất nước Âu Châu, mùa đông năm ấy, một em bé 13 tuổi ở vùng ngoại ô, nghe biết nhà trường, nơi cậu đang đeo đuổi bậc trung học, thông báo về một đợt lạc quyên tiền bạc và phẩm vật làm quà Giáng Sinh cho các trẻ em nghèo trong vùng.

Thế là, em bé vốn đã dành dụm từ những món chi tiêu ít ỏi hàng ngày trong suốt nhiều tháng qua, nay được vừa tròn 15 đồng, cậu quyết định đón xe đò từ ngôi làng ở ngoại ô để về thành phố cách xa gần 10 cây số. Bất ngờ, một trận bão tuyết ập đến dữ dội, làm tắc nghẽn mọi hoạt động giao thông. Không hề bỏ cuộc, cậu bé xuống xe, co ro lội bộ băng qua cánh đồng tràn ngập tuyết trắng xóa và gió lốc lạnh buốt.

Ông hiệu trưởng nghe báo có một người muốn gặp, hiện đang đợi ở phòng tiếp khách. Ông đã thật sự kinh ngạc và xúc động khi nhận được món tiền nhỏ bé từ tay cậu học trò, bởi vì, không phải ai khác, chính cậu là một trong những trẻ em nghèo mà ông và nhà trường đã đưa vào danh sách sẽ được nhận quà Giáng Sinh năm ấy !

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI tập 4

THÔNG TIN:

NHỮNG KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Một Linh Mục ẩn danh giúp bữa cơm Ðêm Noel cho đồng bào dân tộc Kontum về dự Lễ......................... 500.000 VND

- Giáo Dân và ca đoàn GX. Giu-se, Bàn Cờ ( Sài-gòn ) tặng quà Noel cho GLV dân tộc Kontum................................................ 6.000.000 VND

- Một người ẩn danh và bà Thanh Sơn ( Hoa Kỳ ) tặng quà Noel cho GLV dân tộc Kontum ...................................  250 USD

- Giáo Xứ Mẫu Tâm, Tân Bình ( Sài-gòn ) giúp người nghèo ............................................................................  7.700.000 VND

- Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, quận 3 ( Sài-gòn ) giúp Quỹ Gospelnet ................................................ 13.000.000 VND

- Một Giáo Dân Giáo Xứ Giu-se, Bàn Cờ ( Sài-gòn ) giúp người nghèo .............................................................  500.000 VND

- Gia đình bà Trần Kim Hoan, Xóm 4, Giáo Xứ ÐMHCG ( Sài-gòn ) giúp người nghèo ...............................  1.000.000 VND

- Một ân nhân ẩn danh ( Hoa Kỳ ) qua chị Cao Thị Bình giúp trại phong đào giếng nước ..........................  1.540.000 VND

NHỮNG KHOẢN TIỀN CHI ÐỘT XUẤT

- Tiền xe chuyên chở về DCCT số quà và quần áo cũ các nơi gửi tặng GLV dân tộc Kontum ....................  100.000 VND

- Tiền mua bao ny-lon gói quà và đóng thùng gửi cho GLV dân tộc ở Kontum ................................................  200.000 VND

- Tiền mua thuốc và xét nghiệm cho một bệnh nhân nghèo ở Bảo Lộc ............................................................  200.000 VND

CHƯƠNG TRÌNH ÐỞ ÐẦU GIÁO LÝ VIÊN NGHÈO NGƯỜI DÂN TỘC Ở KONTUM

Kể từ ngày 15.10.2002 mở lời kêu gọi trên Gospelnet cho đến hết ngày 16.12.2002, Gospelnet đã nhận được tất cả 160 phần quà đỡ đầu của các ân nhân tại các Giáo Xứ Tân Việt, Giu-se ( Bàn Cờ ), Giáo Xứ Mẫu Tâm và của gia đình các bạn học viên lớp Giáo Lý Bồi Dưỡng Ðức Tin của Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp ( Sài-gòn ), của một số Dòng Tu nữ có trụ sở tại Sài-gòn, gửi về Giáo Phận Kontum cho gia đình các Giáo Lý Viên người dân tộc. Số tiền mặt bỏ trong các bao thư ước độ 12.000.000 VND, ngoài ra còn rất nhiều ảnh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, lịch năm 2003, sách truyện kể Giáo Lý, quần áo cũ mới, mì tôm, chai nước tương, đường cát, sữa hộp, đồ chơi trẻ em, mũ nón, tập vở, bút viết, xà bông cục... Chúng tôi đã nhờ chuyển về Nha Trang để xe vận tải sẽ chuyên chở lên Kontum kịp cho dịp Ðại Lễ Giáng Sinh 2002.

CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG CHO 11 EM Ở KONTUM

Thầy Trần Xuân Sang, Dòng Ngôi Lời, giới thiệu danh sách 11 em học sinh nghèo người Kinh và người dân tộc hiện cư ngụ tại các buôn làng xa xôi của tỉnh Kontum ( tên có chữ A là nam và có chữ Y là nữ ). Gospelnet xin trợ giúp bắt đầu từ tháng 1.2003, mỗi em mỗi tháng được 50.000 VND. Ðợt 1 xin trợ giúp liên tiếp trong ba tháng 1, 2 và 3.2003, tổng cộng: 11 em x 3 tháng x 50.000 VND = 1.650.000 VND. Số tiền này trích từ khoản tiền Hội HELP THE POOR mới gửi về. Xin thay mặt thầy Sang và các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân trong Hội.

01. A TƯ, sinh 1980, học lớp 11, ngụ tại làng Kontum Kơ Nâm.

02. A PHI, sinh 1985, học lớp 9, ngụ tại huyện Thống Nhất, tỉnh Kontum.

03. A TUYÊN, sinh 1985, học lớp 8, ngụ tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kontum.

04. A WEANG, sinh 1986, học lớp 7, ngụ tại làng Ngọc Năng, xã Daktơ-kan, tỉnh Kontum.

05. Y NHIT, sinh 1990, học lớp 6, ngụ tại làng Ngọc Năng, xã Daktơ-kan, tỉnh Kontum.

06. Y HA, sinh 1985, học lớp 10, ngụ tại làng Dak-brong, xã Daktơ-kan, tỉnh Kontum.

07. Y RỖI, sinh 1990, học lớp 6, ngụ tại làng Kon Xơ-lang, xã Daktơ-kan, tỉnh Kontum.

08. NGUYỄN ÐÌNH MINH TÂM, sinh 1991, học lớp 6, ngụ tại huyện Thống Nhất, tỉnh Kontum.

09. NGUYỄN TUẤN LÂM, sinh 1992, học lớp 5, ngụ tại huyện Thống Nhất, tỉnh Kontum.

10. ÐOÀN LINH PHƯƠNG, sinh 1992, học lớp 5, ngụ tại làng Kontum Kơ Nâm.

11. NGUYỄN THỊ YẾN NHI, sinh 1993, học lớp 4, ngụ tại làng Kontum Kơ Nâm.

TRỠ GIÚP XE ÐẠP CHO 10 BẠN GIÁO LÝ VIÊN TẠI XUÂN LỘC

Sr. Tuyết Trinh, Dòng Ða-minh Rosa Lima, giới thiệu 10 bạn trẻ trong số các bạn đang theo học khóa đào tạo Giáo Lý Viên tại Giáo xứ Thừa Ðức của cha Nguyễn Văn khanh, thuộc Giáo Phận Xuân Lộc. Vì mỗi giáo xứ, giáo họ ở cách xa nhau 10 - 12 cây số, đa số gia đình các bạn đều rất nghèo, sống bằng nghề cạo mủ cao-su, hoặc đi làm mướn, phần đông các bạn đã từng phải dở dang việc học vì không có phương tiện để di chuyển. Gospelnet xin trợ giúp cho 10 bạn ở xa Nhà Thờ nhất, mỗi bạn một chiếc xe đạp, trị giá 1 xe là 400.000 đồng, để các bạn có phương tiện đến tham dự khóa học Giáo Lý Viên. Tổng cộng: 4.000.000 VND.


01. HOÀNG VĂN HÙNG, sinh 1985.

02. NGUYỄN VĂN THÔNG, sinh 1987

03. PHẠM THỊ THU LINH, sinh 1985

04. LÃ THỊ LAI, sinh 1987

05. VŨ THỊ NGỌC TUYẾT, sinh 1987

06. NGUYỄN ANH TUẤN, sinh 1985

07. PHẠM THỊ HẠNH, sinh 1987

08. ÐINH VĂN HIỆP, sinh 1985

09. DƯƠNG THỊ LAN, sinh 1985

10. NGUYỄN THỊ MỸ LINH, sinh 1985


CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG CHO 25 EM Ở TỈNH HÀ NAM

Như Gospelnet số 80 đã thông tin, nay xin tiếp tục trợ giúp học bổng tháng 12.2002 cho 25 em học sinh nghèo nhưng hiếu học, ngụ tại làng Thượng Trang, xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, thuộc Giáo Xứ Hạ Trang, Giáo Phận Hà Nội, danh sách do cha Nguyễn Văn Phủ, Giáo Xứ Hạ Trang, Giáo Phận Hà Nội, và thầy Nguyễn Văn Phượng, DCCT, giới thiệu. Tổng cộng: 25 em x 50.000 VND = 1.250.000 VND. Số tiền này trích từ khoản tiền Hội HELP THE POOR mới gửi về. Xin thay mặt cha Phủ, thầy Phượng và các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân trong Hội.